Google search engine

Gặp gỡ đầu Xuân

TỔNG THƯ KÝ HỘI TIM MẠCH HỌC TP.HỒ CHÍ MINH:

“SỰ ĐỒNG THUẬN GIÚP CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THÀNH CÔNG”

Thời điểm “Năm hết, Tết đến”  thường là dịp để chúng ta nhìn lại những việc đã làm được trong

năm vừa qua, đồng thời chuẩn bị tư thế để bước sang một năm mới… Nhân dịp đón Xuân mới Nhâm Thìn, Tổng thư ký Hội Tim mạch học TP.HCM (Tiến sĩ Hồ Huỳnh Quang Trí – Trưởng Khoa Hồi sức – Viện Tim TP.HCM) đã trao đổi với Chuyên đề Tim Mạch học về một số hoạt động nổi trội của Hội, cũng như các yếu tố góp phần làm nên những thành quả đáng ghi nhận đó…

 

Chuyên đề Tim Mạch học: Với tư cách là Tổng thư ký Hội Tim mạch học TP.HCM, Tiến sĩ có nhận định gì về một số Hội nghị, Hội thảo khoa học của Hội tổ chức trong thời gian qua?

TS. Hồ Huỳnh Quang Trí: Trong số các hoạt động chính của Hội Tim mạch học TP.HCM, trước hết, phải nói đến việc tổ chức các Hội nghị khoa học và Hội thảo chuyên đề trong từng lĩnh vực khác nhau của tim mạch học. Không chỉ riêng năm 2011 mà từ nhiều năm nay, hầu như tháng nào ở TP.HCM cũng có từ một đến vài Hội nghị, Hội thảo chuyên đề do Hội Tim mạch học phối hợp với các công ty dược phẩm tiến hành. Điều này phản ánh hai thực tế: Thứ nhất là bệnh tim mạch đang tiếp tục trở thành vấn đề thời sự tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế, mô hình bệnh tật ở nước ta đã có nhiều thay đổi – tần suất các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh tim mạch và chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn lipid máu) ngày càng gia tăng và trở thành một thách thức lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực tế thứ hai là thông tin trong lĩnh vực tim mạch học ngày càng cực kỳ nhiều và đa dạng. Chỉ tính riêng trên các báo y khoa tổng quát có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao như  The New England Journal of Medicine, JAMA, The Lancet, hầu như tuần nào cũng có bài công bố kết quả của nghiên cứu trong lĩnh vực tim mạch học. Hội nghị – Hội thảo là dịp để các chuyên gia đầu ngành (thường cũng là các thầy cô trong Ban chấp hành Hội) tổng kết, hệ thống hóa các thông tin mới và cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán – điều trị bệnh tim mạch cho đội ngũ bác sĩ thực hành.

Một sự kiện quan trọng mới đây là Hội nghị Tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10 được tổ chức tại Hội trường Thành ủy TP HCM trong các ngày 25-27/11/2011. Hội nghị này mang chủ đề “Bệnh tim mạch và chuyển hóa trong thế kỷ 21”, do Hội Tim mạch học TP.HCM tổ chức với sự cộng tác của Phân Hội Siêu âm tim Việt Nam, Hội Điều dưỡng Việt Nam, Hội Tim mạch Việt Đức và Trường Đại học Mainz (CHLB Đức). Hội nghị đã diễn ra rất sôi động tại cả 3 hội trường trong 5 buổi, bao gồm 132 báo cáo xoay quanh 13 chuyên đề (bệnh mạch vành, rối loạn chuyển hóa và bệnh tim mạch, liệu pháp thuốc trong điều trị bệnh tim mạch, bệnh van tim và phẫu thuật tim, tim mạch học can thiệp, tăng huyết áp, suy tim và một số vấn đề đặc biệt trong thực hành tim mạch học như siêu âm tim, can thiệp tim bẩm sinh và chăm sóc điều dưỡng bệnh tim mạch). Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, 6 Hội thảo chuyên đề đã tập trung vào một số vấn đề “nóng” như: kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ, huyết khối xơ vữa, nguy cơ mạch máu tồn dư, vai trò thuốc chẹn bêta trong điều trị bệnh tim mạch, LDL-cholesterol và bệnh tim mạch, sử dụng máy V-scan trong siêu âm tim mạch…

Một số ca can thiệp tim mạch bẩm sinh được đưa ra tranh luận qua truyền hình trực tuyến giữa các chuyên gia tại phòng mổ với các chuyên gia tại hội trường đã thu hút sự quan tâm đông đảo các bác sĩ. Các trường hợp can thiệp tim mạch thất bại được đưa ra thuyết trình và phân tích với sự tham gia của các chuyên gia CHLB Đức cũng là một điểm mới của Hội nghị vừa qua. Nhân dịp này, Hội Nhịp tim học TP.HCM đã tiến hành Đại hội thành lập; Hội Tim mạch Nhi và Tim bẩm sinh đã tổ chức Đại hội bầu Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2011-2016.

Có thể thấy rằng, Hội nghị Tim mạch khu vực phía Nam lần thứ 10 qui tụ các chuyên gia đầu ngành không chỉ ở TP HCM mà còn từ Hà Nội, miền Trung và từ nước ngoài (CHLB Đức, Hy Lạp, Singapore). Hội nghị nhận được sự quan tâm lớn của các thầy thuốc (bác sĩ và điều dưỡng) ở TP HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước, thể hiện qua số đại biểu tham gia hơn 1.000 người.

Ban chấp hành Hội và Ban tổ chức ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của đoàn Chủ tọa điều khiển các phiên báo cáo, cũng như các báo cáo viên đã đầu tư nhiều thời gian và công sức cho đề tài của mình. Việc các công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế tài trợ và tham gia Hội nghị (Novartis tài trợ chính, Servier đồng tài trợ, Tedis hỗ trợ và hơn 25 công ty khác đồng tham gia) đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị.

Thực tế cũng cho thấy, trên hết và mang tính quyết định, sự đồng thuận trong Thường vụ – Ban chấp hành Hội – Ban tổ chức Hội nghị -Văn phòng Hội và giữa Ban tổ chức với các đơn vị, bộ phận, cá nhân liên quan… đã giúp các hoạt động của Hội thành công, đúng như nhận xét của lãnh đạo Hội Y học và đại diện của các Hội chuyên khoa khác: “Hội Tim mạch học TP.HCM là Hội chuyên khoa có nhiều hoạt động nhất, tổ chức Hội thảo, Hội nghị thường xuyên và hiệu quả nhất”.

 

Chuyên đề Tim Mạch học: Bên cạnh việc tổ chức Hội nghị – hội thảo, các hoạt động chuyên môn nào là “thế mạnh” của Ban Chấp hành Hội, thưa Tiến sĩ?

TS. Hồ Huỳnh Quang Trí: Một hoạt động chuyên môn khác không kém phần quan trọng là công việc biên soạn các hướng dẫn thực hành. Tuy Hội Tim mạch học TP HCM chưa trực tiếp làm công việc này, nhưng nhiều thành viên trong Ban chấp hành Hội Tim mạch học TP HCM tham gia tích cực công tác biên soạn các hướng dẫn thực hành do Hội Tim mạch học Việt Nam chủ trì. Một số thầy cô trong Ban chấp hành Hội đứng chủ biên một số hướng dẫn thực hành như “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch” (GS TS Đặng Vạn Phước), “Khuyến cáo về xử trí bệnh tim bẩm sinh ở người lớn” (PGS TS Phạm Nguyễn Vinh, GS TS Hoàng Trọng Kim, PGS TS Châu Ngọc Hoa), “Đồng thuận của các chuyên gia về thuốc chẹn bêta trong bệnh tim mạch và nội khoa” (PGS TS Phạm Nguyễn Vinh) v.v…

 

Chuyên đề Tim Mạch học: Tiến sĩ có thể cho biết thêm về công tác thông tin kiến thức trong nội bộ và truyền thông giáo dục cộng đồng trong năm qua, cùng những dự kiến cho thời gian tới?

TS. Hồ Huỳnh Quang Trí: Trong năm 2011, hoạt động truyền thông nội bộ của Hội vẫn được duy trì đều đặn qua tập san chuyên ngành “Chuyên đề Tim Mạch học” và trang web: www. timmachhoc.vn. Theo xu hướng chung của quốc tế, trang thông tin điện tử www.timmachhoc.vn đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2010, nhằm giúp hội viên và các đồng nghiệp trong ngành tim mạch học tìm kiếm, chia sẻ thông tin phục vụ công tác nghiên cứu và cập nhật kiến thức…; có đầy đủ các bài đã đăng trên “Chuyên đề Tim Mạch học”, đồng thời luôn cập nhật tin tức về các sự kiện quan trọng, các hoạt động của Hội Tim mạch học TP.HCM và Hội Tim mạch học Việt Nam. Nhờ vậy, cùng với tập san chuyên ngành “Chuyên đề Tim Mạch học” ra đều đặn mỗi tháng một số, nỗ lực không mệt mỏi của Ban biên soạn và Văn phòng Hội đã được đền đáp xứng đáng -“Chuyên đề Tim Mạch học” có số lượng phát hành khá lớn, được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và đồng nghiệp quan tâm đến tim mạch học trên cả nước biết đến và tin cậy; các chuyên mục “Tổng quan các vấn đề tim mạch học”, “Tổng hợp từ nghiên cứu trên lâm sàng”, “Trường hợp lâm sàng”, “Thông tin khoa học” và “Bồi dưỡng sau đại học”… được các chuyên gia đầu ngành thường xuyên và nhiệt tình cộng tác.

Vì nguyên nhân khách quan, trong năm 2011 chúng ta đã không duy trì được một số hoạt động như trong những năm trước đây như: công tác xã hội – từ thiện và công tác truyền thông giáo dục cộng đồng… Đây là những vấn đề tương đối quan trọng mà Hội Tim Mạch học TP.HCM sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, song song với  công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học…

 

Một năm cũ đã qua đi, Xuân mới Nhâm Thìn 2012 đang về cùng bao niềm tin và hy vọng… Thay mặt Ban Chấp hành Hội Tim Mạch học TP.HCM, xin trân trọng gửi tới các thầy các cô, các bạn đồng nghiệp và toàn thể độc giả của “Chuyên đề Tim mạch học” lời chúc: Tết An khang, Xuân thịnh vượng, Năm mới thành công!

 

QT

(thực hiện cuối năm 2011)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO