TÓM TẮT
Mở đầu:Tăng huyết áp (THA) là một trong những vấn đề của sức khỏe cộng đồng không những vì tần suất mắc bệnh cao mà còn do ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống (CLCS) của người bệnh.
ThS.BS TRẦN CÔNG DUY
PGS.TS.BS CHÂU NGỌC HOA
Bộ môn Nội Tổng Quát, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Mục tiêu:Khảo sát mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp và CLCS ở bệnh nhân THA.
Phương pháp nghiên cứu:Nghiên cứu cắt ngang mô tả, có phân tích trên các bệnh nhân THA đang điều trị tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy từ 10/2013 đến 03/2014, sử dụng bộ câu hỏi SF-36.
Kết quả: Có 300 bệnh nhân tham gia nghiên cứu trong 6 tháng. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 64,0 ± 12,5 và tỷ lệ nữ/nam là 1,2/1.Tỷ lệ kiểm soát huyết áp chung theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 là 46,7%. Điểm số CLCS của bệnh nhân kiểm soát huyết áp cao hơn bệnh nhân không kiểm soát huyết áp ở tất cả lĩnh vực sức khỏe một cách có ý nghĩa thống kê: hoạt động chức năng (p=0,043), giới hạn chức năng (p=0,008), cảm nhận đau đớn (p=0,000), sức khỏe tổng quát (p=0,011), cảm nhận sức sống (p=0,015), hoạt động xã hội (p=0,002), giới hạn tâm lý (p=0,022) và tinh thần tổng quát (p=0,042).
Kết luận:Kiểm soát huyết áp có liên quan với CLCS ở tất cả lĩnh vực sức khỏe. Điều này làm nổi bật vai trò của việc đạt mục tiêu huyết áp để đảm bảo CLCS tốt hơn cho bệnh nhân THA.
Từ khóa:Kiểm soát huyết áp, chất lượng cuộc sống, tăng huyết áp, SF-36
ABSTRACT
ASSOCIATION BETWEEN BLOOD PRESSURE CONTROL AND QUALITY OF LIFE AMONG HYPERTENSIVE PATIENTS
Tran Cong Duy, Chau Ngoc Hoa
Background:Hypertension is one of public health issuses not only because of its high prevalence but also the effect on patients’ quality of life (QOL).
Objectives: To survey the association between blood pressure control and QOL among hypertensive patients.
Methods:Across-sectional study was carried out from October 2013 to March 2014 to investigate treated hypertensive patients at the Cardiovascular Clinic, Cho Ray Hospital, using SF-36 questionaire.
Results: There were 300 hypertensive patients attending our study during 6 months. The mean age of patients was 64.0 ± 12.5 and the female/male ratio was 1.2/1. The overallblood pressure control rate according to 2013 ESH/ESC guidelines was 46.7%. Patients with controlled hypertension had significantly higher QOL scores in all health domains than those with poorly controlled hypertension: physical role functioning (p=0.043), role physical (p=0.008), bodily pain (p=0.000), general health perceptions (p=0.011), vitality (p=0.015), social role functioning (p=0.002), emotional role functioning (p=0.022) and mental health (p=0.042).
Conclusions:There was a significant association between blood pressure control and QOL in all health domains. This study highlights the role of achieving blood pressure control in ensuring a better quality of life for hypertensive patients.
Key words:Blood pressure control, quality of life, hypertension, SF-36
MỞ ĐẦU
Ảnh hưởng khoảng 1,6 tỷ người trên khắp thế giới, tăng huyết áp ngày nay vẫn còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tần suất mắc bệnh cao và CLCS của bệnh nhân suy giảm [20]. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị của y học, sự phát triển của các chương trình sức khỏe cộng đồng và sự nhận thức của người dân nhưng tỷ lệ kiểm soát huyết áp đạt được vẫn chưa cao. Các nghiên cứu trước đây trên thế giới và ở Việt Nam về tỷ lệ kiểm soát huyết áp thường dựa trên khuyến cáo của JNC, ít nghiên cứu dựa vào mục tiêu của ESH/ESC.
Để đánh giá CLCS của bệnh nhân THA, bộ câu hỏi SF-36 là một công cụ tốt đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu trên thế giới. SF-36 gồm 36 câu hỏi đo lường 8 lĩnh vực sức khỏe, được chia thành 2 thành phần: sức khỏe thể chất (SKTC) và sức khỏe tinh thần (SKTT) [22],[23]. SKTC gồm các lĩnh vực hoạt động chức năng (HĐCN), giới hạn chức năng (GHCN), cảm nhận đau đớn (CNĐĐ) và sức khỏe tổng quát (SKTQ). SKTT gồm các lĩnh vực hoạt động xã hội (HĐXH), giới hạn tâm lý (GHTL), cảm nhận sức sống (CNSS) và tinh thần tổng quát (TTTQ).
Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận chưa có nghiên cứu nào trong nước về mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp và CLCS của bệnh nhân THA.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Khảo sát mối liên quangiữa kiểm soát huyết áp theo mục tiêu của ESH/ESC 2013 và chất lượng cuộc sống được đánh giá bằng bộ câu hỏi SF-36 ởbệnh nhân tăng huyết áp.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang mô tả, có phân tích
Đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân THA đang điều trị ngoại trú tại phòng khám Nội Tim Mạch, bệnh viện Chợ Rẫy từ 10/2013 đến 03/2014.
Tiêu chuẩn chọn bệnh
· Bệnh nhân nam hoặc nữ, ≥ 18 tuổi
· Đã được chẩn đoán và đang điều trị THA
· Đồng ý tham gia nghiên cứu
Tiêu chuẩn loại trừ
· Phụ nữ mang thai
· Đang mắc các bệnh cấp tính nặng: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp, viêm phổi nặng …
· Bệnh nhân không hợp tác được: bất đồng ngôn ngữ, giảm thính lực, bệnh lý tâm thần…
Cở mẫu:
n = Z2 1-α/2 . p . (1-p) / d2
· Z: tham số lấy từ bảng phân bố chuẩn; α: xác suất sai lầm loại I, chọn α = 0,05 nên Z = 1,96
· d: sai số cho phép; d=0,05
· p: tỷ lệ THA theo tác giả Phạm Thái Sơn và cs 25,1 % [18]
=> n = 289
Kỹ thuật chọn mẫu: chọn mẫu thuận tiện
Phương pháp thu thập số liệu:mẫu thu thập số liệu soạn sẵn được hoàn thành bằng cách hỏi bệnh, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định.
Huyết áp: Bệnh nhân được đo bởi người nghiên cứu bằng huyết áp kế đồng hồ với kích thước băng quấn phù hợp và tuân theo hướng dẫn đo của ESH/ESC [10].
Kiểm soát huyết áp được định nghĩa theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 [10]: < 140/85 mmHg ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) (không có bệnh thận mạn); < 140/90 mmHg ở bệnh nhân bệnh thận mạn (BTM) (có hoặc không có đái tháo đường); < 140/90 mmHg ở bệnh nhân < 65 tuổi không kèm đái tháo đường và bệnh thận mạn; < 150/90 mmHg ở bệnh nhân ≥ 65 tuổi không kèm đái tháo đường và bệnh thận mạn
CLCS của bệnh nhân THA được đánh giá bằng bộ câu hỏi SF-36 đã được Việt hóa và chuẩn hóa của tác giả Võ Tuấn Khoa và Nguyễn Thy Khuê năm 2007 [21]; người nghiên cứu phỏng vấn trực tiếp bệnh nhân và điểm số các lĩnh vực CLCS được tính theo thang điểm 100.
Phương pháp xử lý và phân tích số liệu
Sử dụng phần mềm Microsoft Excel 2007 và SPSS 16.0 để xử lý số liệu
Kết quả của một phép kiểm khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
KẾT QUẢ
Đặc điểm dân số nghiên cứu
Nghiên cứu của chúng tôi trong thời gian 6 tháng có 300 bệnh nhân tham gia. Tuổi trung bình là 64,0 ± 12,5. Tỷ lệ nữ/nam là 1,2/1.
Bảng 1: Đặc điểm dân số nghiên cứu
Biến số |
Tần số |
Tỷ lệ (%) |
||
Giới tính |
Nam Nữ |
135 165 |
45 55 |
|
Nhóm tuổi |
< 45 45 – 54 55 – 64 ≥ 65 |
16 54 92 138 |
5,3 18,0 30,7 46,0 |
|
Hút thuốc lá |
77 |
25,7 |
||
Ít vận động thể lực |
241 |
80,3 |
||
Chỉ số khối cơ thể |
Thiếu cân Bình thường Thừa cân Béo phì |
60 147 53 40 |
20,0 49,0 17,7 13,3 |
|
Rối loạn lipid máu |
209 |
69,7 |
||
Đái tháo đường |
77 |
25,7 |
||
Tiền sử gia đình bệnh tim mạch sớm |
58 |
19,3 |
||
Thời gian phát hiện THA |
< 5 năm 5 – 10 năm ≥ 10 năm |
82 138 80 |
27,3 46,0 26,7 |
|
Số thuốc hạ áp |
1 2 3 4 |
39 157 91 129 |
13,0 52,3 30,3 4,3 |
|
Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo mục tiêu của ESH/ESC 2013
Bảng 2: Tỷ lệ kiểm soát huyết áp theo ESH/ESC 2013
Nhóm BN |
Mục tiêu (mmHg) |
Tần số
|
Tổng |
Tỷ lệ (%) |
THA < 65 tuổi (không có ĐTĐ và BTM) |
< 140/90 |
45 |
93 |
48,4 |
THA ≥ 65 tuổi (không có ĐTĐ và BTM) |
< 150/90 |
40 |
72 |
55,6 |
THA + ĐTĐ (không có BTM) |
< 140/85 |
23 |
59 |
39,0 |
THA + BTM (có hoặc không có ĐTĐ) |
<140/90 |
33 |
76 |
43,1 |
Chung |
|
140 |
300 |
46,7 |
Điểm số chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tăng huyết áp
Bảng 3: Điểm số CLCScủa bệnh nhân THA
Lĩnh vực |
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Giá trị lớn nhất |
Giá trị nhỏ nhất |
HĐCN |
68,3 |
15,1 |
25 |
100 |
GHCN |
57,2 |
36,7 |
0 |
100 |
CNĐĐ |
57,1 |
18,2 |
10 |
100 |
SKTQ |
37,2 |
26,5 |
0 |
92 |
CNSS |
55,5 |
9,7 |
35 |
85 |
HĐXH |
57,5 |
17,1 |
0 |
100 |
GHTL |
58,7 |
35,2 |
0 |
100 |
TTTQ |
48,8 |
10,0 |
5 |
84 |
Mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân tăng huyết áp
Điểm số CLCS của nhóm bệnh nhân đạt mục tiêu huyết áp cao hơn nhóm không đạt mục tiêu huyết áp ở tất cả lĩnh vực CLCS. Như vậy, kiểm soát huyết áp có ảnh hưởng lên CLCS của bệnh nhân THA một cách có ý nghĩa thống kê.
Bảng 4:Mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp và CLCSở bệnh nhân THA
Đặc điểm |
Kiểm soát huyết áp |
Không kiểm soát huyết áp |
p |
HĐCN TB (ĐLC) |
70,2 (15,5) |
66,6 (14,7) |
0,043 |
GHCN TB (ĐLC) |
63,1 (36,4) |
51,9 (36,3) |
0,008 |
CNĐĐ TB (ĐLC) |
61,0 (17,0) |
53,6 (18,6) |
0,000 |
SKTQ TB (ĐLC) |
41,3 (27,0) |
33,6 (25,6) |
0,011 |
CNSS TB (ĐLC) |
57,0 (9,9) |
54,2 (9,3) |
0,015 |
HĐXH TB (ĐLC) |
60,7 (16,7) |
54,6 (17,1) |
0,002 |
GHTL TB (ĐLC) |
63,6 (34,5) |
54,3 (35,5) |
0,022 |
TTTQ TB (ĐLC) |
50,0 (10,4) |
47,7 (9,5) |
0,042 |
BÀN LUẬN
Tỷ lệ kiểm soát huyết áp
Tỷ lệ bệnh nhân đạt huyết áp mục tiêu theo ESH/ESC 2013 trong nghiên cứu của chúng tôi là 46,7%. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp của chúng tôi cao hơn so với hầu hết các nghiên cứu trước đây. Sự khác nhau về tỷ lệ kiểm soát huyết áp có thể thay đổi tùy theo nghiên cứu được thực hiện trong cộng đồng hay tại bệnh viện và tiêu chuẩn huyết áp mục tiêu. Nhìn chung, dù có khác nhau về dân số nghiên cứu và mục tiêu huyết áp giữa các nghiên cứu nhưng chúng tôi nhận thấy theo thời gian tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở nước ta đã cải thiện. Đối với các nghiên cứu thực hiện trong cộng đồng, tỷ lệ kiểm soát huyết áp là 0% vào năm 2001 (Nguyễn Minh Tâm) [13], 6,27% vào năm 2003 (Nguyễn Kim Ngôi) [12], đã tăng lên đến 36,3% vào năm 2012 (Phạm Thái Sơn và cs) [18]. Sự cải thiện tần suất kiểm soát huyết áp cũng được phát hiện qua các nghiên cứu được tiến hành trên các bệnh nhân THA điều trị tại bệnh viện. Tỷ lệ đó là 16,7% vào năm 2007 (Huỳnh Thị Tiền) [8], 32,7% vào năm 2010 (Phạm Việt Bắc) [16] đến 57,5% vào năm 2013 (Nguyễn Ngọc Thanh Vân) [14]. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp trong những năm gần đây dao động từ 32,7% đến 57,5% và tỷ lệ trong nghiên cứu của chúng tôi nằm trong khoảng dao động đó.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng ghi nhận tỷ lệ kiểm soát huyết áp cải thiện trong những thập niên qua. Tại Hoa Kỳ, các cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia cho thấy tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở những bệnh nhân THA được điều trị tăng dần từ 46,5% (1999-2000); 62,0% (2005-2006) đến 64,4% (2009-2010) [6]. Tỷ lệ kiểm soát huyết áp ở Trung Quốc cũng cải thiện từ 19% (2002) đến 30,6% (2009) [7]. Dù mục tiêu huyết áp nào được sử dụng thì lược qua các nghiên cứu trên, chúng ta có nhận thấy thực trạng kiểm soát huyết áp trên thế giới từng bước được cải thiện, tỷ lệ đạt huyết áp mục tiêu tăng dần và tỷ lệ này cao hơn ở các nước phát triển so với các nước đang phát triển.
Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân THA
Trong mẫu nghiên cứu, điểm trung bình của các lĩnh vực sức khỏe tương đối thấp, dao động từ 37,2 đến 68,3 điểm, trong đó lĩnh vực SKTQ có điểm trung bình thấp nhất và HĐCN có điểm trung bình cao nhất. Điều đó cho thấy THA làm giảm CLCS của bệnh nhân. Điểm trung bình của các lĩnh vực sức khỏe trong nghiên cứu của chúng tôi gần tương đương kết quả nghiên cứu của Aydemir và Brito ở nhiều lĩnh vực [1],[4]. Hai nghiên cứu của Deforge và Bardage C ghi nhận điểm trung bình các lĩnh vực đều cao hơn tất cả các lĩnh vực trong nghiên cứu của chúng tôi[3],[5]. Sự khác nhau về điểm số CLCS giữa các nghiên cứu là do dân số chọn mẫu khác nhau. Nghiên cứu của chúng tôi, Aydemir và Brito chọn đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân THA điều trị ngoại trú tại phòng khám của bệnh viện, trong khi đó Deforge và Bardage chọn các bệnh nhân THA trong cộng đồng. Các bệnh nhân THA đến bệnh viện khám thường là những người có các vấn đề ảnh hưởng SKTC và SKTT nhiều hơn các bệnh nhân trong cộng đồng nên dẫn đến CLCS thấp hơn.
Mối liên quan giữa kiểm soát huyết áp và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân THA
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các bệnh nhân được kiểm soát huyết áp tốt có điểm số CLCS cao hơn bệnh nhân không kiểm soát huyết áp ở tất cả 8 lĩnh vực sức khỏe. Hay nói cách khác, CLCS của bệnh nhân THA cải thiện khi đạt được mục tiêu huyết áp. Nhận định này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác. Theo nghiên cứu IMPROVE của Tautu O và cs ở 3.293 bệnh nhân THA (tuổi trung bình 62,82 ± 10,91; 58,4% nữ; huyết áp trung bình 169 ± 17,25/ 95,48 ± 11,29), có mối liên quan ý nghĩa giữa kiểm soát huyết áp và CLCS độc lập với tuổi, giới và trị số huyết áp ban đầu [19]. Khảo sát cắt ngang của LiW và cs ở 4.510 bệnh nhân > 35 tuổi điều trị ngoại trú tại 18 phòng khám của các bệnh viện ở miền Bắc và miền Nam Trung Quốc phát hiện bệnh nhân được kiểm soát huyết áp có điểm số CLCS cao hơn bệnh nhân kiểm soát huyết áp kém [9]. Youssef RM và cs nhận thấy kiểm soát huyết áp là yếu tố tiên đoán CLCS tốt hơn độc lập với ảnh hưởng của các yếu tố dân số, kinh tế xã hội và bệnh đồng mắc ở 316 bệnh nhân THA [24]. Một nghiên cứu cắt ngang của Ogunlana MO và cs ghi nhận điểm số lĩnh vực SKTC khác nhau không có ý nghĩa giữa hai nhóm kiểm soát huyết áp và không kiểm soát huyết áp (p = 0,16), nhưng điểm số SKTT và tổng điểm CLCS cao hơn có ý nghĩa ở nhóm kiểm soát huyết áp (p = 0,004 và p = 0,014) [15]. Nghiên cứu của Raskeliene và cs cho thấy không có sự khác nhau về CLCS giữa bệnh nhân có kiểm soát huyết áp và bệnh nhân không THA; ngược lại, các bệnh nhân không kiểm soát huyết áp có CLCS kém hơn bệnh nhân không THA ở các lĩnh vực HĐCN (p = 0,003), GHCN (p = 0,003), SKTQ (p = 0,017), CNSS (p = 0,008) và GHTL (p = 0,015) [17]. Một nghiên cứu của Mena-Martin FT và cs có 40,4% bệnh nhân kiểm soát huyết áp tốt (< 140/90 mmHg) và trong phân tích đa biến, bệnh nhân không kiểm soát huyết áp có điểm GHTL thấp hơn (73,1 ± 59,8 so với 98,9 ± 41,6; p = 0,020) [11]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Banegas JR và cs ở 3.368 bệnh nhân THA ≥ 60 tuổi phát hiện kiểm soát HA không liên quan với CLCS ở tất cả lĩnh vực [2].
KẾT LUẬN
Tỷ lệ kiểm soát huyết áp chung ở bệnh nhân THA theo mục tiêu huyết áp của ESH/ESC 2013 là 46,7%. Dù được xem là bệnh thường không có triệu chứng nhưng điểm số CLCS của bệnh nhân THA đều thấp ở tất cả lĩnh vực sức khỏe, dao động từ 37,2 đến 68,3 điểm. Kiểm soát huyết áp có liên quan với CLCS ở tất cả lĩnh vực sức khỏe. Điều này làm nổi bật vai trò của việc đạt mục tiêu huyết áp để đảm bảo CLCS tốt hơn cho bệnh nhân THA.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aydemir O, Ozdemir C, Koroglu E (2005). The impact of co-morbid conditions on the SF-36: A primary-care-based study among hypertensives. Arch Med Res, 36: 136-141.
2. Banegas JR, Guallar-Castillón P, Rodrígiez-Artalejo F, et al (2006). Association between awareness, treatment, and control of hypertension, and quality of life among older adults in Spain. American Journal of Hypertension, 19: 686-693.
3. Bardage C, Isacson DGL (2001). Hypertension and health-related quality of life: an epidemiological study in Sweden. J Clin Epedimiol, 54: 172-181.
4. Brito DM, Araujo TL, Galvao MT, et al (2008). Quality of life and perception of illness among individuals with blood pressure. Cad Saude Publica, 24: 933-940.
5. Deforge BR, Stewart DL, DeVoe-Weston M, et al (1998). The relationship between health status and blood pressure in urban African American. J Natl Med Assoc, 90: 658-664.
6. Guo F, He D, Zhang W, et al (2012). Trends in prevalence, awareness, management, and control of hypertension among United State adults, 1999 to 2010. JACC, 60 (7): 599-606.
7. Hu DY, Liu LS, Yu JM, Yao CH; China STATUS Study Group (2010). National survey of blood pressure control rate in Chinese hypertensive outpatients – China STATUS. Zhonghua Xin Xue Guan Bing Za Zhi, 38 (3): 230-238.
8. Huỳnh Thị Tiền (2007). Khảo sát sự tuân thủ điều trị bệnh nhân tăng huyết áp. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
9. Li W, Liu L, Puente JG, et al (2005). Hypertension and health-related quality of life: an epidemiological study in patients attending hospital clinics in China. J Hypertens, 23: 1667-1676.
10. Mancia G, Fagard R, Narkiewicz K, et al (2013). 2013 ESH/ESC Guidelines for the management of arterial hypertension. Eur Heart J, 34: 2159-2219.
11. Mena-Martin FJ, Martin-Escudero, Simal-Blanco F, et al (2003). Health-related quality of subjects with known and unknown hypertension: Results from the popultion-based Hortega study. J Hypertens, 21: 1283-1289.
12. Nguyễn Kim Ngôi (2003). Khảo sát tình hình tăng huyết áp tại phòng khám đa khoa huyện Chợ Gạo. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
13. Nguyễn Minh Tâm (2001). Nghiên cứu dịch tễ học bệnh nhân tăng huyết áp tại tỉnh Tiền Giang. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
14. Nguyễn Ngọc Thanh Vân (2013). Khảo sát tình hình thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và tần suất kiểm soát huyết áp trên bệnh nhân tăng huyết áp. Khóa luận tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
15. Ogunlana MO, Adedokun B, Dairo MD, et al (2009). Profile and predictor of health-related quality of life among hypertensive patients in South-Western Nigeria. BMC Cardiovasc Disord, 9: 25.
16. Phạm Việt Bắc (2010). Khảo sát biến chứng võng mạc trên bệnh nhân tăng huyết áp bằng chụp hình màu đáy mắt. Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
17. Raskeliene V, Babarskiene MR, Macijauskiene J, Seskevicius A (2009). Impact of duration and treatment of arterial hypertension on health-related quality of life. Medicina (Kaunas), 45(5): 405-411.
18. Son PT, Quang NN, Viet NL, Khai PG, et al (2012). Prevalence, awareness, treatment and control of hypertension in Viet Nam – results from a national survey. Journal of Human Hypertension, 26: 268-280.
19. Tautu O, et al (2016). Blood pressure control and quality of life in hypertensive patients treated with amlodipine/valsartan fixed dose combination – IMPROVE study results. Modern Medicine, 23 (2): 135-142.
20. Victor RG (2012). Systemic hypertension: Mechanisms and Diagnosis. In: Bonow PO, Mann DL, Zipes DP, Libby P, Braunwalds heart disease: a textbook of cardiovascular medicine, Elsevier Saunders, ninth edition: 935-953.
21. Võ Tuấn Khoa, Nguyễn Thy Khuê (2007), Nghiên cứu về bảng đánh giá chất lượng cuộc sống Short form (SF)-36 và ứng dụng để đánh giá chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đái tháo đường sau đoạn chi tại bệnh viện Chợ Rẫy, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
22. Ware JE (1992). The MOS 36-item short-form health survey (SF-36), conceptual framework and item selection. Med Care, 30(6): 473-483.
23. Ware JE (2000). SF-36 Health Survey Update. Spine, 25: 3130-3139.
24. Youssef RM, Moubarak II, Kamel MI (2005). Factors affecting the quality of life of hypertensive patients. East Mediterr Health J; 11(1-2): 109-118.