Hiện ổ dịch đã tạm thời được khống chế. Từ cuối tháng 5 đến nay không ghi nhận thêm bệnh nhân nào.
*Liên quan đến bệnh tả, nghiên cứu mới đây nhất của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ đã cho thấy, từ năm 2007 đến nay, vi khuẩn tả gây bệnh ở VN có chiều hướng tăng động lực, biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân nặng hơn. Đặc biệt, số người lành mang phẩy khuẩn tả tăng và thời gian tồn tại của vi khuẩn ngoài môi trường lâu hơn.
Chủng vi khuẩn gây bệnh tả tại VN từ năm 2007-2010 khác với chủng vi khuẩn ở các vụ dịch trước 2007. Vi khuẩn gây bệnh tại VN hiện nay tương tự loại vi khuẩn gây tả ở Thái Lan và Lào nhưng chưa có bệnh nhân tử vong, còn Lào và Campuchia đã có nhiều bệnh nhân tử vong.
Đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 9 địa phương có bệnh nhân tả: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Tây Ninh, TP.HCM, An Giang, Bến Tre và Bắc Ninh.
Bệnh lỵ là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Người bệnh thường bị tiêu chảy, sốt, buồn nôn, đau quặn bụng và luôn mót rặn, bệnh kéo dài trung bình từ 4 – 7 ngày. Trong các trường hợp điển hình, bệnh nhân đi ngoài phân nhày máu, tuy nhiên có những người lại đại tiện toàn nước. Nguyên nhân gây bệnh là chủng vi khuẩn Shigella. Bệnh chủ yếu lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp qua thực phẩm, nguồn nước, theo đường phân – miệng từ bệnh nhân hoặc từ người mang vi khuẩn. Bệnh gây triệu chứng nặng ở trẻ em. Ruồi cũng là tác nhân mang vi khuẩn từ các khu vệ sinh tới thức ăn không được bảo quản, khiến cho vi khuẩn tồn tại và nhân lên ở đó. Người mang vi khuẩn nhưng không có biểu hiện bệnh cũng có thể truyền bệnh. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là ăn chín, uống sôi, không nên sử dụng thức ăn không hợp vệ sinh, rửa tay sạch trước và sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. |