Google search engine

Dùng lượng lớn nước ép bưởi làm kéo dài QT

Nghiên cứu mới cho thấy dùng một lượng lớn nước ép bưởi có thể kéo dài khoảng QT, đặc biệt là ở phụ nữ và những người đã mắc hội chứng QT dài (LQTS).

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Telour Sourasky (TASMC) và Khoa Y Sackler, Đại học Tel Aviv, Israel, đã nghiên cứu 10 bệnh nhân mắc LQTS và 30 tình nguyện viên khỏe mạnh.Các tình nguyện viên đã nhận được 2 lít nước ép bưởi hoặc 400 mg moxifloxacin uống, được biết là có ảnh hưởng đến khoảng QT. Các bệnh nhân LQTS chỉ nhận được nước ép bưởi.

Điện tâm đồ (ECG) của bệnh nhân LQTS cho thấy sự kéo dài đáng kể của QTc sau khi uống nước ép bưởi, so với ECG lúc ban đầu của họ.

Ở những người tình nguyện khỏe mạnh, nước ép bưởi và moxifloxacin gây kéo dài QTc tương đương, với ảnh hưởng đặc biệt nổi bật ở phụ nữ.

Bác sĩ Sami Viskin, Giám đốc bệnh viện Tim mạch TASMC cho biết: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, với liều lượng lớn, nước ép bưởi kéo dài khoảng QT đến một mức độ tương tự như moxifloxacin, một loại kháng sinh có nguy cơ gây xoắn đỉnh dù thấp. Bệnh nhân mắc LQTS nên được thông báo rằng uống nước ép bưởi với số lượng lớn có thể gây ra một số nguy cơ và khi bệnh nhân mắc LQTS bị rối loạn nhịp tim, chúng tôi đề nghị nên hỏi bệnh sử về thực phẩm đã dùng gần đây.

Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị nhịp tim học năm 2019 và xuất bản trực tuyến ngày 8 tháng 5 trên tờ HeartRhythm.

Protocol nghiên cứu

Theo Tiến sĩ Ehud Chorin, thuộc khoa tim mạch tại TASMC: Có hơn 200 loại thuốc có nguy cơ kéo dài QT được báo cáo. Danh sách các loại thuốc có thể làm kéo dài QT rất nhiều và đa dạng đến mức không phải là không có lý khi chấp nhận ý kiến cho rằng một số thực phẩm cũng có thể có tiềm năng kéo dài QT.

Tất cả các loại thuốc kéo dài khoảng QT chủ yếu bằng cách ức chế một kênh kali đặc hiệu trên màng tế bào cơ tim – kênh ‘IKr’, do đó kéo dài quá trình tái cực thất. Nghiên cứu được thúc đẩy bởi các báo cáo trước đây cho rằng một số flavonoid có trong nước ép bưởi chặn kênh IKr trong phòng thí nghiệm.

Các tác giả lưu ý rằng, các nghiên cứu về QT/QTc thường được thực hiện bởi các công ty dược phẩm cho các loại thuốc được phát triển để có được sự đánh giá tốt hơn về tiềm năng kéo dài QT của thuốc.

Những nghiên cứu này bao gồm, một chứng dương là một loại thuốc có đặc tính kéo dài QT được xác nhận (mặc dù nhỏ) – tức là 400 mg moxifloxacin, một loại kháng sinh chẹn kênh IKr, dẫn đến kéo dài QT có thể phát hiện được.

Các tác giả đã cho nước ép bưởi theo protocol, sử dụng các tiêu chí của ngành công nghiệp dược phẩm.

Nghiên cứu bao gồm một nhóm chứng gồm các tình nguyện viên khỏe mạnh và một nhóm bệnh nhân mắc LQTS (n = 30 và n = 10, tương ứng).Tình nguyện viên là người trưởng thành có cân nặng bình thường, không dùng thuốc.Nhóm bệnh nhân bao gồm những người tham gia với LQTS loại I, loại II và loại III (n = 3, n = 5 và n = 2), tương ứng.

Bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta vẫn tiếp tục dùng thuốc, và máy khử rung được cài với tần số 80 nhịp/phút.

Bệnh nhân được nhập viện trong hai ngày, hai lần trong khoảng thời gian 7 ngày, với nghiên cứu bao gồm 4 ngày (2 ngày lúc đầu và 2 ngày lúc kết thúc).

Tất cả các ECG được thực hiện sau 15 phút nghỉ ngơi tại giường, chỉ cho phép hoạt động tối thiểu giữa các lần ghi và tất cả những người tham gia đều nhận được cùng một chế độ ăn kiêng trong suốt những ngày nghiên cứu.

Mỗi ngày, 3 ECG khi nghỉ được thực hiện cách nhau 30 phút, bắt đầu từ 8 giờ sáng, và các ECG này được xem là ECG nền cho ngày hôm đó.

Vào ngày 1, ECG sau đó được thực hiện sau mỗi 60 phút (được xem như là ECG khi không dùng thuốc) và chúng được so sánh với các bản ghi ECG nền của ngày hôm đó để đánh giá sự thay đổi sinh học tự phát của QT/QTc.     

Vào ngày thứ hai, những người tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp thuốc hoặc nhóm nước ép bưởi tươi, được chia 3 lần sau khi hoàn thành ECG nền, với ECG được thực hiện đều đặn suốt thời gian còn lại trong ngày.

Những bệnh nhân này được xuất viện sau 48 giờ và sau đó tái nhập viện lại sau 7 ngày trong 2 ngày nữa (được thiết kế như ngày 3 và ngày 4).

Trong ngày thứ 3, protocol ngưng thuốc ngày 1 được lặp lại.Vào ngày thứ 4, nhóm chứng nhận được sự can thiệp ngược lại  với những gì họ đã nhận được vào ngày thứ 2 (nước ép bưởi hoặc moxifloxacin).

Nhóm bệnh nhân không nhận moxifloxacin và, vì bệnh nhân LQTS đầu tiên bị kéo dài quá mức QT sau khi uống nước ép bưởi, nghiên cứu đã sửa đổi protocol bằng cách giảm lượng nước ép bưởi dùng, do đó chỉ uống 2 liều nước ép bưởi đầu tiên cho các bệnh nhân sau đó.

 

Không có rủi ro đối với dân số nói chung

Tiến sĩ Peter Zimetbaum và Giáo sư Susan F. Smith (giáo sư y học tim mạch) Trường Y Harvard, Boston, Massachusetts, gọi đó là một “nghiên cứu được tiến hành rất tốt với kết luận rất cân bằng”.

Zimetbaum, Giám đốc khoa tim mạch lâm sàng tại Trung tâm y tế Beth Israel Deaconess, Boston, nói: “Các tác giả lưu ý rằng việc uống nước ép bưởi với số lượng lớn – ít nhất là một lít – dẫn đến việc kéo dài khoảng QT, là một quan sát quan trọng trong một thử nghiệm được tiến hành nghiêm ngặt”.

Ông nói thêm rằng “thận trọng để tránh uống một lượng lớn nước ép bưởi khi dùng các loại thuốc có thể kéo dài khoảng thời gian QT – đặc biệt là thuốc chống loạn nhịp – có ý nghĩa tốt”.

Viskin nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ “không ngụ ý rằng việc tiêu thụ nước ép bưởi hàng ngày liên quan đến bất kỳ rủi ro nào đối với dân số nói chung”. Tuy nhiên, một ngoại lệ có thể xảy ra là việc tiêu thụ “đồ uống tốt cho sức khỏe” có chứa các sản phẩm bưởi đậm đặc.

 

(Dịch từ Large Quantities of Grapefruit Juice Prolong QT Interval. https://www.medscape.com/viewarticle/913187)

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO