Google search engine

Bản tin tổng hợp – Tháng 03/2024

“10 điều lưu ý” từ hướng dẫn ESC năm 2021 về tạo nhịp và liệu pháp tái đồng bộ hóa tim

 

Các hướng dẫn về liệu pháp tạo nhịp và tái đồng bộ nhịp tim cung cấp một cái nhìn tổng quan cập nhật về các chỉ định cho tạo nhịp, quản lý chu phẫu và theo dõi sau phẫu thuật. Điểm nhấn đặc biệt là chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm và việc cùng đưa ra quyết định. 10 khuyến cáo sau đây tóm tắt những điểm chính.

  1. Đánh giá ban đầu bao gồm hỏi tiền sử, khám lâm sàng, xét nghiệm, điện tâm đồ (ECG) và hình ảnh học tim mạch. Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu trong các trường hợp riêng lẻ.
  2. Các triệu chứng liên quan và nhịp chậm là yếu tố rất quan trọng trong đánh giá rối loạn chức năng nút xoang, còn các bệnh lý dẫn truyền dưới nút nên được thúc đẩy cấy ghép máy tạo nhịp vĩnh viễn bất kể triệu chứng. Ở những bệnh nhân bị block hai bó và ngất, chỉ định tạo nhịp dựa trên kết quả điện sinh lý/máy ghi vòng lặp cấy ghép (EPS/ILR) hoặc là dựa trên kinh nghiệm tuỳ ca bệnh.
  3. Tạo nhịp cho bệnh nhân ngất phản xạ nên được xem xét khi tuổi >40 và cơn ngất nghiêm trọng, tái phát, không thể đoán trước và có ngưng tâm thu được ghi nhận đột ngột hoặc ngất kèm theo các triệu chứng trong quá trình xoa bóp xoang cảnh (CSM) hoặc làm test bàn nghiêng.
  4. Liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT) được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim (HF) với nhịp xoang (SR) với phân suất tống máu thất trái (LVEF) ≤35%, khoảng QRS ≥150 ms và hình thái block nhánh trái (LBBB) mặc dù đã điều trị nội khoa tối ưu. Với QRS hẹp hơn (130–149 ms) và hình thái không phải LBBB, khuyến nghị sẽ yếu hơn.
  5. Bệnh nhân có LVEF <40% và tạo nhịp thất phải (RV) dự đoán >20% hoặc bệnh nhân cắt đốt chỗ nối nhĩ thất (AVJ) với LVEF <50% nên được làm CRT.

6.Tạo nhịp nên được xem xét trong các ứng cử viên CRT thất bại với đặt điện cực trong xoang vành (CS) và có thể được xem xét sau khi ‘tạo nhịp và cắt đốt’ hoặc là 1 biện pháp thay thế cho tạo nhịp thất phải nếu LVEF >40%. Điện cực dự phòng trong thất phải nên được xem xét ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

  1. Nên xem xét tạo nhịp không điện cực ở những bệnh nhân không tiếp cận được tĩnh mạch chủ trên hoặc có nguy cơ cao nhiễm trùng khoang dưới da.
  2. Tạo nhịp sau TAVI và phẫu thuật tim:

– Điện cực thượng tâm mạc nên được xem xét ngay sau phẫu thuật van ba lá (TV) và ở những bệnh nhân chọn lọc sau phẫu thuật viêm nội tâm mạc.

– Ở những bệnh nhân thay thế hoặc sửa chữa van ba lá sinh học, nên xem xét đặt điện cực trong xoang vành hoặc thượng tâm mạc.

– Sau TAVI, nên tạo nhịp nếu có block AV kéo dài >24–48 giờ và nên xem xét ở những bệnh nhân có thêm rối loạn dẫn truyền khác hoặc đã có RBBB. Theo dõi holter điện tâm đồ kéo dài hoặc điện sinh lý nên được xem xét ở những bệnh nhân chọn lọc.

  1. Các khuyến nghị về ‘nên làm’ và ‘không làm’ liên quan đến thực hành cấy ghép và quản lý chu phẫu nên được tuân theo.
  2. Trong quá trình theo dõi:

– Chụp cộng hưởng từ và liệu pháp phóng xạ có thể được thực hiện một cách an toàn theo chương trình và theo dõi một cách thích hợp.

– Giám sát từ xa được khuyến nghị ở những bệnh nhân gặp khó khăn khi tái khám tại phòng khám hoặc có thành phần thiết bị cần thu hồi và nên được xem xét để phát hiện sớm các vấn đề.

                             Lược dịch từ “The 10 commandmentsfor the 2021 ESC guidelines on cardiac pacing and cardiac resynchronization therapy”


 

24% người trưởng thành tăng huyết áp bị suy giáp dưới lâm sàng

 

Thông điệp chính

          – Tỷ lệ suy giáp dưới lâm sàng là 24% ở những người bị tăng huyết áp ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, còn ở những người trưởng thành có huyết áp bình thường ở cùng khu vực thì tỉ lệ này là 17%.

          – Tỷ lệ suy giáp dưới lâm sàng cao hơn ở phụ nữ bị tăng huyết áp, ở mức 28%, so với con số 20% ở phụ nữ có huyết áp bình thường. Ở nam giới, tỷ lệ mắc suy giáp dưới lâm sàng là 21% ở những người bị tăng huyết áp và 13% ở những người huyết áp bình thường.

Tại sao điều này lại quan trọng

          – Tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng tăng, nó có khả năng ảnh hưởng tới 28% dân số Trung Quốc.

          – Những người bị suy giáp dưới lâm sàng thường không có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng nên dễ bị bỏ sót.

          – Tăng huyết áp có mối tương quan thuận với các bệnh lý tuyến giáp, nhưng có rất ít nghiên cứu khảo sát tỷ lệ mắc suy giáp dưới lâm sàng ở những người bị tăng huyết áp.

          – Các kết quả nghiên cứu trước đây đã ghi nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa tỷ lệ mắc suy giáp dưới lâm sàng và tăng huyết áp, nhưng mối liên hệ sinh bệnh học giữa hai bệnh này chưa rõ ràng.

Thiết kế nghiên cứu

          – Đây là một nghiên cứu cắt ngang, quan sát 2,818 người trưởng thành được chọn ngẫu nhiên từ tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

          – Các tác giả định nghĩa tăng huyết áp là từ 140/90 mmHg trở lên, huyết áp bình thường là dưới 120/80 mmHg và huyết áp bình thường cao là mức giữa các giá trị này.

          – Họ định nghĩa những người mắc suy giáp dưới lâm sàng là những người có mức FT4 và FT3 bình thường, còn mức TSH thì tăng cao.

Kết quả chính

          – Trong số 2,818 người tham gia nghiên cứu, 21% bị tăng huyết áp, 43% có huyết áp bình thường cao và 36% là huyết áp bình thường. Tỷ lệ chung của suy giáp dưới lâm sàng là 21%.

          – Tỷ lệ suy giáp dưới lâm sàng ở những người bị tăng huyết áp cao hơn đáng kể, 24% so với 17% ở những người có huyết áp bình thường, bất kể tuổi tác.

          – Tỷ lệ suy giáp dưới lâm sàng ở phụ nữ cao hơn đáng kể so với nam giới ở nhóm huyết áp bình thường, bình thường cao và tăng huyết áp, lần lượt là:  20% so với 13%, 28% so với 18% và 28% so với 21%.

          – Tỷ lệ mắc suy giáp dưới lâm sàng ở người tăng huyết áp từ 60 tuổi trở xuống (86% tổng dân số nghiên cứu) là cao hơn đáng kể so với nhóm có huyết áp bình thường: 29% so với 18%.

          – Trong một phân tích đa biến, tăng nhịp tim có liên quan đến tỷ lệ thấp mắc suy giáp dưới lâm sàng ở người tăng huyết áp. Các xét nghiệm như triglycerides, LDL-c, nồng độ kháng thụ thể TSH, kháng thể kháng thyroglobulin và đường huyết lúc đói, khi các chỉ số này tăng có liên quan đáng kể đến sự gia tăng tỷ lệ mắc suy giáp dưới lâm sàng ở những người tăng huyết áp.

Mặt hạn chế: Không chắc rằng 1 lần đo TSH có đủ khả năng phản ánh chính xác chắc năng tuyến giáp hay không.

Đây là bản tóm tắt của một nghiên cứu trước khi xuất bản “Tăng huyết áp và suy giáp dưới lâm sàng: một khảo sát cắt ngang dựa trên dân số tỉnh Cam Túc” của các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Lan Châu, Trung Quốc, đăng trên Research Square và được Medscape cung cấp cho bạn. Nghiên cứu này vẫn chưa được bình duyệt. Toàn văn của nghiên cứu có thể được tìm thấy trên Researchsquare.com.

Lược dịch từ “24% of Adults With Hypertension Have Subclinical Hypothyroidism”

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO