Google search engine

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn của Esh/Esc 2013

TÓM TẮT

Mở đầu:Ngày nay, tăng huyết áp (THA) vẫn là một trong những vấn đề của sức khỏe cộng đồng và tỷ lệ kiểm soát huyết áp trong những thập niên qua đã cải thiện nhưng chưa cao.

Mục tiêu:Khảo sát tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 ở bệnh nhân THA.

 

ThS.BS Trần Công Duy

PGS.TS.BS Châu Ngọc Hoa

Bộ Môn Nội, Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

 

Phương pháp nghiên cứu:nghiên cứu cắt ngang mô tả trên các bệnh nhân THA đang điều trị tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy từ 10/2013 đến 03/2014.

Kết quả:Có 300 bệnh nhân THA tham gia nghiên cứu trong 6 tháng. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp chung theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 là 46,7%. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở các phân nhómkhác nhau: bệnh nhân THA kèm đái tháo đường (ĐTĐ) (không có bệnh thận mạn – BTM): 39,0%; bệnh nhân THA kèm BTM (có hoặc không có ĐTĐ): 43,4%; bệnh nhân THA < 65 tuổi không kèm ĐTĐ và BTM: 48,4%; bệnh nhân THA ≥ 65 tuổi không kèm ĐTĐ và BTM: 55,6%.

Kết luận:Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 cao hơn so với các nghiên cứu trong nước trước đây nhưng còn thấp hơn các nước phát triển.

Từ khóa:Tỷ lệ kiểm soát huyết áp, tăng huyết áp, hướng dẫn của ESH/ESC 2013

 

ABSTRACT

BLOOD PRESSURE CONTROL RATES ACCORDING TO 2013 ESH/ESC GUIDELINES

Background:Nowadays, hypertension is still one of public health issuses and despite the improvements  in blood pressure control rates, they have been low for the past decades.

Objectives: To survey blood pressure control rates according to 2013 ESH/ESC Guidelines amonghypertensive patients.

Methods:Across-sectional study was carried out from October 2013 to March 2014 to investigate treated hypertensive patients at the Cardiovascular Clinic, Cho Ray Hospital.

Results: There were 300 hypertensive patients attending our study during 6 months. The overallblood pressure control rate according to 2013 ESH/ESC guidelines was 46.7%. The blood pressure control rates in different subgroups were 39.0% (patients with diabetes and no chronic kidney diasease – CKD); 43.4% (patients with CKD and with or without diabetes); 48.4% (patients less than 65 years old without diabetes and CKD) and 55.6% (patients older than 65 years old without diabetes and CKD).

Conclusions:The blood pressure control rates according to blood pressure targets of 2013 ESH/ESC Guidelines were higher than those in domestic studies but lower than those in developed countries.

Key words:Blood pressure control rate, hypertension, 2013 ESH/ESC Guidelines

 

MỞ ĐẦU

Ngày nay, THA vẫn là một trong những vấn đề của sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm. Theo Kearney và cộng sự (cs), tỷ lệ hiện mắc THA toàn cầu chiếm khoảng 26% ở người trưởng thành [6]. Với nhiều tiến bộ của y học, sự phát triển của các chương trình sức khỏe cộng đồng và sự nhận thức của người dân, tỷ lệ kiểm soát huyết áp trong những thập niên qua đã cải thiện nhưng chưa cao.

Các nghiên cứu trước đây trên thế giới và ở Việt Nam về tỷ lệ kiểm soát huyết áp đều dựa trên mục tiêu theo khuyến cáo của JNC. Hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị THA gần đây nhất của Hội Tăng Huyết Áp Châu Âu / Hội Tim Châu Âu (ESH/ESC) 2013 [7] có sự thay đổi trong khuyến cáo mục tiêu điều trị ở các bệnh nhân THA. Theo đó, huyết áp mục tiêu là < 140/90 mmHg (ngoại trừ bệnh nhân đái tháo đường, huyết áp tâm trương (HATTr) < 85 mmHg; và ở người cao tuổi, huyết áp tâm thu (HATT) đưa về khoảng 140 – 150 mmHg).

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận chưa có nghiên cứu nào trong nước về tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu của ESH/ESC 2013.

MỤC TIÊU

Khảo sát tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 ở bệnh nhân THA

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu cắt ngang mô tả

Đối tượng nghiên cứu

Bệnh nhân THA đang điều trị ngoại trú tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy từ 10/2013 đến 03/2014.

Tiêu chuẩn chọn bệnh

Các bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu phải thỏa đủ các tiêu chuẩn sau:

·        Bệnh nhân nam hoặc nữ, ≥ 18 tuổi

·        Đã được chẩn đoán và đang điều trị THA

·        Đồng ý tham gia nghiên cứu

Tiêu chuẩn loại trừ

·        Phụ nữ mang thai

·        Đang mắc các bệnh cấp tính nặng: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp, viêm phổi nặng …

·        Bệnh nhân không hợp tác được: bất đồng ngôn ngữ, giảm thính lực, bệnh lý tâm thần…

Phương pháp thu thập số liệu:theo mẫu thu thập số liệu soạn sẵn. Bệnh nhân được đo huyết áp ở tư thế ngồi ít nhất 2 lần cách nhau 1-2 phút tuân theo đúng quy trình và kỹ thuật đo [7], nếu huyết áp 2 lần đo chênh lệch nhau thì đo thêm lần thứ ba và lấy trị số trung bình của 3 lần đo.

Phương pháp xử lý và phân tích số liệu

Sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2007 và SPSS 16.0 để xử lý số liệu.

Kết quả của một phép kiểm khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

KẾT QUẢ

Đặc điểm dân số nghiên cứu

Trong thời gian từ tháng 10/2013 đến tháng 03/2014, tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi chọn được 300 bệnh nhân tham gia nghiên cứu.

Tuổi trung bình là 64,0 ± 12,5. Tuổi nhỏ nhất là 31và lớn nhất là 92. Có 165 bệnh nhân nữ chiếm 55,0% và 135 bệnh nhân nam chiếm 45,0%. Tỷ lệ nữ/nam là 1,2:1.

Bảng 1: Đặc điểm dân số –  xã hội

Biến số

Tần số

Tỷ lệ (%)

Nhóm tuổi

< 45

45 – 54

55 – 64

≥ 65

16

54

92

138

5,3

18,0

30,7

46,0

Nơi cư trú

TP. Hồ Chí Minh

Tỉnh

50

250

16,7

83,3

Bảo hiểm y tế

282

94,0

Tình trạng hôn nhân

Kết hôn

Độc thân

Góa

Ly dị

198

36

45

21

66,0

12,0

15,0

7,0

Trình độ học vấn

Mù chữ

Cấp I

Cấp II

Cấp III

Cao đẳng, đại học

19

47

96

78

60

6,3

15,7

32,0

26,0

20,0

Nghề nghiệp

Cán bộ

Buôn bán

Nông dân

Công nhân

Khác

38

53

59

18

132

12,7

17,7

19,7

6,0

44,0

 

 

Bảng 2: Các yếu tố liên quan THA

Biến số

Tần số

Tỷ lệ (%)

Hút thuốc lá

77

25,7

Vận động thể lực

59

19,7

Chỉ số khối cơ thể

Thiếu cân

Bình thường

Thừa cân

Béo phì

60

147

53

40

20,0

49,0

17,7

13,3

Rối loạn lipid máu

209

69,7

Đái tháo đường

77

25,7

Bệnh thận mạn

58

19,3

Tiền sử gia đình bệnh  tim mạch sớm

58

19,3

Thời gian phát hiện THA

< 5 năm

5 – 10 năm

≥ 10 năm

82

138

80

27,3

46,0

26,7

Số thuốc hạ áp

1

2

3

4

39

157

91

129

13,0

52,3

30,3

4,3

 

Đặc điểm huyết áp

Bảng 3: Đặc điểm huyết áp của bệnh nhân

 

Trung bình

Độ lệch chuẩn

HA cao nhất

HA thấp nhất

HATT

137,2

16,0

210

100

HATTr

80,9

9,1

110

50

 

 

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu của ESH/ESC 2013

Bảng 4: Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo ESH/ESC 2013

Nhóm BN

Mục tiêu (mmHg)

Tần số

 

Tổng

Tỷ lệ (%)

THA < 65 tuổi (không có ĐTĐ và BTM)

< 140/90

45

93

48,4

THA ≥ 65 tuổi (không có ĐTĐ và BTM)

< 150/90

40

72

55,6

THA + ĐTĐ (không có BTM)

< 140/85

23

59

39,0

THA + BTM (có hoặc không có ĐTĐ)

<140/90

33

76

43,1

Chung

 

140

300

46,7

 

BÀN LUẬN

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp trong dân số nghiên cứu

Tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu theo ESH/ESC 2013 trong nghiên cứu của chúng tôi là 46,7%. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp của chúng tôi cao hơn so với hầu hết các nghiên cứu trước đây. Sự khác nhau về tỷ lệ kiểm soát huyết áp có thể thay đổi tùy theo nghiên cứu được thực hiện trong cộng đồng hay tại bệnh viện và tiêu chuẩn huyết áp mục tiêu sử dụng. Nhìn chung, dù có khác nhau về dân số nghiên cứu và mục tiêu huyết áp giữa các nghiên cứu nhưng chúng tôi nhận thấy theo thời gian tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở nước ta đã cải thiện. Đối với các nghiên cứu thực hiện trong cộng đồng, tỷ lệ kiểm soát huyết áp là 0% vào năm 2001 (Nguyễn Minh Tâm) [11], 6,27% vào năm 2003 (Nguyễn Kim Ngôi) [10], đã tăng lên đến 36,3% vào năm 2012 (Phạm Thái Sơn và cs) [16]. Sự cải thiện tần suất kiểm soát huyết áp cũng được phát hiện qua các nghiên cứu được tiến hành trên các bệnh nhân THA điều trị tại bệnh viện. Tỷ lệ đó là 16,7% vào năm 2007 (Huỳnh Thị Tiền) [5], 32,7% vào năm 2010 (Phạm Việt Bắc) [15] đến 57,5%  vào năm 2013 (Nguyễn Ngọc Thanh Vân) [12]. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp trong những năm gần đây dao động từ 32,7% đến 57,5% và tỷ lệ trong nghiên cứu của chúng tôi nằm trong khoảng dao động đó.

Các nghiên cứu trên thế giới cũng ghi nhận tỷ lệ kiểm soát huyết áp cải thiện trong những thập niên qua. Tại Hoa Kỳ, các cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia cho thấy tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở những bệnh nhân THA được điều trị  tăng dần từ 46,5% (1999-2000); 62,0% (2005-2006) đến 64,4% (2009-2010) [3]. Tại Canada, tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu cũng gia tăng từ 13,2% vào năm 1992 đến 64,6% vào năm 2009 [8].Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở Trung Quốc cũng cải thiện từ 19% (2002) đến 30,6% (2009) [4],[18]. Dù mục tiêu huyết áp nào được sử dụng thì lược qua các nghiên cứu trên, chúng ta có nhận thấy thực trạng kiểm soát huyết áp trên thế giới từng bước được cải thiện, tỷ lệ  đạt huyết áp mục tiêu tăng dần và tỷ lệ này cao hơn ở các nước phát triển so với các nước đang phát triển.

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân THA kèm ĐTĐ

Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân THA kèm ĐTĐ đạt huyết áp mục tiêu theo ESH/ESC 2013 là 39,0%. Nghiên cứu PRESCAP 2010 ở Tây Ban Nha ghi nhận kết quả kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ là 19,7% theo JNC 7, nhưng khi lấy mục tiêu huyết áp theo ESH/ESC 2013 thì con số này tăng đến 50,3% [7]. Tác giả Phạm Như Hảo nhận thấy tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân ĐTĐ là 38,7% với mục tiêu < 130/80 mmHg và tỷ lệ này là 60,5% khi khảo sát theo mục tiêu của Hiệp Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (< 140/80 mmHg) [14]. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu của ESH/ESC 2013 hay Hiệp Hội ĐTĐ Hoa Kỳ cao hơn mục tiêu của JNC 7.  Nhìn chung, tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ dao động trong khoảng 19,3 – 60,5% tùy theo dân số nghiên cứu và mục tiêu huyết áp [1],[14]. Kiểm soát huyết áp là một trong những yếu tố then chốt để tránh biến chứng mạch máu ở bệnh nhân ĐTĐ nhưng thực tế, việc kiểm soát này vẫn còn hạn chế.

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân THA kèm BTM

Trong mẫu nghiên cứu, số bệnh nhân THA kèm BTM đạt được tình trạng kiểm soát chiếm tỷ lệ 43,4% với mục tiêu huyết áp < 140/90 mmHg. Tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu của chúng tôi cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Linh (30,0%) [13], Zheng Ying (14,7%) [19],và thấp hơn kết quả của Muntner (67,1%) [9] và Nguyễn Ngọc Thanh Vân (43,7%) [12]. Sự khác biệt về tần suất kiểm soát huyết áp giữa các nghiên cứu là do mục tiêu huyết áp khác nhau, tùy theo ngưỡng huyết áp 130/80 mmHg hay 140/90 mmHg. Ngoài ra, đa số các nghiên cứu khảo sát tỷ lệ kiểm soát huyết áp trên bệnh nhân BTM, ít nghiên cứu trong và ngoài nước xác định tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân THA kèm BTM. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở các bệnh nhân THA kèm BTM hầu hết cao hơn tỷ lệ này ở các bệnh nhân BTM kèm THA. Đối với các nghiên cứu khảo sát THA ở bệnh nhân BTM, tỷ lệ hiện mắc THA tăng và tỷ lệ kiểm soát huyết áp giảm theo giai đoạn bệnh thận mạn. Zheng Ying và cs cũng phát hiện với ngưỡng mục tiêu < 140/90 mmHg, nguy cơ THA không kiểm soát của bệnh thận mạn giai đoạn 2, 3a, 3b, 4 và 5 tăng 1,2; 1,5; 1,6; 2,7 và 3,5 lần theo thứ tự so với giai đoạn 1 (p<0,05) [19].

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân THA cao tuổi không kèm ĐTĐ và BTM

Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở người cao tuổi trong nghiên cứu này là  55,6% với mục tiêu < 150/90 mmHg. Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Van de Niepen (48,5%) [17] và nghiên cứu PRESCAP 2010 (40,8%) [2] khi hai nghiên cứu này chọn ngưỡng huyết áp thấp hơn theo JNC 7 (140/90 mmHg). Tuy nhiên, theo mục tiêu mới của ESH/ESC 2013 thì tần suất đạt huyết áp mục tiêu ở người cao tuổi của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu PRESCAP 2010 (77,2%) [2]. Hướng dẫn ESH/ESC 2013 dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng đưa ra mục tiêu < 150/90 mmHg cho bệnh nhân THA cao tuổi không kèm ĐTĐ và BTM nên tỷ lệ kiểm soát huyết áp cao hơn so với các khảo sát theo mục tiêu của JNC 7. Hiện tại còn thiếu các nghiên cứu trong nước xác định tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở người cao tuổi không kèm ĐTĐ và BTM.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu 300 bệnh nhân THA đến khám tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ kiểm soát huyết áp chung theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 là 46,7%. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở các phân nhóm:

–         Bệnh nhân THA kèm ĐTĐ (không có BTM): 39,0%

–         Bệnh nhân THA kèm BTM (có hoặc không có ĐTĐ): 43,4%

–         Bệnh nhân THA < 65 tuổi không kèm ĐTĐ và BTM: 48,4%

–         Bệnh nhân THA ≥ 65 tuổi không kèm ĐTĐ và BTM: 55,6%

Nhìn chung, tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 cao hơn so với các nghiên cứu trong nước trước đây nhưng còn thấp hơn các nước phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Chung Bá Ngọc (2013). Tình hình điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân đái tháo đường. Luận án Bác sĩ chuyên khoa cấp II, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
2.    Escobar C, Barrias V, Alonso M, et al (2013). New blood pressure control goals, more rational but facilitating therapeutic inertia. Journal of Hypertension, 31(12): 2462.
3.    Guo F, He D, Zhang W, et al (2012). Trends in prevalence, awareness, management, and control of hypertension among United State adults, 1999 to 2010. JACC, 60 (7): 599-606.
4.    Hu DY, Liu LS, Yu JM, Yao CH; China STATUS Study Group (2010). National survey of blood pressure control rate in Chinese hypertensive outpatients – China STATUS. Zhonghua Xin Xue Guan Bing Za Zhi, 38 (3): 230-238.
5.    Huỳnh Thị Tiền (2007). Khảo sát sự tuân thủ điều trị bệnh nhân tăng huyết áp. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
6.    Kearney PM, Whelton M, Reynolds K (2005). Global burden of hypertension: anaysis of worldwide data. Lancet, 365: 217-223.
7.    Mancia G, Fagard R, Narkiewicz K, et al (2013). 2013 ESH/ESC Guidelines for the management of arterial hypertension. Eur Heart J, 34: 2159-2219.
8.    McAlister FA, Wilkins K, Joffres M, et al (2012). Changes in the rates of awareness, treatment and control of hypertension in Canada over the past two decades. CMAJ, 183(9): 1007 – 1013.
9.    Muntner P, Anderson A, Charleston J, et al (2010). Hypertension awareness, treatment and control in adults with CKD: results from the Chronic Renal Insufficiency Cohort (CRIC) Study. Am J Kidney Dis, 55: 441-451.
10.    Nguyễn Kim Ngôi (2003). Khảo sát tình hình tăng huyết áp tại phòng khám đa khoa huyện Chợ Gạo. Luận văn Thạc sĩ Y học, TP. Hồ Chí Minh.
11.    Nguyễn Minh Tâm (2001). Nghiên cứu dịch tễ học bệnh nhân tăng huyết áp tại tỉnh Tiền Giang. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
12.    Nguyễn Ngọc Thanh Vân (2013). Khảo sát tình hình thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và tần suất kiểm soát huyết áp trên bệnh nhân tăng huyết áp. Khóa luận tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
13.    Nguyễn Thị Ngọc Linh (2007). Đặc điểm tăng huyết áp trong bệnh thận mạn tính. Thời sự Tim Mạch Học, 110: 26-28.
14.    Phạm Như Hảo (2013). Tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tại một phòng khám chuyên khoa Nội tiết. Luận văn tốt nghiệp Bác sĩ nội trú, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
15.    Phạm Việt Bắc (2010). Khảo sát biến chứng võng mạc trên bệnh nhân tăng huyết áp bằng chụp hình màu đáy mắt. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
16.    Son PT, Quang NN, Viet NL, Khai PG, et al (2012). Prevalence, awareness, treatment and control of hypertension in Viet Nam – results from a national survey. Journal of Human Hypertension, 26: 268-280.
17.    Van de Niepen P, Dupont AG (2010). Improved blood pressure control in elderly hypertensive patients: results of the PAPY-65 survey. Drugs Aging, 27 (7): 573-588.
18.    Wu Y, Huxley R, Li L, et al (2008). Prevalence, awareness, treatment, and control of hypertension in China: data from the China National Nutrition and Health Survey 2002. Circulation, 118 (25): 2679-2686.
19.    Zheng Y, Cai GY, Chen XM, et al (2013). Prevalence, awareness, treatment, and control of hypertension in the non-dialysis chronic kidney disease patients. Chinese Medical Journal, 126 (12): 2276-2280.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO