Đồng thuận về quản lý tăng kali máu ở bệnh nhân suy tim: Khuyến nghị từ SEC-SEMI
Sử dụng thuốc ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone (RAASi) ở bệnh nhân suy tim (HF) với phân suất tống máu giảm có liên quan đến cải thiện chức năng, tăng chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch và giảm nhập viện. Một trong số các loại thuốc này cũng có hiệu quả ở những bệnh nhân bệnh thận mạn tính và albumin niệu cũng như ở những bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị. Mặc dù có nhiều lợi ích, RAASi có liên quan đến tăng tỷ lệ tăng kali máu, đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính đồng thời. Tăng kali máu là một rối loạn điện giải phổ biến được định nghĩa là sự gia tăng nồng độ kali trong huyết tương trên 5 mEq/L. Nó có liên quan đến tái nhập viện, rối loạn nhịp nguy hiểm và tăng tỷ lệ tử vong. Mặt khác, điều trị tối ưu bằng RAASi đòi hỏi phải tăng liều dần, điều này có thể dẫn đến xác suất tăng kali máu cao hơn. Vì những lý do trên, cần đưa ra các hướng dẫn xử trí và điều trị cho những bệnh nhân này. Đồng thuận này phát sinh từ mục tiêu đó. Các khuyến cáo của đồng thuận này đã được phát triển bởi một nhóm gồm 10 chuyên gia và được xem xét bởi một hội đồng gồm 10 chuyên gia khác trong việc điều trị bệnh nhân suy tim (tổng cộng là 10 bác sĩ tim mạch và 10 bác sĩ nội khoa). Tài liệu này đã được chấp thuận bởi Hiệp hội tim mạch Tây Ban Nha (SEC, viết tắt bằng tiếng Tây Ban Nha) và Hiệp hội nội khoa Tây Ban Nha (SEMI, viết tắt bằng tiếng Tây Ban Nha).
Hướng dẫn xử trí: khuyến cáo về xác định và xử trí trên bệnh nhân suy tim tăng kali máu.
- Xác định nồng độ K và eGFR ở tất cả bệnh nhân suy tim.
- Xác định loại tăng kali máu:
- Tăng kali máu cấp cứu.
- Tăng kali máu đơn độc.
- Tăng kali máu tái phát, mức độ nhẹ-trung bình, không có dấu hiệu nặng.
- Ở tất cả các bệnh nhân suy tim, hãy hỏi tiền sử tăng kali máu, xác định nguyên nhân và mức độ hồi phục.
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp nhất là tuổi già, đái tháo đường, bệnh thận mạn, đột quỵ, ung thư, tiền sử tăng kali máu.
- Những khía cạnh cần xem xét để giảm nguy cơ tăng kali máu:
- Giảm nhập K: tránh thực phẩm giàu K và chất bổ sung K.
- Tránh dùng các thuốc: NSAID, thuốc lợi tiểu ống xa.
- Cân bằng dịch: tối ưu hóa liều thuốc lợi tiểu.
- Xem xét việc thêm thuốc giảm K.
- Các chỉ định dựa trên bằng chứng khoa học cho việc kê đơn RAASi:
- Bệnh thận mạn có albumin niệu/protein niệu.
- Tăng huyết áp có nguy cơ tim mạch cao.
- Suy tim với EF giảm.
- Sau khi chỉ định RAASi, đưa liều mục tiêu để điều chỉnh liều một cách thích hợp.
- Trị liệu dựa trên nồng độ K:
- K = 4-5 mEq/L → Kê đơn và/hoặc chỉnh liều RAASi
- K = 5,1-6,0 mEq/L → Xem xét thêm thuốc giảm K và kê đơn/chỉnh liều RAASi
- K > 6,0 mEq/L → Tạm dừng RAASi và đánh giá lại
- Cần kiểm tra theo dõi định kỳ thường xuyên khi bắt đầu RAASi:
- Lần đo đầu tiên: 1-4 tuần sau khi dùng hoặc chỉnh liều.
- Lặp lại vào lúc 8-12 tuần, sau đó mỗi 4 tháng.
- Theo dõi eGFR và K chặt chẽ hơn ở bệnh nhân có nguy cơ cao.
- Nếu bệnh nhân có các tiêu chí để chỉ định RAASi và không thể kê đơn hoặc chỉnh liều một cách thích hợp thì nên bắt đầu dùng thuốc gắn kali (muối calcium sulfonate, patiromer, sodium zirconium cyclosilicate [ZS-9].
Kết luận
Tăng kali máu là một vấn đề phổ biến ở bệnh nhân suy tim có liên quan đến tăng tỷ lệ tàn phế và tử vong và là một rào cản đối với việc sử dụng các thuốc đầu tay được khuyến cáo trong các hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Các yếu tố thường gặp liên quan đến sự khởi phát tăng kali máu là: bệnh thận mạn, cao tuổi, đái tháo đường type 2 và các đợt tăng kali máu trước đó.
Mặt khác, có rất nhiều bằng chứng về tiến triển xấu trên chức năng, lâm sàng và tiên lượng của bệnh nhân có chỉ định dùng RAASi nhưng không dùng được hoặc dùng không đủ liều do tăng kali máu. Sự sẵn có của các thuốc gắn kali mới với khả năng dung nạp tốt hơn và với bằng chứng hiệu quả giúp tăng khả năng kê đơn RAASi. Do đó, tương lai đầy triển vọng khi ta có trong tay các lựa chọn điều trị cho phép giải quyết vấn đề phức tạp và nghiêm trọng như tăng kali máu giúp mang lại lợi ích cho bệnh nhân suy tim.
(Lược dịch từ Consensus on the management of hyperkalemia in patients with heart failure: Recommendations from the SEC-SEMI)
Lưu đồ xử trí dựa trên nồng độ K máu