Google search engine

TP.HCM: Phát hiện 1 bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai

Ngày 22/7, bác sỹ Trần Phủ Mạnh Siêu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai.
Bệnh nhân tên Huỳnh Thị B, ngụ ở huyện Củ Chi, TP.HCM nhập viện trong tình trạng có 1 vùng da ở bắp chân rộng khoảng 4 cm bị sưng đỏ, bưng mủ, phù nề.

Bệnh nhân bị tình trạng này khoảng 3 tuần trước nhưng đi khám tại bệnh viện địa phương được chẩn đoán áp xe do viêm nhiễm nên cho uống kháng sinh nhưng vẫn không khỏi.

 

Giun đầu gai tên khoa học là Gnathostoma. Ảnh: netvanphuc.com
Giun đầu gai tên khoa học là Gnathostoma. Ảnh: IE

Đồng thời vùng sưng lại di động từ đùi xuống bắp chân nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị.

Qua điều tra dịnh tễ, các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới xác định bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai gây ra ổ áp xe di động.

Bệnh nhân sống trong khu vực có sự lưu hành của giun đầu gai (vùng giáp ranh giữa huyện Hóc Môn và Củ Chi) và trước đó có ăn cá và lươn. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc đặc trị và tình trạng đã ổn định.

Theo bác sỹ Siêu, giun đầu gai có tên khoa học là Gnathostoma thường ký sinh trong dạ dày chó, mèo sau đó trứng giun theo phân của chó, mèo thải ra ngoài môi trường và phát triển thành ấu trùng. Các loại ếch, nhái, cá, lươn… ăn phải ấu trùng này thì sẽ bị nhiễm giun.

Do đó, nếu người ăn các loại cá, ếch, lươn …bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai mà không được nấu chín kỹ thì ấu trùng giun sẽ xâm nhập vào cơ thể và di chuyển khắp cơ thể gây nên hội chứng ấu trùng di chuyển ngoài da và cơ quan nội tạng, biểu hiện bằng các vùng nổi mề đay, sưng, áp xe di động ngoài da.

Nếu không được phát hiện kịp thời thì bệnh nhân có thể bị viêm não, mù mắt do giun di chuyển vào các vùng này. Nhân trường hợp này bác sỹ khuyến cáo người dân nên chế biến thật kỹ các loại thức ăn từ thủy hải sản để phòng tránh nhiễm giun đầu gai, đặc biệt trong mùa mưa.

M. Phương

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO