Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới do nội tiết tố (estrogen, progesteron), thai kỳ, uống thuốc tránh thai, sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn. Người béo phì rất dễ bị giãn tĩnh mạch chi dưới. Nghề nghiệp phải đứng lâu, ngồi nhiều, đi lại chậm chạp trong một phạm vi hẹp hay có lối sống ít hoạt động càng dễ mắc bệnh. Những người có mẹ hoặc chị gái bị giãn tĩnh mạch chi dưới thì có nguy cơ cao hơn. Tuổi càng cao tỷ lệ bị giãn tĩnh mạch chi dưới càng nhiều.
Thường thấy ở khoeo chân, bắp chuối và ở đùi, có chiều hướng ngày càng giãn to. T |
Giãn tĩnh mạch chi dưới thường có các triệu chứng như đau phần dưới chỗ bị giãn – tắc, chân sưng phù, cảm giác nặng, mỏi khi đứng lâu, ngồi nhiều, chuột rút về ban đêm. Cảm giác kiến bò, tê bì và ngứa, nổi gân xanh ngoằn ngoèo ở chân hoặc nổi gân tím như vết rạn nếu tĩnh mạch nằm ngay dưới da. Thường thấy ở khoeo chân, bắp chuối và ở đùi, có chiều hướng ngày càng giãn to.Trường hợp nặng da có thể bị viêm, lở loét.
Những dấu hiệu ban đầu thường chỉ thấy nặng chân (98%) và co cơ (63%) nên người bệnh ít để ý và do đó bệnh dễ bị bỏ qua. Có đến 80% bệnh nhân không biết mình đã bị bệnh này, chỉ khi triệu chứng xuất hiện nhiều và thường xuyên mới biết.
Giãn tĩnh mạch chi dưới khiến chân đau buốt liên tục, chuột rút, phù chân… Trường hợp bệnh mạn tính dễ làm cho tế bào bị viêm, xuất hiện các biến chứng như: loạn dưỡng da (da bị biến màu, sạm da, bị chàm hay xơ mỡ bì…), loét chân tiến triển (một biến chứng nặng và rất khó chữa). Đặc biệt trong khối máu ứ trệ có sự hình thành cục máu đông và nó trôi đến các mạch máu nhỏ gây viêm tắc mạch.
Tùy mức độ bệnh mà bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, thường áp dụng các phương pháp như tránh các yếu tố gây bệnh và làm nặng thêm tình trạng bệnh như: đứng lâu, ngồi lâu, đi lại chậm chạp, thừa cân béo phì…; Băng ép bằng băng thun nhằm tạo ra áp lực cao hơn ở phần xa so với phần gần của chân để máu dễ chảy về tim; Dùng thuốc uống (thuốc Tây, thuốc Đông y) để làm tăng trương lực tĩnh mạch, cải thiện tuần hoàn máu và bạch huyết, tăng cường sự trao đổi chất giữa máu với tế bào; Chích xơ: bơm dung dịch có tác dụng làm xơ hóa mạch máu vào tĩnh mạch để bít tắc đoạn tĩnh mạch bị giãn. Cuối cùng là phẫu thuật bóc bỏ đoạn tĩnh mạch bị giãn.
Người có nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới không nên đứng lâu, ngồi nhiều. Thỉnh thoảng phải vận động, đi lại, thay đổi tư thế. Khi nghỉ ngơi và ngủ thì nên để chân cao hơn bụng. Thường xuyên tập thể dục thể thao, đặc biệt là đi bộ, bơi lội. Cách đi bộ đúng là đi bộ nhanh gấp 3 lần bình thường, khoảng 100 bước/phút, ngày đi 2 lần mỗi lần 15 – 30 phút. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, rau, củ, trái cây tươi. Đặc biệt giữ cân nặng lý tưởng, không để thừa cân, béo phì. Nếu công việc đòi hỏi phải đứng hay ngồi lâu thì nên đi tất y khoa, một loại tất có độ chun giãn phù hợp với chân có thể tìm thấy ở nơi bán dụng cụ y tế. |
BS Đỗ Thị Quỳnh Nga (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM)