Google search engine

Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sử dụng thuốc giả?

Từ phản ánh của nhiều bệnh nhân về việc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ sử dụng thuốc giả, PV Báo SGGP đã đến bệnh viện này điều tra làm rõ vụ việc. Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tại nhà thuốc bệnh viện có loại thuốc không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế và chưa được kiểm định chất lượng; đồng thời có nhiều vi phạm về quy chế ghi nhãn thuốc.

Những gói thuốc Bary Sunfat giả được phóng viên Báo SGGP mua tại nhà thuốc của BVĐKTƯ Cần Thơ.

Coi thường sinh mạng bệnh nhân

Loại thuốc bệnh nhân phản ánh có nhiều dấu hiệu giả mà Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ) sử dụng có tên Bary Sunfat, nơi sản xuất ghi trên nhãn gói thuốc là Viện Công nghệ hóa học, địa chỉ: số 1 Mạc Đĩnh Chi, Q1, TPHCM. Đáng nói là nhiều thông tin ghi trên gói thuốc rất sơ sài; đặc biệt số đăng ký ghi trên gói thuốc là: 777.91.53 QH “rất lạ” mà những ai trong ngành dược đều “tá hỏa” khi nhìn thấy.

Theo hóa đơn nhập loại thuốc trên của Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ chúng tôi có được, từ ngày 15-12-2008, đơn vị này đã mua về 1.500 gói thuốc Bary Sunfat của Viện Công nghệ hóa học với giá 7.500 đồng/gói. Nơi bán hàng là Cửa hàng dụng cụ y khoa số 9, địa chỉ: 940 đường 3-2, P15, Q11, TPHCM.

Để tìm hiểu loại thuốc này, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với Phòng Quản lý dược của Sở Y tế Cần Thơ. Sau khi được xem gói thuốc Bary Sunfat mà BVĐKTƯ Cần Thơ bán ra, ông Đặng Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế Cần Thơ khẳng định: “Số đăng ký: 777.91.53 QH rất lạ, không có loại thuốc nào trong danh mục lại có số đăng ký như vậy”.

Theo ông Thủy, thuốc muốn được lưu hành trên thị trường, trước hết phải được Bộ Y tế cấp số đăng ký và được hội đồng thẩm định nêu đạt tiêu chuẩn mới cho lưu hành… Ngoài số đăng ký “rất lạ”, gói thuốc cũng vi phạm nghiêm trọng quy chế ghi nhãn thuốc, không ghi trọng lượng gói, ngày sản xuất, số lô…

Để thật sự chắc chắn loại thuốc Bary Sunfat mà BVĐKTƯ Cần Thơ sử dụng là giả, ông Thủy đã liên hệ với Cục Quản lý dược Bộ Y tế và cho biết: “Tôi liên hệ với Phòng đăng ký thuốc của Cục Quản lý dược và nhận được trả lời là không có số đăng ký trên trong danh mục những loại thuốc được đăng ký. Số đăng ký 777.91.53 QH chắc chắn không phải số đăng ký của Bộ Y tế cấp cho các thuốc được phép lưu hành trên thị trường. Như vậy đơn vị nào mua bán, kinh doanh sử dụng thuốc Bary Sunfat này là sai…”.

Trước đó, ngày 11-8-2010, chúng tôi đến bệnh viện này khám bệnh và mua được 15 gói thuốc Bary Sunfat nêu trên với giá 9.000 đồng/gói. Toa thuốc này có đóng dấu đỏ của nhà thuốc BVĐKTƯ Cần Thơ, có chữ ký của dược sĩ Trần Thị Ánh. Qua đó cho thấy ít nhất từ thời điểm nhập thuốc là ngày 15-12-2008 đến ngày 11-8-2010 loại thuốc trên được bán tại nhà thuốc của BVĐKTƯ Cần Thơ cho các bệnh nhân.

Hết thuốc đột xuất!

Sau khi làm việc với Sở Y tế Cần Thơ, sáng 13-9, chúng tôi tiếp tục đến BVĐKTƯ Cần Thơ khám bệnh và mua thuốc Bary Sunfat. Sau khi khám bệnh và yêu cầu được chụp X Quang đại tràng, bác sĩ khám kê đơn thuốc gồm: Bary Sunfat – 2 gói, Sonde hậu môn – 2 ống; găng tay – 1 cặp; giấy vệ sinh – 1 cuộn.

Xuống nhà thuốc của BVĐKTƯ Cần Thơ mua thuốc, kỳ lạ là khi vừa nhìn thấy đơn thuốc có ghi Bary Sunfat, nhân viên bán thuốc đã “xanh mặt”, trả lại đơn thuốc rồi nói: “hết rồi”. Sau đó họ chỉ ra ngoài nhà thuốc phía trước cổng bệnh viện mua. Khó hiểu hơn những thứ rất thông thường khác như Sonde hậu môn, găng tay, giấy vệ sinh cũng… hết đột xuất (!?).

Đem đơn thuốc trở lại khoa khám bệnh ở phòng khám tiêu hóa, bác sĩ cho toa rất ngạc nhiên nói: “Sao kỳ vậy, thuốc này dễ mua lắm, bệnh viện lúc nào chẳng có. Từ sáng đến giờ đã cho toa nhiều người đi mua để chụp X quang dạ dày mà…”.

Đưa toa cho bác sĩ Nguyễn Phượng Vũ, Trưởng khoa khám, BVĐKTƯ Cần Thơ, chúng tôi nhận ngay câu hỏi: “Sao không xuống dưới nhà thuốc của bệnh viện mà mua?”. Nghe trình bày dưới nhà thuốc bệnh viện báo hết, bác sĩ Vũ gọi điện xuống nhà thuốc hỏi “Có bệnh nhân xuống mua thuốc, nghe nói không có thuốc, sao không bán gì hết trơn vậy? Sonde hậu môn, giấy cũng không có à…”. Sau đó, bác sĩ Vũ nói: “Em đi ra ngoài mua, chị không biết gì cả (?)”.

Theo những thông tin và tư liệu chúng tôi có được, số thuốc trên được lãnh đạo bệnh viện đồng ý cho ông Phan Xuân Sinh, nguyên Trưởng khoa Dược, chủ nhà thuốc của BVĐKTƯ Cần Thơ, Chủ tịch Hội Dược học TP Cần Thơ nhập về.

Đến chiều ngày 13-9, số thuốc còn trong kho của BVĐKTƯ Cần Thơ là gần 900 gói đã bị thanh tra và Phòng quản lý dược, Sở Y tế Cần Thơ tiến hành niêm phong chờ xử lý.

Chưa biết những gói thuốc gây hại như thế nào cho các bệnh nhân được chỉ định dùng nó, nhưng rõ ràng khi bán cho bệnh nhân loại thuốc uống không qua kiểm định, không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế trong suốt thời gian dài (từ năm 2008 đến nay) cho thấy BVĐKTƯ Cần Thơ đã coi thường tính mạng của các bệnh nhân đến đây khám bệnh. Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược: Cấm không được sản xuất, buôn bán thuốc chưa được phép lưu hành của Bộ Y tế.

Đình Tuyển
(Theo SGGP)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO