Google search engine
Google search engine

Tương quan giữa nồng độ NT-PROBNP và số lượng động mạch vành tổn thương ở bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có bệnh thận mạn

NGUYỄN SĨ PHƯƠNG THẢO*

PHẠM NGUYỄN VINH**

* Bộ môn Nội tổng quát, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

** Bệnh viện tim Tâm Đức

TÓM TẮT

Mở đầu: Bệnh mạch vành ổn định và bệnh thận mạn là các bệnh mạn tính phổ biến nhất hiện nay. NT-proBNP đã được nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh có giá trị tiên lượng cho nhóm bệnh nhân này.

Mục tiêu: nhằm tìm hiểu tương quan giữa nồng độ NT-proBNP và số lượng động mạch vành tổn thương ở bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có bênh thận mạn.

Đối tượng -phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi hồi cứu hồ sơ từ tháng 12/2017 đến tháng 06/2018 để tìm ra bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định có bệnh thận mạn. Độ lọc cầu thận và nồng độ NT-proBNP được đo trước khi chụp mạch vành.

Kết quả: Có 202 bệnh nhân (129 nam, 73 nữ) với tuổi trung bình 66.37±12.3 tuổi, độ lọc cầu thận trung bình 50.52±8.7 mL/phút/1.73m2 và NT-proBNP trung bình toàn mẫu 414.63±285.2 pg/mL. Nồng độ NT-proBNP trung bình ở bệnh nhân bệnh một nhánh mạch vành là 112.14±24.3 pg/mL, bệnh hai nhánh mạch vành là 389.12±71.8 pg/mL và bệnh ba nhánh mạch vành là 734.84±90.8 pg/mL (p<0.05). Phân tích tương quan logistic đa biến cho thấy khi nồng độ NT-proBNP máu tăng thêm 10 pg/mL thì nguy cơ bệnh hai nhánh mạch vành tăng gấp 10.013 lần (p<0.0001).

Kết luận: NT-proBNP máu có tương quan với số lượng động mạch vành hẹp ở bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định kèm bệnh thận mạn.

Từ khóa: bệnh động mạch vành ổn định, bệnh thận mạn, NT-proBNP

CORRELATION BETWEEN SERUM NT-proBNP AND THE NUMBER OF NARROWED CORONARY ARTERIES IN PATIENTS WITH STABLE CORONARY ARTERY DISEASE AND CHRONIC KIDNEY DISEASE

Nguyen Si Phuong Thao*, Pham Nguyen Vinh**

ABSTRACT

Introduction: Serum NT-proBNP has been proven by many global studies to have a prognostic value for patients with stable coronary artery disease. Chronic kidney disease is also a strong and independent factor of stable coronary artery disease.

Aim: to investigate the correlation between serum NT-proBNP concentration and the number of narrowed coronary arteries in patients with stable coronary artery disease and chronic kidney disease.

Method: Medical records of stable coronary artery disease with chronic kidney disease were retrospectively reviewed from 12/2017 to 06/2018. Estimated glomerular filtration and serum NT-proBNP were done before patients underwent angiography.

Results: Two hundred and two patients (129 males, 73 females) were included in the study. The mean age was 66.37±12.3 years, mean estimated glomerular filtration rate was 50.52±8.7 mL/min/1.73m2 and mean concentration NT-proBNP was 414.63±285.2 pg/mL. The mean serum NT-proBNP concentration in one narrowed-vessel group was 112.14±24.3 pg/mL, two narrowed-vessel group was 389.12±71.8 pg/mL and three narrowed-vessel group was 734.84±90.8 pg/mL (p<0.05). Multivariate logistic correlation analysis showed that when the serum NT-proBNP concentration increased by 10 pg/mL, the risk of narrowing more than two coronary arteries increased by 10,013 times (p<0.0001).

Conclusion: Serum NT-proBNP concentration correlates with the number of narrowed coronary arteries in patients with stable coronary artery disease and chronic kidney disease.

Keywords: stable coronary artery disease, chronic kidney disease, NT-proBNP

ĐẶT VẤN ĐỀ

            Ở các nước phát triển, bệnh mạch vành hiện là một trong các bệnh mạn tính phổ biến nhất [1]. Trước sự bùng nổ của bệnh mạch vành, việc tìm kiếm và phát triển những công cụ có khả năng chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng cho bệnh nhân bệnh mạch vành trở nên vô cùng cần thiết. Từ những năm 1990 các nghiên cứu đã chứng minh có sự tăng đáng kể của các peptide bài niệu natri type-B (BNP) theo sau thiếu máu cục bộ cơ tim [2] cũng như đáp ứng lại với sự căng giãn thành tế bào cơ tim [3]. Ở mọi giai đoạn của bệnh tim thiếu máu cục bộ, NT-proBNP cũng là chất chỉ điểm tiên lượng biến cố tim mạch mạnh và độc lập với các biến số khác gồm chức năng thận hay troponin, và nguy cơ càng cao ở những bệnh nhân tăng đáng kể dấu ấn này [4]. Nhiều nghiên cứu tiền cứu đã chứng minh rằng NT-proBNP khi phơi nhiễm là một yếu tố dự báo độc lập, mạnh mẽ của suy tim, đột tử do tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và tử vong do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân bệnh thận mạn đến bệnh thận giai đoạn cuối [5]. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa của NT-proBNP để có thể phát hiện sớm hoặc tiên đoán độ nặng của bệnh động mạch vành ổn định có kèm bệnh thận mạn.

Mục tiêu nghiên cứu

            Khảo sát mối tương quan giữa nồng độ NT-proBNP và số lượng động mạch vành tổn thương ở bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định có bệnh thận mạn.

 

ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

            Thiết kế nghiên cứu cắt ngang, hồi cứu tất cả các hồ sơ những bệnh nhân nhập khoa Nội Tim mạch bệnh viện tim Tâm Đức từ 12/2017 đến 06/2018 thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu.

Tiêu chuẩn chọn vào

            Gồm những bệnh nhân thỏa tất cả những tiêu chuẩn sau: (1) chẩn đoán xuất viện là bệnh động mạch vành ổn định kèm bệnh thận mạn, (2) được xét nghiệm NT-proBNP, độ lọc cầu thận ước lượng ≤ 60 mL/phút, điện tâm đồ, siêu âm tim, (3) có kết quả chụp mạch vành hẹp ≥70% đường kính động mạch vành trở lên.

Tiêu chuẩn loại trừ

            Gồm những bệnh nhân có: (1) hội chứng vành cấp, (2) suy tim nặng (NYHA III và IV), (3) bệnh cơ tim phì đại, (4) tăng áp động mạch phổi nguyên phát.

 

KẾT QUẢ

Bảng 1: Đặc điểm dân số nghiên cứu

Đặc điểm Kết quả
Bệnh 1 nhánh mạch vành, n (%) 80 (39.6)
Hẹp 1 vị trí, n (%) 62 (77)
Hẹp từ 2 vị trí trở lên, n (%) 18 (23)
Bệnh 2 nhánh mạch vành, n (%) 43 (21.29)
Bệnh 3 nhánh mạch vành, n (%) 79 (39.1)
Tuổi (năm) 66.37±12.3
Nam giới, n (%) 129 (63.86)
Tăng huyết áp (%) 63.37
Đái tháo đường (%) 30.69
Hút thuốc lá (%) 43.56
Rối loạn lipid máu (%) 22.28

Số liệu trình bày dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn.

            Trong thời gian thu mẫu nghiên cứu, chúng tôi thu được 202 bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định có bệnh thận mạn, những bệnh nhân này được chụp và/hoặc can thiệp động mạch vành, và được chia thành các nhóm bệnh tùy thuộc vào số lượng động mạch vành bị hẹp: nhóm bệnh một, hai và ba nhánh động mạch vành. Trong nhóm bệnh một động mạch vành, chúng tôi chia 2 phân nhóm nhỏ là hẹp ở một vị trí và hẹp từ hai vị trí trở lên (bảng 2).

Bảng 2: Nồng độ NT-ProBNP trong từng nhóm bệnh nhân

Đặc điểm Kết quả
Bệnh một nhánh
mạch vành (n=80)
Chung (n=80) 112.14±24.3
Hẹp 1 vị trí (n=62) 102.94±15.7
Hẹp từ 2 vị trí trở lên (n=18) 143.86±22.0
Bệnh 2 nhánh mạch vành (n=43) 389.12±71.83
Bệnh 3 nhánh mạch vành (n=79) 734.84±90.8

Số liệu trình bày dưới dạng trung bình ± độ lệch chuẩn.

Bảng 3: Mối tương quan logistic đa biến của các biến số độc lập với
tỉ lệ bệnh nhân tổn thương từ hai nhánh mạch vành trở lên

Biến số OR Khoảng tin cậy 95% Giá trị p
Tuổi 1.00 0.99-1.00 0.727
Giới tính (nam) 0.82 0.74-0.90 <0.0001
Tăng huyết áp 1.01 0.94-1.09 0.714
Hút thuốc lá 1.24 1.12-1.37 <0.0001
Rối loạn lipid máu 1.04 0.95-1.13 0.353
Đái tháo đường 0.94 0.87-1.02 0.184
Độ lọc cầu thận (mL/phút) 1.00 0.99-1.00 0.958
NT-proBNP (pg/mL) 1.0013 1.0012-1.0015 <0.0001
NMCT cũ/ điện tâm đồ 0.95 0.87-1.05 0.351
Dày thất trái/ điện tâm đồ 1.05 0.93-1.19 0.379
Dày thất trái/ siêu âm tim 1.01 0.94-1.09 0.629
Phân suất tống máu (%) 1.001 0.998-1.003 0.334
Giãn thất trái/ siêu âm tim 0.94 0.84-1.05 0.323
PAPs/siêu âm tim (mmHg) 1.00 0.995-1.005 0.859
Rối loạn vận động vùng 1.05 0.962-1.153 0.261

            Khi phân tích tương quan logistic đa biến cho thấy nữ giới, thói quen hút thuốc lá và nồng độ NT-proBNP tương quan với tỉ lệ hẹp từ hai nhánh mạch vành trở lên trên bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có bệnh thận mạn.

BÀN LUẬN

            Trong nghiên cứu của chúng tôi, nồng độ NT-proBNP trung bình là 112.14±24.3 pg/mL ở nhóm hẹp một động mạch vành, 389.12±71.83 pg/mL ở nhóm hẹp hai động mạch vành và 734.84±90.8 pg/mL ở nhóm hẹp ba động mạch vành. Ngoài ra trong nhóm hẹp một nhánh ĐMV, chúng tôi chia ra hai phân nhóm nhỏ là nhóm hẹp một vị trí và nhóm hẹp từ hai vị trí trở lên; trong đó nồng độ NT-proBNP trung bình lần lượt ở hai phân nhóm này là 102.94±15.7 pg/mL và 143.86±22.0 pg/mL. Nhìn chung nhóm bệnh nhân có tổn thương ba nhánh mạch vành có nồng độ NT-proBNP trung bình cao nhất, đồng thời cũng có sự tăng dần của nồng độ NT-proBNP trung bình tương ứng theo số lượng nhánh mạch vành bị tổn thương (p<0.0001).

            Có nhiều kết luận cho thấy có mối tương quan giữa chức năng thận và sự thanh thải NT-proBNP dựa trên nền tảng phân tích tương quan đơn biến có thể dẫn đến quan hệ nhân quả không chính xác về sau, đó là nồng độ cao NT-proBNP ở những người có chức năng thận suy giảm có thể liên quan đến sự hiện diện và phản ánh độ nặng của bệnh tim bên cạnh bệnh thận mạn. Chính vì thế mà sự tiên lượng bệnh giữa NT-proBNP và chức năng thận đến nay vẫn còn được tranh cãi [6]. Một số nghiên cứu khác, có thể kể đến nghiên cứu của Wolber T và CS [7] rút ra được kết luận có sự khác biệt có ý nghĩa về nồng độ NT-proBNP giữa nhóm hẹp ĐMV ≥70% so với hẹp động mạch vành không có ý nghĩa hoặc nhóm động mạch vành bình thường (khoảng tin cậy 95%: 63-251, 41-165, 34-110 pg/mL, p<0.001); nghiên cứu của Kragelund C và CS [8] cho thấy nồng độ NT-proBNP huyết thanh tăng ở những bệnh nhân tổn thương nhiều nhánh động mạch vành, hoặc nghiên cứu của Weber M và CS [9] cũng cho kết quả NT-proBNP ở nhóm không hẹp mạch vành 148±29 pg/mL, bệnh một hoặc hai nhánh mạch vành 269±50 pg/mL, bệnh ba nhánh mạch vành 624±186 pg/mL (p<0.01). Ở Hoa Kỳ, tác giả Peer A và CS [10] nghiên cứu trên 848 bệnh nhân bệnh thận mạn chia thành năm nhóm: hẹp không ý nghĩa, hẹp lan tỏa, hẹp ≥70% một, hai và ba động mạch vành; tuy nhiên cũng cho kết quả tương tự với chúng tôi khi cho thấy nồng độ NT-proBNP ở nhóm hẹp ≥70% ba động mạch vành khác biệt có ý nghĩa thống kê so với các nhóm khác, ngoại trừ nhóm hẹp ≥70% hai động mạch vành (p=0.067).

            Sau khi hiệu chỉnh đa biến với các biến số độc lập khác, tình trạng tổn thương từ hai nhánh mạch vành trở lên trong nghiên cứu của chúng tôi vẫn cho thấy có một mối liên hệ với nồng độ NT-proBNP huyết thanh tương tự với khi phân tích đơn biến. Các yếu tố có ảnh hưởng đến tỉ lệ bệnh từ hai nhánh mạch vành trở lên bao gồm giới tính nữ, thói quen hút thuốc lá và nồng độ NT-proBNP huyết thanh. Theo đó kết quả cho thấy khi nồng độ NT-proBNP huyết thanh tăng thêm 10 pg/mL thì nguy cơ bệnh hai nhánh mạch vành trên nhóm bệnh nhân bệnh động mạch vành ổn định có bệnh thận mạn sẽ tăng gấp 10.013 lần (khoảng tin cậy 95%=10.012-10.015), giá trị p<0.0001.

            Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng đã công nhận điều này. Đầu tiên có thể kể đến nghiên cứu của tác giả Ndrepepa G và CS [11], phân tích đa biến cho thấy NT-proBNP tương quan độc lập với sự hiện diện của bệnh (OR=1.08, khoảng tin cậy 95%: 1.03-1.13 cho mỗi sự tăng 100 pg/mL, p<0.001). Nghiên cứu của Sakai H và CS [12] sau đó cũng thấy rằng NT-proBNP là yếu tố độc lập với các chỉ số huyết động và thang điểm Gensini trong dự đoán độ nặng của bệnh mạch vành (OR=2.41, khoảng tin cậy 95%: 1.38-4.31). Bên cạnh đó, nghiên cứu của Kragelund C và CS [8] cũng cho thấy NT-proBNP là yếu tố dự đoán bệnh mạch vành, tử vong do bệnh mạch vành độc lập với rối loạn chức năng tâm thu thất trái và những yếu tố nguy cơ thông thường khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu,… Nghiên cứu của tác giả Omland T và CS [4] ở Hoa Kỳ cũng khẳng định nồng độ chất chỉ điểm NT-proBNP là chỉ điểm mạnh và độc lập trong bệnh mạch vành ổn định và không ổn định. Tuy nhiên, nghiên cứu của Yeşil M và CS [13] cho thấy giá trị NT-proBNP không đủ mạnh để đưa ra chỉ điểm bệnh một nhánh động mạch vành, khi không cho thấy sự khác biệt thống kê giữa nhóm hẹp không ý nghĩa và nhóm hẹp ≥70% một động mạch vành (p=0.22).

KẾT LUẬN

            Có mối tương quan giữa nồng độ NT-proBNP và số lượng động mạch vành tổn thương ở bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định có bệnh thận mạn. Nghiên cứu có nhiều hạn chế nên cần nhiều nghiên cứu khác chặt chẽ hơn, cỡ mẫu lớn hơn để tìm ra những kết quả mang tính khoa học cao hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Nguyễn Vinh, Phạm Thu Linh (2007), “Suy động mạch vành mạn”, Sổ tay điện tâm đồ, NXB Y học, tr.39-43.
  2. Harma N, Itoh H, Shirakami G, Nakagawa O, Suga S, Ogawa Y et al (1995), “Rapid ventricular induction of brain natriuretic peptide gene expression in experimental acute myocardial infarction”, Circulation, 92(6), pp.1558-1564.
  3. Bayes-Genís A, Januzzi LJ Jr (2008), “NT-proBNP biology: How is it made, what is circulating and what exactly are we measuring?”, NT-proBNP as a biomarker in cardiovascular diseases, Thomson Reuters, pp.3-10.
  4. Omland T, de Lemos JA (2008), “Amino-terminal pro-B-type natriuretic peptides in stable and unstable ischemic heart disease”, Am J Cardiol, 101, pp.61A-66A.
  5. Wang AY, Wang M, Lam CW, Chan IH, Lui SF, Sanderson JE (2011), “Heart failure in longterm peritoneal dialysis patients: a 4-year prospective analysis”, Clin J Am Soc Nephrol, 6, pp.805-812.
  6. Van Kimmenade RR, Januzzi JL Jr, Baggish AL et al (2006), “Amino-terminal pro-brain natriuretic peptide, renal function, and outcomes in acute heart failure: Redefining the cardiorenal interaction?”, J Am Coll Cardiol, 48, pp.1621-1627.
  7. Wolber T, Maeder M, Rickli H et al (2007), “N-terminal pro-brain natriuretic peptide used for the prediction of coronary artery stenosis”, Eur J Clin Invest, 37, pp.18-25.
  8. Kragelund C, Gronning B, Kober L et al (2005), “N-Terminal Pro-B-Type Natriuretic Peptide and long-term mortality in stable coronary heart disease”, N Engl J Med, 352, pp.666-675.
  9. Weber M, Mitrovic V, Hamm C et al (2006), “B-type natriuretic peptide and N-Terminal proB-type natriuretic peptide – Diagnostic role in stable coronary artery disease”, Exp Clin Cardiol, 11(2), pp.99-101.
  10. Peer A, Falkensammer G, Alber H et al (2009), “Limited utilities of N-terminal pro B-type natriuretic peptide and other newer risk markers compared with traditional risk factors for prediction of significant angiography lesions in stable coronary artery disease”, Heart, 95, pp.297-303.
  11. Ndrepepa G, Braun S, Mehilli J, von Beckerath N, Vogt W, Schömig A, Kastrati A (2005), “Plasma levels of N-terminal pro-brain natriuretic peptide in patients with coronary artery disease and relation to clinical presentation, angiographic severity, and left ventricular ejection fraction”, Am J Cardiol, 95(5), pp.553-557.
  12. Sakai H, Tsutamoto T, Ishikawa C et al (2007), “Direct comparison of Brain Natriuretic Peptide (BNP) and N-Terminal Pro-BNP (NT-proBNP) secretion and extend of coronary artery stenosis in patients with stable coronary artery disease”, Circ J, 71, pp.499-505.
  13. Yeşil M, Postaci N, Arikan E, Ceylan O, Bayata S, Köseoğlu M (2006), “Can we predict the severity of coronary artery disease in patients with stable angina using NT-proBNP?”, Anadolu Kardiyol Derg, 6, pp.235-238.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO