Google search engine

Ngưng thở khi ngủ làm nặng hơn suy tim mất bù cấp và Nên được tầm soát ở bệnh nhân nhập viện vì suy tim

Theo một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu, ngưng thở khi ngủ (*) được phát hiện ở bệnh nhân nhập viện vì suy tim mạn mất bù cấp, nhất là ngưng thở khi ngủ trung ương sẽ giúp tiên đoán nguy cơ tái nhập viện do bệnh tim tăng lên trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng và tăng 2/3 tử vong sau 3 năm.

Tác giả nghiên cứu đề nghị nên tầm soát thường quy và điều trị ngưng thở khi ngủ trung ương hoặc tắc nghẽn ở các bệnh nhân suy tim đang nằm viện. Đây là một chiến lược có ích nhằm giảm tỷ lệ tái nhập viện vì suy tim mạn mất bù cấp và tử vong sau đó.

Bác sĩ Rami N Khayat– Đại học bang Ohio, Columbus – thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng:Ngưng thở khi ngủ là một trong những bệnh đồng mắc thường gặp nhất ở bệnh nhân suy tim, được ghi nhận trong hơn 70% bệnh nhân viện vì suy tim mạn mất bù cấp. Mặc dù ngưng thở khi ngủ thường không được tầm soát ở bệnh nhân nhập viện vì suy tim, ông ta đề nghị nên tầm soát sớm, thường quy cho những bệnh nhân suy tim chưa được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ trước đó.

Bảng 1: Các đặc điểm của 1.117 bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ trung ương (NTKNTU) hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (NTKNDTN) hoặc không có rối loạn nhịp thở trong khi ngủ (KRLNTTKN)

Kết cục

Ngưng thở khi ngủ trung ương

(n = 344)

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (n = 525)

Không có rối loạn nhịp thở trong khi ngủ

(n = 248)

p

Tuổi

60,3

60,3

54,6

< 0,05 so với NTKNTU và NTKNDTN

Phân suất tống máu thất trái (%)

23,1

26,3

29,5

< 0,05 so với NTKNTU và NTKNDTN

Chỉ số khối cơ thể

29,4

31,7

29,0

< 0,05 so với NTKNDTN

Số ngày nằm viện

9,5

9,0

7,2

< 0,05 so với NTKNTU và NTKNDTN

Khayat đã trình bày kết quả nghiên cứu trên 1.117 bệnh nhân nhập viện vì suy tim mạn mất bù cấp (bảng 1) từ năm 2007 đến năm 2010 do bác sĩ Angela Sow – Đại học bang Ohio, Columbus đứng đầu. Tất cả bệnh nhân đều có phân suất tống máu thất trái ≤ 45% và chưa từng được chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ được tầm soát vào đêm thứ 2 sau nhập viện bằng máy đa ký hô hấp. Ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán khi chỉ số ngưng thở-giảm thở > 15 lần trong một giờ ngủ (thường được xem là ngưng thở mức độ trung bình).

Ngưng thở khi ngủ trung ương và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có ảnh hưởng độc lập, đáng kể đến tử vong muộn. Cả 2 đều là những yếu tố tiên đoán độc lập cho tái nhập viện do nguyên nhân tim mạch trong vòng 6 tháng và đặc biệt là nguy cơ sẽ tăng gấp đôi ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ trung ương. Ngưng thở khi ngủ trung ương cũng là một yếu tố tiên đoán độc lập của tái nhập viện do tim mạch vào các thời điểm 1, 3 và 6 tháng.

Bảng 2:Tỷ số nguy cơ (Khoảng tin cậy 95%) cho tử vong và tái nhập viện do nguyên nhân tim mạch ở 1.117 bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ trung ương, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và không có rối loạn nhịp thở trong khi ngủ (*)

Kết cục

NTKNTU so với KRLNTTKN

NTKNTU so với NTKNDTN

NTKNDTN so với KRLNTTKN

Tử vong sau 36 tháng

1,71 (1,2-2,5);

p = 0,007

1,03 (0,8-1,3);

p = 0,81

1,66 (1,1-2,4);

p = 0,007

Tái nhập viện do tim sau 1 tháng

1,92 (1,2-3,1);

p = 0,009

1,29 (0,9-1,8);

p = 0,14

1,48 (0,9-2,3);

p = 0,10

Tái nhập viện do tim sau 3 tháng

1,66 (1,2-2,4);

p = 0,005

1,33 (1,0-1,7);

p = 0,03

1,25 (0,9-1,7);

p = 0,20

Tái nhập viện do tim sau 6 tháng

1,97 (1,4-2,7);

p < 0,001

1,42 (1,1-1,8);

p = 0,004

1,39 (1,0-1,9);

p = 0,03

(*) đã được điều chỉnh theo tuổi, giới, phân suất tống máu thất trái, chỉ số khối cơ thể, creatinine, đái tháo đường, loại bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành, bệnh thận mạn, huyết áp tâm thu lúc xuất viện < 110, tăng huyết áp, ức chế men chuyển lúc xuất viện hoặc ức chế thụ thể angiotensin, ức chế beta lúc xuất viện, thời gian nằm viện, nồng độ natri và hemoglobin lúc nhập viện.

Khayat thừa nhận ngưng thở khi ngủ ở nhiều bệnh nhân biểu hiện bằng một hội chứng suy tim cấp và nên được xem xét ở bệnh nhân có suy tim nặng hơn không giải thích được bằng phân suất tống máu thất trái, đường kính cuối tâm trương thất trái, nồng độ peptide lợi niệu từ nhĩ hoặc những chỉ số khác.

(Sleep Apnea Worsens Acute HF Outcomes; Testing for It at HF Admission Proposed. http://www.medscape.com/viewarticle/812094)

(*) Có hai dạng ngưng thở: ngưng thở dạng tắc nghẽn và ngưng thở trung ương. Trong khi ngủ, nếu mô mềm vùng hầu họng đè vào đường thở và gây nghẽn thì đó là ngưng thở tắc nghẽn. Lúc này không khí không thể đi qua chỗ tắc nghẽn ở hầu họng để vào phổi, khiến phổi không thể trao đổi oxy.

 Trong ngưng thở trung ương, nguyên nhân là trung ương thần kinh (não bộ) vì lý do nào đó ngưng không truyền tín hiệu thần kinh đến cơ hô hấp và không tạo ra nhịp thở. Lúc này bệnh nhân ngưng thở do cơ hô hấp không hoạt động, bệnh nhân không hít thở.

Ngưng thở khi ngủ thường do tắc nghẽn thường gặp hơn ngưng thở trung ương. Đặc biệt là nam giới trung niên, uống rượu, thừa cân và ngáy to.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO