Google search engine

Bản tin tổng hợp – Tháng 04/2020

NHỊN ĂN TỪNG ĐỢT THÚC ĐẨY GIẢM CÂN, CẢI THIỆN LIPID MÁU

 

Một nghiên cứu thí điểm nhỏ cho thấy hạn chế tiêu thụ thực phẩm trong khoảng thời gian 10 tiếng mỗi ngày sẽ giúp giảm cân và cải thiện các bất thường về chuyển hóa tim mạch ở phụ nữ bị hội chứng chuyển hóa.

Tiến sĩ Satchidananda Panda cho biết: “Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc nhịn ăn từng đợt và khoảng thời gian nào mọi người nên ăn để đạt được lợi ích của chế độ ăn này”.

Theo Panda của Viện nghiên cứu sinh học Salk, La Jolla, California: Dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy ở chuột, cửa sổ thời gian 10 tiếng dường như đạt được những hiệu quả này. Đồng thời, nó không quá nghiêm ngặt đến mức mọi người không thể theo chế độ ăn này lâu dài.

Nghiên cứu được công bố trực tuyến ngày 5 tháng 12 trong tạp chí Chuyển hóa tế bào bởi Michael J. Wilkinson, MD, thuộc Đại học California, San Diego và các đồng nghiệp.

Bởi vì hầu hết phụ nữ đang dùng statin, thuốc hạ huyết áp hoặc cả hai khi bắt đầu nghiên cứu, những lợi ích của việc hạn chế ăn uống trong cửa sổ thời gian này có liên quan đến tác dụng của những thuốc này … và trong dân số có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao này, việc giảm đáng kể lipid gây xơ vữa, huyết áp và đường huyết có ý nghĩa lâm sàng quan trọng, các nhà nghiên cứu cho biết.

Người tham gia giảm 3% trọng lượng cơ thể trong 12 tuần

Trong nghiên cứu này, 19 phụ nữ mắc hội chứng chuyển hóa đã được hướng dẫn hạn chế tiêu thụ thực phẩm 10 tiếng mỗi ngày trong 12 tuần, đồng nghĩa 14 giờ nhịn mỗi đêm.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, điều quan trọng là họ không yêu cầu những người tham gia giảm lượng calo nạp vào cơ thể hoặc thay đổi chế độ ăn uống theo bất kỳ cách nào trong khoảng thời gian 10 tiếng nhịn ăn.

Hầu hết phụ nữ bị béo phì, với chỉ số khối cơ thể trung bình (BMI) là 33 kg/m2.

Những người tham gia đã sử dụng một ứng dụng – myCircadianClock (mCC) – để ghi lại lượng calo nạp vào cơ thể của họ trong khoảng thời gian 2 tuần trước nghiên cứu và trong khoảng thời gian 12 tuần can thiệp – các nhà nghiên cứu giải thích.

Trong 12 tuần của nghiên cứu, những người tham gia đã giảm 3,3 kg, tương đương khoảng 3% trọng lượng cơ thể của họ, so với lúc ban đầu (p = 0,00028).

Sự thay đổi này dẫn đến chỉ số BMI giảm khoảng 3% (p = 0,0001), cũng như giảm khoảng 3% lượng mỡ trong cơ thể (p = 0,0001), bao gồm giảm đáng kể chất béo nội tạng (3%, p = 0,004) và giảm 4% chu vi vòng eo (p = 0,009).

Thật thú vị, số cân nặng mà những người tham gia giảm được trong nghiên cứu này tương đương với số cân nặng giảm được bằng cách hạn chế lượng calo và tăng cường tập thể dục.

Các thông số về chuyển hoá được cải thiện

Chiến lược hạn chế ăn uống trong một khoảng thời gian cũng có một số tác động tích cực đối với các thông số chuyển hóa.

Ví dụ, có sự giảm đáng kể về cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và cholesterol non-HDL, cả ba loại này đều không thể quy là do giảm cân.

Cũng có sự giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, và trong số những người có mức đường huyết đói lúc ban đầu tăng cao, đã có sự giảm đáng kể HbA1c.

Những cải thiện về các thông số chuyển hóa đã được quan sát độc lập với bất kỳ thay đổi nào trong hoạt động thể chất và một lần nữa lại độc lập với giảm cân.

Bảng 1: Thay đổi kết cục so với lúc đầu ở nhóm nhịn ăn từng lúc

Kết cục Thay đổi trung bình

(Phần trăm giảm)

Giá trị p
Tổng lượng cholesterol, mg/dL (%) -13,11 (11) 0,03
LDL cholesterol, mg/dL (%) -11,9 (11) 0,016
Non-HDL cholesterol, mg/dL (%) -11,6 (9) 0,04
Huyết áp tâm thu, mmHg (%) -5,1 (4) 0,04
Huyết áp tâm trương, mmHg (%) -6,4 (8) 0,004
HbA1c*, % (%) -0,22 (3,7) 0,04

* Trong số những người có glucose lúc đói ≥ 100 mg/dL hoặc HbA1c

lúc ban đầu ≥ 5,7%

Những người tham gia thích hạn chế thời gian ăn uống

Như các tác giả đã chỉ ra, các nghiên cứu đã cho thấy rằng, thời gian bữa ăn không đều ảnh hưởng xấu đến chuyển hóa tim mạch.

Cả hai kiểu ăn uống thất thường và ăn quá nhiều trong một khoảng thời gian dài trong suốt 24 giờ cũng có thể phá vỡ nhịp sinh học.

Hóa ra, hạn chế thời gian ăn uống tạo ra và duy trì một chu kỳ ăn và nhịn ăn ổn định, hỗ trợ nhịp sinh học mạnh mẽ.

Khoa học đã chứng minh: phá vỡ mạn tính của nhịp sinh học làm tăng nguy cơ hội chứng chuyển hóa, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và kháng insulin.

Hơn nữa, khoảng 70% của nhóm nghiên cứu cũng báo cáo rằng họ hài lòng hơn với khoảng thời gian dành cho việc ngủ.

Là một bác sĩ tim mạch phòng ngừa, tôi cố gắng làm việc với các bệnh nhân của mình và khuyến khích họ thay đổi lối sống nhưng rất khó để họ thực hiện những thay đổi lâu dài và có ý nghĩa – đồng tác giả Pam Taub, MD, phó giáo sư y khoa, Trường Y thuộc Đại học California San Diego tuyên bố. Taub là một nhà tư vấn cho Sanofi/Regeneron, Novo Nordisk, Boehringer-Ingelheim, Janssen, Pfizer, và Amgen.

Khi một người nào đó được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, đây là một mấu chốt quan trọng để can thiệp vì một khi đã mắc bệnh đái tháo đường hoặc đang dùng nhiều loại thuốc như insulin, rất khó để đảo ngược quá trình bệnh, bà nói thêm.

Những người tham gia cũng nói với các nhà nghiên cứu rằng họ thấy việc nhịn ăn gián đoạn dễ làm hơn là tính toán lượng calo ăn vào hoặc cố gắng tăng cường tập luyện thể dục.

Trên thực tế, hơn một phần tư số người tham gia nghiên cứu đã chọn thực hiện kế hoạch nhịn ăn gián đoạn sau khi hoàn thành 12 tuần can thiệp; khoảng một phần ba báo cáo họ đã theo cách ăn uống này ít nhất một thời gian nữa. Phần còn lại từ bỏ việc nhịn ăn gián đoạn khi nghiên cứu kết thúc.

Mức độ tuân thủ cao đối với việc nhịn ăn gián đoạn trong nghiên cứu của chúng tôi, không có tác dụng phụ nào được báo cáo và tỷ lệ bỏ cuộc thấp cho thấy rằng khoảng thời gian 10 tiếng để hạn chế ăn uống có thể khả thi cho những bệnh nhân mắc hội chứng chuyển hóa tuân thủ trong một khoảng thời gian dài – các nhà nghiên cứu kết luận.

(Dịch từ Intermittent Fasting Promotes Weight Loss, Improves Lipids. https://www.medscape.com/viewarticle/922135?fbclid=IwAR39W3ReNiczbQbQP21X9QJG4kkHP898-uDDWWThxWW5sy7kCxHW3XaIGis#vp_2)

 

XỬ TRÍ BỆNH MẠCH VÀNH Ở BỆNH NHÂN CÓ BỆNH THẬN TIẾN TRIỂN (NGHIÊN CỨU ISCHEMIA-CKD)

Cơ sở

Các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả tái thông mạch ở bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định thường loại trừ những người mắc bệnh thận mạn tính tiến triển.

Phương pháp

Nghiên cứu đã phân ngẫu nhiên 777 bệnh nhân bệnh thận tiến triển và có biểu hiện thiếu máu cục bộ mức độ trung bình hoặc nặng qua các test gắng sức để được điều trị ban đầu bằng chiến lược xâm lấn bao gồm chụp mạch vành và tái thông mạch máu (nếu phù hợp) kết hợp với điều trị nội khoa hoặc chiến lược bảo tồn ban đầu chỉ bao gồm điều trị nội khoa đơn thuần và chụp mạch vành chỉ khi điều trị nội khoa thất bại. Kết cục tiên phát là biến cố gộp của tử vong hoặc nhồi máu cơ tim không tử vong. Kết cục thứ phát là biến cố gộp tử vong, nhồi máu cơ tim không tử vong hoặc nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định, suy tim hoặc được hồi sức ngừng tim.

Kết quả

Theo dõi trung vị 2,2 năm, kết cục chính đã xảy ra ở 123 bệnh nhân trong nhóm điều trị với chiến lược xâm lấn và 129 bệnh nhân trong nhóm điều trị với chiến lược bảo tồn (tỷ lệ biến cố 3 năm ước tính 36,4% so với 36,7%; HR điều chỉnh 1,01; khoảng tin cậy 95% [CI], 0,79 đến 1,29; P = 0,95). Kết quả cho kết cục thứ phát chính là tương tự nhau ở 2 nhóm (38,5% so với 39,7%; HR 1,01; KTC 95%, 0,79 đến 1,29). Chiến lược xâm lấn lại có liên quan đến tỷ suất mới mắc đột quỵ cao hơn chiến lược bảo tồn (HR 3,76; KTC 95%, 1,52 đến 9,32; P = 0,004) và với tỷ lệ tử vong hoặc cần khởi trị lọc máu cao hơn (HR 1,48; KTC 95%, 1,04 đến 2,11; P = 0,03).

Kết luận

Ở những bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có bệnh thận mạn tính tiến triển và thiếu máu cục bộ mức độ trung bình hoặc nặng, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy chiến lược xâm lấn ban đầu, so với chiến lược bảo tồn ban đầu, giúp làm giảm nguy cơ tử vong hoặc nhồi máu cơ tim không tử vong.

Hình 1: Kết quả kết cục chính – phân tích theo thời gian cho đến biến cố gộp (tử vong hoặc nhồi máu cơ tim không tử vong)

 

Nguồn: NEJM – March 30, 2020 DOI: 10.1056/NEJMoa1915925

 

CHIẾN LƯỢC XÂM LẤN HOẶC BẢO TỒN BAN ĐẦU CHO BỆNH MẠCH VÀNH ỔN ĐỊNH (NGHIÊN CỨU ISCHEMIA)

Cơ sở

Ở những bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có thiếu máu cục bộ mức độ trung bình hoặc nặng, liệu kết cục lâm sàng ở những người được can thiệp xâm lấn kết hợp với điều trị nội khoa có tốt hơn so với những người chỉ điều trị nội khoa đơn thuần là điều chưa chắc chắn.

Phương pháp

Nghiên cứu đã phân ngẫu nhiên 5179 bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ mức độ trung bình hoặc nặng cho vào 2 nhóm: hoặc vào chiến lược xâm lấn ban đầu (chụp mạch máu và tái thông mạch máu khi phù hợp) kết hợp điều trị nội khoa hoặc cho vào nhóm điều trị bảo tồn ban đầu với nội khoa đơn thuần và chụp mạch máu nếu điều trị nội khoa thất bại. Kết cục tiên phát là biến cố gộp của tử vong do nguyên nhân tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định, suy tim hoặc ngừng tim cần hồi sức. Kết cục thứ phát chính là tử vong do nguyên nhân tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim.

Kết quả

Qua thời gian trung vị 3,2 năm, đã có 318 kết cục chính xảy ra trong nhóm với chiến lược xâm lấn và 352 biến cố xảy ra trong nhóm với chiến lược điều trị bảo tồn. Tại thời điểm 6 tháng, tần suất biến cố dồn là 5,3% trong nhóm điều trị xâm lấn và 3,4% trong nhóm điều trị bảo tồn (chênh lệch 1,9 phần trăm; khoảng tin cậy 95% [CI], 0,8 đến 3,0); tại thời điểm 5 năm, tần suất biến cố dồn lần lượt là 16,4% và 18,2% (chênh lệch, -1,8 phần trăm; 95% CI, −4,7 đến 1,0). Kết quả này cũng tương tự với kết cục thứ phát chính. Tỷ suất mới mắc của kết cục chính là nhạy cảm với định nghĩa của nhồi máu cơ tim; phân tích thứ cấp cho thấy nhiều nhồi máu cơ tim liên quan thủ thuật có tầm quan trọng về lâm sàng không chắc chắn. Có 145 trường hợp tử vong trong nhóm với chiến lược điều trị xâm lấn và 144 trường hợp tử vong trong nhóm với chiến lược điều trị bảo tồn (HR 1,05; 95% CI, 0,83 đến 1,32).

Kết luận

Ở những bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có biểu hiện thiếu máu cục bộ mức độ trung bình hoặc nặng, nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng chiến lược điều trị xâm lấn ban đầu, so với chiến lược điều trị bảo tồn ban đầu, giúp giảm nguy cơ biến cố tim mạch do thiếu máu cục bộ hoặc tử vong do mọi nguyên nhân trong thời gian theo dõi trung vị 3,2 năm. Những ghi nhận từ thử nghiệm lâm sàng nhạy cảm với định nghĩa nhồi máu cơ tim đã được sử dụng.

Hình 2: Đường cong biểu diễn thời gian đến biến cố gộp tiên phát và các kết cục khác.

 

Nguồn: NEJM – 30 tháng 3 năm 2020 DOI: 10.1056 / NEJMoa1915922

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO