PGS.TS Trần Công Khánh, giám đốc Trung tâm Cây thuốc Việt Nam cho biết, mùi tây còn có tên là rau ngò tây, tên khoa học là Petroselimun sativun Hoffm, thuộc họ cần. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu.
Chưa có một công trình nghiên cứu y học nào chứng tỏ rau mùi tây có khả năng lọc thận. |
Hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu y học nào chứng tỏ nó có khả năng lọc thận. Các tài liệu tham khảo của Đức, Trung Quốc… cũng chỉ đề cập mùi tây chữa bệnh cao huyết áp, điều kinh, lợi tiểu, chống phù, chứng đái són và bệnh lậu.
BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khẳng định, sức khoẻ là vốn quý, chúng ta không thể đem ra thử nghiệm với những thứ được quảng cáo thiếu cơ sở khoa học trên mạng hay tin đồn. Điều này không chỉ khiến tiền mất, tật mang mà đôi khi còn nguy hiểm tới tính mạng.
Thực tế, mùi tây là một vị thuốc Nam dùng làm rau gia vị và có tác dụng giải cảm, chứ không có tác dụng chữa bất kỳ bệnh gì. Các bài thuốc chữa bệnh từ mùi tây đều là do kinh nghiệm dân gian, truyền miệng chứ thực tế, chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của nó.
BS Hướng phân tích, bất kỳ con gì, cây gì, khi đã dùng làm thuốc phải có một liều lượng nhất định, biết dược tính của nó ra sao, các chất trong đó có ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không. Đã có ai đong đo đếm thử nước tiểu trước khi dùng mùi tây có nồng độ muối và “chất độc” là bao nhiêu chưa? Nếu chưa thì chưa có cơ sở khoa học để tin vào điều đó.
Ngược lại, mùi tây có tác dụng kích thích đối với cơ thể nên BS Hướng khuyên, phụ nữ có thai, người bị sỏi thận và viêm bàng quang (nước ép từ mùi tây có tác động kích thích các mô thận), huyết áp thấp, thiếu máu không nên dùng.
Hơn nữa, mùi tây chứa nhiều axit oxalic (1,7%), một hợp chất tham gia vào sự hình thành sỏi thận và các thiếu hụt chất dinh dưỡng, vì vậy, nếu dùng nhiều có thể gây sỏi thận và suy dinh dưỡng.
Nhật Hà