Google search engine

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 4

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 4

 

HỘI TIM MẠCH HỌC

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BAN CHẤP HÀNH

—————–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————————–

TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 10 năm 2013

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC NHIỆM KỲ IV (2008-2013)

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ V (2013-2018)

(Đã thông qua tại Hội nghị trù bị Ban Chấp hành ngày 31/10/2013)

 

Năm nay, Hội Tim Mạch học TP.HCM chúng ta tròn 20 tuổi, và chuẩn bị bước vào một chặng đường mới, là nhiệm kỳ 2013-2018 – với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhìn lại các hoạt động trong nhiệm kỳ đã qua, nghiêm túc đánh giá những thành quả đã đạt được và những hạn chế đang tồn tại để chuẩn bị cho bước phát triển mới, là công việc rất cần thiết – không chỉ riêng của Ban Chấp hành mà còn là của tất cả các Hội viên Hội Tim Mạch học TP. HCM.

 

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ IV (2008-2013):

Hoạt động của Ban Chấp hành nói riêng và của Hội Tim Mạch học TP.HCM trong nhiệm kỳ IV nhìn chung đã đạt được những thành quả đáng tự hào, mang lại lợi ích cho không chỉ riêng Hội viên, mà còn cả với các Đồng nghiệp trong ngành Y tế và đối tượng phục vụ của chúng ta là người dân. Cụ thể:

1- Công tác tổ chức:

Được xác định là công tác quan trọng nhất và quyết định sự thành công của mọi hoạt động; công tác tổ chức luôn được Thường vụ Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV coi trọng nhằm bảo đảm tập hợp, phát huy sức mạnh của từng Uỷ viên BCH, từng Hội viên – gắn kết trong mối đoàn kết chung – tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt phương hướng nhiệm vụ đã đề ra tại Đại Hội nhiệm kỳ IV.

1.1. Về Hội viên:số lượng Hội viên trong các năm qua tương đối ổn định (theo thống kê của Văn phòng Hội: năm 2008 là 560, 2009 là 547, 2010 là 510, 2011 là 550, 2012 là 545, 2013 là 561 người).

Ngoài ra, khá nhiều bác sỹ Nội khoa – Tim Mạch ở các Tỉnh phía Nam tuy không có điều kiện làm Hội viên chính thức của Hội Tim mạch học TP.HCM, song vẫn  giữ liên lạc và được bảo đảm thông tin, kiến thức… thông qua ấn phẩm “Chuyên đề Tim mạch học” và trang thông tin điện tử www.timmachhoc.vn

1.2. Về Tổ chức:trong nhiệm kỳ IV, nhân dịp Hội nghị khu vực phía Nam lần thứ 10 (2011), Hội Nhịp tim học đã được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Cùng với các Chi Hội/Phân Hội được thành lập trước đó (Tim mạch học can thiệp, Tim mạch bẩm sinh…), đây là tín hiệu vui về sự phát triển tổ chức và hoạt động của các Hội, Chi Hội chuyên sâu trong lĩnh vực Tim mạch học; song cũng chưa thực sự phát huy được hết tiềm năng – vì bản thân Hội Tim Mạch học TP.HCM cũng đang là Hội thành viên có tư cách Pháp nhân chưa đầy đủ trực thuộc Hội Y học TP.HCM; và điều này gây khá nhiều hạn chế cho các hoạt động của Hội Tim Mạch TP.HCM và các Chi Hội chuyên sâu thành viên.

 

2- Công tác chuyên môn:

2.1.  Tổ chức các Hội nghị Khoa học:       

Trong nhiệm kỳ IV (5 năm) vừa qua, nếu tính cả Hội nghị Khoa học Tim mạch khu vực phía nam lần thứ 11 này, mỗi năm, chúng ta đều đã tổ chức thành công một hoạt động Khoa học lớn, bao gồm: 3 Hội nghị Tim Mạch khu vực phía Nam (2009, 2011, 2013), 3 Hội nghị Khoa học chuyên đề (2008, 2010, 2012) và lồng ghép tổ chức Ngày hội Tim Mạch Việt – Đức (phối hợp với Hội Tim mạch hữu nghị Đức-Việt của GS.TS. Nguyễn Sỹ Huyên và các bạn đồng nghiệp Đức).

Từ Hội nghị năm 2011, Hội chúng ta đã “đi tiên phong” trong việc phối hợp tổ chức phiên báo cáo riêng cho Hội Điều dưỡng trong Hội nghị khoa học tim mạch, đánh giá và ghi nhận đúng mức tầm quan trọng của công tác điều dưỡng trong điều trị bệnh…; sự phối hợp đó được đánh giá là “sẽ đem lại lợi ích lớn cho bệnh nhân” vẫn được tiếp tục trong Hội nghị năm nay và những năm tiếp theo…

2.2. Tổ chức Hội thảo cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn:

Chúng ta đã phối hợp cùng các Viện nghiên cứu, Hãng Dược phẩm… tổ chức phổ biến, cập nhật kiến thức cho bác sỹ thực hành. Hầu như tháng nào ở TPHCM và các tỉnh phía Nam cũng diễn ra 1 – 2 Hội thảo chuyên đề (tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, rối loạn chuyển hóa…) – có sự tham gia của các chuyên gia Quốc tế – giúp cho Hội viên và các đồng nghiệp luôn tiếp cận được với các kiến thức mới, kịp thời học hỏi các kỹ thuật mới cũng như kinh nghiệm xử trí trên lâm sàng…

2.3. Biên soạn tài liệu chuyên ngành: Nhiều thành viên trong Ban chấp hành Hội tham gia cùng Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nội tiết & ĐTĐ, Hội Nội khoa… biên soạn các Hướng dẫn thực hành lâm sàng; tham gia xây dựng các Khuyến cáo cấp Quốc gia…  

 

3- Công tác Đào tạo-Bồi dưỡng sau Đại học:

– Nhiều Hội viên Hội Tim Mạch học đã phối hợp với Bộ môn Lão khoa Đại học Y Dược, BV Thống Nhất, Viện Tim, BV Chợ Rẫy… thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo sau Đại học về chuyên khoa Tim Mạch cho Hội viên và các Bác sỹ ở các địa phương.

– Một số Ủy viên BCH và Hội viên đã tham gia giảng dạy, hướng dẫn Luận văn, Luận án, tham gia các Hội đồng chấm thi của Đại học Y Dược và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch…

– Một số Ủy viên BCH thường xuyên và tích cực tham gia viết bài cho các Chuyên mục “Bồi dưỡng sau Đại học”, “Huấn luyện nâng cao và chuyên sâu” trên ấn phẩm “Chuyên đề Tim mạch học” hàng tháng – đã gián tiếp góp phần trang bị kiến thức, phục vụ nhu cầu học hỏi, cập nhật kiến thức cho không chỉ một thế hệ Hội viên…

 

4- Công tác nghiên cứu khoa học:

Hầu hết các Hội viên tham gia rất tích cực các Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Cơ sở, cấp Bộ và cấp Quốc gia.

Một số Uỷ viên BCH đã tham gia hoạt động phản biện – xét duyệt các Đề tài nghiên cứu Khoa học của Thành phố, khu vực phía Nam và toàn quốc.

 

5- Công tác truyền thông:

Công tác truyền thông nội bộ (triển khai từ cuối năm 1997) đến nay vẫn tiếp tục phát huy tốt vai trò “liên lạc đa chiều” hữu hiệu giữa Ban Chấp hành, Hội viên và các Đồng nghiệp với nhau, cụ thể:

5.1. Ấn phẩm Chuyên đề Tim Mạch học:tiền thân là tờ Thông tin Thời sự Tim mạch học – ra mắt tháng 11/1997 và xuất bản đều đặn hàng tháng cho đến nay; đã cung cấp miễn phí cho Hội viên trong 10 năm (1998 – 2007) là 58.428 cuốn, và riêng trong 5 năm của nhiệm kỳ IV (2008-2013) là 39.276 cuốn.

Mặc dù gặp khó khăn về Pháp nhân, về giấy phép xuất bản và phải chuyển đổi hình thức xuất bản, đổi tên thành Chuyên đề Tim Mạch học; Tòa soạn vẫn bảo đảm tự cân đối thu-chi, bảo toàn được vốn và có lãi, xuất bản đều đặn hàng tháng với chất lượng ngày càng được nâng lên.

5.2. Trang thông tin điện tử Chuyên đề Tim mạch học:

Nhận thức được vai trò quan trọng của thông tin điện tử, cũng như xu thế sử dụng mạng xã hội, được sự thống nhất về chủ trương của BCH Hội, từ đầu năm 2010, Ban Thường vụ đã giao NB Nguyễn Trần Nguyên triển khai xây dựng Trang thông tin điện tử www.timmachhoc.vn (hoặc www.cardiology.vn) bằng nguồn vốn tự có của Tòa soạn; đến tháng 5/2010 đi vào hoạt động chính thức, ổn định cho đến nay. Trang thông tin lưu trữ đầy đủ các bài viết đã đăng trên tờ “Chuyên đề Tim mạch học”, vừa cập nhật tin tức về các sự kiện quan trọng của ngành, hoạt động của Hội Tim mạch Quốc gia, Hội tim mạch miền Trung, Khánh Hòa và các Hội bạn (Lão khoa, Nội khoa…)…

Nhìn chung, công tác truyền thông đã được triển khai hiệu quả trong 5 năm qua, cả ấn phẩm và trang thông tin điện tử đều được đánh giá là các diễn đàn thông tin chuyên ngành tim mạch học có uy tín tại khu vực phía Nam, đáp ứng tốt nhu cầu của Hội viên và các đồng nghiệp ở các lĩnh vực bệnh học có liên quan…

5.3. Công tác truyền thông giáo dục cộng đồng và Công tác Xã hội

Đầu nhiệm kỳ IV (2009), Hội chúng ta có một sự tổn thất lớn khó bù đắp, đó là GS.TSKH Nguyễn Mạnh Phan (nguyên Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 1, 2, 3) từ trần.

Các chương trình truyền thông giáo dục kiến thức cho cộng đồng (nói chuyện chuyên đề và phát Thông điệp trên HT7, HTV2…), đặc biệt là Chương trình hỗ trợ máy tạo nhịp cho bệnh nhân tim mạch nghèo – mà khi sinh thời GS Phan đã chỉ đạo và triển khai rất hiệu quả – đã tạm ngưng cho đến nay vì nhiều lý do khách quan và chủ quan…

Chúng ta sẽ cố gắng khởi động trở lại công tác này trong thời gian tới, bởi thực tế cho thấy các chương trình truyền thông và công tác xã hội mà Hội Tim mạch học TPHCM đã thực hiện được là hình thức cực kỳ hiệu quả vừa giáo dục kiến thức vừa vận động xã hội nâng cao nhận thức và hành vi trong chủ động phòng ngừa – phát hiện sớm – điều trị tích cực – hợp tác và tuân thủ điều trị… đối với bệnh tim mạch và các bệnh liên quan…

 

6- Công tác tài chính của Hội:

Quỹ của Hội Tim mạch học TP.HCM được bổ sung hàng năm bằng 2 nguồn thu chính: Hội phí thu từ cá nhân Hội viên và số tiền kết dư từ các Hội nghị, Hội thảo diễn ra trong năm. Các khoản chi từ Quỹ gồm: đóng Hội phí hàng năm cho Hội cấp trên, chi phí hoạt động của Văn phòng Hội (lương, phụ cấp cho nhân sự kiêm nhiệm, trang thiết bị Văn phòng và văn phòng phẩm)…   

Theo Báo cáo kết toán và Biên bản kiểm Quỹ thực tế, tổng số tiền tồn Quỹ đến thời điểm T10/2013 là 395.795.996đ. Số tiền này cùng toàn bộ Chứng từ kế toán đang lưu trữ sẽ được chuyển giao cho Ban Chấp hành nhiệm kỳ 5 tiếp tục quản lý và sử dụng theo đúng quy định.

Theo Báo cáo quyết toán của Tòa soạn Chuyên đề Tim mạch học, tổng số vốn tự có của Tòa soạn tới tháng 12/2013 là: 225.942.231đ. Số tiền này cùng toàn bộ Chứng từ kế toán sẽ tiếp tục được giao cho Tòa soạn  quản lý và sử dụng theo đúng quy định.

 

7- Quan hệ đối ngoại:

Ngoài quan hệ mật thiết với Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Tim Mạch TPHCM quan hệ chặt chẽ với các Hội thành viên Hội Y học TPHCM, đặc biệt là với Hội Nội tiết-Đái tháo đường… Hội Tim Mạch TPHCM cũng mở rộng quan hệ với các Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Y –Dược học trong và ngoài nước. Mối quan hệ với Liên đoàn Tim mạch thế giới, các Hội Tim mạch học trong khu vực ASEAN và đặc biệt là CHLB Đức (thông qua TS. Nguyễn Sỹ Huyên – Chủ tịch Hội Tim Mạch hữu nghị Đức Việt) đã mang lại cho Hội viên nhiều lợi ích trong việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức và trao đổi kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị.

 

8- Công tác khen thưởng:

Tại các Hội nghị Khoa học khu vực phía Nam và các Hội nghị Khoa học chuyên đề (được luân phiên tổ chức xen kẽ hàng năm), Hội chúng ta đã trao các Giải thưởng cho các Tác giả công trình nghiên cứu có giá trị – nhằm khuyến khích tinh thần mạnh dạn và thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu của Hội viên.

Năm nay, nhân dịp 20 năm thành lập, Hội chúng ta vinh danh và trân trọng cảm ơn 15 vị nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành qua các nhiệm kỳ đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành và phát triển của Hội.  

 

9- Đánh giá chung:

9.1.Về hoạt động của Hội Tim Mạch học TPHCM trong nhiệm kỳ IV, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt: công tác tổ chức, công tác nghiên cứu Khoa học và công tác truyền thông phục vụ chuyên môn, theo phương hướng được xác định tại Đại Hội nhiệm kỳ IV. Mặc dù không tránh khỏi sự không đồng đều trong suy nghĩ và hoạt động của từng cá nhân Hội viên, song hầu hết đều ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia Hội Tim Mạch học TP.HCM và các hoạt động của Hội. Trên tinh thần đó, chúng ta tin tưởng rằng, Hội Tim Mạch học TPHCM sẽ tiếp tục những bước tiến vững chắc trên chặng đường mới, với mục tiêu lớn nhất, cao đẹp nhất là góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

9.2.Về hoạt động của Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV, có thể khẳng định là: đoàn kết – thống nhất – chủ động và hiệu quả. Về cơ bản, tập thể Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV đã hoàn thành nhiệm vụ mà tập thể Hội viên Hội Tim Mạch TP.HCM giao phó; một số Uỷ viên có nỗ lực vượt bậc và những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Hội. Chúng ta tin tưởng và chúc Ban Chấp hành nhiệm kỳ V sẽ kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất được xây đắp 20 năm qua – để hoạt động hiệu quả hơn, đạt nhiều thành tích lớn hơn nữa.

 

II. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2013-2018:

Song song với việc kế thừa, củng cố và phát triển những thành quả đã đạt được trong từng mặt công tác của nhiệm kỳ IV vừa qua, bước sang nhiệm kỳ mới, chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề sau:

1-     Tiếp tục đề xuất với Hội cấp trên và các cơ quan chức năng có liên quan việc tách Hội Tim Mạch học TP.HCM thành một Hội nghề nghiệp có tư cách Pháp nhân đầy đủ – đáp ứng nhu cầu hoạt động cả về chiều sâu và bề rộng của Hội.

2-     Tiếp tục vận động thành lập và mở rộng hoạt động của một số Phân Hội, Chi Hội chuyên sâu theo nhu cầu và quy mô phát triển của chuyên ngành…

3-     Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học theo hướng xã hội hoá – một cách chủ động và phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước.

4-     Củng cố và tăng cường công tác truyền thông nội bộ, đặc biệt là trang thông tin điện tử www.timmachhoc.vn. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hình thức truyền thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ thông tin kiến thức của Hội viên.

5-     Phối hợp với các tổ chức Kinh tế – Xã hội, căn cứ theo nhu cầu của cộng đồng và xã hội, tái khởi động và duy trì các hoạt động truyền thông giáo dục kiến thức sức khỏe, với các bước đi cụ thể: thêm trang web hoặc chuyên mục về sức khoẻ Tim mạch cho mọi người, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Tim mạch Thế giới hàng năm …v.v… 

6-     Đề xuất, vận động và chủ trì tổ chức triển khai một số nghiên cứu dịch tễ học trong cộng đồng (tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa…), để có cơ sở về số liệu và dữ liệu cho công tác nghiên cứu và điều trị…

 

Với truyền thống đoàn kết được xây đắp 20 năm qua, với tinh thần chủ động và bằng thái độ khoa học, khách quan, chúng ta tin tưởng rằng toàn thể Hội viên Hội Tim Mạch học TP.HCM sẽ thống nhất cùng Ban Chấp hành nhiệm kỳ V quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ theo phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2013-2018.

 

TM. BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ IV

   CHỦ TỊCH                    

Đã ký                       

            GS.TS. ĐẶNG VẠN PHƯỚC    

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO