Google search engine

Tuân thủ sử dụng viên thuốc kết hợp 3 trong 1 Peridopril/Indapamide/Amlodipine: Kết quả từ phân tích dữ liệu thực tế ở Ý

(Adherence to triple Single-Pill combination of Perindopril/Indapamide/Amlodipine: Findings from Real-World Analysis in Italy)

(Adv Ther https://doi.org/10.1007/s12325-023-02451-y)

 

Claudio Borghi. Pathiyil Balagopalan Jayagopal. Alexandra Konradi

 Người dịch: THS. BS TRẦN VIỆT DŨNG

Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y khoa Hà Nội

TÓM TẮT:

Giới thiệu: Sử dụng viên thuốc kết hợp trong điều trị tăng huyết áp cho thấy cải thiện sự tuân thủ điều trị. Tuy nhiên, lợi ích của viên thuốc kết hợp 3 trong 1 lại ít được biết đến hơn. Phân tích quan sát hồi cứu này nhằm đánh giá những thay đổi trong tuân thủ điều trị khi chuyển từ Peridopril(PER)/ Indapamide(IND) + Amlodipine(AML) sang viên thuốc kết hợp liều cố định PER/IND/AML trong thực hành lâm sàng ở Ý.

Phương pháp: Phân tích này sử dụng dữ liệu được trích suất từ cơ sở dữ liệu hành chính của các đơn vị chăm sóc sức khoẻ ở Ý. Những bệnh nhân trưởng thành sử dụng PER/IND/AML được lựa chọn, và ngày kê thuốc được coi là ngày bắt đầu theo dõi. Trong số họ, những người đã được kê thuốc PER/IND + AML trong 12 tháng trước ngày mốc và kê PER/IND/AML trong 6 tháng tiếp theo được đưa vào. Sự tuân thủ điều trị được tính bằng tỷ lệ số ngày dùng thuốc (PDC: PDC <40%, không tuân thủ; PDC = 40-79%, tuân thủ một phần; PDC >= 80%, tuân thủ).

Kết quả: Trong số những người được xác định, có 158 người là đối tượng sử dụng  và được đưa vào phân tích. Khi so sánh các bệnh nhân trước và sau khi chuyển sang dùng viên thuốc phối hợp 3 trong 1, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị cao hơn hẳn ở nhóm sử dụng thuốc phối hợp PER/IND/AML 3 trong 1 (75.3%) so với nhóm sử dụng PER/IND + AML (44.3%) (P < 0.05). Ngược lại, tỷ lệ không tuân thủ điều trị thấp hơn ở nhóm sử dụng viên phối hợp PER/IND/AML 3 trong 1 (14.6%) so với nhóm dùng PER/IND + AML (17.7%) (P<0.001).

Kết luận: Phân tích số liệu thực tế cho thấy việc chuyển sang sử dụng viên thuốc kết hợp 3 trong 1 giúp tạo cơ hội cải thiện tuân thủ thuốc điều trị tăng huyết áp trong thực tế lâm sàng.

TÓM LƯỢC

Tuân thủ dùng thuốc được định nghĩa bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là ”mức độ mà hành vi của một người (trong việc dùng thuốc) tương ứng với các khuyến nghị phù hợp từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe”. Mức độ tuân thủ dùng thuốc thấp trong điều trị tăng huyết áp có liên quan đến việc gia tăng gánh nặng bệnh tật và chi phí cho bệnh nhân. Bệnh nhân tăng huyết áp mà huyết áp được kiểm soát kém thường cần dùng nhiều hơn một viên thuốc. Tuy nhiên, việc phải uống nhiều viên thuốc có thể dẫn đến tuân thủ điều trị kém, tức là bệnh nhân sẽ không dùng thuốc theo chỉ định. Việc kết hợp nhiều loại thuốc trong một viên thuốc duy nhất để kiểm soát tăng huyết áp được biết đến là cách để cải thiện sự tuân thủ điều trị; tuy nhiên, có ít bằng chứng về lợi ích của việc kết hợp 3 trong 1 so với không kết hợp thuốc tương ứng trong thực hành lâm sàng thực tế. Phân tích này đánh giá những thay đổi trong tuân thủ điều trị trước và sau khi bệnh nhân chuyển từ liệu pháp dùng riêng các viên PER/IND + AML sang dùng một viên PER/IND/AML. Phân tích này sử dụng dữ liệu thực tế từ cơ sở dữ liệu hành chính của Ý, chiếm khoảng 11% dân số Ý. Có tất cả 158 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng số bệnh nhân tuân thủ điều trị sau khi chuyển sang dùng viên kết hợp PER/IND/AML cao hơn (75,3% so với 44,3% khi dùng PER/IND + AML). Số bệnh nhân tuân thủ một phần và tuân thủ kém khi dùng viên kếp hợp PER/IND/AML ít hơn (lần lượt là 10,1% và 14,6%) so với khi dùng PER/IND + AML (lần lượt là 38,0% và 17,7%). Những phát hiện này chỉ ra rằng việc chuyển sang một liệu pháp đơn giản hóa trong đó kết hợp ba loại thuốc trong một viên thuốc có thể tăng số lượng bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc.

Từ khóa: Tăng huyết áp; tuân thủ; Perindopril; Indapamid; amlodipin; Liệu pháp dùng viên thuốc kết hộ 3 trong 1

Các điểm tóm tắt chính
Tại sao thực hiện nghiên cứu này?
Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được huyết áp khi dùng hai loại thuốc hạ huyết áp và cần dùng thêm thuốc.
Để giảm số lượng thuốc và cải thiện sự tuân thủ điều trị, đã có các loại thuốc kết hợp 3 trong 1, nhưng dữ liệu về lợi ích của chúng so với dùng riêng lẻ các loại thuốc tương đương bên ngoài môi trường thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế.
Phân tích thực tế này sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu y tế hành chính của Ý để đánh giá những thay đổi trong việc tuân thủ điều trị khi chuyển từ liệu pháp dùng riêng lẻ PER/IND + AML sang dùng viên kết hợp PER/IND/AML 3 trong 1.
Những gì đã được học hỏi từ nghiên cứu?
Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị hoàn toàn cao hơn đáng kể khi dùng viên kết hợp PER/IND/AML 3 trong 1 so với khi dùng viên riêng lẻ PER/IND + AML.
Đơn giản hóa chế độ điều trị bệnh tăng huyết áp bằng cách sử dụng viên thuốc kết hợp 3 trong 1 có thể cải thiện sự tuân thủ điều trị trong thực hành lâm sàng trên thực tế.

GIỚI THIỆU

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch đặc biệt là THA và đạt được các mục tiêu điều trị liên quan là các nhân tố chính trong điều trị các bệnh lý tim mạch. Huyết áp được kiểm soát kém sẽ làm tăng tiến triển tổn thương cơ quan đích và ảnh hưởng đến tỉ lệ tử vong do tim mạch. Các nghiên cứu thực tế chỉ ra rằng, ở Ý, chỉ có 30-40% bệnh nhân điều trị thuốc được kiểm soát một cách đầy đủ [1]. Không tuân thủ tối ưu việc điều trị tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn tới kiểm soát huyết áp kém [2]. Hơn nữa, tuân thủ điều trị kém còn làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố tim mạch, các bệnh đi kèm và tỷ lệ tử vong, làm tăng phí tổn cho chăm sóc sức khỏe và các chi phí liên quan [3]. Do đó, cần công nhận rằng những nỗ lực giúp tuân thủ điều trị là một phần không thể thiếu trong quản lý tăng huyết áp. Việc sử dụng nhiều thuốc có thể ảnh hưởng tới sự tuân trị, vì đã có báo cáo rằng việc tăng số lượng thuốc huyết áp gắn liền với giảm mức độ tuân trị [3]. Trong bối cảnh này, chúng tôi đã tiến hành một phân tích thực tế để đánh giá việc tuân trị khi chuyển từ sử dụng PER/IND + AML sang sử dụng viên kết hợp PER/IND/AML trong thực tế lâm sàng ở Ý.

Hình 1: Thiết kế nghiên cứu

PHƯƠNG PHÁP

Phân tích hồi cứu quan sát này sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính (nhân khẩu học, dược học, nhập viện và dịch vụ ngoại trú) của một mẫu của các đơn vị y tế địa phương (LHU), bao gồm khoảng 11% của dân số của Ý. Các cơ sở dữ liệu này lưu trữ tất cả dữ liệu liên quan đến các nguồn lực chăm sóc sức khỏe được hoàn trả bởi Dịch vụ Y tế Quốc gia Ý (INHS). Tất cả bệnh nhân trưởng thành (thấp nhất là 18 tuổi) được điều trị với PER/IND/AML dưới dạng một viên kết hợp trong thời gian nghiên cứu (2010 đến 2020) đã được sàng lọc để đủ điều kiện tham gia nghiên cứu. Ngày đầu tiên kê đơn thuốc này được xác định như ngày mốc. Đối tượng sử dụng, được định nghĩa là những người dùng PER/IND + AML trong 12 tháng trước ngày mốc, đã được đưa vào nghiên cứu (Hình 1). Tất cả những bệnh nhân này đã có sẵn dữ liệu từ ít nhất 1 năm trước ngày mốc (thời gian đặc trưng) đến 6 tháng sau đó (theo dõi). Bệnh nhân sẽ bị đưa ra khỏi nghiên cứu nếu họ chuyển đến khu vực khác hoặc chết trong 6 tháng theo dõi. Sự tuân thủ được đánh giá bằng tỷ lệ số ngày dùng thuốc (PDC), tức là tỷ lệ giữa số  ngày dùng thuốc và số ngày quan sát, nhân với 100, bằng cách sử dụng các ngưỡng sau: PDC < 40% (không tuân thủ); PDC = 40 -79% (tuân thủ một phần); PDC > 80% (tuân thủ). PDC được coi là một trong các phương pháp đáng tin cậy nhất để đo lường mức độ tuân thủ trong các liệu pháp điều trị lâu đời, các ngưỡng này được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu để đánh giá mức độ tuân thủ [4, 5]. Tuân thủ dùng thuốc PER/IND + AML được tính bằng số ngày được bao phủ bởi cả ba loại thuốc (trong hai viên) trong vòng 6 tháng trước ngày bắt đầu theo dõi, và tuân thủ dùng viên thuốc kết hợp PER/IND/AML được tính bằng số ngày được bao phủ bởi viên thuốc kết hợp trong vòng 6 tháng sau ngày lập chỉ mục. Ý nghĩa thống kê được định nghĩa là P < 0,05. Tất cả các phân tích đã được thực hiện thông qua sử dụng phần mềm Stata SE phiên bản 12.0 (StataCorp, College Station, TX, Hoa Kỳ).

Chuẩn mực đạo đức

Để đảm bảo quyền riêng tư của bệnh nhân, các mã số đơn phương ẩn danh đã được gán cho từng đối tượng trong nghiên cứu, hoàn toàn tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu (GDPR) (2016/679). Mã này cho phép liên kết điện tử giữa tất cả các cơ sở dữ liệu khác nhau. Danh tính của các bệnh nhân không được cung cấp cho tác giả. Tất cả các kết quả phân tích được tạo ra dưới dạng tóm tắt tổng hợp, không thể chỉ định trực tiếp hoặc gián tiếp cho từng bệnh nhân. Không cần phải có sự đồng ý của bệnh nhân (tuyên bố của Cơ quan bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu, Ủy quyền chung về xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích nghiên cứu khoa học – số 9/2014); ủy ban đạo đức LHU đã phê duyệt nghiên cứu.

KẾT QUẢ

Trong phân tích này, trong số 50.679 bệnh nhân được xác định dùng viên thuốc kết hợp PER/IND/AML, chỉ có 158 đối tượng sử dụng  và được đưa vào phân tích. Đối tượng sử dụng  được xác định là những người được kê dùng PER/IND + AML trong 12 tháng trước ngày lập chỉ mục (nghĩa là ngày kê đơn thuốc kết hợp PER/IND/AML và 6 tháng theo dõi việc sử dụng PER/IND/AML. Tuổi trung bình là 67,9 tuổi và hầu hết bệnh nhân ở độ tuổi 60 – 79 (65,8%); bệnh nhân nam chiếm 63,9%. Có 59,5% bệnh nhân đã được chỉ định các phương pháp điều trị tăng huyết áp khác trước đây và 55,7% bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc hạ lipid máu, trong đó hầu hết là thuốc statin.

Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị khi dùng viên kết hợp PER/IND/AML cao hơn đáng kể so với dùng PER/IND + AML (75,3% so với 44,3%, giá trị P < 0,05) (Hình 2). Bệnh nhân tuân thủ một phần được phát hiện thường xuyên hơn khi dùng PER/IND + AML (38,0%) so với khi dùng viên kết hợp (10,1%) (P < 0,001), trong khi tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ kém thấp hơn khi dùng viên kết hợp (14,6%) so với PER/IND + AML (17,7%) (P < 0,001).

THẢO LUẬN

Kém tuân thu điều trị là lý do chính khiến kiểm soát huyết áp kém [6, 7]. Tuy nhiên, trên thực tế, ở những bệnh nhân nhập viện mắc nhiều bệnh và được điều trị bằng nhiều loại thuốc, việc tuân thủ điều trị dưới mức tối ưu vẫn còn rất phổ biến [8] và chỉ một nửa số bệnh nhân tăng huyết áp kiên trì điều trị sau 1 năm [7]. Đã có báo cáo rằng việc không tuân thủ điều trị được xác nhận về mặt sinh hóa gia tăng theo số lượng thuốc được dùng, và trong một nghiên cứu trên 1348 bệnh nhân bị tăng huyết áp từ hai quốc gia châu Âu, tình trạng không tuân thủ điều trị được phát hiện ở 79,3% bệnh nhân được điều trị bằng sáu loại thuốc trở lên [8].

Hình 2: Tuân thủ điều trị trước và sau khi chuyển từ PER/IND + AML sang viên kết hợp PER/IND/AML. Đơn thuốc PER/IND + AML và PER/IND/AML được xác định bằng cách sử dụng mã Hóa chất Trị liệu Giải phẫu (ATC), lần lượt là C09BA04b + C08CA01 và C09BX01

Do đó, đơn giản hóa chế độ điều trị đại diện cho một trong những chiến lược để theo đuổi việc cải thiện tuân thủ dùng thuốc hạ huyết áp. Một phân tích tổng hợp gần đây về các nghiên cứu đo lường sự tuân thủ dùng thuốc hạ huyết áp (bao gồm các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, nghiên cứu quan sát và phân tích cơ sở dữ liệu hồi cứu) đã báo cáo rằng trong 78% nghiên cứu, sự tuân thủ được cải thiện đáng kể ở bệnh nhân dùng viên thuốc kết hợp so với bệnh nhân dùng thuốc riêng lẻ tương đương [ 2]. Hơn nữa, 88% nghiên cứu cho thấy bệnh nhân dùng viên thuốc kết hợp đã cải thiện đáng kể sự kiên trì hoặc ít có khả năng ngừng điều trị hơn đáng kể so với bệnh nhân dùng thuốc riêng lẻ. Cũng có sự giảm huyết áp nhiều hơn đáng kể khi dùng viên thuốc kết hợp, điều này cho thấy rằng sự cải thiện tuân thủ điều trị liên quan đến phác đồ đơn giản hóa đã giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Sự tuân thủ trong thực hành lâm sàng có thể khác biệt rõ rệt so với bối cảnh thử nghiệm lâm sàng và các phân tích hồi cứu là một cách được chấp nhận để đánh giá sự tuân thủ trong thực hành lâm sàng hằng ngày [9]. Việc lựa chọn một phác đồ điều trị tăng huyết áp tối ưu có thể khó khăn do có nhiều lựa chọn. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm tra hiệu quả lâm sàng tương đối của các nhóm thuốc khác nhau và sự kết hợp của chúng trong thực tế, đặc biệt là khi hồ sơ bệnh nhân thường khác với hồ sơ trong các thử nghiệm. Khả năng truy cập rộng rãi các cơ sở dữ liệu sử dụng chăm sóc sức khỏe dưới dạng điện tử, chẳng hạn như dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu này, đã đơn giản hóa quy trình này rất nhiều và xác nhận lợi ích của liệu pháp dùng viên thuốc kết hợp để cải thiện tuân thủ điều trị [9].

Do đó, WHO khuyến nghị sử dụng viên thuốc kết hợp như là phương pháp nổi bật nhất để kiểm soát tăng huyết áp một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng và thuận tiện. Thuốc hạ huyết áp viên phối hợp liều cố định đã được thêm vào danh sách thuốc thiết yếu của WHO [10]. Ngoài ra, tất cả các hướng dẫn gần đây đều nhấn mạnh vào vấn đề không tuân thủ điều trị, đặc biệt là bằng cách khuyến nghị liệu pháp phối hợp một viên thuốc là chiến lược ưu tiên cho điều trị phối hợp hai loại thuốc ban đầu và ưu tiên sử dụng liệu pháp phối hợp một viên thuốc cho hầu hết bệnh nhân [11, 12]. Ngoài ra, theo quan sát, những bệnh nhân được điều trị bằng ba loại thuốc hạ huyết áp trở lên thường có nhiều bệnh phối hợp và bệnh nặng [13]. Do đó, số lượng thuốc của họ sẽ nhiều, khiến việc tuân thủ tất cả các phương pháp điều trị theo quy định thậm chí còn khó khăn hơn. Sự pháp kết hợp thuốc trong một viên có thể được quan tâm đặc biệt trong trường hợp điều trị bằng nhiều loại thuốc, ví dụ cải thiện tuân thủ gắn với liệu, những người có một số bệnh kèm theo cần các phương pháp điều trị kết hợp khác nhau và người cao tuổi [2, 14]. Nhóm bệnh nhân này (cao tuổi hoặc có nhiều bệnh lý) thường không được mô tả đúng mức trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên được tiến hành trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, dữ liệu về điều trị bằng viên thuốc 3 trong 1 còn hạn chế, thiếu so sánh trực tiếp giữa các phác đồ và về lợi ích tiềm năng của việc kết hợp 3 trong 1 so với việc dùng riêng lẻ. Hiệu quả của việc chuyển sang kết hợp ba thuốc PER/IND/AML trong một viên ở bệnh nhân tăng huyết áp đã được chứng minh trong nghiên cứu PETRA thực tế [15].

Một nghiên cứu quan sát gần đây được thực hiện trong môi trường lâm sàng thực tế đã cho thấy mức độ tuân thủ điều trị cao (tiêu chí chính của nghiên cứu này) đối với điều trị viên thuốc kết hợp PER/IND/AML [16]. Việc đơn giản hóa chế độ dùng thuốc hạ huyết áp bằng cách dùng một viên thay vì ba viên khác nhau, việc nhanh chóng đạt được mức huyết áp mục tiêu và tỷ lệ tác dụng phụ thấp có thể giải thích mức độ tuân thủ điều trị cao được quan sát thấy. Tương tự như vậy, ở những bệnh nhân tăng huyết áp cấp độ 2–3 và có nguy cơ tim mạch cao hoặc rất cao mà không đạt được mức huyết áp mục tiêu khi sử dụng các viên thuốc PER, IND và AML riêng lẻ, đã có sự cải thiện về tuân thủ điều trị khi sử dụng viên thuốc kết hợp 3 trong 1.

Kết quả của chúng tôi – báo cáo tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị cao hơn đáng kể sau khi chuyển từ sử dụng nhiều viên thuốc sang sử dụng viên kết hợp PER/IND/AML 3 trong 1, phù hợp với những phát hiện này.

Hạn chế chính của phân tích này là số lượng đối tượng sử dụng được đưa vào còn ít. Một hạn chế nữa là thiếu dữ liệu về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ điều trị bằng thuốc (cụ thể là các yếu tố xã hội, kinh tế hoặc lâm sàng) không được báo cáo trong cơ sở dữ liệu hành chính, cũng như không có dữ liệu về mức huyết áp trong các cơ sở dữ liệu. Hơn nữa, để tính toán việc tuân thủ điều trị, chúng tôi đã giả định rằng một bệnh nhân uống một viên thuốc mỗi ngày, vì không thể truy xuất thông tin về lượng thuốc thực tế mà bệnh nhân sử dụng từ cơ sở dữ liệu hành chính. Điểm mạnh của nghiên cứu này là đối tượng được chọn ngẫu nhiên đại diện trong môi trường thực tế.

KẾT LUẬN

Việc chuyển sang sử dụng thuốc dưới dạng kết hợp 3 trong 1 có thể mang lại cơ hội cải thiện mức độ tuân thủ điều trị tăng huyết áp trong thực hành lâm sàng thực tế.

LỜI CẢM ƠN

Kinh phí. Nguồn vốn tự do tiếp cận do Alma Mater Studiorum – Università di Bologna tài trợ trong Thỏa thuận CRUI-CARE. Báo cáo nghiên do Clicon S.r.l. Società Benefit lập và được tài trợ bởi Servier, Pháp. Phí dịch vụ nhanh và phí truy cập mở của tạp chí được tài trợ bởi Servier, Pháp.

Viết bài y tế và hỗ trợ biên tập. Melania Dovizio của Clicon S.r.l. Società Benefit và được tài trợ bởi Servier, Pháp.

Quyền tác giả. Tất cả các tác giả có tên đều đáp ứng các tiêu chí của Ủy ban Biên tập Tạp chí Y khoa Quốc tế (ICJME) về quyền tác giả cho bài báo này, chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của toàn bộ tác phẩm và đã chấp thuận xuất bản phiên bản này.

Đóng góp của tác giả. Tất cả các tác giả đã giải thích dữ liệu, cung cấp phản hồi phê bình về bản thảo, phê duyệt bản thảo cuối cùng để nộp và chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính toàn vẹn của bản thảo.

Tiết lộ. Claudio Borghi đã nhận phí tư vấn và thù lao giảng dạy từ Servier, Novartis, Menarini Corporate, Novo Nordisk, Alfasigma, Sanofi. Pathiyil Balagopalan Jayagopal tuyên bố không có xung đột lợi ích. Alexandra Konradi: bài giảng danh dự từ Servier, Novartis, Novo Nordisk, KRKA. Luiz Aparecido Bortolotto tuyên bố là thành viên ban cố vấn cho Servier, Medtronics và Merck. Jacques R. Snyman đã nhận phí tư vấn và thù lao giảng dạy từ Servier, Novartis, Novo Nordisk, Boehringer Ingelheim, erck, AbbVie. Valentina Perrone và Luca Degli Esposti tuyên bố không có xung đột lợi ích.

Tuân thủ Nguyên tắc Đạo đức. Không cần phải có sự đồng ý (tuyên bố của Cơ quan bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu, Ủy quyền chung về xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích nghiên cứu khoa học – n.9/2014) và các ủy ban đạo đức của LHU đã phê duyệt nghiên cứu: Comitato etico interprovinciale Khu vực I (giao thức số 63/CE/20 và 68/CE/20, ngày phê duyệt 12/3/2020); Comitato Etico per le Sperimentazioni Cliniche (CESC) della Provincia di Vicenza (giao thức số 1627, ngày phê duyệt 28/10/2020); Comitato Etico ”Lazio 2” (giao thức số 0179046/2020, ngày phê duyệt 28/10/2020); Comitato Etico Inter-aziendale Campania Sud (giao thức số 51, ngày phê duyệt 09/02/2020 và giao thức số 64, ngày phê duyệt 11/03/2020); Comitato Etico ”Lazio 1” (giao thức số 1166/CE Lazio 1, ngày phê duyệt 10/12/2020 và giao thức số 1079/CE Lazio 1, ngày phê duyệt 23/09/2020); Comitato Etico per la Sperimentazione Clinica della provincia di Venezia e IRCCS S.Camillo (ngày phê duyệt 28/07/2020); Comitato Etico per le province di L’Aquila e Teramo (giao thức số 11, ngày phê duyệt 24/03/2021); Comitato Etico Regionale Umbria (giao thức số 19414/20/ON, ngày phê duyệt 16/09/2020); Autorizzazione CE Imperia Comitato Etico Regionale della Regione Liguria (giao thức số 024/2019, ngày phê duyệt 17/06/2019). Nghiên cứu này được 1770 Adv Ther (2023) 40:1765–1772 thực hiện theo Tuyên bố Helsinki năm 1964 và các sửa đổi sau này.

Dữ liệu sẵn có. Các bộ dữ liệu được tạo và/hoặc phân tích cho nghiên cứu này không được cung cấp công khai vì chúng bao gồm hồ sơ y tế của bệnh nhân từ một nguồn thứ cấp.

Truy cập mở. Bài viết này được cấp phép theo Giấy phép quốc tế Creative Commons Attribution-Noncommercial 4.0, cho phép mọi hoạt động sử dụng, chia sẻ, điều chỉnh, phân phối và sao chép phi thương mại ở bất kỳ phương tiện hoặc định dạng nào, miễn là bạn trích nguồn phù hợp cho (các) tác giả ban đầu và nguồn, cung cấp liên kết đến giấy phép Creative Commons và cho biết liệu các thay đổi có được thực hiện hay không. Hình ảnh hoặc tài liệu của bên thứ ba khác trong bài viết này được bao gồm trong giấy phép Creative Commons của bài viết, trừ khi có quy định khác trong trích dẫn đối với tài liệu. Nếu tài liệu không có trong giấy phép Creative Commons của bài viết và mục đích sử dụng của bạn không được phép theo quy định pháp luật hoặc vượt quá mức sử dụng được phép, bạn sẽ cần phải xin phép trực tiếp từ chủ sở hữu bản quyền. Để xem bản sao của giấy phép này, vui lòng truy cập http://creativecommons.org/licenses/bync/4.0/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Borghi C, Desideri G, Tocci G, Trimarco B, Nati G.Aderenza alla terapia delle malattie cardiovascolari croniche: nuove soluzioni. G Ital Cardiol. 2021;22(5 Suppl 1):e86–91.
  2. Parati G, Kjeldsen S, Coca A, Cushman WC, Wang J. Adherence to single-pill versus free-equivalent combination therapy in hypertension: a systematic review and meta-analysis. Hypertension. 2021; 77(2):692–705.
  3. Weisser B, Predel HG, Gillessen A, et al. Single pill regimen leads to better adherence and clinical outcome in daily practice in patients suffering from hypertension and/or dyslipidemia: results of a meta-analysis. High Blood Press Cardiovasc Prev. 2020; 27:157–64.
  4. Degli Esposti L, Perrone V, Veronesi C, et al. Modifications in drug adherence after switch to fixeddose combination of perindopril/amlodipine in clinical practice. Results of a large-scale Italian experience. The amlodipine-perindopril in real settings (AMPERES) study. Curr Med Res Opin. 2018; 34:1571–7.
  5. Raebel MA, Schmittdiel J, Karter AJ, Konieczny JL, Steiner JF. Standardizing terminology and definitions of medication adherence and persistence in research employing electronic databases. Med Care. 2013;51(8 Suppl 3):S11–21.
  6. Vrijens B, Vincze G, Kristanto P, Urquhart J, Burnier M. Adherence to prescribed antihypertensive drug treatments: longitudinal study of electronically compiled dosing histories. BMJ. 2008;336(7653): 1114–7.
  7. Burnier M, Egan BM. Adherence in hypertension. Circ Res. 2019;124(7):1124–40.
  8. Gupta P, Patel P, Sˇtrauch B, et al. Risk factors for nonadherence to antihypertensive treatment. Hypertension. 2017;69(6):1113–20.
  9. Corrao G, Mancia G. Research strategies in treatment of hypertension: value of retrospective reallife data. Eur Heart J. 2022;43(35):3312–22.
  10. World Health Organization. Executive summary: the selection and use of essential medicines 2019: report of the 22nd WHO Expert Committee on the selection and use of essential medicines: WHO Headquarters, Geneva, 1–5 April 2019. World Health Organization. 2019. https://apps.who.int/iris/handle/10665/325773.
  11. Williams B, Mancia G, Spiering W, et al. 2018 ESC/ESH Guidelines for the management of arterial hypertension. Eur Heart J. 2018;39(33):3021–104.
  12. Unger T, Borghi C, Charchar F, et al. 2020 International Society of Hypertension global hypertension practice guidelines. J Hypertens. 2020;38(6): 982–1004.
  13. Markovitz AA, Mack JA, Nallamothu BK, Ayanian JZ, Ryan AM. Incremental effects of antihypertensive drugs: instrumental variable analysis. BMJ. 2017;359:j5542.
  14. Paczkowska-Walendowska M, Sip S, Staszewski R, Cielecka-Piontek J. Single-pill combination to improve hypertension treatment: pharmaceutical industry development. Int J Environ Res Public Health. 2022; 19:4156.
  15. A´ braha´m G, De´zsi CA. The antihypertensive efficacy of the triple fixed combination of perindopril, indapamide, and amlodipine: the results of the PETRA study. Adv Ther. 2017;34(7):1753–63.
  16. Tsioufis K, Douma S, Kallistratos MS, Manolis AJ. Effectiveness and adherence to treatment with perindopril/indapamide/amlodipine single-pill combination in a Greek population with hypertension. Clin Drug Investig. 2019;39(4):385–93.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO