Google search engine

Bản tin tổng hợp – Tháng 10/2021

VẬN ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN GIẢM 50% TỬ VONG SAU ĐỘT QUỴ

Trong một nghiên cứu lớn dựa vào cộng đồng trên những người sống sót sau đột quỵ tại Canada, các nhà nghiên cứu nhận thấy những người tuân thủ mức độ hoạt động thể chất theo khuyến cáo có nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào thấp hơn đáng kể, với giảm hơn 50% nguy cơ.

Tác giả chính của nghiên cứu là Bác sĩ Raed A. Joundi, thuộc Đại học Calgary ở Alberta, Canada, cho biết ông mong đợi kết quả cho thấy tập thể dục là có lợi, nhưng bị bất ngờ bởi mức độ liên quan giữa hoạt động thể chất và nguy cơ tử vong thấp hơn.

Tác động của hoạt động thể chất cũng khác nhau đáng kể theo độ tuổi. Những người dưới 75 tuổi giảm 79% nguy cơ tử vong so với 32% ở những người từ 75 tuổi trở lên. Điều này xảy ra ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố như bệnh tim, bệnh hô hấp, hút thuốc và các hạn chế chức năng khác. Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 11 tháng 8 trên tạp chí Neurology.

Đối với phân tích này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của một nhóm người trên khắp Canada (ngoại trừ tỉnh Quebec) trong vòng 3 đến 9 năm. Có 895 bệnh nhân bị đột quỵ từ trước với tuổi trung bình là 72 tuổi, trong khi 97.805 người trong nhóm chứng có độ tuổi trung bình là 63. Nghiên cứu này không bao gồm những người sống sót sau đột quỵ đang sống trong các nhà dưỡng lão.

Mức hoạt động thể chất trung bình hàng tuần được đánh giá bằng cách sử dụng “Khảo sát Sức khỏe Cộng đồng Canada”, được liên kết với cơ sở dữ liệu hành chính để đánh giá mối liên hệ của hoạt động thể chất với nguy cơ tử vong dài hạn ở những người sống sót sau đột quỵ so với nhóm chứng.

Hoạt động thể chất được đo bằng lượng tương đương chuyển hóa (MET), đáp ứng các khuyến cáo về hoạt động thể chất tối thiểu được định nghĩa là 10 MET-giờ / tuần.

Trong thời gian nghiên cứu, số bệnh nhân đột quỵ tử vong nhiều hơn nhóm chứng (24,7% so với 5,7%). Tuy nhiên, những người tuân thủ đúng các hướng dẫn về hoạt động thể chất 10 MET-giờ / tuần có tỷ lệ tử vong thấp hơn, cả trong nhóm sống sót sau đột quỵ (14,6% so với 33,2%; HR đã điều chỉnh là 0,46; khoảng tin cậy 95% là 0,29 – 0,73) và ở nhóm chứng (3,6% so với 7,9%; HR đã điều chỉnh là 0,69; khoảng tin cậy 95% là 0,62 – 0,76).

Các nhà nghiên cứu lưu ý: mức giảm tỷ lệ tử vong tương đối và tuyệt đối lớn nhất là ở những người đột quỵ dưới 75 tuổi (10,5% so với 29%; HR đã điều chỉnh là 0,21; khoảng tin cậy 95% là 0,10 – 0,43).

Có một tương tác đáng kể với tuổi ở nhóm bệnh nhân đột quỵ nhưng không phải ở nhóm chứng. Tỷ lệ tử vong giảm nhiều nhất trong khoảng từ 0 đến 10 MET mỗi tuần… Do đó, vận động dù ít cũng tốt hơn là không có gì.

Hướng dẫn tập luyện cho tương lai

Mặc dù các hướng dẫn hiện tại khuyến cáo hoạt động thể chất ở những người sống sót sau đột quỵ, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những điều này phần lớn là dựa trên các nghiên cứu trong dân số chung. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là để hiểu rõ hơn về vai trò của hoạt động thể chất đối với sức khỏe của những người sống sót sau đột quỵ trong cộng đồng, mà sau đó có thể được sử dụng để thiết kế các chiến dịch cải thiện sức khỏe cộng đồng và các can thiệp hoạt động thể chất.

Bởi vì đây là một nghiên cứu lớn về những người sống sót sau đột quỵ trong cộng đồng, hy vọng kết quả này sẽ ảnh hưởng đến các hướng dẫn về hoạt động thể chất trong tương lai cho những người đã bị đột quỵ.

Các tác giả nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ tuyến tính logarit giữa hoạt động thể chất và tỷ lệ tử vong, với 10 MET-giờ / tuần có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong và lợi ích đạt được nhiều nhất là 20 MET-giờ / tuần”. Những ngưỡng này có thể được xem xét để sử dụng trong các hướng dẫn về đột quỵ trong tương lai.

Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để cung cấp bằng chứng cho việc thực hiện các chương trình tập luyện sau đột quỵ và cung cấp các chương trình hoạt động thể chất cho những người sống sót sau đột quỵ trong cộng đồng “là một ưu tiên ngày càng tăng ở Mỹ, Canada và Châu Âu”.

Nguy cơ tử vong sớm cao hơn sau đột quỵ, kéo dài nhiều tháng và nhiều năm sau đó, vì vậy nếu chúng ta có thể xác định được một biện pháp can thiệp dễ dàng và chi phí tương đối thấp như hoạt động thể chất để cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tử vong cho những người sống sót sau đột quỵ thì điều đó rất cần thiết.

Các rào cản chính

Tiến sĩ Paul George, chuyên gia thần kinh học về đột quỵ và mạch máu tại Đại học Stanford ở California cho biết những phát hiện như vậy đã cũng cố thêm lập luận tập luyện là quan trọng sau đột quỵ. Vì nghiên cứu đã xem xét cụ thể các bệnh nhân đột quỵ, nên có thể cung cấp thêm hướng dẫn về hoạt động thể chất cho bệnh nhân sau đột quỵ.

Trong tương lai, cần phải nghiên cứu thêm để xác định cụ thể điều gì đang ngăn cản bệnh nhân đột quỵ tập luyện nhiều hơn. Các nghiên cứu trong tương lai để xác định các rào cản chính đối với hoạt động thể chất sau đột quỵ và các phương pháp giảm thiểu những rào cản này cũng sẽ rất quan trọng để tăng cường hoạt động thể chất ở những người sống sót sau đột quỵ. Điều chỉnh các khuyến cáo về tập luyện phù hợp khả năng của những người sống sót sau đột quỵ sẽ là một yếu tố quan trọng khác. Bởi vì những người sống sót sau đột quỵ có thể bị một số khuyết tật, vì vậy chúng ta cần phải giúp họ tham gia tập luyện phù hợp.

(Dịch từ Exercise Tied to 50% Reduction in Mortality After Stroke (medscape.com))


VIÊM CƠ TIM Ở THANH THIẾU NIÊN SAU TIÊM VACCIN COVID-19 THƯỜNG NHẸ

Các báo cáo trường hợp bệnh từ Boston xác nhận: Thanh thiếu niên có thể bị viêm cơ tim nhẹ như là một biến chứng hiếm gặp sau khi tiêm vaccin COVID-19, như đã được ghi nhận ở người lớn.

Theo báo cáo của Bác sĩ Audrey Dionne và cộng sự tại Bệnh viện Nhi Boston, những thanh thiếu niên bị viêm tim sau khi chủng ngừa thường có diễn biến lành tính, với các triệu chứng tự khỏi mà không cần điều trị, mặc dù một bệnh nhân có chức năng thất trái thấp, ở mức giới hạn dưới dai dẵng. Mặc dù nguy cơ viêm cơ tim liên quan đến tiêm chủng, nhưng lợi ích của việc tiêm chủng có thể lớn hơn nguy cơ ở trẻ em và thanh thiếu niên. Ước tính, đối với nam giới từ 12 đến 29 tuổi, tiêm chủng COVID-19 ngăn ngừa 11.000 trường hợp COVID-19, 560 trường hợp nhập viện, 138 trường hợp nhập khoa chăm sóc đặc biệt và sáu trường hợp tử vong, so với 39 đến 47 trường hợp dự kiến bị viêm cơ tim. Các trường hợp bệnh này được đăng trực tuyến ngày 10 tháng 8 trên tạp chí JAMA Cardiology.

Nguy cơ dài hạn chưa xác định

Dionne và các đồng nghiệp đã xem xét kết quả về hình ảnh tim mạch chuyên sâu ở 14 bé trai và một bé gái, từ 12 đến 18 tuổi (trung bình, 15 tuổi), nhập viện vì viêm cơ tim sau khi tiêm vắc-xin Pfizer-BioNTech RNA COVID-19.

Các triệu chứng bắt đầu từ ngày 1 đến 6 ngày sau khi tiêm vắc xin (hầu hết sau liều thứ hai) và bao gồm đau ngực ở tất cả 15 bệnh nhân, sốt ở 10 người (67%), đau cơ ở 8 người (53%) và đau đầu ở 6 người (40%).

Khi nhập viện, tất cả các bệnh nhân đều có nồng độ troponin tăng cao (trung bình, 0,25 ng/mL; dao động từ 0,08 – 3,15 ng/mL). Mức troponin đạt đỉnh 0,1 – 2,3 ngày sau khi nhập viện.

Siêu âm tim cho thấy phân suất tống máu thất trái giảm ở ba bệnh nhân (20%) và sức căng toàn bộ theo chiều ngang và dọc bất thường ở năm bệnh nhân (33%). Không có bệnh nhân nào bị tràn dịch màng tim.

Các biểu hiện MRI tim phù hợp với viêm cơ tim ở 13 bệnh nhân (87%), bao gồm tăng tín hiệu gadolinium muộn ở 12 bệnh nhân (80%), tăng tín hiệu khu trú trên hình ảnh T2W ở 2 bệnh nhân (13%), tăng thể tích ngoại bào ở 3 bệnh nhân (20%) và tăng tín hiệu T1 không cản từ toàn bộ thất trái trong 2 bệnh nhân (20%).

Các bệnh nhân ở lại bệnh viện từ 1 đến 5 ngày (trung bình là 2 ngày) và được xuất viện. Không bệnh nhân nào phải nhập khoa chăm sóc đặc biệt.

Trong các đánh giá theo dõi được thực hiện từ 1 đến 13 ngày sau khi xuất viện, các triệu chứng của viêm cơ tim đã hết ở 11 bệnh nhân (73%).

Một bệnh nhân (7%) có chức năng tâm thu thất trái thấp dai dẳng, ở mức giới hạn dưới trên siêu âm tim (EF là 54%).

Nồng độ troponin vẫn tăng nhẹ ở 3 bệnh nhân (20%). Một bệnh nhân (7%) có nhịp nhanh thất không dai dẵng khi theo dõi liên tục.

Các tác giả cho biết các nghiên cứu dọc ở bệnh nhân bị viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin COVID-19 “sẽ rất quan trọng để hiểu rõ hơn về những nguy cơ lâu dài.”

Trong một tuyên bố từ Trung tâm Truyền thông Khoa học phi lợi nhuận của Vương quốc Anh, Peter Openshaw, FMedSci, Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Vấn đề với loạt trường hợp ca bệnh này là thiếu các nhóm so sánh. Có bao nhiêu trường hợp viêm cơ tim có thể gặp ở trẻ em bình thường, hoặc những người đã được tiêm các loại vắc xin khác (bao gồm cả những loại không dành cho COVID), hoặc ở thanh thiếu niên bị nhiễm SARS-CoV-2? “

Như các tác giả đã lưu ý, viêm cơ tim có thể xảy ra sau khi tiêm các loại vắc-xin khác. Tỷ lệ ước tính (62,8 trường hợp trên triệu dân) nên hiếm gặp.

Ông cho biết thêm: “Quan điểm của tôi là thanh thiếu niên nên được cân nhắc để tiêm chủng không bị thay đổi bởi kết quả mới này.

(Dịch từ Myocarditis in Adolescents After COVID-19 Vaccine Typically Mild (medscape.com))


HỘI CHỨNG TIM NHANH CÓ THỂ LÀ MỘT BIỂU HIỆN KHÁC CỦA COVID KÉO DÀI

Một báo cáo mới đây cho thấy: Nhịp tim nhanh thường được ghi nhận ở những bệnh nhân sau mắc hội chứng COVID-19 cấp tính (PACS), còn được gọi là COVID kéo dài. Các nhà nghiên cứu cho biết hội chứng nhịp tim nhanh nên được coi là một kiểu hình riêng biệt.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Marcus Ståhlberg tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm, Thụy Điển, và các đồng nghiệp đã được công bố trực tuyến ngày 11 tháng 8 trên Tạp chí Y học Hoa Kỳ.

Ståhlberg nói với Medscape Medical News rằng mặc dù các trường hợp đông máu và viêm cơ tim ở bệnh nhân sau COVID được chú ý nhiều, nhưng nhịp tim tương đối nhanh ít được chú ý, mặc dù các báo cáo trường hợp bệnh cho thấy hồi hộp là một than phiền phổ biến.

Chúng tôi đã chẩn đoán một số lượng lớn bệnh nhân mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng và các dạng nhịp tim nhanh khác liên quan đến COVID tại phòng khám ngoại trú hậu COVID của chúng tôi tại Bệnh viện Đại học Karolinska và muốn nhấn mạnh hiện tượng này.

Khoảng 25% đến 50% bệnh nhân tại phòng khám cho biết có nhịp tim nhanh và / hoặc hồi hộp kéo dài 12 tuần hoặc lâu hơn.

Các cuộc thăm dò có hệ thống cho thấy khoảng 9% bệnh nhân sau giai đoạn cấp của hội chứng Covid-19 than phiền hồi hộp sáu tháng sau COVID.

Phát hiện này cũng làm sáng tỏ các thử nghiệm và phương pháp điều trị tiềm năng.

Các bác sĩ nên tự thực hiện các thăm dò cơ bản về tim mạch, bao gồm điện tâm đồ, siêu âm tim và theo dõi Holter ECG ở những bệnh nhân than phiền hồi hộp và/hoặc đau ngực.

Nếu tình trạng không dung nạp tư thế đứng được ghi nhận – như chóng mặt, buồn nôn, khó thở – thì nên nghi ngờ hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (postural orthostatic tachycardia syndrome: POTS) và làm test bàn nghiêng hoặc ít nhất là chủ động làm test tư thế đứng. Nếu POTS được xác nhận, bệnh nhân nên được cho dùng một loại thuốc hạ nhịp tim, như propranolol hoặc ivabradine liều thấp. Mang vớ áp lực, tăng lượng dịch và một chương trình phục hồi chức năng có cấu trúc cũng có ích.

Ståhlberg cho biết: “Theo kinh nghiệm lâm sàng, ivabradine cũng có thể làm giảm các triệu chứng ở những bệnh nhân có nhịp nhanh xoang không phù hợp và sau COVID. Một dấu hiện khác trên Holter-ECG cần tìm là các ngoại tâm thu thất thường xuyên, có thể chỉ điểm của viêm cơ tim và cần phải chụp MRI tim.

Ståhlberg cho biết các nhà nghiên cứu nghĩ rằng cơ chế cơ bản của nhịp tim nhanh là tự miễn và nhiễm SARS-CoV-2 tiên phát kích hoạt phản ứng tự miễn với việc hình thành các tự kháng thể có thể hoạt hóa các thụ thể điều chỉnh huyết áp và nhịp tim.

Các triệu chứng kéo dài của COVID rất phổ biến, đặc biệt là ở những bệnh nhân có các biểu hiện nặng của bệnh.

Trong nghiên cứu theo dõi dài nhất cho đến nay ở các bệnh nhân nhập viện vì COVID, hơn 60% bị mệt mỏi hoặc yếu cơ 6 tháng sau khi nhập viện.

PACS không nên được coi là một hội chứng đơn lẻ. Thuật ngữ này biểu thị một số các phân nhóm và kiểu hình. Các triệu chứng điển hình gồm nhức đầu, mệt mỏi, khó thở và thay đổi tri giác nhưng có thể liên quan đến nhiều cơ quan và hệ thống.

Nhịp tim nhanh cũng có thể được sử dụng như một dấu hiệu để đánh giá mức độ nặng của COVID kéo dài. Nhịp tim nhanh có thể được xem là một dấu hiệu định lượng phổ biến và dễ dàng có được cũng như mức độ nặng của hội chứng sau Covid-19 cấp tính tốt hơn là các triệu chứng được bệnh nhân ghi nhận, xét nghiệm máu và chụp CT ngực.

Một biến chứng chưa được nhận biết

Tiến sĩ Erin D. Michos, giám đốc khoa tim mạch phụ nữ và phó giám đốc khoa tim mạch dự phòng tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, Baltimore, Maryland, nói với Medscape Medical News rằng cô đã gặp nhiều triệu chứng tương tự ở những bệnh nhân COVID kéo dài.

Michos, đồng thời là phó giáo sư y khoa và dịch tễ học, cho biết đã có một lượng “khổng lồ” các bệnh nhân COVID kéo dài với nhịp tim nhanh tư thế, nhịp nhanh xoang không phù hợp và POTS. Đó là tất cả các biểu hiện thuộc phổ rối loạn hệ thần kinh tự động đã được nhận biết rất nhiều kể từ khi có COVID. Khả năng POTS là do virus gây ra và kích hoạt đáp ứng tự miễn. Ngay cả trước COVID, nhiều bệnh nhân đã bị POTS được kích hoạt do nhiễm virus. Câu hỏi đặt ra là POTS liên quan đến COVID vì COVID kéo dài có khác với các loại POTS khác hay không. Michos đã điều trị những bệnh nhân COVID kéo dài, những người than phiền về nhịp tim tăng cao bằng cách làm các xét nghiệm thăm dò tim mạch và điều trị tương tự như với bệnh nhân POTS.

Michos cũng khuyên nên kiểm tra nồng độ oxy khi nghỉ và cho bệnh nhân đi bộ trong hành lang và đo nồng độ oxy sau khi đi bộ, vì nhịp tim tăng cao có thể liên quan đến tổn thương phổi đang tiến triển do COVID.

Tiến sĩ Eric Adler là một nhà tim mạch học của Đại học San Diego Health, San Diego, California, nói với Medscape Medical News rằng những phát hiện của Ståhlberg và cộng sự phù hợp với những gì anh ấy thấy trong thực hành lâm sàng. Adler đồng ý với các tác giả rằng nhịp tim nhanh là một biến chứng chưa được nhận biết của COVID kéo dài. Ông cho biết bài báo cung cấp bằng chứng thêm rằng mặc dù mọi người có thể sống sót sau COVID, nhưng mối đe dọa của các triệu chứng lâu dài, chẳng hạn như tim nhanh, là có thật và ủng hộ việc tiêm chủng.

(Dịch từ Tachycardia Syndrome May Be a Distinct Marker for Long COVID. https://www.medscape.com/viewarticle/956553#vp_2)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO