Google search engine
Google search engine

Tình trạng hạ huyết áp tư thế ở người cao tuổi trong cộng đồng xã Vĩnh Thành, tỉnh Bến Tre

TÓM TẮT

Mở đầu: Ở người cao tuổi, các nghiên cứu thường tập trung vào tăng huyết áp (THA) nhưng hạ huyết áp tư thế (HHATT)lại ít được quan tâm. Trong khi HHATT liên quan đến nguy cơ té ngã, tàn tật và tử vong ở người cao tuổi.

 

Nguyễn Văn Trí*, Nguyễn Trần Tố Trân*, Nguyễn Thế Quyền*,

Nguyễn Thị Lan Thanh**, Nguyễn Minh Đức*

*Bộ môn Lão- Đại học Y Dược TPHCM

** Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre

 

Mục tiêu: xác định tần suất hạ huyết áp tư thế và mối liên quan giữa HHATT với tăng huyết áp và giảm chức năng ở người cao tuổi.

Đối tượng- Phương pháp nghiên cứu: người ≥ 60 tuổi trong cộng đồng xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Phương pháp nghiên cứu: cắt ngang mô tả có phân tích.

Kết quả:có 594 người trong nghiên cứu, tuổi trung bình 71,4 ± 8,8 tuổi. Tần suất HHATT ở người cao tuổi trong cộng đồng là 12,5%, trong đó 40,5%không có triệu chứng. Tần suất HHATT ở nhóm THA cao hơn nhóm không THA (OR= 3,15, 95% CI 1,69- 5,88)nhưng không có mối liên hệ giữa dùng thuốc hạ áp và HHATT. Không có mối liên quan giữa HHATT và giảm chức năng ở người cao tuổi.

Kết luận: khoảng một nửa người cao tuổi HHATT không triệu chứng. Có mối liên quan giữa THA và HHATT nhưng không có mối liên quan giữa HHATT và dùng thuốc hạ áp

Từ khóa: THA- Tăng huyết áp. HHATT- Hạ huyết áp tư thế

ABSTRACT

ORTHOSTATIC HYPOTENSION IN THE COMMUNITY DWELLING ELDERLY IN VINH THANH WARD, CHO LACH DISTRICT, BEN TRE PROVINCE

Background: In the elderly, most studies focus on hypertension (HTN) while orthostatic hypotension (OH) receives little attention.However, orthostatic hypotension increases the risk of falling, morbidity and mortality in the elderly. 

Objectives: To determine the prevalence of orthostatic hypotension and relationship of this disorder with hypertension and functional decline in the elderly.

Subjects- Method: community dwelling elderly≥ 60 years old in Vinh Thanh ward, Cho Lach district Ben Tre province. Methods: cross- sectional analytical study .

Results:594 subjects were evaluated with mean age 71.4 ± 8,8. The prevalence of OH in the community dwelling elderly accounted for 12.5% but 40.5% of them lacked symptoms.In hypertensive group, the prevalence of OH was higher than in the normotensive group (OR= 3.15, 95% CI= 1.69- 5.88) but OH was not related to using antihypertensive drugs. There was no relationship between OH and functional decline in the elderly.

Conclusion: Nearly half of the elderly with OH lacked symptoms. OH was related to HTN but not associated with using antihypertensive drugs.

Key words: HTN- Hypertension. OH- Orthostatic Hypotension

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hạ huyết áp tư thế là một vấn đề rất thường gặp ở người cao tuổi. Nó là một yếu tố nguy cơ nội sinh của té ngã, dẫn đến tàn tật và tử vong(1). Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này ít được các nhà lâm sàng quan tâm.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu trong cộng đồng ở người cao tuổi chủ yếu tập trung vào tăng huyết áp (THA)do liên quan trực tiếp đến các biến cố tim mạch và đột quị trong khi tình trạng hạ huyết áp tư thế (HHATT) bị bỏ qua. Vì vậy ít có nghiên cứu về HHATT ở người cao tuổi.

Các nghiên cứu cắt ngang trong cộng đồng ở Mỹ cho thấy tần suất HHATT ở người cao tuổi là 5- 30%, tần suất này tăng theo tuổi (5). Ở Việt Nam, tác giả Vũ Mai Hương cho thấy HHATT ở người cao tuổi tại Hà Nội là 18,5%(7).Ngoài ra, nghiên cứu của tác giả Kamal H. Masaki còn cho thấy HHATT là một yếu tố tiên lượng tử vong trong vòng 4 năm ở người nam cao tuổi (2).

Người cao tuổi hạ huyết áp tư thế không được phát hiện và điều trị sẽ tăng nguy cơ té ngã và tàn tật, đặc biệt ở người có kèm tăng huyết áp và được điều trị hạ áp quá mức, vấn đề này có thể  trở nên trầm trọng hơn.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

–         Xác định tần suất hạ huyết áp tư thế ở người cao tuổi trong cộng đồng

–         Xác định mối liên quan giữa tăng huyết áp và hạ huyết áp tư thế.

–         Xác định mối liên quan giữa hạ huyết áp tư thếvà giảm chức năng ở người cao tuổi.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Những người cao tuổi (≥ 60 tuổi) trong cộng đồng xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre

Tiêu chuẩn nhận vào

Người ≥ 60 tuổi đang sống tại tổ nhân dân tự quản được chọn vào cụm khảo sát của xã Vĩnh Thành

Đồng ý tham gia nghiên cứu

Tiêu chuẩn loại trừ

Người nằm liệt giường hoặc không thể đứng được

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích

Cỡ mẫu tính theo công thức   tương ứng với độ tin cậy 95%; p= 10%: tỉ lệ ước tính người cao tuổi có hạ huyết áp tư thế trong cộng đồng; d: sai số 5% ta được n= 139 người. Lấy mẫu cụm sử dụng hiệu ứng thiết kế bằng 2 nên cỡ mẫu cần lấy N= 2n= 278. Hoàn cảnh khả thi dự tính lấy 600 người

Số cụm là 60, tổng dân số cộng dồn 16637, khoảng cách mẫu 277. Chọn ngẫu nhiên đầu tiên số N= 102, cụm kế tiếp= N + 277x (với x=1,2,..59). Mỗi cụm khảo sát 10 người. Cụm ứng với tổ dân phố.

Thu thập số liệu

Người thu thập: cán bộ y tế các trạm y tế được huấn luyện.

Người  cao tuổi (NCT) được chọn vào nghiên cứu được đo huyết áp hai tư thế ngồi và sau đứng 3 phút. Hạ huyết áp tư thế khi huyết áp tâm thu giảm ≥ 20 mmHg hoặc huyết áp tâm trương giảm ≥ 10 mmHg. Sau đó phỏng vấn bằng bảng câu hỏi soạn sẵn.

Tăng huyết áp khi huyết áp đo 2 lần có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hoặc đã được chẩn đoán và đang điều trị hạ áp.

Chức năng cơ bản ADL (activities of daily living) gồm ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển, tiêu tiểu không tự chủ. Giảm chức năng ADL khi NCT cần trợ giúp một trong các hoạt động trên.

Chức năng sinh hoạt IADL (instrumental activities of daily living) gồm các hoạt động: mua sắm, giữ nhà, quản lý tiền bạc, nấu ăn, quản lý thuốc men và ra ngoài bằng phương tiện. Giảm chức năng IADLkhi NCT cần trợ giúp một trong các hoạt động trên.

Xử lý số liệu

Phần mềm SPSS 16.0. Phép kiểm ᵡ2 kiểm tra mối liên quan giữa 2 biến định tính. 

KẾT QUẢ

Có 594 người được đưa vào nghiên cứu và được phân tích với kết quả:

Đặc điểm dân số nghiên cứu

Bảng 1: Đặc điểm dân số nghiên cứu

Đặc điểm                                                (%)

Tuổi trung bình                                     71,4 ± 8,8 tuổi

Giới:  Nam                                             34,7

Nữ                                                           65,3

Nghề nghiệp:              Nông dân          55,6

                     Nghề khác                        44,4

Tình trạng gia đình: Sống một mình  9,3

                     Sống với người thân        90,7

 

Trình độ học vấn:        Dưới cấp 2     79,6

Cấp 2 trở lên                                         20,4

Tăng huyết áp:             Có                    62,6

                                     Không               37,4

Giảm Chức năng IADL: Có                 27,1

                                        Không            72,9

Giảm Chức năng ADL:   Có                7,4

                                        Không            92,6

 

Tình trạng hạ huyết áp tư thế trong cộng đồng

Bảng 2. Tình trạng hạ huyết áp tư thế

N= 594                        n                 %

Hạ huyết áp tư thế      74               12,5

Có triệu chứng            44               59,5

Không triệu chứng     30               40,5

 

Nhận xét: tần suất hạ huyết áp tư thế trong cộng đồng khá cao và đa phần có triệu chứng (chóng mặt, choáng váng, hoa mắt, đau đầu, tối sầm khi thay đổi tư thế).

Mối liên quan giữa THA và hạ HA tư thế

Bảng 3: Hạ huyết áp tư thế trong dân số có THA

 

Hạ HA tư thế

n(%)

Không hạ HA tư thế

n(%)

OR; 95% CI

p

THA

61 (16,4)

311 (86,3)

3,15; 1,69- 5.88

<0,001

Không THA

13 (5,9)

201 (94,1)

THA có điều trị

25 (12,4)

176 (87,6)

 

0,47

THA không điều trị

8 (17)

39 (83)

Nhận xét: tần suất hạ HA tư thế trong dân sốcao tuổi THA chiếm 16,4%. THA có mối liên quan với HHATT và không có sự khác biệt ở 2 nhóm có dùng thuốc điều trị hay không.

Mối liên quan giữa hạ huyết áp tư thế với giảm chức năng

Bảng 4.Mối liên quan giữa hạ huyết áp tư thế và giảm chức năng

Chức năng

Giảm

Hạ huyết áp tư thế

n (%)

Không hạ huyết áp tư thế

n (%)

p

ADL

73 (12,6)

506 (97,4)

0,707

Không

1 (6,7)

14 (93,3)

IADL

71 (12,4)

500 (87,6)

1

Không

3 (13)

20 (87)

Nhận xét: không có mối liên quan giữa HHATTvà giảm chức năng ADL, IADL

BÀN LUẬN

Đặc điểm dân số

Có 594 người được đưa vào nghiên cứu với tuổi trung bình 71,4 ± 8,8 tuổi, nữ giới chiếm đa số, phần lớn họ sống với người thân, phù hợp với đặc điểm văn hóa Châu Á. Nghề nghiệp nông dân chiếm đa số, 79,2% có trình độ học vấn thấp dưới cấp 2, phù hợp đặc điểm vùng nông thôn đa phần họ lao động chân tay.

Tần suất THA trong dân số nghiên cứu là 62,6% vì THA là bệnh lý thường gặp nhất của người cao tuổi. Tuy nhiên cao hơn nghiên cứu tại Long An, 51,8% ở người ≥ 65 tuổi(7). Sự chênh lệch này do nghiên cứu tại Long An thực hiện cách đây 10 năm trong khi tuổi thọ dân số ngày càng tăng nên tỉ lệ bệnh thường gặp ở người cao tuổi cũng gia tăng.

Tình trạng giảm chức năng cơ bản chiếm 7,4% trong khi cần trợ giúp chức năng sinh hoạt chiếm 27,1%. Cho thấy một lượng lớn người cao tuổi trong cộng đồng cần sự hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày.

Tình trạng hạ huyết áp tư thế

Tần suất HHATTtrong cộng đồng người cao tuổi chiếm 12,5%, thấp hơn tác giảMai Hương (18,5%). Điều này có thể do sự khác biệt đặc điểm dân số giữa thành thị và nông thôn. Người dân thành thị có điều kiện khám chữa bệnh nhiều hơn nên có thể sử dụng nhiều thuốchơn trong đó có những nhóm thuốc tăng nguy cơ HHATT.

59,5% người HHATTcó triệu chứng chóng mặt, đau đầu hoặc choáng váng khi thay đổi tư thế, còn lại 40,5% không có triệu chứng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tầm soát HHATT ở người cao tuổi ngay cả khi họ không có triệu chứng.

Mối liên quan giữa THA và hạ huyết áp tư thế

Tần suất HHATT trên nhóm THA cao hơn dân số chung (16,4% so với 12,5%) nhưngthấp hơn nghiên cứu tác giả Vũ Mai Hương tại Hà Nội (24,8%). Nguyên nhân do nghiên cứu này gồm cả đối tượng trong cộng đồng và trong bệnh viện, người cao tuổi nhập viện thường có nhiều bệnh lý nên có thể tần suất HHATT cao hơn do giảm thể tích, do các bệnh lý thần kinh đi kèm.

Có mối liên quan giữa THA và HHATT, người THA có tần suất HHATT cao hơn người không THA (OR= 3,15, 95% CI= 1.69-5,88). Điều này được ghi nhận ở nhiều nghiên cứu(2)(8). Nguyên nhân do hệ thần kinh tự chủ bị ảnh hưởng.

Không có sự khác biệt ở hai nhóm THA có dùng thuốc điều trị hay không điều trị. Ảnh hưởng của thuốc hạ áp ở người THA đối với HHATT vẫn còn bàn cãi. Các nghiên cứu cho kết quả khác nhau(4)(6)(8). Điều này có thể giải thích trong những nhóm hạ áp có những nhóm làm tăng nguy cơ HHATT nhưng có những nhóm có tác dụng giống giao cảm nội sinh, làm giảm nguy cơ HHATT. 

Mối liên quan giữa hạ huyết áp tư thế và giảm chức năng

Không có mối liên quan giữa HHATT và giảm chức năng cơ bản ADL hay chức năng sinh hoạt IADL. Nghiên cứu của tác giả Gale H.Rutan cũng ghi nhận đặc điểm này(4). Nguyên nhân có thể do hơn một phần ba dân số HHATTkhông có triệu chứng hoặc nếu có thì triệu chứng thoáng qua nên người cao tuổi vẫn thực hiện được chức năng sinh hoạt và chức năng cơ bản.

Tuy nhiên những đối tượng này vẫn có nguy cơ cao té ngã trong sinh hoạt hàng ngày(1). Vì vậy họ cần được tầm soát và có chương trình điều trị, giáo dục và theo dõi chặt chẽ nhằm hạn chế té ngã, tàn tật và tử vong.

KẾT LUẬN

12,5% người cao tuổi trong cộng đồng có hạ huyết áp tư thế.Tuy nhiên, chỉ 59,5% người bị HHATT có triệu chứng lâm sàng. Người có THA có tần suất HHATT cao hơn (OR= 3,15, 95% CI= 1,69-5,88) nhưng không có mối liên quan giữa HHATT và dùng thuốc hạ áp.Ngoài ra, HHATT không liên quan với giảm chức năng cơ bản và chức năng sinh hoạt ở người cao tuổi.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Anupama Gangavati et al (2011), Hypertension, Orthostaic Hypotension and the Risk of Falls in a Community- Dwelling Elderly Population: The Maintenance of Balance, Independent Living, Intellect and Zest in the Elderly of Boston Study. J Am Geriatric Soc, 59: 383-389.
2. Kalmal H. Masaki et al (1998), Orthostatic Hypotension Predicts Mortality in Elderly Men The Honolulu Heart Program. Circulation, 98: 2290-5
3.  Lagi A et al (2003), Postural Hypotension in Hypertensive Patients. Blood press, 12: 340-4.
4. Gale H. Rutan et al (1992), Orthostatic Hypotension in Older Adults The Cardiovascular Health Study. Hypertension, 19: 508-519
5. Philip A Low (2008), Prevalence of Orthostatic Hypotension. Clin Auton Res, 18: 8-13.
6. Saé T et al (2000), Orthostatic Hypotension in The Aged and Its Association with Antihypertensive Treatment. Med Clin (Barc), 114: 525-529.
7. Võ Thị Dễ (2005, Luận văn tốt nghiệp chuyên khoa 2. Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
8. Vũ Mai Hương (2003), Luận văn tốt nghiệp chuyên khoa 2. Đại học Y Hà Nội

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO