Google search engine

Giá trị Troponin T siêu nhạy trong dự đoán tử vong trong vòng 30 ngày ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp

TRẦN MINH TRÍ 1

NGUYỄN TUẤN VŨ 2

1 Khoa nội tiết thận bệnh viện Lê Văn Thịnh

2 Bộ môn nội trường đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

 

Tóm tắt:

Đặt vấn đề: Suy tim mất bù cấp là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân suy tim nhập viện và tỷ lệ tử vong hiện vẫn còn cao. Một trong những chỉ dấu sinh học rất có giá trị trong tiên lượng tử vong là troponin T siêu nhạy, nhưng tại Việt Nam lại chưa có nhiều nghiên cứu về vai trò tiên lượng của chỉ dấu này trên đối tượng bệnh nhân suy tim mất bù cấp.

Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát vai trò của troponin T siêu nhạy trong tiên lượng tử vong 30 ngày do mọi nguyên nhân trên bệnh nhân suy tim mất bù cấp

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu , thực hiện trên 114 bệnh nhân suy tim mất bù cấp tại khoa nội tim mạch bệnh viện Nguyễn Trãi từ tháng 3/2022 đến tháng 8/2022, troponin T siêu nhạy được định lượng bằng phương pháp miễn dịch sandwich sử dụng công nghệ hoá phát quang, thuốc thử và máy của hãng Cobas, giá trị bình thường của troponin T siêu nhạy tại khoa xét nghiệm bệnh viện Nguyễn Trãi là nhỏ hơn bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL), lấy mẫu đầu tiên trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhập viện.

Kết quả:Tỉ lệ tăng Troponin T siêu nhạy trên bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL) là 79,80%. Tỉ lệ tử vong trong 30 ngày là 13,2%. Kết quả phân tích hồi quy COX đa biến xác định một số yếu tố nguy cơ tử vong độc lập: Troponin T siêu nhạy (HR=18,54; KTC 95% 1,14 – 302,10), NT-proBNP huyết thanh (HR = 1,08; KTC 95% 1,002 – 1,20), dấu hiệu tràn dịch màng phổi trên X-quang ngực thẳng (HR = 7,37; KTC 95% 1,34 – 40,00), áp lực động mạch phổi tâm thu trên siêu âm tim (HR = 1,05; KTC 95% 1,006 – 1,10) và sử dụng epinephrine (HR = 12,59; KTC 95% 1,84 – 86,20).

Kết luận: Tỉ lệ tăng troponin T siêu nhạy trên bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL) rất cao trên đối tượng bệnh nhân suy tim mất bù cấp. Và troponin T siêu nhạy có giá trị tiên lượng tử vong 30 ngày do mọi nguyên nhân trên bệnh nhân suy tim mất bù cấp.

Từ khóa: suy tim mất bù cấp, troponin T siêu nhạy, tử vong

Abstract:

PROGNOSTIC VALUE OF HIGH-SENSITIVE TROPONIN ON THE 30-DAY MORTALITY IN PATIENTS WITH ACUTE DECOMPENSATED HEART FAILURE

                                                                                   Vo Tran Minh Tri, Nguyen Tuan Vu

Background: Acute decompensated heart failure is the leading cause of hospitalization with high mortality rate. One of the biomarkers valuable in the mortality prognosis is the high-sensitive troponin T, but there is scarce study on the prognostic role of this marker in patients with acute decompensated heart failure from Vietnamese medical literature.

Objectives: The aim of this study was to examine the role of high-sensitive troponin T in predicting 30-day all-cause mortality in patients with acute decompensated heart failure.

Subjects and methods: Prospective cohort study was conducted 114 patients with acute decompensated heart failure admitted to the Cardiology department of Nguyen Trai hospital from March 2022 to August 2022. High-sensitive troponin T was quantified by sandwich immunoassay using chemiluminescence technology, reagents and machines of Cobas, the normal value of high-sensitive troponin T at laboratory of Nguyen Trai hospital is less than 99th percentile (0,014 ng/mL), and the first sample was obtained within 24 hours of admission.

Results: The prevalence of elevated high-sensitive troponin T (> 0,014 ng/mL) was 79,80%. The 30-day mortality rate was 13,2%. The multiple COX regression shows five variables independently associated with motarlity: high-sensitive Troponin T (HR=18,54; 95%CI 1,14 – 302,10), NT-proBNP (HR = 1,08; 95% CI 1,002 – 1,20), sign of pleural effusion on straight chest X-ray (HR = 7,37; 95% CI 1,34 – 40,00), pulmonary artery systolic pressure on echocardiography (HR = 1,05; 95% CI 1,006 – 1,10) and using epinephrine (HR = 12,59; 95% CI 1,84 – 86,20).

Conclusion: The prevalence of elevated high-sensitive troponin T (> 0,014 ng/mL) is very high in patients with acute decompensated heart failure. And the high-sensitive troponin T had the ability to predict 30-day all-cause mortality in patients with acute decompensated heart failure.

Keywords: acute decompensated heart failure, high-sensitive troponin T, mortality

 

ĐẶT VẤN ĐỀ

Suy tim mất bù cấp là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân suy tim nhập viện và tỉ lệ tử vong hiện vẫn rất cao, chạm mốc 30% mỗi năm1. Riêng tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong nội viện do suy tim cấp ở nhóm bệnh nhân ≥60 tuổi còn cao khoảng 18,45%2. Sự ra đời của các dấu ấn sinh học đã làm thay đổi và giúp ích trong việc quản lý bệnh nhân suy tim. Các peptide bài niệu tuy có giá trị nhưng việc sử dụng đơn độc chúng vẫn không đủ khả năng tiên lượng một cách chính xác nhất3.Vì vậy, các chỉ dấu sinh học khác vẫn đang rất được quan tâm trong suy tim. Trong đó, troponin tim mà cụ thể là Troponin T siêu nhạy, được xem là dấu ấn sinh học nền tảng trong chẩn đoán, phân tầng nguy cơ và lựa chọn chiến lược điều trị trong hội chứng vành cấp4, nhưng vai trò của chúng trong tiên lượng trên bệnh nhân suy tim còn chưa được quan tâm nhiều. Theo nghiên cứu của tác giả Alex Roset và cộng sự (2020) đã cho thấy việc tăng troponin T siêu nhạy trên 0,035 ng/mL có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày trên nhóm bệnh nhân suy tim cấp với HR = 3,82 có ý nghĩa thống kê, p < 0,0015. Tại Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào khảo sát vai trò tiên lượng của Troponin T siêu nhạy trên bệnh nhân suy tim mất bù cấp.

Mục tiêu nghiên cứu

  1. Xác định tỉ lệ tăng Troponin T siêu nhạy tại thời điểm nhập viện trên bách phân vị thứ 99 ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp.
  2. Xác định các yếu tố liên quan đến tử vong trong vòng 30 ngày ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp.
  3. Xác định khả năng dự đoán tử vong trong vòng 30 ngày của Troponin T siêu nhạy ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp.

Đối tượng- Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu

Đoàn hệ tiến cứu.

Dân số nghiên cứu

Bệnh nhân nhập khoa tim mạch 1,2,3 bệnh viện Nguyễn Trãi từ tháng 3/2022 đến tháng 8/2022.

Tiêu chuẩn chọn vào

Tất cả bệnh nhân đã được chẩn đoán và điều trị suy tim theo Hội tim Châu Âu 2021, nhập viện vì đợt suy tim mất bù cấp dựa trên hướng dẫn chẩn đoán suy tim cấp của Hội tim Châu Âu 2021, và có xét nghiệm troponin T siêu nhạy trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập viện.

Tiêu chuẩn loại ra

Bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 4, phẫu thuật tim trong vòng 6 tháng kể từ ngày lấy mẫu, nhồi máu cơ tim cấp trong thời gian nằm viện.

Cỡ mẫu

Tính cỡ mẫu theo các công thức sau

Với α=0,05, sai số d=0,075 và theo nghiên cứu của G Michael Felker  trên đối tượng suy tim cấp nhập viện, tỉ lệ tăng troponin T siêu nhạy trên mốc 0,014 ng/L là p = 0,933, chúng tôi chọn được cỡ mẫu tối thiểu là 62 đối tượng.

Với α=0,05, β=0,2, và theo nghiên cứu của Alex Roset trên đối tượng bệnh nhân suy tim cấp nhập viện ghi nhận có sự liên quan giữa tăng troponin T siêu nhạy và tăng nguy cơ tử vong với HR = 2,9514, chúng tôi tính được số biến cố tử vong ít nhất là 14 biến cố.

Nghiên cứu của chúng tôi thu thập được 114 bệnh nhân, với 15 bệnh nhân tử vong

Định nghĩa biến số

Troponin T-hs: là biến định lượng, đơn vị là ng/mL. Nồng độ troponin T-hs đều được thực hiện duy nhất tại khoa sinh hoá bệnh viện Nguyễn Trãi. Xét nghiệm troponin T-hs được định lượng bằng phương pháp miễn dịch sandwich sử dụng công nghệ hoá phát quang, thuốc thử và máy của hãng Cobas, giá trị bình thường của troponin T-hs tại khoa xét nghiệm bệnh viện Nguyễn Trãi là nhỏ hơn bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL), lấy mẫu đầu tiên trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhập viện. Tăng troponin T-hs trên bách phân vị thứ 99 là troponin T-hs tăng trên 0,014 ng/mL.

– Bất thường ST-T: là biến nhị giá có và không. Giá trị có khi có các dấu hiệu sau: ST chênh lên hoặc chênh xuống ≥ 1mm, hoặc sóng T đảo ngược ở 2 chuyển đạo liên tiếp bất kỳ.

– Kết cục tử vong: BN được ghi nhận tử vong do mọi nguyên nhân tại bệnh viện theo hồ sơ bệnh án hoặc xuất nặng theo yêu cầu và được xác nhận đã tử vong sau khi liên lạc hỏi qua điện thoại. Đối với trường hợp nằm viện chưa đến 30 ngày cũng được xác nhận bằng cách gọi điện thoại cho bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân vào ngày thứ 30 tính từ thời điểm nhập viện để xác minh tình trạng bệnh.

Thu thập và xử lý số liệu

Tất cả bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán đợt suy tim mất bù cấp, không có tiêu chuẩn loại trừ và đồng ý tham gia nghiên cứu đều được tiến hành thu dung vào nghiên cứu. Tất cả đối tượng khi thỏa tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu đều được khai thác bệnh sử, tiền căn bản thân và gia đình thông qua hỏi bệnh và thăm khám trực tiếp, đồng thời thu thập các cận lâm sàng cần thiết.Chúng tôi theo dõi bệnh nhân trong vòng 30 ngày, có hay không có biến cố kết cục.

Số liệu được xử lí và phân tích bằng phần mềm R phiên bản 4.2.1 cho hệ điều hành Windows. Sử dụng phần mềm Word 2010, Excel 2010 để trình bày kết quả nghiên cứu dưới dạng bảng và biểu đồ. So sánh biến số định lượng phân phối chuẩn dùng T-test, không phân phối chuẩn dùng Wilcoxon. So sánh tỷ lệ dùng Chi bình phương, Fisher’s Exact Test. Chúng tôi tiến hành phân tích hồi qui Cox đơn biến cho các yếu tố liên quan đến tử vong. Sau đó, chúng tôi chọn lựa những biến số có giá trị p < 0,1 cùng với sự ghi nhận từ y văn để đưa vào phân tích hồi qui Cox đa biến nhằm mục đích tìm ra các yêu tố liên quan độc lập với kết cục tử vong. Giá trị p < 0,05 được xem là có ý nghĩa thống kê.

Y Đức

Đề tài đã được thông qua hội đồng Y Đức trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (số 563).

KẾT QUẢ

Lưu đồ thu nhận và theo dõi bệnh nhân trong nghiên cứu

Tỉ lệ tăng Troponin T siêu nhạy trên bách phân vị thứ 99

Tỉ lệ tăng Troponin T siêu nhạy trên bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL) chiếm 79,8%. Nồng độ Troponin T siêu nhạy ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp không có phân phối chuẩn, giá trị trung vị 0,03 ng/mL, khoảng tứ phân vị [0,02-0,06] ng/mL, giá trị nhỏ nhất là 0,006 ng/mL, và giá trị lớn nhất là 1,34 ng/mL.

Các yếu tố liên quan đến tử vong trong vòng 30 ngày

Tỉ lệ tử vong 30 ngày ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp là 13,2%. Các yếu tố đạt sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm tử vong và không tử vong là tuổi, số yếu tố nguy cơ tim mạch chính, phân độ suy tim theo NYHA, khó thở khi nghỉ, tỉ số neutrophil/lympho bào, tỉ số tiểu cầu/lympho bào, NT-proBNP, troponin T-hs, hình ảnh kerley B và tràn dịch màng phổi trên X-quang ngực thẳng; block nhánh phải, bất thường ST-T trên điện tâm đồ, PAPs, và sử dụng norepinephrine (bảng 1).

Khả năng dự đoán tử vong trong vòng 30 ngày của Troponin T siêu nhạy ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp

Qua phân tích đơn biến ghi nhận: khó thở khi nghỉ, neutrophil, tỷ số neutrophil/lympho bào, troponin T-hs, NT-proBNP, tràn dịch màng phổi, RBBB, bất thường ST-T, PAPs và biến cố sử dụng epinephrine có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày của bệnh nhân suy tim mất bù cấp với p lần lượt là p=0,007, p=0,004, p=0,016, p<0,001, p<0,001, p=0,021, p=0,003, p=0,003, p=0,029 và p<0,001, trong khi đó lympho bào lại liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong với p=0,037. Sau đó, chúng tôi chọn các biến số mà theo y văn có ghi nhận mối liên quan với tử vong và thỏa điều kiện khi thực hiện hồi quy Cox đơn biến có p <0,1, sẽ được đưa vào mô hình hồi quy Cox đa biến.

Kết quả phân tích hồi quy COX đa biến xác định 5 yếu tố nguy cơ tử vong độc lập: Troponin T-hs (HR=18,54; KTC 95% 1,14 – 302,10), NT-proBNP huyết thanh (HR = 1,08; KTC 95% 1,002 – 1,20), dấu hiệu tràn dịch màng phổi trên X-quang ngực thẳng (HR = 7,37; KTC 95% 1,34 – 40,00),áp lực động mạch phổi tâm thu trên siêu âm tim (HR = 1,05; KTC 95% 1,006 – 1,10) và sử dụng epinephrine (HR = 12,59; KTC 95% 1,84 – 86,20) (biểu đồ 1).

Bảng 1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu

Yếu tố Chung

(n= 114)

Tử vong trong vòng 30 ngày
Tử vong

(n=15)

Không tử vong

(n=99)

p
Tuổi 71,2 ± 12 76,8 ± 11,1 70,40 ± 11,9 0,049
Giới Nam 55 (48,25%) 8 (53,3%) 51 (51,5%) 1,000
Nữ 59 (51,75%) 7 (46,7%) 48 (48,5%)
Tiền

căn bệnh lý

THA 105 (92,1%) 15 (100%) 90 (90%) 0,604
ĐTĐ 35 (30,7%) 4 (26,7%) 31 (31,3%) 1,000
Rối loạn mỡ máu 78 (68,4%) 15 (100%) 63 (63,6%) 0,003
Hút thuốc lá 46 (40,4%) 41 (41,4%) 5 (33,3%) 0,755
Tiền căn gia đình mắc bệnh tim mạch xơ vữa sớm 4 (3,51%) 3 (20,00%) 1 (6,67%) 0,436
Số yếu tố nguy cơ tim mạch chính 0 4 (3,51%) 0 (0,00) 4 (4,04%) 0,003
1 22 (19,30%) 0 (0,00) 22 (22,2%)
2 39 (34,21%) 4 (26,7%) 35 (35,4%)
3 43 (37,72%) 7 (46,6%) 36 (36,4%)
4 6 (5,26%) 4 (26,7%) 2 (2,02%)
Tình trạng suy tim căn bản NYHA I 11 (9,65%) 1 (6,7%) 10 (10,1%) 0,008
NYHA II 49 (42,98%) 2 (13,3%) 47 (47,5%)
NYHA III 51 (44,74%) 10 (66,7%) 41 (41,4%)
NYHA IV 3 (2,63%) 2 (13,3%) 1 (1,01%)
Lý do nhập viện Khó thở 102 (89,47%) 14 (93,3%) 88 (88,9%) 1,000
Khác 12 (10,53%) 1 (6,67%) 11 (11,1%)
Triệu chứng lâm sàng

lúc NV

Khó thở khi nghỉ 64 (56,14%) 14 (93,3%) 42 (42,4%) 0,001
Phù 47 (41,23%) 8 (53,3%) 33 (33,3%) 0,224
Cận lâm sàng lúc NV Neutrophil 6,05 [4,30-8,50] 8,5 [6,75-10,9] 5,8 [4,2-8,2] 0,004
Lympho bào 1,50 [1,20-2,18] 1,3 [1,05-1,55] 1,6 [1,2-2,3] 0,029
Tiểu cầu 220 [181-266] 236 [181-310] 213 [181-264] 0,451
Tỉ số neutrophil/Lympho bào 6,18 [5,25-10,5] 3,07 [2,18-5,65 <0,001
Tỉ số tiểu cầu/Lympho bào 172 [143-242] 128 [89,7-193] 0,015
Natri 139 [134-141] 136 [127-139] 139 [134-141] 0,101
Kali 4,14 [3,80-4,57] 4,46 [4,16-4,84] 4,1 [3,8- 4,48] 0,059
Troponin T-hs 0,03 [0,02-0,06] 0,22 [0,04 – 0,31] 0,03 [0,02-0,05] <0,001
NT-proBNP 4430 [2320-9268] 25477 [9924 – 35000] 3415 [2170 – 7340 <0,001
Hemoglobin 11,80 ± 2,47 10 (±2,75) 7,51 (±2,33) 0,052
Kerley B 87 (76,31%) 14 (93,3%) 62 (62,6%) 0,04
Tràn dịch màng phổi trên X-quang 35 (30,7%) 8 (53,3%) 23 (23,2%) 0,026
Block nhánh phải 19 (16,7%) 6 (40%) 11 (11,1%) 0,01
Bất thường ST-T 56 (49,12%) 13 (86,7%) 36 (36,4%) 0,001
PAPs 35 [24-48] 48 [40-53] 32 [23-47] 0,027
EF ≥ 50 49 (43%) 42 (±18,9) 45 (±15,9) 0,562
≤ 40 48 (42,1%)
41-49 17 (14,9%)
Điều trị Có sử dụng epinerphine 15 (13,16%) 11 (73,3%) 4 (4%) <0,001

Biểu đồ 1. Hồi quy Cox đa biến các yếu tố tiên lượng tử vong

TnT-hs: Troponin T-hs, RBBB: block nhánh phải, NLR: tỉ số neutrophil trên lympho bào,

TDMP: Tràn dịch màng phổi, PAPs: áp lực động mạch phổi thì tâm thu

BÀN LUẬN

Tỉ lệ tăng Troponin T siêu nhạy trên bách phân vị thứ 99

Qua nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận tỉ lệ tăng Troponin T-hs trên ngưỡng bách phân vị thứ 99 (0,014ng/mL) khá cao, chiếm tới 79,8%. Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu trên thế giới. Như trong nghiên cứu của tác giả L. K. Newby (2019) trên đối tượng suy tim cấp, tỉ lệ này là 77,5%6. Theo nghiên cứu RELAX-AHF (2015), tăng troponin T-hs trên bách phân vị thứ 99 trên bệnh nhân suy tim cấp khá thường gặp, tỉ lệ này chiếm tới 90%7. Còn theo nghiên cứu của tác giả Jakob Ledwoch và các cộng sự vừa được công bố hồi đầu năm 2022 trên tạp chí Heart and Vessels, với cỡ mẫu khá lớn 847 bệnh nhân suy tim nhập viện, tỉ lệ tăng hsTnT trên bách phân vị 99 theo từng nhóm suy tim EF bảo tồn, giảm và giảm nhẹ lần lượt là 82%, 92% và 90%8. Kết quả của các nghiên cứu trên cho thấy tỉ lệ tăng troponin tim đều rất cao bất kể phân suất tống máu thế nào. Từ các kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi thấy được mức độ phổ biến của tình trạng tăng hsTnT trên giới hạn tham chiếu bách phân vị thứ 99 ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp. Bởi vì bệnh nhân suy tim thường có các triệu chứng khó thở, tức ngực tương tự như bệnh nhân bị hội chứng vành cấp, ngoài ra, bệnh tim thiếu máu cục bộ cũng có thể kèm theo bệnh lý suy tim, điều này tạo ra một tình thế lâm sàng khó xử cho các bác sĩ cấp cứu đánh giá bệnh nhân suy tim cấp, đặc biệt khi bệnh nhân có biểu hiện suy tim mới hoặc khi tiền căn bệnh nhân đã biết suy tim do bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ9. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã loại trừ các trường hợp có hội chứng mạch vành cấp, điều này càng cho thấy việc đo hsTnT có thể có giá trị hạn chế trong việc đưa ra quyết định phân loại ban đầu tại phòng cấp cứu. Thay vào đó, nếu mục tiêu là giảm thiểu các trường hợp không cần thiết nhập viện và giảm quá tải cho khoa cấp cứu, thì việc xem xét đáp ứng với điều trị ban đầu, nhu cầu oxy và các thông số khác có thể phù hợp hơn để quyết định hướng điều trị sau đó6.

Các yếu tố liên quan đến tử vong trong vòng 30 ngày

Nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận một số yếu tố quen thuộc liên quan đến tử vong ở bệnh nhân suy tim cấp như tuổi, phân độ suy tim theo NYHA, khó thở khi nghỉ và NT-proBNP. Những yếu tố này cũng được ghi nhận liên quan đến tử vong 30 ngày trên đối tượng bệnh nhân suy tim cấp trong nghiên cứu của tác giả Đặng Quang Toàn và Tạ Thị Thanh Hương (2019)3, hay tử vong nội viện trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Công Thành và Võ Thành Nhân (2017)2 và nghiên cứu của tác giả William T. Abraham cùng cộng sự (2008)10. Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi cũng ghi nhận thêm một số yếu tố khác có liên quan đến tử vong như số yếu tố nguy cơ tim mạch chính, tỉ số neutrophil/lympho bào, tỉ số tiểu cầu/lympho bào, troponin T-hs, hình ảnh kerley B và tràn dịch màng phổi trên X-quang ngực thẳng; block nhánh phải, bất thường ST-T trên điện tâm đồ, PAPs, và sử dụng norepinephrine. Các yếu tố này cũng được ghi nhận qua nhiều nghiên cứu nước ngoài khác. Tóm lại, có rất nhiều yếu tố liên quan đến tử vong 30 ngày ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp nói riêng và suy tim cấp nói chung. Mỗi nghiên cứu khác nhau tùy vào đối tượng chọn mẫu, cỡ mẫu và đặc điểm phương pháp nghiên cứu cho ra các yếu tố khác nhau. Có yếu tố xuất hiện ở nghiên cứu này nhưng không hiện diện ở nghiên cứu khác, có các yếu tố hiện diện trên nhiều nghiên cứu khác nhau. Sự hiện diện của cùng một yếu tố trên nhiều nghiên cứu khác nhau có thể nhấn mạnh sự liên quan khá mạnh của chúng với tử vong.

Khả năng dự đoán tử vong trong vòng 30 ngày của Troponin T siêu nhạy ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 5 yếu tố có thể dùng tiên lượng tử vong ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp trong 30 ngày theo dõi gồm Troponin T-hs, NT-proBNP, tràn dịch màng phổi trên phim X-quang ngực thẳng, áp lực động mạch phổi đo trên siêu âm tim, và biến sử dụng norepinephrine. Trong 5 yếu tố đó thì nổi bật khả năng tiên lượng tử vong là troponin T-hs với HR 18,54, KTC 95% (1,13-302,1), p = 0,04, yếu tố đứng sau với HR cũng khá cao 12,59, KTC 95% (1,83-86,2), p = 0,01 là sử dụng norepinephrine, các yếu tố còn lại HR không khác biệt nhiều. Theo như tìm hiểu của nhóm chúng tôi, khá ít nghiên cứu ghi nhận giá trị tiên lượng tử vong độc lập của troponin sau khi đưa vào mô hình hồi quy đa biến mà phần lớn đều đề cao giá trị của NT-proBNP. Như trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Công Thành và Võ Thành Nhân (2017)2, troponin I không còn ghi nhận có ý nghĩa thống kê sau khi đưa vào mô hình hồi quy đa biến. Một nghiên cứu khác của tác giả Kristian Berge cùng cộng sự (2021) trên đối tượng suy tim cấp đánh giá trong thời gian trung bình là 823 ngày ghi nhận: nồng độ hs-cTnT có liên quan đến tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim cấp trong phân tích hồi quy Cox đơn biến (p = 0,005), nhưng không còn ý nghĩa thống kê khi đưa vào mô hình hồi quy Cox đa biến với các biến số rủi ro khác trong đó có NT-proBNP (p = 0,15)11. Mặc dù, thực tế lâm sàng rất đa dạng và thiếu dữ liệu dịch tễ học chính xác về suy tim mất bù cấp, nhưng dân số trong mẫu của chúng tôi vẫn có thể đại diện cho một phần nhỏ bệnh nhân suy tim mất bù cấp nhập viện. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi củng cố thêm sự cần thiết của việc kết hợp đánh giá lâm sàng và đo các dấu ấn sinh học khi bác sĩ lâm sàng muốn đánh giá nguy cơ tử vong cho nhóm bệnh nhân suy tim mất bù cấp nhập viện. Qua các nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy xét nghiệm hs-TnT có thể góp phần trong việc đánh giá được nguy cơ tử vong, cụ thể hơn trong nghiên cứu của chúng tôi là nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm nhập viện.

KẾT LUẬN

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2022 đến tháng 8/2022, chúng tôi thu thập được 114 bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp tại bệnh viện Nguyễn Trãi. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ tăng Troponin T-hs trên bách phân vị thứ 99 (0,014 ng/mL) trên nhóm bệnh nhân suy tim mất bù cấp rất cao. Bên cạnh đó, troponin T siêu nhạy cũng là  một yếu tố liên quan độc lập đến tăng nguy cơ tử vong trong vòng 30 ngày kể từ lúc nhập viện ở bệnh nhân suy tim mạn mất bù cấp với HR= 18,54; KTC 95% 1,138-302,1; p = 0,004.

Từ đó, chúng tôi kiến nghị thực hiện xét nghiệm troponin T siêu nhạy ở bệnh nhân suy tim mất bù cấp nhập viện để tiên lượng bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Llorens P, Javaloyes P, Martín-Sánchez FJ, et al. Time trends in characteristics, clinical course, and outcomes of 13,791 patients with acute heart failure. Clin Res Cardiol. Oct 2018;107(10):897-913. doi:10.1007/s00392-018-1261-z
  2. Nguyễn Công Thành, Võ Thành Nhân. Khảo sát đặc điểm và các yếu tố tiên lượng tử vong trong bệnh viện trên bệnh nhân cao tuổi suy tim cấp. Y Hoc TP Ho Chi Minh. 2017;21(1):232-238.
  3. Đặng Quang Toàn, Tạ Thị Thanh Hương. Dấu ấn sinh học Galectin-3 trong suy tim cấp. Y Hoc TP Ho Chi Minh. 2019;23(2):135-141.
  4. Collet J-P, Thiele H, Barbato E, et al. 2020 ESC Guidelines for the management of acute coronary syndromes in patients presenting without persistent ST-segment elevation: The Task Force for the management of acute coronary syndromes in patients presenting without persistent ST-segment elevation of the European Society of Cardiology (ESC). European Heart Journal. 2020;doi:10.1093/eurheartj/ehaa575
  5. Roset A, Jacob J, Herrero-Puente P, et al. High-sensitivity cardiac troponin T 30 days all-come mortality in patients with acute heart failure. A Propensity Score-Matching Analysis Based on the EAHFE Registry. TROPICA4 Study. European journal of clinical investigation. Jun 2020;50(6):13248. doi:10.1111/eci.13248
  6. Newby LK. High-Sensitivity Troponin in Acute Heart Failure Triage. 2019;12(7):e006241. doi:doi:10.1161/CIRCHEARTFAILURE.119.006241
  7. Felker GM, Mentz RJ, Teerlink JR, et al. Serial high sensitivity cardiac troponin T measurement in acute heart failure: insights from the RELAX-AHF study. European journal of heart failure. Dec 2015;17(12):1262-1270. doi:10.1002/ejhf.341
  8. Ledwoch J, Kraxenberger J, Krauth A, et al. Prognostic impact of high-sensitive troponin on 30-day mortality in patients with acute heart failure and different classes of left ventricular ejection fraction. Heart and Vessels. 2022/07/01 2022;37(7):1195-1202. doi:10.1007/s00380-022-02026-x
  9. Januzzi James L, Mahler Simon A, Christenson Robert H, et al. Recommendations for Institutions Transitioning to High-Sensitivity Troponin Testing. Journal of the American College of Cardiology. 2019/03/12 2019;73(9):1059-1077. doi:10.1016/j.jacc.2018.12.046
  10. Abraham WT, Fonarow GC, Albert NM, et al. Predictors of In-Hospital Mortality in Patients Hospitalized for Heart Failure: Insights From the Organized Program to Initiate Lifesaving Treatment in Hospitalized Patients With Heart Failure (OPTIMIZE-HF). Journal of the American College of Cardiology. 2008/07/29/ 2008;52(5):347-356. doi:https://doi.org/10.1016/j.jacc.2008.04.028
  11. Berge K, Lyngbakken MN, Myhre PL, et al. High-sensitivity cardiac troponin T and N-terminal pro-B-type natriuretic peptide in acute heart failure: Data from the ACE 2 study. Clinical Biochemistry. 2021/02/01/ 2021;88:30-36. doi:https://doi.org/10.1016/j.clinbiochem.2020.11.009
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO