Google search engine

Tổng hợp các câu hỏi và câu trả lời trong hội nghị khoa học tim mạch phía nam lần thứ 17 (Phần 2)

Câu hỏi: Kính thưa thầy TS Ngô Minh Hùng cho em hỏi, đối với hội chứng mạch vành mạn và hội chứng mạch vành cấp liều nạp Plavix trước PCI có khác nhau không ạ? Em xin cảm ơn thầy.

TS. Ngô Minh Hùng trả lời:

Việc sử dụng liều nạp chỉ cần khi can thiệp mạch vành cấp cứu. Trong trường hợp hội chứng mạch vành mạn, nên cho liều thông thường 75 mg/ngày trong 3-4 ngày trước thủ thuật, lúc đó sẽ đạt nồng độ điều trị và không cần phải nạp thuốc. Trong trường hợp lúc đầu chúng ta chỉ có kế hoạch chụp mạch vành và chưa nạp thuốc, nhưng trong quá trình chụp lại thay đổi kế hoạch và tiến hành can thiệp ngay thì phải nạp thuốc 600 mg và có thể can thiệp 2 giờ sau.


Câu hỏi: Em xin hỏi TS. Hùng, theo nghiên cứu PLATO và các nghiên cứu subgroup chúng ta có thể thấy lợi thế của ticagrelor trước clopidogrel ở nhóm bệnh nhân ACS. Tuy nhiên hiện nay lại có rất nhiều các kết quả RWE cho thấy ticagrelor không tốt hơn ở nhóm bệnh nhân cao tuổi, sử dụng stent thế hệ mới so với >60% BMS trong PLATO và có xảy ra những biến cố như xuất huyết, khó thở làm giảm sự tuân trị ở bệnh nhân. Vậy, TS Hùng có thể cho em biết kết quả của nghiên cứu PLATO còn ứng dụng được ở thời điểm hiện tại không?

TS. Ngô Minh Hùng trả lời:

Việc một nghiên cứu RCT cần phải tốn thời gian để ra đời và xác lập thay đổi trong các hướng dẫn. Trường hợp này là nghiên cứu PLATO (2009). Chính vì thế, hướng dẫn không còn cập nhật nhiều vì các tiến bộ khác nhanh hơn (ví dụ: các thế hệ stent, polymer, kỹ thuật can thiệp có hướng dẫn hình ảnh học và các thuốc khác). Guideline được xác lập do nghiên cứu nào đó, thì việc ứng dụng guideline phải nhớ là dân số của chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn chọn bệnh và loại bệnh của nghiên cứu này. Ngoài các tiêu chuẩn này đều là suy diễn và phải dựa vào các nghiên cứu có tiêu chuẩn chọn và loại bệnh gần hơn với bệnh nhân chúng ta đang có trong các nghiên cứu có tính khoa học thấp hơn RCT, ví dụ: sổ bộ lớn, nghiên cứu đời thực và thậm chí là các trường hợp lâm sàng … Khi sử dụng thuốc, một khi đã ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng thì phải tiến hành điều chỉnh ngang (nếu chưa xuống thang được vì lý do thiếu máu cục bộ) hoặc buộc phải xuống thang nếu cân nhắc và chấp nhận rủi ro thiếu máu cục bộ). Lưu ý là nghiên cứu REVERSE-IT (2021) đã có kết quả và ticagrelor đã có antidote là bentracimab cho vấn đề xuất huyết.


Câu hỏi: Thưa các thầy, theo em được biết là đồng thuận về sử dụng P2Y12 của APSC trên bệnh nhân Châu Á hiện có 1 đồng thuận ở mức bằng chứng thấp là nên trì hoãn thời gian xuống thang xuống ít nhất là 1 tháng, nhưng ưu tiên là 3 tháng sau ACS. Tuy nhiên, theo các tài liệu như trong bài báo cáo của thầy Phương thì nên xuống thang sau 1 tháng. Vậy thì, theo kinh nghiệm các thầy, việc xuống thang sẽ nên được thực hiện ở mốc thời gian nào?

ThS. BS. Đặng Duy Phương trả lời:

Cám ơn câu hỏi của bạn,

Thời điểm 1 tháng là thời diểm CÓ THỂ xuống thang trong trường hợp cần thiết dựa trên đánh giá về nguy cơ xuất huyết và nguy  cơ thuyên tắc của bệnh nhân,thời điểm này có thể kéo dài hơn, nếu bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết thấp và nguy cơ thuyên tắc cao hay rất cao.

Nên thời diểm 1 tháng không phải là mốc thời gian bắt buộc.

Trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết rất cao nhưng nguy cơ thuyên tắc thấp, có thể ngưng kháng kết tập tiểu cầu kép ở thời diểm 1 tháng, chuyển sang kháng kết tập tiểu cầu đơn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO