Google search engine

Nắng nóng cũng có thể làm nhồi máu cơ tim

(Bee) – Khi các đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn, mọi người, đặc biệt là người có  bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp cần có  các biện pháp bảo vệ bản thân, tránh nắng nóng.
Những ngày nắng nóng vừa qua, đã có không ít bệnh nhân phải cấp cứu tại Viện Tim mạch Quốc gia vì nhồi máu cơ tim. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, trưởng phòng C4, Viện Tim mạch Quốc gia cho biết, bệnh nhân cấp cứu thường lớn tuổi, nam nhiều hơn nữ. Trong số đó, có một số ca rơi vào “thập tử nhất sinh”. Bệnh nhân vào viện với biểu hiện đau ngực, tức ngực, khó thở nhưng vẫn tỉnh táo.

f
Nên mặc đồ thoáng, uống nhiều nước vào ngày nắng nóng.

Nếu như trời lạnh, mạch máu co lại dễ dẫn đến tai biến mạch máu não thì trời nắng nóng, nhiệt độ cao nhưng không khí ẩm như ở nước ta (nóng ẩm) lại gây nguy hiểm bởi say nắng, say nóng. Người bị say nắng, say nóng thường cơ thể đỏ bừng, mạch đỏ, giãn. Người có tiền sử bệnh tim mạch càng dễ bị say nắng bởi thuốc của người bị bệnh tim mạch thường lợi tiểu. Nước đã thoát ra bởi đường tiểu, nay ở môi trường nắng nóng, mồ hôi lại toát ra nên mất nước dẫn đến mất cân bằng trong cơ thể.

Để phòng tránh say nắng, say nóng, nhồi máu cơ tim, các chuyên gia cảnh báo: Khi trời nắng nóng, không nên ra đường vào giữa trưa, tránh chỗ ngột ngạt, đông người.

Vào những ngày trời nóng, nên mặc đồ thoáng, uống nhiều nước. Khi dùng điều hòa, nên cho độ ẩm không khí thấp xuống. Những ngày quá nắng nóng như 40, 41độC, cân nhắc trong việc để nhiệt phòng khoảng 27 hoặc 29, 30 độC. Nếu nhiệt độ trong phòng quá thấp, giúp mát cơ thể lúc trong phòng, nhưng khi ra ngoài rất dễ bị rối loạn, co mạch, giãn mạch đột ngột.

Để phòng nhồi máu cơ  tim, không chỉ là tránh nắng nóng, mà sâu xa hơn là tránh để thừa cân, béo phì, thay đổi lối sống tĩnh tại, không hút thuốc, tránh lo lắng dẫn  đến stress. Người đã có bệnh mạch vành, cao huyết áp, đái tháo đường… cần dùng thuốc, chữa trị theo đúng chỉ dẫn, phòng biến chứng. Đừng nghĩ, mùa lạnh, trời lạnh mới nguy hiểm bởi dễ tai biến mạch não, mà ngay khi trời nắng nóng, nếu không cẩn thận, cơ thể dễ bị rối loạn, dễ mất mạng do nhồi máu cơ tim.

Uống nước vừa đủ tránh bị pha loãng máu

Để phòng tránh bệnh trong mùa nắng nóng, trước hết, môi trường sống phải được cải thiện, phòng ở thoáng khí, có quạt mát, ăn uống phải đủ chất, đủ nước, nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng chứ không nên ăn nhiều tinh bột. Uống nước lọc vừa đủ để tránh bị pha loãng máu gây ngộ độc nước lọc.

BS Nguyễn Thị Đức Hiền(trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu nội, Bệnh viện Xanh Pôn)

Thủy Hương

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO