HỘI NGHỊ KHOA HỌC TIM MẠCH KHU VỰC PHÍA NAM LẦN THỨ 10 (NĂM 2011) VỚI CHỦ ĐỀ
“BỆNH TIM MẠCH VÀ CHUYỂN HÓA TRONG THẾ KỶ 21”
Để có một cuộc sống hạnh phúc, cần có một cơ thể khoẻ mạnh và trí lực sung mãn
HỘI NGHỊ KHOA HỌC TIM MẠCH KHU VỰC PHÍA NAM LẦN THỨ 10 (NĂM 2011) VỚI CHỦ ĐỀ
“BỆNH TIM MẠCH VÀ CHUYỂN HÓA TRONG THẾ KỶ 21”
Để có một cuộc sống hạnh phúc, cần có một cơ thể khoẻ mạnh và trí lực sung mãn – và điều đó chỉ có được khi cơ thể dựa trên nền tảng một trái tim thật khỏe mạnh, không xét về tuổi và giới. Song, thực trạng cho thấy: nếp sống và chế độ ăn uống không có lợi cho sức khỏe, tình trạng thừa cân – béo phì, rối loạn chuyển hoá, thiếu hoạt động thể lực và khói thuốc – những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tim mạch và đột qụy – tiếp tục gia tăng ở mức báo động trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Béo phì ở trẻ em đã dẫn đến thành dịch trong một số vùng trên thế giới và đang gia tăng ở một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam (*). Các thống kê cho thấy nếu trẻ em bị thừa cân thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim và đột qụy trước 65 tuổi cao hơn từ 3 đến 5 lần so với trẻ em có cân nặng bình thường.
Bên cạnh đó, thực trạng giới trẻ (có cả trẻ em) hút thuốc hoặc bắt đầu đua đòi hút thuốc cũng đang ở mức báo động (**) – khả năng 1/2 số này nghiện thuốc khi trưởng thành; chưa kể việc bị nhiễm khói thuốc lá thụ động – cũng sẽ bị nhiều loại bệnh như người nghiện hút… Những điều này khiến gia tăng 25% nguy cơ cả ung thư phổi lẫn bệnh tim và tăng 80% nguy cơ đột qụy khi đến độ tuổi 60.
Trẻ em còn có thể mắc phải bệnh thấp tim (do nhiễm trùng trong độ tuổi ấu thơ) cùng nhiều biến chứng nặng nề và khả năng hồi phục hoàn toàn rất thấp.
Đối với Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nguy cơ tai biến tim mạch khi mang thai và sinh nở đã và đang trở nên một vấn đề lớn – gây những nỗi đau không chỉ cho riêng gia đình, mà đôi khi, còn là của cả dòng họ… (***)
Có thể thấy tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường là sự “phân cực” trong xã hội, dẫn đến tình trạng “phân cực” trong lối sống và ăn uống. Bên cạnh tình trạng suy dinh dưỡng – còn rất cao nhưng có xu hướng giảm dần, ngành Y tế đang phải đối mặt với một thử thách lớn là vấn nạn thừa cân, béo phì do rối loạn chuyển hoá. Đây là những yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ra các bệnh lý Xơ vữa động mạch và bệnh Động mạch Vành tim – gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và có tác động tiêu cực đến bệnh lý Đái tháo đường… Nếu không có những giải pháp hợp lý và đồng bộ trong phòng ngừa và trị liệu, vấn đề này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực và trở thành mối quan tâm lớn của xã hội trong tương lai.
Trước những hiểm họa đối với sức khoẻ nói chung và đối với tim mạch nói riêng, Hội Tim Mạch học TPHCM – theo định kỳ 2 năm một lần – tổ chức Hội nghị Khoa học Tim mạch khu vực phía Nam, nhằm tập trung đánh giá các nghiên cứu khoa học tim mạch từ thực tiễn trên lâm sàng; cũng như đưa ra các Khuyến cáo tổng quan về Tim mạch học; đồng thời cập nhật và huấn luyện một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa bệnh tim mạch tiên tiến của Thế giới và khu vực cho các Hội viên.
Hội nghị Khoa học Tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10 (2011) với chủ đề “BỆNH TIM MẠCH VÀ CHUYỂN HÓA TRONG THẾ KỶ 21” được khai mạc trọng thể tại Hội trường Thành Uy thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế… đến từ các Trường ĐH Y Dược, Bệnh viện, Ban Bảo vệ sức khoẻ, Sở Y tế và Trung tâm Y tế các địa phương tại khu vực phía Nam; các chuyên gia tim mạch đến từ Hội Tim Mạch học Việt Nam, CHLB Đức, Singapore, Viện hàn lâm khoa học-giáo dục tim mạch CHLB Đức – Việt Nam và Hội siêu âm y học CHLB Đức.
Hội nghị đã diễn ra rất sôi động từ 25-27/11/2011 dưới sự chủ trì của GS.TS Phạm Gia Khải, GS.TS Đặng Vạn Phước, GS.TS Hoàng Trọng Kim, PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh và các chuyên gia đầu ngành trong Ban Chấp hành Hội Tim Mạch học Việt Nam, Hội Tim Mạch học TPHCM, Hội Tim mạch học Khánh hòa… Chương trình báo cáo tại 3 Hội trường trong 5 buổi, bao gồm: 132 đề tài tập trung vào 13 chuyên đề (bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, siêu âm tim mạch, rối loạn chuyển hóa, liệu pháp thuốc trong điều trị, bệnh van tim và phẫu thuật tim mạch, chăm sóc điều dưỡng bệnh tim mạch, can thiệp tim bẩm sinh, tim mạch học can thiệp, tăng huyết áp, suy tim và một số vấn đề đặc biệt trong thực hành tim mạch), 6 Hội thảo vệ tinh chuyên đề về các vấn đề nóng trong tim mạch học (như: kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ tim mạch, nguy cơ mạch máu tồn dư, huyết khối xơ vữa, vai trò của thuốc chẹn beta thế hệ mới trong điều trị tăng huyết áp và suy tim, Cholesterol tỷ trọng thấp và bệnh tim mạch, công nghệ mới và kinh nghiệm sử dụng máy siêu âm V-scan…)
9839: Đại biểu nhận tài liệu và tham quan gian trưng bày của Công ty NOVARTIS (Nhà Tài trợ Chính của Hội nghị khoa học tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10)
9913: Trước gian trưng bày của Les Laboratoiries Servier (Đơn vị Đồng Tài trợ Hội nghị khoa học tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10)
Điểm đặc biệt của Hội nghị Khoa học Tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10 là vấn đề “Chăm sóc & Điều dưỡng Tim Mạch” lần đầu tiên được đưa thành một Chuyên đề riêng, chính thức khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của điều dưỡng trong phối hợp trị liệu. Hội nghị cũng vui mừng chứng kiến Đại hội thành lập Hội Nhịp tim học TPHCM và Đại hội nhiệm kỳ 2011-2016 của Hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh. Một số ca can thiệp tim mạch bẩm sinh được đưa ra tranh luận trực tiếp qua truyền hình trực tuyến giữa phòng mổ với hội trường đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bác sỹ trẻ. Một số trường hợp can thiệp tim mạch thất bại được đưa ra thuyết trình và phản biện với sự tham gia của các bác sỹ Việt Nam và CHLB Đức cũng là một điểm mới của Hội nghị lần này.
Những Khuyến cáo và các đề tài báo cáo chính thức trong Hội nghị lần thứ 10 là những tài liệu tham khảo hữu ích và rất quan trọng đối với đội ngũ Thầy thuốc để xử trí kịp thời và chính xác trong lâm sàng. Thực tế các kỳ Hội nghị đã cho thấy, từ những nghiên cứu trên thực tiễn lâm sàng được báo cáo và các khuyến cáo về từng lĩnh vực bệnh học được đưa ra, đã có nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị được các Cơ sở Y tế đưa thành thường quy – đạt hiệu quả cao và mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh, cũng như tiết kiệm được công sức của đội ngũ y bác sỹ trong bối cảnh “thường xuyên quá tải bệnh nhân” tại các Cơ sở Y tế hiện nay…
BAN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
______________________________________________________________________
GHI CHÚ :
(*) Tại TP.HCM, thực trạng thừa cân-béo phì đang gia tăng rất nhanh; một kết quả điều tra cho thấy: tỉ lệ thừa cân ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng gần gấp 3 lần trong vòng 5 năm (từ 2,1% năm 1999 lên 6% năm 2004), học sinh tiểu học tăng gấp 1,5 lần trong vòng chỉ 1 năm (từ 3,9% năm 1999 lên 6% năm 2000) và tăng gấp đôi sau 6 năm (12,2% năm 1997 lên 22,7% năm 2003); trong khi đó ở các nước đã phát triển (như Mỹ, Nhật…) tỉ lệ thừa cân, béo phì chỉ tăng gấp đôi trong vòng 15-20 năm… Đáng chú ý, hiện tại tỉ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng ngang bằng hoặc vượt qua tỉ lệ suy dinh dưỡng, ví dụ như ở nhóm học sinh cấp 1 (9,4% thừa cân, 9,1% suy dinh dưỡng) và lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo (7,8% thừa cân, 5,6% suy dinh dưỡng).
(**)Theo báo cáo khảo sát tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên năm 2003 (Việt Nam GYTS, 2003) được thực hiện ở 5 tỉnh đặc trưng cho các điều kiện địa lý, kinh tế – xã hội của Việt Nam (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, Tuyên Quang) cho thấy tỷ lệ học sinh trong độ tuổi 13 – 15 hút thuốc lá rất cao (3 – 8%).
(***) Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm trên toàn Thế giới có khoảng 200 triệu phụ nữ có thai, trong số đó có khoảng nửa triệu sản phụ bị tử vong do hậu quả của các biến chứng có liên quan đến thai nghén (99% số sản phụ tử vong là ở các nước đang phát triển – trong đó có Việt Nam). Trong đó, nguyên nhân tử vong do các bệnh tim mạch thường gặp là Tăng huyết áp (12%) và các bệnh tim mạch khác (20%).
Theo các nghiên cứu của Bộ Y tế nước ta, ước tính số sản phụ tử vong là 220/100.000 trường hợp sinh đẻ – nguyên nhân do các bệnh tim mạch và tăng huyết áp (sản giật và tiền sản giật) gây tử vong khoảng 35%.
Khi mang thai, cơ thể người Phụ nữ có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, sinh hoá, huyết học, nội tiết, tuần hoàn. Sự thay đổi về huyết động là lâu dài và tăng dần gánh nặng lên hệ tuần hoàn – ở phụ nữ khoẻ mạnh thì hệ thống tim mạch-tuần hoàn của họ có thể thích ứng được sự thay đổi này, nhưng đối với những phụ nữ bị bệnh tim mạch (hoặc có nguy cơ cao bị bệnh Tim mạch) thì thai nghén trở thành gánh năng và có thể phát sinh những tai biến dẫn đến tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Để hạn chế các tai biến xảy ra ở các bà mẹ bị bệnh tim mạch (hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch) khi có thai, cần phải có sự theo dõi, tư vấn, điều trị của các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa sản, cùng với sự tuân thủ điều trị của sản phụ và gia đình – bởi vì các biến cố có thể xảy ra ở tất cả các giai đoạn của thai kỳ: quá trình mang thai, lúc sanh đẻ, trong 24 giờ sau sanh và trong thời kỳ hậu sản.