Google search engine

Tập thể dục trong điều trị suy van tĩnh mạch mạn tính

Suy tĩnh mạch là tình trạng máu tĩnh mạch không theo dòng chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên vốn đã bị ứ huyết. Nguyên nhân thường gặp nhất của hội chứng suy tĩnh mạch là do bất thường van tĩnh mạch nông và/hoặc van tĩnh mạch sâu.

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Trí

 

Suy tĩnh mạch không điều trị sẽ tiến triển thành suy tĩnh mạch mạn tính (Chronic Venous Insufficiency).Ngoài ảnh hưởng thẩm mỹ, suy tĩnh mạch mạn tính có thể dẫn tới nhiễm trùng chi dưới mạn tính đe dọa tính mạng, gây đau nhức chân làm giảm chất lượng sống.

       I.            SINH LÝ BỆNH

Hệ tĩnh mạch chi dưới đuợc chia làm 3 hệ thống (Hình 1):

–        Hệ thống tĩnh mạch nông: bao gồm tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé và các nhánh con của nó.

–        Hệ thống tĩnh mạch sâu: bao gồm tĩnh mạch trước xương chày, tĩnh mạch chày sau, tĩnh mạch mác, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch đùi nông, tĩnh mạch đùi sâu và tĩnh mạch chậu.

–        Tĩnh mạch nhánh xuyên và các tĩnh mạch nối.

Bình thường, máu từ chi dưới trở về tim nhờ ba cơ chế(1):

–        Lực đẩy ở chân lúc đi lại: chủ yếu do sự co bóp của các cơ ở lòng bàn chân và bắp chân đè ép vào hệ thống tĩnh mạch (Hình 2).

Hình 2. Cơ chế lực đẩy của cơ cẳng – bàn chân

–        Lực hút tạo ra trong quá trình hô hấp: khi thở ra, cơ hoành di chuyển lên lồng ngực tạo áp lực âm trong ổ bụng giúp hút máu từ chi dưới di chuyển lên tĩnh mạch chủ bụng; khi hít vào, cơ hoành di chuyển xuống ổ bụng tạo áp lực dương giúp đẩy máu từ tĩnh mạch chủ bụng về tim phải. Lưu ý, máu không di chuyển ngược xuống chi dưới do tĩnh mạch có van 1 chiều (Hình 3).

–        Hệ thống van 1 chiều trong lòng các tĩnh mạch chi dưới giúp máu chỉ di chuyển 1 chiều trở về tim mà không trào ngược trở lại ngoại biên (Hình 4).

Bình thường, mỗi cử động của chân sẽ giúp bơm máu vào tĩnh mạch và trở về trung tâm qua hàng loạt các van tĩnh mạch. Trong thời gian đi lại, áp lực trong hệ thống tĩnh mạch của bắp chân gần như bằng không. Khi dừng lại, áp lực tư thế đứng trong chân cũng ở mức thấp do các van tĩnh mạch ngăn chặn sự trào ngược. Khi van tĩnh mạch bị suy, máu tĩnh mạch trào ngược về ngoại biên ngay trong quá trình đi lại làm cho cơ chế đẩy máu từ các cơ chi dưới mất tác dụng, dẫn đến áp lực thủy tĩnh do máu ứ trệ xuất hiện liên tục. Trọng lực hình thành trong tư thế đứng hoặc ngồi chính là yếu tố chủ chốt làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Do đó, mục tiêu trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính không chỉ gồm các thuốc mà còn có vai trò quan trọng của tập luyện thể dục. Thuốc trợ tĩnh mạch theo khuyến cáo của Hội mạch máu Thế Giới (2) cần có 6 tiêu chí tác động để giúp bảo vệ van và thành tĩnh mạch, tăng cường trương lực tĩnh mạch, kháng viêm, giảm tính thấm mao mạch, tăng dẫn lưu bạch huyết, và không gây rối loạn huyết động. Trong đó, flavonoid tinh chế dạng vi hạt (Daflon) là thuốc duy nhất đáp ứng 6 tiêu chí này, được khuyến cáo cấp độ 1B cho tất cả các giai đoạn bệnh suy tĩnh mạch (3). Thêm vào đó, vô cùng quan trọng là việc phối hợp tập thể dục, đặc biệt là các bài tập có tác dụng loại bỏ tác dụng của trọng lực trên hệ thống tĩnh mạch vốn đã bị ứ máu.

   II.            MỘT SỐ BÀI TẬP THỂ DỤC

Trong trường hợp van tĩnh mạch suy, máu tĩnh mạch vẫn trào ngược về ngoại biên dù có tăng áp lực hỗ trợ tại bắp chân – bàn chân (khi dùng vớ y khoa, và thuốc trợ tĩnh mạch). Lúc này, nguyên nhân chủ yếu làm tăng áp lực tĩnh mạch chính là áp lực thủy tĩnh từ cột máu tĩnh mạch trong tư thế đứng hoặc ngồi. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc trợ tĩnh mạch, hỗ trợ với vớ điều chỉnh áp lực, các phương pháp tập luyện thể dục triệt tiêu trọng lực có tác động trực tiếp vào cơ chế sinh bệnh này.

Các phương pháp tập luyện thể dục truyền thống như đi bộ nhanh, dậm chân mạnh làm tăng hoạt động và tăng sức mạnh đẩy máu của các cơ bắp – bàn chân, không tác động lên hệ thống tĩnh mạch sâu vốn chỉ chịu ảnh hưởng bởi trọng lực dẫn đến việc triệu chứng suy van tĩnh mạch chẳng những không cải thiện mà còn trở nên trầm trọng thêm trong một số trường hợp. Chính vì thế, các bài tập thể dục có tác dụng triệt tiêu trọng lực cần được áp dụng trong dự phòng và điều trị suy van tĩnh mạch mạn tính.

Tư thế nằm là tư thế triệt tiêu trọng lực hiệu quả nhất.Khi nằm, áp lực thủy tĩnh tác động lên cột máu tĩnh mạch gần như bằng không.Lúc này, các động tác nhằm tăng cường sức cơ cẳng bàn chân phát huy hiệu quả cao nhất. Ngoài ra chúng ta còn có thể nâng cao chân 30o đến 60o khi nằm nhằm lợi dụng tác động của trọng lực giúp đưa máu từ tĩnh mạch về trung tâm hiệu quả hơn nữa.

Một số bài tập cơ bản khi nằm bao gồm (Hình 5):

–        Xoay cổ chân cùng chiều và ngược chiều kim đồng hồ,

–        Gập duỗi cổ chân

–        Dạng – khép các ngón chân

Các động tác này được thực hiện trong tư thế nằm có tác dụng hiệp đồng vừa triệt tiêu hoàn toàn trọng lực vừa làm tăng sức mạnh các cơ bắp – bàn chân.Các bài tập được luân phiên với chân đặt trên mặt phẳng ngang hoặc chân nâng cao 60o, có thể nâng cao 2 chân dựa vào tường (90o). Lưu ý mỗi động tác được thực hiện đến không thể thực hiện được nữa mới đổi chân.Thời gian tập khoảng 30 phút mỗi ngày hoặc nhiều lần trong ngày, mỗi lần 10-15 phút.

Hình 5.Các bài tập tư thế nằm

Tư thế ngồi ít làm triệt tiêu trọng lực ở cột máu tĩnh mạch hơn, nhưng khi không có điều kiện thực hành các bài tập tư thế nằm (các công việc cần phải ngồi trong thời gian dài như nhân viên văn phòng) thì vẫn có thể áp dụng những bài tập tư thế ngồi.Khi đó, tư thế hiệu quả nhất là ngồi trên ghế sao cho đùi bằng hoặc cao hơn mông để giảm thiều áp lực tác động lên cột máu tĩnh mạch.Các bài tập cẳng – bàn chân ở tư thế này tương tự như ở tư thế nằm.

Hình 6. Các bài tập tư thế ngồi

Tư thế đứng hầu như không có tác dụng triệt tiêu trọng lực, nhưng đối với một số công việc bắt buộc phải đứng trong thời gian dài, chúng ta vẫn có thể tận dụng thời gian đứng để thực hiện những động tác làm tăng sức mạnh cơ bắp – bàn chân như: dạng – khép ngón chân, nhón gót – mũi chân luân phiên. Các động tác ở tư thế này có thể dùng thêm dụng cụ hỗ trợ như cầu thang, bàn, ghế.

Hình 7. Các bài tập tư thế đứng

Một lưu ý quan trọng là cần kết hợp hít thở sâu nhịp nhàng trong quá trình luyện tập bởi hô hấp cũng là một trong ba cơ chế căn bản giúp đưa máu tĩnh mạch từ ngoại biên về trung tâm, thúc đẩy làm trống tĩnh mạch hiệu quả hơn.

KẾT LUẬN

Suy van tĩnh mạch mạn tính không chỉ mang lại phiền toái về mặt thẩm mỹ mà còn gây ra những biến chứng lâu dài và giảm chất lượng sống. Tác dụng trọng lực của cột máu tĩnh mạch đóng vai trò then chốt trong diễn tiến bệnh. Vì vậy, các bài tập trong tư thế nằm có tác dụng triệt tiêu trọng lực hiệu quả cần được áp dụng nhằm hỗ trợ các phương pháp dự phòng và điều trị suy van tĩnh mạch mạn tính hiện đang được khuyến cáo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO