Google search engine

Thể dục – thể thao trong phòng ngừa tiên phát bệnh tim mạch do xơ vữa – P1

BS.CKII THƯỢNG THANH PHƯƠNG

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Lối sống ít vận động đã được biết đến là yếu tố nguy cơ độc lập cho sự phát triển bệnh mạch vành (BMV). Ít hoạt động thể lực là các hoạt động ít tiêu tốn năng lượng suốt cả ngày như xem truyền hình, sử dụng máy tính, chơi trò chơi điện tử hoặc đi xe hơi.. sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh mạn tính do thoái hóa và tử vong.1, 2 Hơn 3/4 số ca tử vong do các bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa chỉ bằng thay đổi lối sống thích hợp, và việc áp dụng lối sống lành mạnh như tăng cường hoạt động thể lực và giảm lối sống tĩnh tại cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2, đột quỵ và biến cố tim mạch, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong.3, 4 Ngày nay, cộng đồng chung đã nhận thức rõ về lợi ích này và nhiều người đã chủ động thực hiện các chương trình tập thể dục với kỳ vọng sẽ ngăn ngừa hiệu quả bệnh tim mạch do xơ vữa (BTMXV). Tập thể dục thường xuyên được khuyến cáo như một biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tim mạch tiên phát và thứ phát trong hầu hết các khuyến cáo của các hiệp hội chuyên khoa.5, 6 Và ở bài viết này, chúng ta cùng bàn bạc trả lời 4 câu hỏi:

  1. Tập thể dục thể thao bao gồm những loại nào?
  2. Cơ sở lý luận và bằng chứng nào cho thấy lợi ích của việc tập thể dục thể thao?
  3. Khi nào tập thể dục thể thao an toàn?
  4. Kê đơn tập thể dục thể thao sao cho thích hợp trong chiến lược dự phòng tiên phát?

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

  1. Tập thể dục thể thao bao gồm những loại nào?
  • Hoạt động thể chất (Physical activity) được định nghĩa là bất kỳ vận động nào của cơ thể do co cơ vân tạo ra dẫn đến tiêu hao năng lượng.7
  • Tập thể dục ((Exercise) là hoạt động thể chất nhưng đã được cấu trúc hóa, lặp đi lặp lại có mục đích nhằm cải thiện hoặc duy trì một hay nhiều thành phần trong sức khỏe thể chất.7
  • Sức khỏe thể chất (Physical fitness) được thể hiện bằng 5 thành phần chính (hình 1): thành phần hình thái-morphological component (khối lượng cơ thể liên quan với chiều cao, thành phần cơ thể, phân bố mỡ dưới da, mỡ nội tạng, mật độ xương và tính thích ứng linh hoạt); thành phần cơ bắp-muscular component (độ mạnh hoặc sức bật, độ mạnh đẳng trường, độ bền của cơ bắp); thành phần vận động-motor component (tính nhanh nhẹn, thăng bằng, phối hợp, tốc độ di chuyển); thành phần tim phổi-cardiorespiratory component (độ bền hoặc khả năng gắng sức dưới ngưỡng, độ mạnh aerobic tối đa, chức năng tim phổi và huyết áp) và thành phần chuyển hóa-metabolic component (tính dung nạp glucose, nhạy cảm insulin, chuyển hóa lipid và lipoprotein, đặc điểm oxy hóa cơ chất).7

Hình 1: Các thành phần của sức khỏe thể chất7

Nguyên tắc cơ bản để xem các đặc tính trong tập thể dục cần áp dụng khái niệm ‘FITT‘ (tần suất-frequency,cường độ-intensity, thời gian-time và loại-type). Cách thức tập thể dục (Mode of exercise training) cũng là đặc tính quan trọng cần lưu ý.

Bảng 1: Đặc tính FITT của tập thể dục7

Đặc tính của tập thể dục – FITT Tần suất
(Frenquency)
Cường độ
(Intensity)
Thời gian
(Time)
Loại
(Type)
Số buổi /tuần

Số lần /buổi

Độ bền: tính trên %VO2 đỉnh hoặc % của nhịp tim đỉnh hoặc % của nhịp tim dự trữ

Độ mạnh: tính trên % của 1 RM hoặc % của 5RM hoặc % của  nhịp đỉnh hoặc % của nhịp dự trữ trong gắng sức hỗn hợp

Độ dài:

.Chương trình tập thể dục trong tuần hoặc tháng

.Số ngày tập luyện/tuần

.Thời gian buổi tập luyện/ngày

.Số giờ/buổi tập luyện

.Độ bền (chạy bộ, xe đạp, chèo thuyền, đi bộ, bơi lội)

.Độ mạnh hoặc tập luyện kháng lực

.Tốc độ và độ bền

.Độ dẻo dai (test ngồi và vươn vai, test căng lưng, test vận động bên)

.Phối hợp và thăng bằng

Cách thức tập thể dục (Mode of exercise training) -Chuyển hóa: aerobic hay anaerobic

-Hoạt động của cơ:

Đẳng trường (isometric) hay đẳng trương (isotonic)

Động (co cơ – concentric hay dãn cơ – eccentric) hay tĩnh

Liên tục hay cách quãng

Dùng nhóm lớn hay nhóm nhỏ cơ

RM: repetition maximum – tải trọng tối đa của 1 lần lặp lại; VO2 = oxygen consumption – tiêu thụ oxy

Tập thể dục (Exercise)  được phân thành 2 loại là các bài tập cho độ bền (endurance) và các bài tập cho kháng lực (resistance) hay độ mạnh (strength). Ngày nay có thêm các phân loại khác bao gồm:

  • Liên quan đến chuyển hóa: thể dục aerobic (aerobic exercise) và thể dục anaerobic (anaerobic exercise)
  • Thể dục aerobic (Aerobic exercise) hay còn gọi là hoạt động cho sức bền: hoạt động được thực hiện ở cường độ cho phép chuyển hóa năng lượng dự trữ diễn ra chủ yếu thông qua quá trình đường phân hiếu khí (aerobic glycolysis). Bên cạnh con đường đường phân, quá trình chuyển hóa chất béo (β-oxy hóa) cũng được tham gia trong quá trình tập thể dục. Thể dục aerobic liên quan đến số lượng lớn các nhóm cơ thực hiện các hoạt động lặp đi lặp lại cường độ thấp đến trung bình trong một khoảng thời gian dài, dẫn đến tăng đáng kể nhịp tim và làm tiêu hao năng lượng. Ví dụ về tập thể dục aerobic bao gồm đạp xe, chạy và bơi lội… ở cường độ thấp đến trung bình.
  • Thể dục anaerobic (anaerobic exercise) là hoạt động được thực hiện ở cường độ cao không dai dẳng, bùng nổ năng lượng nhanh chóng với một sự nổ lực tối đa trong thời gian ngắn và chuyển hóa năng lượng dự trữ được xử lý phần lớn bằng quá trình đường phân yếm khí (anaerobic glycolysis). Hoạt động cơ đẳng trường dai dẳng (sustained isometric) hoặc bài tập cường độ cao ngắt quãng là ví dụ của thể dục anaerobic.7
  • Liên quan đến dạng co cơ:
  • Đẳng trương (isotonic) hay là tập động (dynamic): khi có hoạt động của cơ chống lại lực cản, trong đó có thể là chiều dài của cơ ngắn lại (concentric) hoặc chiều dài của cơ dài ra (eccentric)
  • Đẳng trường (isometric) hay là tập tĩnh (static): khi không có sự thay đổi về chiều dài của cơ. 7

Chương trình tập luyện (training) bao gồm 2 loại:

  • Tập luyện aerobic (Aerobic training) bao gồm cả các bài tập liên tục hoặc ngắt quãng. Có nhiều bằng chứng và khuyến cáo về các bài tập aerobic liên tục và cũng có những bằng chứng mạnh mẽ về lợi ích của việc tập kiểu ngắt quãng. Tập ngắt quãng bao gồm việc hoàn thành các đợt tập thể dục ngắn ở cường độ cao, xen kẽ với các giai đoạn phục hồi. Khi so sánh với tập liên tục, cách tiếp cận này cung cấp thử thách lớn hơn trên hệ tim phổi, mạch máu ngoại biên và hệ thống chuyển hóa. Tập luyện ngắt quãng có tác dụng làm cho hăng hái và năng động hơn quá trình tập luyện liên tục truyền thống. Tập ngắt quãng chỉ nên được áp dụng ở những bệnh nhân tình trạng tim mạch đã ổn định vì nó tạo gánh nặng cao hơn cho hệ tim mạch.8
  • Tập luyện đối kháng (Resistance training):
  • Cường độ tập (Exercise intensity): Cường độ tập đối kháng thường được các chuyên gia kê đơn điển hình với thuật ngữ của 1 lần lặp lại tối đa (1 RM-one repetition maximum). Một RM được định nghĩa là trọng lượng tối đa mà một người có thể nâng với 1 lần lặp lại. (ví dụ nếu có thể nâng tối đa tạ nặng 60 kg thì 1 RM khi đó là 60 kg). Việc xác định 1RM sẽ là cơ sở để đẩy mức tạ đến ngưỡng mà cơ thể có thể chịu được. Tránh việc chọn tạ quá nặng gây ra chấn thương khi tậphoặc tạ quá nhẹ thì không có tác dụng phát triển cơ bắp. Mặc dù 1 RM là cách tiếp cận an toàn để đánh giá độ mạnh và không có biến cố tim mạch, nhưng vì lý do cho sự thuận tiện, nên trên thực tế hay sử dụng nhiều lần lặp lại, thường chọn là 5 lần tức là 5 RM. Năm RM là trọng lượng tối đa mà một người có thể thực hiện 5 lần. Như vậy 1 RM chúng ta có thể ước tính chính xác nó sau vài lần lặp lại và 5 RM sẽ là sự phản ánh thích hợp cho độ mạnh tối đa (maximal strength).9
  • Vùng tập luyện (Exercise training zones): các bài tập sử dụng < 20% của 1 RM thường được xem như là tập luyện aerobic cho độ bền. Khi các bài tập > 20% của 1 RM, các mao mạch của cơ sẽ bị nén trong quá trình co cơ dẫn đến đáp ứng kích thích thiếu oxy do tác động của quá trình tập luyện. Số lần lặp lại nên tỉ lệ nghịch với cường độ tập luyện. Cường độ tập luyện vừa phải thì từ 30–50% của 1 RM với 15–30 lần lặp lại được xem là bài tập luyện sức bền cho cơ bắp. Cường độ luyện tập cao hơn từ 50–70% của 1 RM với 8–15 lần lặp lại là bài tập tối ưu để tăng về độ mạnh.7, 10
  • Tải lượng tập luyện (Training volume): Tăng độ mạnh cho cơ bắp tối ưu xảy ra khi tập đối kháng được thực hiện 2-3 lần/tuần. Các phương pháp tập luyện sức đối kháng thường có 2 cách tiếp cận là tiếp cận theo cụm hoặc tiếp cận xoay vòng. Trong cách tiếp cận theo cụm quen thuộc, chúng ta điển hình sẽ hoàn thành tất cả các chuỗi bài tập nhất định cho mỗi nhóm cơ trước khi chuyển sang bài tập cho nhóm cơ khác. Trong cách tiếp cận xoay vòng, chúng ta thường thực hiện bài tập về một nhóm cơ nhất định và sau đó luân phiên sang bài tập về nhóm cơ khác cho đến khi hoàn thành toàn bộ các bài tập cho các nhóm cơ. Nên thực hiện 1-3 hiệp, mỗi hiệp 8–15 lần lặp lại bao gồm các động tác gập duỗi dẻo dai và mở rộng cho từng nhóm cơ. Tập nhiều hiệp thì cho thấy sẽ ưu việt hơn 1 hiệp. Nên áp dụng từ 8–10 bài tập đối kháng để bao phủ hầu hết các nhóm cơ. Sức mạnh cơ bắp được duy trì tốt nhất khi chúng ta sử dụng các khoảng nghỉ 3-5 phút thay vì chỉ là các khoảng nghỉ ngắn (<1 phút).7, 11
  • Phương thức (Mode of training): Luyện tập sức đối kháng có thể là các bài tập đẳng trường (isometric) hay còn gọi là tập tĩnh (static) tức là chiều dài cơ không thay đổi và không chuyển động khớp. Hoặc là các bài tập đẳng trương (isotonic) hay còn gọi là tập động (dynamic) với sự thay đổi chiều dài của cơ và chuyển động của khớp.7

Tập thể thao (sport): hầu hết các môn thể thao đều bao gồm cả 2 thành phần trong đó là co cơ đẳng trương và co cơ đẳng trường. Các hoạt động đối kháng có thể được thực hiện theo cách động hoặc theo cách tĩnh. Chọn lựa môn thể thao đòi hỏi tích hợp thành phần kiểm soát vận động (với các cấp độ kỹ năng, độ mạnh, độ bền…) với các mức cường độ thực hiện (thấp, trung bình, cao). Các cường độ này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại hình thể thao hoặc mức độ chuyên nghiệp hay nghiệp dư hoặc chỉ là giải trí khi thực hiện môn thể thao đó.7

Hình 2: Rèn luyện thể thao liên quan đến loại thành phần chủ yếu (kỹ năng, độ mạnh, hỗn hợp và độ bền) và cường độ tập luyện. (Cường độ tập luyện phải cá thể hóa sau khi đã test gắng sức thể lực tối đa, kiểm tra tại thực tế và/hoặc sau khi test độ mạnh cơ bắp)7

  1. Cơ sở lý luận và bằng chứng nào cho thấy lợi ích của việc tập thể dục thể thao?
    • Về cơ sở lý luận:

Tập thể dục thể thao đã mang lại lợi ích rất lớn trên tim mạch, tâm sinh lý và các yếu tố thể chất khác. Nó còn có tác dụng trong việc kiểm soát cân nặng và một số yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng khác như: Cải thiện thành phần lipid (giảm triglycerid và tăng HDL, với các tác động khác nhau trên cholesterol toàn phần, LDL và VLDL); giảm HA (chạy bộ 2 dặm hoặc đi xe đạp trong 45 phút, trong vòng 4 tuần, có thể làm giảm huyết áp từ 5 đến 15 mmHg ở bệnh nhân THA); điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường týp 2 (tăng hoạt động của các enzym ty thể, cải thiện năng lượng cơ bắp, giảm đề kháng insulin).5, 12 Vậy cơ chế bên dưới là gì? Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch với những thay đổi tích cực trên chức năng tim, phân phối oxy, mạch máu, mô ngoại biên và phản ứng viêm. Nó làm giảm nhu cầu oxy cơ tim, tăng cung lượng tim tối đa, giảm HA khi nghỉ và cải thiện việc cung cấp oxy khắp cơ thể thông qua việc thúc đẩy quá trình giãn mạch và tăng sinh mạch làm tăng khả năng tế bào cơ chiết xuất và sử dụng oxy từ máu.12, 13 Mặt khác, tập luyện cũng làm tăng quá trình sinh học ty thể trong tế bào mỡ, hệ thống các vi ống trong tế bào cơ vân và tế bào cơ tim, có tác dụng chống viêm lâu dài, giảm kết dính và kết tập tiểu cầu, giảm PAI-1 và độ nhớt máu. Myokine được giải phóng từ cơ vân trong quá trình tập luyện, qua trung gian tác dụng chống viêm thúc đẩy trao đổi thông tin giữa các mô giúp mang thêm nhiều lợi ích.13 Ngoài ra tập thể dục sẽ giúp cải thiện chức năng hô hấp, tái phân bố lại mô mỡ, đồng thời có tác động tích cực trên tâm sinh lý, làm giảm lo lắng căng thẳng, cải thiện cảm xúc và tăng chất lượng cuộc sống (hình 3).

Hình 3: Cơ chế tác động của tập thể dục lên sức khỏe tim mạch 12

  • Về bằng chứng:

Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan nghịch giữa thói quen tập thể dục với nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tử vong. Mặc dù hầu hết các quan sát được thực hiện ở nam giới, lợi ích tim mạch từ việc tập luyện cũng được tìm thấy tương tự ở nữ giới, trên các nhóm chủng tộc khác nhau, ở bệnh nhân lớn tuổi, và ở các nước khác nhau trên thế giới.14, 15

  • Liên quan đến tập thể dục – Lợi ích tổng thể của tập thể dục đối với nguy cơ nhồi máu cơ tim (NMCT) đã được chứng minh trong nghiên cứu INTERHEART trên các bệnh nhân đến từ 52 quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động thể chất thường xuyên có OR là 0,86 cho lần bị NMCT đầu tiên. Tác dụng có lợi này của việc tập thể dục được ghi nhận ở cả nam và nữ, ở người lớn và trẻ tuổi và ở tất cả các khu vực trên thế giới.16

Nam giới – Thói quen hoạt động thể chất được phân tích ở 10.269 cựu sinh viên Harvard (tuổi trung bình là 58) trong 1 nghiên cứu hồi cứu kéo dài hơn 12 năm. Những người tham gia hoạt động thể thao cường độ vừa phải (được định nghĩa là tổng mức độ hoạt động thể lực > 4200 kJ/tuần hoặc đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội giải trí, sửa nhà và làm vườn 30 phút/ngày trong hầu hết các ngày) có nguy cơ tử vong thấp hơn 23% so với những người ít vận động. Sự cải thiện sống còn khi tập thể dục tăng thêm khi áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống khác như ngừng hút thuốc, kiểm soát tăng huyết áp và giảm béo phì. Việc giảm nguy cơ này cũng được thấy ở nam giới có nhiều yếu tố nguy cơ mạch vành.17

Đi bộ thường xuyên cũng có lợi ở nam giới lớn tuổi. Điều này được minh họa trong 1 báo cáo từ chương trình Tim mạch Honolulu, với 707 người đàn ông đã nghỉ hưu không hút thuốc lá (tuổi trung bình 69) có khả năng tham gia hoạt động thể chất cường độ thấp hàng ngày. Khoảng cách đi bộ được đo ban đầu, sau đó được thu thập trong khoảng thời gian 12 năm cùng với tỷ lệ tử vong. Sau khi hiệu chỉnh cho tuổi, những người đi bộ ≥ 2 dặm/ngày (khoảng 2-8 dặm tương ứng 3,2-12,8 km) có tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể so với những người đi bộ ít hơn 1 dặm/ngày (1,6 km) (23,8% so với 40,5%, RR hiệu chỉnh 1,8). 14

Phụ nữ – Nghiên cứu Nurses’ Health Study trên 72.488 phụ nữ 40-65 tuổi cho thấy đi bộ nhanh hoặc tập thể dục cường độ mạnh có liên quan nghịch với nguy cơ biến cố mạch vành. Trong phân tích đa biến, phụ nữ trong nhóm ngũ phân vị có tăng tiêu hao năng lượng thì có RR điều chỉnh theo tuổi đối với biến cố mạch vành lần lượt là 0,88, 0,81, 0,74 và 0,66, cho thấy lợi ích từ việc tập thể dục. Những phụ nữ ít vận động sau đó cải thiện trở nên hoạt động hơn từ giai đoạn trung niên trở đi có tỷ lệ biến cố mạch vành thấp hơn so với những người tiếp tục không hoạt động. Các phát hiện này giống với ghi nhận trong 1 đánh giá trên 70.000 phụ nữ sau mãn kinh trong Nghiên cứu Women’s Health Initiative Observational Study, trong đó việc ngồi lâu của lối sống tĩnh tại dự báo tăng nguy cơ tim mạch. Phụ nữ khỏe mạnh cũng được hưởng lợi từ việc tập thể dục nhẹ đến trung bình và lợi ích có liên quan đến thời gian tập thể dục. Điều này đã được chứng minh trong trong nghiên cứu Women’s Health Study với gần 40.000 phụ nữ khỏe mạnh (độ tuổi trung bình là 54 tuổi). Trong phân tích đa biến, RR của bệnh mạch vành khi đi bộ 1-59 phút, 1-1,5 giờ và > 2 giờ mỗi tuần lần lượt là 0,86, 0,49 và 0,48; và không có mối liên quan với tốc độ đi bộ.14

Loại, cường độ và thời gian tập luyện – Do khả năng, sở thích và lối sống khác nhau nên không thể có việc kê đơn tập thể dục nào có thể làm hài lòng tất cả các bệnh nhân. Tuy nhiên, khi so với không tập thể dục, hầu như bất kỳ hình thức tập thể dục nào cũng sẽ có lợi, chỉ với 1 giờ/tuần cũng mang lại lợi ích đáng kể về nguy cơ mắc bệnh mạch vành và tử vong.

  • Trong một đoàn hệ gồm 44.452 nam giới (từ 40-75 tuổi) tham gia vào nghiên cứu Health Professionals’ Follow-up Study (475.755 bệnh nhân-năm qua theo dõi), các loại hình hoạt động thể chất có liên quan đến việc làm giảm đáng kể nguy cơ BMV:
  • Chạy ≥ 1 giờ/tuần: RR 0,58; KTC 95% 0,44-0,77
  • Chèo thuyền ≥ 1 giờ/tuần: RR 0,82; KTC 95% 0,68-0,99
  • Đi bộ nhanh ≥ 30 phút/ngày: RR 0,82; KTC 95% 0,67-1,00
  • Nâng tạ ≥ 30 phút/tuần: RR 0,77; KTC 95% 0,61-0,98 18
  • Trong nghiên cứu Aerobics Center Longitudinal Study, nghiên cứu thuần tập quan sát tiến cứu trên 55.137 người (tuổi trung bình 44 tuổi; 26% phụ nữ), những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một cuộc khảo sát 4 câu hỏi khi đăng ký về thời lượng, khoảng cách, tần suất và tốc độ của bất kỳ hoạt động chạy bộ nào mà họ đã thực hiện. Sau thời gian theo dõi trung bình gần 15 năm, những người chạy bộ có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và do nguyên nhân tim mạch thấp hơn đáng kể so với người không chạy bộ (HR tương ứng là 0,70; KTC 95% 0,64-0,77 và 0,55; KTC 95% 0,46-0,65]). Ngoài ra, lợi ích về tử vong cũng ghi nhận được đối với tất cả những người chạy bộ bất kể tổng thời gian chạy của họ là bao nhiêu, bao gồm cả những người tham gia chạy dưới 51 phút/tuần.19

Cả hai nghiên cứu đều đồng nhất cho thấy giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong với ít nhất là 1 giờ tập luyện ở cường độ trung bình hoặc cường độ cao mỗi tuần.

Ngoài ra, nhiều bằng chứng cho thấy loại hình luyện tập cường độ cao ngắt quãng (high-intensity interval training -HIIT) ở người lớn, được định nghĩa là những đợt tập thể dục cường độ cao (với  ≥80% của nhịp tim tối đa) xen kẽ với các bài tập cường độ thấp hơn hoặc là nghỉ ngơi cho thấy cải thiện sức khỏe tim mạch và chuyển hóa rõ. Các lợi ích về tim chuyển hóa của HIIT vượt trội hơn hoặc ít nhất là có thể bằng khi so sánh với các bài tập thể dục cường độ trung bình liên tục truyền thống. Với ≥ 12 tuần tập HIIT đã chứng minh là cải thiện đáng kể năng lực hấp thụ oxy tối đa, huyết áp khi nghỉ, nhịp tim, vòng eo và phần trăm mỡ cơ thể ở dân số thừa cân/béo phì.20

  • Liên quan đến sức khỏe thể chất – Mức độ sức khỏe thể chất, được xác định bởi thời gian tập thể dục và mức hấp thụ oxy tối đa trên máy chạy bộ so với các giá trị bình thường theo tuổi và giới tính trên dân số cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ bệnh mạch vành, tử vong tim mạch và tử vong chung.14

Nam giới – Tầm quan trọng của thể lực ở nam giới đã được minh họa trong nhiều nghiên cứu quan sát, tất cả đều cho thấy mối quan hệ nghịch giữa mức độ sức khỏe thể chất và tử vong. Trong nghiên cứu lớn nhất với 18.102 nam giới (trung bình là 58,4 tuổi) không có bằng chứng bệnh tim thiếu máu cục bộ được trải qua test gắng sức giới hạn triệu chứng, từ năm 1986 đến 2011 và được theo dõi trong thời gian trung vị là 10,8 năm.21 Tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân tỷ lệ nghịch và có liên quan đáng kể với mức độ sức khỏe thể chất như sau:

  • Ít phù hợp: dưới ngưỡng > 2 (MET) (HR cho tỷ lệ tử vong 1,52; KTC 95% 1,39-1,67)
  • Phù hợp thấp: dưới ngưỡng từ 0 đến 2 METS (HR 1,21; KTC 95% 1,12-1,31)
  • Vừa phải: trên ngưỡng 0 đến 2 METS (HR 0,71; KTC 95% 0,65-0,78)
  • Phù hợp: trên ngưỡng 2,1 đến 4 MET (HR 0,62; KTC 95% 0,54-0,70)
  • Phù hợp nhất: trên ngưỡng > 4 MET (HR 0,46; KTC 95% 0,39-0,55)

Đối với mỗi tập luyện tăng thêm 1 MET, nguy cơ tử vong sẽ thấp thêm 12%.

Phụ nữ – Những lợi ích tương tự từ việc tập thể lực đã được mô tả ở phụ nữ. Nghiên cứu Lipid Research Clinics bao gồm 2994 phụ nữ không có triệu chứng (trung bình 47 tuổi) trải qua test tập thể dục khi bắt đầu nghiên cứu và được theo dõi trong 20 năm. Có 427 trường hợp tử vong (14%), trong đó có 147 trường hợp (5%) do nguyên nhân tim mạch. ST chênh xuống trong lúc luyện tập (≥1,0 mm) không làm tăng nguy cơ tử vong do tim mạch (HR 1,02 hiệu chỉnh theo tuổi). Ngược lại, những phụ nữ dưới mức trung vị về khả năng tập thể dục hoặc phục hồi nhịp tim (cả 2 chỉ số đều được xem là thước đo thể chất) thì nguy cơ sẽ tăng và những phụ nữ ghi nhận dưới mức trung vị của cả 2 biến này thì có nguy cơ cao nhất (HR 3,5 sau hiệu chỉnh đa biến).14

Bệnh nhân lớn tuổi – Việc đo lường thể lực bằng kiểm tra mức độ tập luyện tối đa khó có thể đạt được ở người lớn tuổi do đối tượng này thường có các bệnh lý cơ xương và nhiều hạn chế khác. Một giải pháp thay thế khả thi là thực hiện đi bộ trên hành lang đường dài. Điều này đã được đánh giá trong một nghiên cứu trên 3075 người trong cộng đồng, tuổi trung bình 70-79. Các bệnh nhân được hướng dẫn đi bộ 400 m (khoảng 1/4 dặm). Tại thời điểm 4,9 năm, những người tham gia không hoàn thành cuộc đi bộ có nguy cơ bị hạn chế khả năng vận động và bệnh tật cao hơn đáng kể, và có xu hướng gia tăng tỷ lệ tử vong.22

Hội chứng chuyển hóa – Mối quan hệ giữa sức khỏe thể chất và sự phát triển hội chứng chuyển hóa đã được đề cập trực tiếp trong 1 nghiên cứu tiến cứu trên 9007 nam giới và 1491 phụ nữ không mắc hội chứng chuyển hóa lúc ban đầu. Qua theo dõi trung bình 5,7 năm, hội chứng chuyển hóa phát triển ở 15% nam giới và 3,8% nữ giới. Khả năng phát triển hội chứng chuyển hóa ghi nhận thấp hơn đáng kể ở 1/3 giữa và 1/3 trên của quần thể nam giới có tập luyện sức khỏe thể chất (HR điều chỉnh tương ứng là 0,74 và 0,47) và ở 1/3 trên của quần thể nữ giới có tập luyện sức khỏe thể chất (HR điều chỉnh 0,37).23

(Vui lòng xem tiếp trong kỳ sau)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO