Google search engine
Google search engine

Sử dụng thuốc kháng đông ở bệnh nhân cao tuổi rung nhĩ không do bệnh van tim: Khảo sát loạt ca bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN1

TRẦN NGUYỄN TỐ TRÂN2

VÕ THÀNH NHÂN3

1 Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa

2 Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh

3 Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh – Bệnh viện Vinmec Central Park

 

TÓM TẮT

Mở đầu: Thuốc kháng đông được chỉ định cho bệnh nhân rung nhĩ cao tuổi có nguy cơ cao đột quỵ.

Mục tiêu: Khảo sát tình trạng sử dụng thuốc kháng đông trên bệnh nhân cao tuổi rung nhĩ không do bệnh van tim.

Đối tượng – phương pháp nghiên cứu: Mô tả loạt trường hợp gồm 48 đơn thuốc, hồ sơ bệnh án bệnh nhân cao tuổi rung nhĩ (RN) không do bệnh lý van tim điều trị tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ 01/02/2022 đến 31/10/2022. Sử dụng thang điểm CHA2DS2-VASc và HAS-BLED để phân tầng nguy cơ đột quỵ và nguy cơ xuất huyết.

Kết quả: Tuổi trung bình 70,7 ± 8,3, Nữ 31 (65%), tỉ lệ nữ/nam:1,8. Bệnh lý mắc kèm: THA 23,1%; Suy tim: 81,3%, Nhồi máu não 10,4%; ĐTĐ 14,6%. Số loại thuốc điều trị bệnh kèm TB: 3,5 ± 1,6 loại, statin 100%, ức chế men chuyển 77,1%, ức chế beta 77,1%, chẹn kên canxi 60,4%, ức chế thụ thể ATR 22,9%, kháng kết tập tiểu cầu 22,9%, thuốc ĐTĐ 14,6%. Thời gian điều trị rung nhĩ TB: 47,7 ± 31,7 (tháng). RN mới mắc 4,2%, RN dai dẳng kéo 6,3%, RN mạn tính 89,6%. Điểm CHA2DS2-VASc: 3,31 ± 0,97, 2 đ (20,8%), 3 đ (39,6%), 4 đ (29,2%). Điểm HAS-BLED: 0,77 ± 0,47, Dưới 2đ 97,9%, trên 3 đ 2,1%. Tỉ lệ BN không sử dụng thuốc kháng đông: 22,9% trong đó:  Không có chỉ định 27,3%; Cao tuổi + suy yếu nặng 27,3%; mới RN 27,3%k; không rõ lý do: 18,1%. Tỉ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông: 77,1%, Thuốc VKA 64,6%; NOAC 10,4%, NOAC+VKA 2,1%. Liều thuốc chống đông Acecoumarol 1-1,5 mg / ngày 27%, 1,5-2 mg/ngày 56,8%, 2-10 mg/ngày 5,4%, Rivaroxaban 20 mg/ ngày 16,2%. Kết quả xét nghiệm khi sử dụng VKA: INR 2-3 (48,4%),1,5 ≤ INR < 2 (41,9%); INR > 5 (9,7%). Không có biến cố chảy máu lớn. Biến cố chảy máu nhỏ với mảng xuất huyết và INR > 5 phải dừng thuốc tạm thời là 9,7%.

Kết luận: Thuốc chống đông chủ yếu dùng kháng vitamin K. Thuốc kháng đông NOAC được sử dụng với tỉ lệ thấp. Tỉ lệ kết quả xét nghiệm INR đạt mục tiêu 2-3 khi sử dụng VKA chưa cao. Không có biến cố chảy máu lớn khi sử dụng thuốc kháng đông. Vẫn còn tỉ lệ không nhỏ bệnh nhân là NCT rung nhĩ không do bệnh van tim chưa được sử dụng thuốc kháng đông mà không rõ lý do.

Từ khóa: rung nhĩ, thuốc chống huyết khối, thuốc kháng đông, điểm CHA2DS2-VASC, điểm HAS-BLED

 

SUMMARY: SURVEY THE USE OF ANTICOAGULANTS FOR TREATMENT OF NON-VALVULAR ATRIAL FIBRILLATION PATIENTS AT THE OUT PATIENT DEPARTMENT OF GENERAL HOSPITAL KHANH HOA PROVINCE

Background: Anticoagulants are required for patients with atrial fibrillation (AF) at high risk of stroke.

Objectives: Survey the use of anticoagulants for treatment of non-valvular atrial fibrillation patients

Method: A report of 48 medical records of patients with nonvalvular atrial fibrillation treated at the Out patient department of General Hospital Khanh Hoa province from 01/02/2022 to 31/10/2022. Using the CHA2DS2-VASc score and HAS-BLED score to stratify the risk of stroke.

Results:  48 patients met selection criteria, Mean age 70,7 ± 8,3, male = Nữ 31 (65%), female/male :1,8. Comorbidities: hypertension 23,1%; heart failure: 81,3%, stroke 10,4%; diabets 14,6%. Number of drugs to treat comorbidities: 3,5 ± 1,6 loại, statin 100%, ACE inhibitor 77,1%, BB 77,1%, calcium channel blocker 60,4%, ATR 22,9%, platelet aggregation resistance 22,9%, antidiabetic drugs 14,6%. AF treatment time: 47,7 ± 31,7 (month). New AF 4,2%, persistent AF 6,3%, chronic AF 89,6%. CHA2DS2-VASc: 3,31 ± 0,97, 2 point (20,8%), 3 point (39,6%), 4 point (29,2%). HAS-BLED: 0,77 ± 0,47, under 2đ 97,9%, over 3 đ 2,1%. Ratio not using anticoagulants: 22,9%: no indication 27,3%; older and Fraily 27,3%; New AF 27,3%; unknown reason: 18,1%. Ratio using anticoagulants: 77,1%, including VKA 64,6%; NOAC 10,4%, NOAC+VKA 2,1%. Dose anticoagulants: Acecoumarol 1-1,5 mg / day 27%, 1,5-2 mg/day 56,8%, 2-10 mg/day 5,4%, Rivaroxaban 20 mg/ day 16,2%. Test result INR 2-3 (48,4%),1,5 ≤ INR < 2 (41,9%); INR > 5 (9,7%). No major bleeding events.  Minor bleeding events with hemorrhagic plaques and INR > 5 have stop the medication temporarity 9,7%.

Conclusions: Anticoagulants are mainly used with vitamin K antagonists. NOACs are used in low rates. The rate of INR test results reaching the target 2-3 when using VKA is not high. There were no major bleeding events. There are still patients who are elderly patients with non-valvular atrial fibrillation who have not received anticoagulation for unknown reasons.

Keyword: atrial fibrillation, antithrombotic drugs, anticoagulants, CHA2DS2-VASc score, HAS-BLED score

 ĐẶT VẤN ĐỀ:

Rung nhĩ (RN) là một rối loạn nhịp trên thất với đặc trưng bởi tình trạng mất đồng bộ điện học và sự co bóp cơ tâm nhĩ và là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. RN có nguy cơ gây đột quỵ thiếu máu não cao gấp 5 lần so với bệnh nhân không rung nhĩ, đặc biệt tần suất tăng ở người cao tuổi NCT). Theo ACC/AHA/HRS 2019 thuốc kháng đông được chỉ định ở nhóm bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim có nguy cơ đột quỵ cao (phân tầng nguy cơ đột quỵ bằng thang điểm CHA2DS2-VASC. Đồng thời, thang điểm HAS-BLED cũng được khuyến cáo dùng để phân tầng nguy cơ xuất huyết khi sử dụng những thuốc chống huyết khối [11]. Trên thực tế, việc sử dụng thuốc kháng đông dự phòng đột quỵ trên bệnh nhân RN khi có chỉ định ở NCT gặp nhiều thách thức do tình trạng đa bệnh, đa thuốc, tình trạng suy yếu nên ảnh hưởng đến mục tiêu điều trị hoặc sự tuân trị. Mặt khác vẫn chiếm tỉ lệ thấp và các bác sĩ vẫn có khuynh hướng chỉ định thuốc ức chế kết tập tiểu cầu thay thế. Vì vậy, chúng tôi tiến hành khảo sát nhằm khảo sát tình trạng sử dụng thuốc kháng đông ở bệnh nhân cao tuổi có rung nhĩ không do bệnh van tim.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Nghiên cứu loạt ca bệnh. Đối tượng là tất cả bệnh nhân cao tuổi (≥ 60 tuổi) được chẩn đoán rung nhĩ không do bệnh van tim tại phòng khám Nội khoa- Khoa Khám Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa từ ngày 01/02/2022 đến ngày 31/08/2022. Tiêu chuẩn loại trừ gồm những bệnh nhân không đồng ý tham gia nghiên cứu.

Rung nhĩ không do bệnh van tim được định nghĩa theo hướng dẫn 2019 của Trường Môn Tim, Hiệp hội Tim và Hội Nhịp tim Hoa Kỳ. Rung nhĩ ở bệnh nhân không có hẹp van hai lá hậu thấp, không có van tim nhân tạo cơ học hoặc sinh học và không từng được phẫu thuật sửa van hai lá [11].

Chúng tôi tiến hành hỏi bệnh sử, tiền sử, thời gian được chẩn đoán rung nhĩ, khám lâm sàng, tình trạng suy yếu lâm sàng và xem đơn thuốc, hồ sơ bệnh án ghi nhận bệnh kèm và thuốc điều trị bệnh kèm, tính tổng điểm CHA2DS2-VASC để phân thành 3 phân nhóm: nguy cơ đột quỵ thấp, trung bình và cao tương ứng với điểm CHA2DS2-VASc lần lượt bằng 0, 1 và ≥ 2. Ghi nhận các yếu tố trong thang điểm HAS-BLED, tính tổng điểm HAS-BLED để phân thành 3 phân nhóm: nguy cơ xuất huyết thấp, trung bình và cao tương ứng với điểm HAS-BLED lần lượt bằng 0, 1-2 và ≥ 3. Ghi nhận từ đơn thuốc đang dùng xem bệnh nhân có được chỉ định thuốc chống huyết khối hay không. Từ đó, xác định tỉ lệ bệnh nhân rung nhĩ được điều trị thuốc chống huyết khối, trong đó có bao nhiêu chỉ dùng kháng đông (kháng vitamin K hoặc kháng đông uống thế hệ mới), bao nhiêu chỉ dùng ức chế kết tập tiểu cầu, bao nhiêu có kết hợp cả hai. Hỏi bệnh sử và xem sổ theo dõi bệnh, đơn thuốc ghi nhận biến cố chảy máu khi sử dụng thuốc chống đông.

Các biến liên tục được biểu diễn dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn. Các biến nhị giá, biến thứ tự và biến danh định sẽ được trình bày dưới dạng tần suất và tỷ lệ. Xử lý thống kê được thực hiện với phần mềm SPSS 20.0. Tuân thủ đạo đức nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU:

Có 48 bệnh nhân là NCT được đưa vào nghiên cứu. Đặc điểm chung của mẫu nghiên cứu và của từng nhóm bệnh nhân được nêu trong bảng 1, tỉ lệ bệnh nhân nữ cao hơn nam, chủ yếu là rung nhĩ mạn tính.

Bảng  1: Đặc điểm chung mẫu nghiên cứu

  Bệnh nhân (n = 48) Tỉ lệ %
Tuổi (năm)

Trung bình ± độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất – lớn nhất

 

70,7 ± 8,3

60 – 92

 
Giới nữ 31 64,6
Phân loại rung nhĩ lâm sàng    
RN mới mắc 2  4,2
RN dai dẳng kéo dài 3  6,3
RN mạn tính 43  89,6

Bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu có nhiều bệnh kèm, chủ yếu là bệnh lý tim mạch trong đó suy tim chiếm tỉ lệ cao nhất (Bảng 2), tương ứng với thuốc điều trị bệnh lý tim mạch chiếm tỉ lệ cao trong thuốc điều trị bệnh nền. Bệnh nhân cao tuổi có tình trạng đa thuốc thể hiện số loại thuốc trong bình 3,5 ± 1,6 (bảng 3).

Bảng  2: Tỉ lệ bệnh mắc kèm

 Loại bệnh kèm Bệnh nhân (n = 48) Tỉ lệ %
Tăng huyết áp 9 23,1
Đái tháo đường 7 14,6
Suy tim 39 81,3
Bệnh mạch vành 11 23,1
Basedow 4 8,3
Tiền sử đột quị 5 10,4
Tiền sử xuất huyết 5 10,4
COPD 2 4,2

Bảng  3: Thuốc đang sử dụng điều trị bệnh kèm

 Loại thuốc (TB ± ĐLC: 3,5 ± 1,6) Bệnh nhân (n = 48) Tỉ lệ %
Statin 48 100%
Kháng Aldosteron 39 81,3%
Ức chế men chuyển 37 77,1%
Ức chế Beta 37 77,1%
Chẹn kênh canxi 29 60,4%
Ức chế thụ thể ATR 11 22,9%
Digoxin 9 18,8%
metformin 7 14,6%
Sulfonylureas 7 14,6%

Bảng 4 cho thấy nguy cơ thuyên tắc huyết khối ở nhóm nghiên cứu ở mức nguy cơ cao thể hiện 100% bệnh nhân có CHA2DS2-VASC ≥ 2đ. Tỉ lệ nệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao ở nhóm nghiên cứu chiếm tỉ lệ 2,1% (bảng 5). Thuốc chống đông uống được dùng là kháng vitamin K (acenocoumarol), 12,5% bệnh nhân được cho dùng các thuốc chống đông đường uống mới (bảng 6). Thuốc ức chế kết tập tiểu cầu được dùng là aspirin hoặc thuốc ức chế P2Y12 (clopidogrel, ticagrelor) 22,9%.

Bảng  4: Điểm CHA2DS2-VASC

CHA2DS2-VASC (TB ± ĐLC: 3,31 ± 0,97) Số bệnh nhân (n=48) Tỉ lệ %
2 10 20,8
3 19 39,6
4 14 29,2
5 4 8,3
6 1 2,1

Bảng  5: Điểm HAS- BLED

HAS-BLED (TB ± ĐLC: 0,77 ± 0,47) Số bệnh nhân Tỉ lệ %
0 12 25,0
1 35 72,9
2 1 2,1

Trong tất cả các đơn thuốc, thuốc chống đông uống được dùng nhiều nhất là kháng vitamin K (Bảng 6), trong đó Acecoumarol được lựa chọn 100% (Bảng 7). Liều thuốc chống đông sử dụng ở phù hợp với hướng dẫn thực hành của hội tim mạch Việt Nam. Tỷ lệ xét nghiệm INR đạt mục tiêu 2-3 dự phòng thuyên tắc huyết khối 48,4% (bảng 8). Có nhiều lý do không sử dụng thuốc kháng đông, trong đó vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân không được sử dụng thuốc kháng đông mà không rõ lý do (bảng 9).

 Bảng  6: Tỉ lệ nhóm thuốc chống huyết khối được chỉ định.

Loại thuốc chống huyết khối Số bệnh nhân (n = 48) Tỉ lệ
Không 11 22,9
 VKA 31 64,6
NOAC 5 10,4
VKA – NOAC 1 2,1
ƯCKTTC 11 22,9%

Ghi chú: VKA: Kháng vitamin K, NOAC: thuốc kháng đông đường uống không phải VKA,

              ƯCKTTC = ức chế kết tập tiểu cầu.

 

Bảng  7:  Đặc điểm sử dụng liều thuốc kháng đông

Loại thuốc Liều thuốc Số bệnh nhân Tỉ lệ %
Rivanroxaban (mg) 20 6 16,2
Acecoumarol(mg/ngày) (n= 32) 1 ≤ VKA < 1,5 10 27,0
1,5 ≤ VKA < 2 20 54,1
2 ≤ VKA ≤ 10 2 5,4

Bảng  8:  Kết quả xét nghiệm INR ở nhóm sử dụng VKA

INR Số bệnh nhân (n=31) Tỉ lệ %
1,5 ≤ INR<2 13 41,9%
2 ≤ INR<=3 15 48,4%
INR> 5   3 9,7%

Bảng  9: Lý do không sử dụng thuốc kháng đông

Lý do không dùng thuốc kháng đông Số bệnh nhân (n=11) Tỉ lệ %
không có chỉ định 3 27,3%
Suy yếu nặng 3 27,3%
Mới RN 3 27,3%
Không rõ 2 18,1%

 BÀN LUẬN

Về đặc điểm chung và phân tầng nguy cơ:

Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân RN trong nghiên cứu của chúng tôi là 70,7 ± 8,3, Nữ 31 (65%), tỉ lệ nữ/nam:1,8.  Kết quả này tương tự với tác giả Nguyễn Thị Tuyết, nghiên cứu tại Bệnh viện Tim Mạch An Giang 69,9±13,5 và Nguyễn Văn Sĩ là 70,77 ± 13,35; theo 2 tác giả trên thì tỷ lệ nữ cao hơn nam. So sánh với tác giả Nabil Naser (2017)  nghiên cứu trên 2352 bệnh nhân rung nhĩ có độ tuổi trung bình 68 ± 13, độ tuổi rung nhĩ trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi cao hơn [6].

Về đặc điểm lâm sàng RN, kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tỉ lệ RN mới mắc thấp hơn tác giả Nabil Naser (2017) nghiên cứu trên 2352 bệnh nhân, RN được phát hiện lần đầu tiên ở 352, kịch phát 194, dai dẳng ở 728 bệnh nhân và vĩnh viễn ở 1078 bệnh nhân [6], do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi trên NCT, trong đó tuổi là một trong những yếu tố tạo nên bất thường về cấu trúc hoặc điện sinh lý của cơ nhĩ do lão hóa gây tình trạng RN [7],[9]. Vì vậy tỉ lệ bệnh nhân rung nhĩ mạn tính trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi chiếm đa số là phù hợp.

Ở bệnh nhân cao tuổi, đa bệnh đa thuốc là một đặc điểm khá phổ biến. Kết qủa nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bệnh kèm tương tự như nghiên cứu của nhiều tác giả khác. Tác giả  Zoni-Berisso (2014)  suy tim (22-42%), THA (22-36%), ĐTĐ (20-24%), Đột quỵ (9-16%) [9].Tác giả Nguyen T N (2013) cho thấy các bệnh đi kèm phổ biến nhất là tăng huyết áp (67–76%), suy tim (22–42%), đái tháo đường (20–24%), béo phì (20–35%), bệnh phổi mãn tính (10–18%), rối loạn chức năng tuyến giáp. (8–11%), suy thận (11–22%) đột quỵ / cơn thiếu máu não thoáng qua (9–16%), và rối loạn tâm thần kinh (19%) [8]. Tác giả Đặng Thị Soa bệnh nền gặp nhiều nhất trong mẫu nghiên cứu là tăng huyết áp (70,3%); tiếp đến là suy tim (40,6%), tuổi > 75 (18,8%); tiền sử đột quỵ/thoáng thiếu máu não (12,5%). Do vậy, việc sử dụng thuốc điều trị bệnh kèm cũng tương tự như nhiều tác giả khác với đặc điểm sử dụng thuốc điều trị bệnh lý tim mạch chiếm tỉ lệ cao.

Bệnh nhân RN trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi đều được phân tầng nguy cơ thuyên tắc huyết khối  theo thang điểm CHA2DS2- VASc, 100% bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao, cao hơn kết quả của nhiều tác giả như Đặng Thị Soa có 43,8%, 32,8% nguy cơ thấp; nguy cơ trung bình 23,4%, Nguyễn Thị Tuyết và Nguyễn Văn sỹ, cho kết quả tỷ lệ nguy cơ cao lần lượt là (62%;77,6%). Điều này là do nghiên cứu của chúng tôi trên người cao tuổi, tỷ lệ bệnh nhân có yếu tố suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với 3 nghiên cứu trên. Nabil Naser (2017) nghiên cứu trên 2352 bệnh nhân cấp cứu và nhập viện vì rung nhĩ điểm trung bình CHA2DS2-VASc là là 3,2 ±1,4 và HAS-BLED trung bình là 2,1±1,2 [6]. Tác giả Björck F (2016) nghiên cứu với 29 146 (72,1%) bệnh nhân rung nhĩ điều trị wafarin có sẵn dữ liệu cơ bản, cho thấy CHA2DS2-VASc 3,3 ± 1,5, (1-9 đ)[4].

Bệnh nhân có chỉ định sử dụng thuốc kháng đông được đánh giá nguy cơ chảy máu theo thang điểm HAS- BLED. Nghiên cứu của chúng tôi HAS – BLED bao gồm mức 0 điểm (12 NB 25%), 1 điểm (35 NB, 72,9%), 2 điểm (1 NB 2,1%), HAS- BLED trung bình là  0,77 ± 0,47 thấp hơn kết quả nghiên cứu của các tác giả khác  Do bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi khảo sát trên nhóm bệnh nhân cao tuổi khám bệnh định kỳ tại khoa Khám, và đã được điều trị bệnh lý tim mạch, nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như yếu tố nguy cơ chảy máu đã được kiểm soát.

Về sử dụng thuốc:

Số loại thuốc trung bình được bệnh nhân sử dụng trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi  là 3,5 ± 1,6, cao hơn tác giả Nabil Naser  (2013) trên 2352 bệnh nhân RN cho thấy loại thuốc trung bình được sử dụng trên bệnh nhân là 2,6 ± 1,8. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp như digoxin, ức chế beta, cordarone. Thuốc chống kết tập tiểu cầu được kê đơn ở 22% bệnh nhân tương tự như kết quả của các tác giả khác [1],[2].

Nghiên cứu của chúng tôi có 77,1% bệnh nhân nguy cơ thuyên tắc huyết khối CHA2DS2- VASc ≥ 2 được chỉ định thuốc kháng đông. Sử dụng thuốc kháng đông trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn Đặng thị Soa (2022) tại Bệnh viện Nghệ An có 93,8% (60/64) và Nguyễn Chí Thành (2017) tại Bệnh viện Tim Tp HCM cho kết quả tỉ lệ bệnh nhân thuộc nhóm rung nhĩ không do bệnh van tim có nguy cơ đột quỵ cao (điểm CHA2DS2- VASC ≥ 2) được chỉ định thuốc kháng đông là 96,4% [7]. Tỉ lệ sử dụng thuốc kháng đông của chúng tôi cao hơn nghiên cứu thu thập dữ liệu tại 3 bệnh viện lớn của Tasmania từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 6 năm 2012 cho kết quả 53,8% bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh lý van tim sử dụng chống đông. Trong đó tỷ lệ bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao có chỉ định chống đông là 52,5%, khoảng 10% bệnh nhân có điểm CHADS2 ≥2 không được điều trị bằng thuốc chống đông nào, trong khi những người có nguy cơ thấp (điểm 0) tỷ lệ chỉ định chống đông là 48,5%[3]. Nghiên cứu đa trung tâm khác tại Thái Lan từ năm 2014 đến năm 2017 về sử dụng thuốc chống đông trên nhân bị rung nhĩ không do van tim ở NCT cho kết quả 81,4%, trong đó nhóm bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao có tỷ lệ dùng chống đông là 80,5 %, cao hơn trong nghiên cứu của chúng tôi [5]. Kết quả này cho thấy sự khác nhau giữa các đối tượng bệnh nhân thì việc áp dụng các hướng dẫn điều trị khác nhau dựa vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, bệnh viện chuyên khoa. Điều đó chứng tỏ các khuyến cáo, hướng dẫn điều trị ngày một được các bác sỹ quan tâm, cập nhật, áp dụng vào lâm sàng nhiều hơn nhưng vẫn còn nhiều rào cản trong thực hành.

Thuốc chống đông:

Bệnh nhân được chỉ định thuốc chống đông 77,1% Chủ yếu là dùng chống đông kháng vitamin K 64,6% trong đó acenocoumarol (100%); NOAC 10,4%, NOAC+VKA 2,1%. Không có trường hợp nào sử dụng LMWH. Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyết nghiên cứu tại Bệnh viện Tim Mạch An Giang (2012), cho kết quả thuốc chống đông được sử dụng trong nghiên cứu là Sintrom (acenocoumarol) không có trường hợp nào dùng warfarin, chống đông đường uống thế hệ mới, LMWH. Theo nghiên cứu Nguyễn Chí Thành tại Viện Tim Thành Phố Hồ Chí Minh (2017) cũng cho kết quả thuốc chống đông chỉ dùng thuốc kháng vitamin K, không có trường hợp nào dùng chống đông đường uống thể hệ mới hay LMWH [7]. Sử dụng thuốc kháng đông đường uống mới trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu tại Trung Quốc từ 2012- 2017 cho thấy 287 bệnh nhân có điểm CHA2DS2 ‐ VASc ≥2, 41,10% được dùng thuốc chống đông kháng vitamin K, 27,20% được dùng thuốc chống đông đường uống mới (NOAC) [5]. Như vậy, qua một số nghiên cứu trên cho chúng ta thấy tỷ lệ dùng NOAC dự phòng huyết khối trên bệnh nhân rung nhĩ vẫn còn thấp. Những lợi ích mà NOAC mang lại đã được chúng minh, nhưng rào cản không kém phần quan trọng của NOAC là chi phí điều trị cao.

 Trong số bệnh nhân được sử dụng thuốc VKA, tỉ lệ xét nghiệm INR đạt mục tiêu là 48,4%, thấp hơn kết quả nghiên cứu của Tác giả Alan S Go (2003) nghiên cứu 7445 bệnh nhân có sử dụng warfarin, đã thực hiện 210 000 INR. Kết quả cho thấy INR dưới 1,5 (4,2%); INR, 1,5-1,9 (22,6%); INR, 2,0-3,0 (62,5%); và INR hơn 3,0 (10,7%) [10]. Kết quả cho thấy nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên NCT thì việc tuân trị tái khám để thực hiện xét nghiệm cũng như sự tương tác thuốc trong bệnh cảnh đa bệnh, đa thuốc là một rào cản không nhỏ để có thể kiểm soát INR mục tiêu.

Không có biến cố chảy máu lớn xảy ra trong nghiên cứu của chúng tôi có 9,5% biến cố chảy máu nhỏ. Kết quả này thấp hơn Tác giả Alan S. Go (2003) [10] cho thấy có 88 bệnh nhân bị xuất huyết nội sọ và 267 trường hợp xuất huyết không nội sọ phải nhập viện (237 vị trí tiêu hóa và 30 vị trí khác) trong quá trình theo dõi. Trong số 267 trường hợp xuất huyết ngoài sọ, 139 trường hợp (52,0%) đạt tiêu chuẩn xuất huyết lớn. Có sự khác nhau do mẫu nghiên cứu của chúng tôi mẫu nhỏ, thực hiện tại phòng khám nên tình trạng bệnh nền cũng như yếu tố nguy cơ, hay tình trạng chảy máu đã được kiểm soát.

KẾT LUẬN:

Thuốc kháng đông kháng vitamin K được sử dụng dự phòng thuyên tắc huyết khối ở bệnh nhân rung nhĩ với tỉ lệ cao. Tỉ lệ kết quả xét nghiệm INR đạt mục tiêu 2-3 khi sử dụng VKA chưa cao. Không có biến cố chảy máu lớn. Vẫn còn bệnh nhân là NCT rung nhĩ không do bệnh van tim chưa được sử dụng thuốc kháng đông mà không rõ lý do.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Thị Soa, Nguyễn Huy Lợi, Nguyễn Ngọc Hòa (2022). “Đánh giá sử dụng thuốc trên bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh lý van tim điều trị tại trung tâm tim mạch bệnh viện hữu nghị đa khoa nghệ an”. Tạp chí Y học Việt Nam 1  (516-tháng 7), pp. 332-337.
  2. Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Văn Trí (2017). “Khảo sát thực trạng sử dụng thuốc chống huyết khối trong điều trị rung nhĩ tại Viện tim TP Hồ Chí Minh”. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, Tháng 6.
  3. Bista D, Chalmers L, Peterson G M, et al. (2017). “Anticoagulant Use in Patients With Nonvalvular Atrial Fibrillation: Has Prescribing Improved?”. Clin Appl Thromb Hemost, 23  (6), pp. 573-578.
  4. Björck F, Renlund H, Lip G Y, et al. (2016). “Outcomes in a Warfarin-Treated Population With Atrial Fibrillation”. JAMA Cardiol, 1  (2), pp. 172-80.
  5. Krittayaphong R, Phrommintikul A, Ngamjanyaporn P, et al. (2019). “Rate of anticoagulant use, and factors associated with not prescribing anticoagulant in older Thai adults with non-valvular atrial fibrillation: A multicenter registry”. J Geriatr Cardiol, 16  (3), pp. 242-250.
  6. Naser N, Dilic M, Durak A, et al. (2017). “The Impact of Risk Factors and Comorbidities on The Incidence of Atrial Fibrillation”. Mater Sociomed, 29  (4), pp. 231-236.
  7. Nayak S, Natarajan B, Pai R G (2020). “Etiology, Pathology, and Classification of Atrial Fibrillation”. Int J Angiol,  29  (2), pp. 65-71.
  8. Nguyen T N, Hilmer S N, Cumming R G (2013). “Review of epidemiology and management of atrial fibrillation in developing countries”. Int J Cardiol,  167  (6), pp. 2412-20.
  9. Zoni-Berisso M, Lercari F, Carazza T, et al. (2014). “Epidemiology of atrial fibrillation: European perspective”. Clinical epidemiology, 6, pp. 213-220.
  10. Go A S, Hylek E M, Chang Y, et al. (2003). “Anticoagulation Therapy for Stroke Prevention in Atrial FibrillationHow Well Do Randomized Trials Translate Into Clinical Practice?”. JAMA, 290  (20), pp. 2685-2692.
  11. January C T, Wann L S, Calkins H, et al. (2019). “2019 AHA/ACC/HRS Focused Update of the 2014 AHA/ACC/HRS Guideline for the Management of Patients With Atrial Fibrillation: A Report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines and the Heart Rhythm Society in Collaboration With the Society of Thoracic Surgeons”. Circulation, 140  (2), pp. e125-e151.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO