Google search engine
Google search engine

Tần suất, nhận biết, điều trị và kiểm soát tăng huyết áp ở người cao tuổi tại tỉnh Long An

Tỉ lệ bệnh tăng huyết áp (THA) ngày càng gia tăng và đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng [11]. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của con người cũng tăng nhanh, làm cho số lượng người cao tuổi ngày càng nhiều.

ThS.BS. Nguyễn Văn Hoàng 1
GS.TS. Đặng Vạn Phước 2
PGS.TS. Nguyễn Đỗ Nguyên 3
1BVĐK Tân Thạnh – Long An,
2Bộ môn Nội – Đại học Y Dược TP.HCM,
3Bộ môn Dịch tễ – Đại học Y Dược TP.HCM

TÓM TẮT

Mục tiêu: xác định tần suất, nhận biết, điều trị và kiểm soát THA ở người cao tuổi tại tỉnh Long An.

Phương pháp: cắt ngang, mô tả.

Kết quả: qua khảo sát 2.160 đối tượng từ 60 tuổi trở lên tại tỉnh Long An, kết quả như sau: tần suất THA là 52,5% (1.134/2.160), trong đó có 417 đối tượng (19,3%) đã được chẩn đoán THA và hiện đang dùng thuốc hạ HA, và 717 đối tượng (33,2%) mới được chẩn đoán THA. Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc là 56,8%. Tỉ lệ BN nhận biết bản thân đã mắc bệnh THA là 79,8%, có điều trị là 76,6%, và kiểm soát tốt THA là 10,5%.

Kết luận: tỉ lệ THA ở người cao tuổi tại tỉnh Long An là khá cao. Tuy nhiên, tỉ lệ BN được kiểm soát THA còn rất thấp. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát hiện và kiểm soát bệnh THA.

ABSTRACT

Objectives: The aim of this study figures out the prevalence, awareness, treatment, and control of hypertension among elderly population in Long An province.

Methods: Cross-sectional, descriptive study.

Results: There were 2160 elderly volunteers (60 years and over) in this study. The overall prevalence of hypertension was 52.5% in which previously diagnosed hypertension was 19.3%, and newly diagnosed hypertension was 33.2%. The data also showed that the prevalence of isolated systolic hypertension was 56,8%. In addition, 79.8% of hypertensive individuals were aware of their condition, and 76.6% of them were on antihypertensive medications, but only 10.5% achieved blood pressure control.

Conclusions: The hypertensive prevalence in the elderly people of Long An province is very high. Most of them can not control well their blood pressure. Therefore, to improve health care in elderly population, we should provide the hypertensive information to them and educate them how to recognize and control hypertensive disease.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tỉ lệ bệnh tăng huyết áp (THA) ngày càng gia tăng và đã trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng [11]. Bên cạnh đó, tuổi thọ trung bình của con người cũng tăng nhanh, làm cho số lượng người cao tuổi ngày càng nhiều [10]. Những dự đoán về tăng trưởng dân số cho rằng tần suất THA chắc chắn sẽ gia tăng ở người cao tuổi và ước tính chiếm đến 2/3 của nhóm dân số này [20]. Ở Hoa Kỳ, tỉ lệ THA ở những người 60 tuổi là 54%, tỉ lệ này tăng lên 65% ở lứa tuổi 70 [12]. Tại Mexico, tỉ lệ THA ở người cao tuổi là 43% [14]. Tại An Độ, THA ở người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 55%-72% [15]. Tại Bangladesh, tỉ lệ này từ 55%-75% [16]. Tại Việt Nam, các công trình điều tra về dịch tễ học bệnh THA ở người cao tuổi còn ít. Ở miền Bắc, công trình nghiên cứu của Phạm Thắng năm 2003 cho thấy tỉ lệ THA ở người cao tuổi chiếm 45,6% [8]. Tại miền Trung, công trình nghiên cứu của Dương Vĩnh Linh và cộng sự (2004) cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở người cao tuổi tại xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế là 40,53% [6]. Tại Tây Nguyên, công trình nghiên cứu của Đào Duy An (2005) cho thấy tỉ lệ THA ở người cao tuổi là 49,3% [2]. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa có công trình nghiên cứu nào về THA ở người cao tuổi. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu sau đây:

Xác định tần suất, nhận biết, điều trị và kiểm soát THA ở người cao tuổi tại tỉnh Long An. Xác định tỉ lệ BN tuân trị và các lý do khiến BN tuân trị kém.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1 Tiêu chí chọn đối tượng nghiên cứu: là những người dân từ 60 tuổi trở lên đang sinh sống tại các cụm (xã/phường/thị trấn) của tỉnh Long An từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2007, được chọn với kỹ thuật mẫu cụm xác suất tỉ lệ theo cỡ dân số. Đồng ý tham gia nghiên cứu.

2.1.2. Tiêu chí loại trừ: Những đối tượng đang mắc các bệnh quá nặng không đi lại được; nghe kém và không trả lời chính xác câu hỏi; bị câm, điếc bẩm sinh; bị đoạn chi hay dị tật cột sống, xương khớp; bị phù hay mất nước nặng; đang mắc các bệnh cấp tính; bỏ cuộc sau 3 lần mời.

2.2. Cỡ mẫu: được tính theo công thức sau: (CT1).

co-mau-c1

Trong đó :

– Z 1 – α / 2 = 1,96 là trị số của phân phối chuẩn tương ứng với độ tin cậy áp dụng cho công trình này là 95% [7].

– P = 0,456 là tỉ lệ bệnh THA ở người cao tuổi  dựa vào một công trình nghiên cứu về tần suất THA ở người cao tuổi tại một số tỉnh phía Bắc [8].

– d = 0,03 là độ chính xác mong muốn.

Như vậy cỡ mẫu tối thiểu trong nghiên cứu này là: (MH 1).

co-mau-c2

Bởi vì sử dụng kỹ thuật chọn mẫu cụm nên cỡ mẫu được tăng lên gấp 2 lần: 1.059 người x 2  =  2.118 người.

2.3. Kỹ thuật chọn mẫu

Phương pháp chọn mẫu cụm xác suất tỉ lệ theo cỡ dân số (PPS: Propability proportionate to size) [7], với cụm là một xã, hoặc phường, hoặc thị trấn. Các bước chọn mẫu được tiến hành như sau:

– Liệt kê danh sách 190 xã/phường/thị trấn của toàn tỉnh Long An.

– Điền dân số ≥ 60 tuổi của từng xã/phường/thị trấn.

– Tính dân số ≥ 60 tuổi cộng dồn.

– Tính khoảng cách mẫu: (CT 2).

co-mau-c3

– Dùng bảng số ngẫu nhiên chọn ra số ngẫu nhiên R, sao cho R ≤  K

+ Cụm 1 có dân số cộng dồn ≥ R

+ Cụm thứ nhì có dân số cộng dồn ≥ R + K

+ Cụm n có dân số cộng dồn ≥ ( n – 1 )K + R

Cách xác định các cụm còn lại tiến
hành giống như trên cho đến khi xác định đủ 30 cụm. Với cỡ mẫu 2.118 người, chia đều cho 30 cụm, mỗi cụm sẽ khảo sát khoảng 72 người. Trong mỗi cụm dựa vào danh sách người cao tuổi do trạm y tế xã cung cấp, chia làm 2 nhóm theo giới tính, và ở mỗi nhóm giới tính chọn ngẫu nhiên hệ thống lấy 36 nam và 36 nữ.

2.4. Cách tiến hành

Các đối tượng được mời đến cho ngồi nghỉ ít nhất 5 phút trước khi đo. Đối tượng không được uống cà phê 1 giờ trước đo, không hút thuốc 30 phút trước, và không sử dụng các thuốc cường giao cảm (thí dụ, Phenylephrine để chữa xuất tiết niêm mạc mũi hoặc thuốc nhỏ mắt để dãn đồng tử). Đối tượng ngồi yên tĩnh trên ghế có tựa lưng, tay kê ở mức ngang tim. Thả lỏng tay và không nói chuyện trong khi đo. Sử dụng máy đo HA loại thuỷ ngân. Kích thước túi hơi: dùng băng quấn tay đạt tiêu chuẩn. Sử dụng âm thanh pha I và pha V của Korotkoff để xác định HA tâm thu và HA tâm trương, nếu không nghe được pha V chọn pha IV thay thế. Nếu nghe tiếng KOROTKOFF quá yếu: cho đối tượng giơ cao tay rồi nắm và xoè bàn tay 5-10 lần để đo lại ngay. Mỗi lần khám đo 2 lần, cách nhau ít nhất 2 phút. Tính HA dựa trên số trung bình hai lần đo. Nếu giữa hai lần đo đầu tiên chênh lệch hơn 5mmHg thì đo thêm lần thứ ba, cũng lấy trị số trung bình. Đo HA cả hai tay. Nếu có sự chênh lệch, lấy HA ở tay cao hơn [4].

Chẩn đoán tăng huyết áp:

– Các đối tượng được coi là THA khi: HA tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc HA tâm trương ≥ 90 mmHg, hoặc bệnh nhân đã được chẩn đoán THA và hiện tại đang dùng thuốc chống THA.

– Các đối tượng được coi là THA tâm thu đơn độc khi HATT ≥ 140 mmHg và HATTr < 90 mmHg.

Phân độ THA theo JNC VII [11].

Phỏng vấn bằng bộ câu hỏi của WHO và Viện Tim Mạch Quốc Gia có điều chỉnh cho phù hợp với địa phương.

2.5. Xử lý số liệu: nhập số liệu bằng phần mềm EpiData 3.0 và phân tích số liệu bằng phần mềm Stata 10.0.

3. KẾT QUẢ

Qua đợt khám sức khỏe người cao tuổi ở 30 xã, phường, thị trấn tại 13 huyện, thị xã thuộc tỉnh Long An từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2007 khảo sát được 2.160 đối tượng. Trong đó có 1.080 nam, và 1.080 nữ. Tuổi trung bình: 72,1 ± 7,5, nhỏ nhất 60 tuổi, lớn nhất 101 tuổi.

Bảng 1 Tỉ lệ THA theo giới tính (kể cả đối tượng đang dùng thuốc hạ HA) (n = 2.160), tần số và (phần trăm)

Giới tính

THA

Đang dùng thuốc hạ HA

(n=417)

Mới được chẩn đoán (n=717)

Chung

Nam (n=1.080)

180 (16,7)

397 (36,8)

577 (53,4)

Nữ (n=1080)

237 (21,9)

320 (29,6)

557 (51,6)

Chung

417 (19,3)

717 (33,2)

1.134 (52,5)

p

 

 

0,39

Trong tổng số 2.160 đối tượng nghiên cứu, có 1.134 bị THA, với tỉ lệ THA chung là 52,5%. Có 417 người đang dùng thuốc hạ áp, như vậy tỉ lệ THA đã được chẩn đoán là 19,3%; trong khi đó, có 717 người mới được chẩn đoán, như vậy tỉ lệ THA mới được chẩn đoán là 33,2%. Ở 1.080 nam, có 180 đã được chẫn đoán THA và 397 mới được chẩn đoán; tỉ lệ THA đã và mới được chẩn đoán ở nam là 16,7% và 36,8%, tương ứng. Tỉ lệ ở 1.080 người nữ là 21,9% và 29,6%, tương ứng. Tỉ lệ THA chung ở nam (53,4%) cao hơn tỉ lệ THA chung ở nữ (51,6%), nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p = 0,39).

Bảng 2 Tỉ lệ THA theo tuổi (kể cả đối tượng đang dùng thuốc hạ HA) (n = 2.160), tần số và (phần trăm)

Nhóm tuổi

THA

Đang dùng thuốc hạ HA (n=417)

Mới được chẩn đoán (n=717)

Chung

60-69 (n=853)

146 (17,1)

250 (29,3)

396 (46,4)

70-79 (n=911)

191 (21,0)

315 (34,6)

506 (55,5)

≥ 80 (n=396)

80 (20,2)

152 (38,4)

232 (58,6)

Chung

417 (19,3)

717 (33,2)

1.134 (52,5)

p*

 

 

< 0,0001*

* Chi bình phương khuynh hướng

Tỉ lệ THA tăng dần theo nhóm tuổi, cao nhất ở nhóm tuổi ≥ 80 tuổi, sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê (p < 0,0001).

Bảng 3 Tỉ lệ các giai đoạn THA theo JNC VII (n=1.743, không kể nhóm đối tượng đang điều trị thuốc hạ HA), tần số và (phần trăm)

Phân loại JNC VII

Nam

Nữ

Tổng

Bình thường

174 (19,3)

209 (24,8)

383 (21,9)

Tiền THA

329 (36,6)

314 (37,3)

643 (36,9)

THA giai đoạn 1

205 (22,8)

174 (20,6)

379 (21,7)

THA giai đoạn 2

192 (21,3)

146 (17,3)

338 (19,4)

Tổng

900

843

1.743

p

0,02

 

Ở 1.743 người chưa từng dùng thuốc hạ áp, có 379 người THA giai đoạn 1 và 338 THA giai đoạn 2, như vậy tỉ lệ THA ở nhóm đối tượng chưa dùng thuốc hạ HA là 41,1% (717/1.743). Tỉ lệ các giai đoạn THA giữa hai giới khác nhau có ý nghĩa thống kê (p = 0,02), nhóm nam có tỉ lệ THA giai đoạn 2 cao hơn nữ.

3.2. Tỉ lệ tăng huyết áp tâm thu đơn độc (THA TTĐĐ)

Bảng 4 Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc kể cả nhóm đối tượng đang dùng thuốc hạ HA theo giới tính, tần số và (phần trăm)

THA TTĐĐ

Nam

Nữ

Chung

289 (50,1)

295 (53,0)

584 (51,5)

Không

288 (49,9)

262 (47,0)

550 (48,5)

Chung

577

557

1.134

p

0,33

 

Tỉ lệ THA TTĐĐ chiếm 51,5% trong số những người THA kể cả những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA. Tỉ lệ THA TTĐĐ giữa hai giới khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p = 0,33).

Bảng 5 Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc kể cả nhóm đối tượng đang dùng thuốc hạ HA theo nhóm tuổi, tần số và (phần trăm)

Nhóm tuổi

THA TTĐĐ

60-69

70-79

≥ 80

Chung

163 (41,2)

268 (53,0)

153 (66,0)

584 (51,5)

Không

233 (58,8)

238 (47,0)

79 (34,0)

550 (48,5)

Chung

396

506

232

1.134

p*

<0,0001*

 

* Chi bình phương khuynh hướng

Tỉ lệ THA TTĐĐ tăng dần theo nhóm tuổi, và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,0001).

Bảng 6 Tỉ lệ THA TTĐĐ khi đã loại nhóm đối tượng đang dùng thuốc hạ HA theo giới tính, tần số và (phần trăm)

THA TTĐĐ

Nam

Nữ

Chung

214 (53,9)

193 (60,3)

407 (56,8)

Không

183 (46,1)

127 (39,7)

310 (43,2)

Chung

397

320

717

p

0,09

 

Tỉ lệ THA TTĐĐ chiếm 56,8% trong số người THA khi đã loại những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA. Tỉ lệ THA TTĐĐ giữa hai giới khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p = 0,09).

Bảng 7 Tỉ lệ THA TTĐĐ khi đã loại nhóm đối tượng đang dùng thuốc hạ HA theo nhóm tuổi, tần số và (phần trăm)

Nhóm tuổi

THA TTĐĐ

60-69

70-79

≥ 80

Chung

116 (46,4)

185 (58,7)

106 (69,7)

407 (56,8)

Không

134 (53,6)

130 (41,3)

46 (30,3)

310 (43,2)

Chung

250

315

152

717

p*

<0,0001*

 

* Chi bình phương khuynh hướng

Tỉ lệ THA TTĐĐ tăng dần theo nhóm tuổi và sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê (p < 0,0001).

3.3. Nhận biết, điều trị, tuân trị và kiểm soát tăng huyết áp

Bảng 8 Tỉ lệ người nhận biết, điều trị, tuân trị và kiểm soát THA theo giới tính, tần số và (phần trăm)

Giới tính

Nhận biết

Điều trị

Tuân trị

Kiểm soát THA trong số người THA có điều trị

(n = 869)

Nam

(n = 577)

433

(75,0)

414

(71,8)

63

(10,9)

42/414 (10,1)

Nữ

(n = 557)

472

(84,7)

455

(81,7)

109

(19,6)

49/455 (10,8)

Chung

(n = 1.134)

905

(79,8)

869

(76,6)

172

(15,2)

91/869 (10,5)

p

0,001

0,001

0,001

0,65

Tỉ lệ người nhận biết bản thân mắc bệnh THA chiếm 79,8%, tỉ lệ người có điều trị là 76,6%, tỉ lệ người tuân trị là15,2%, tỉ lệ người kiểm soát THA trong số những người THA có điều trị là 10,5%. Tỉ lệ người nhận biết, điều trị, và tuân trị ở nữ cao hơn nam (p = 0,001). Tỉ lệ kiểm soát THA giữa hai giới khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p = 0,65).

Bảng 9 Tỉ lệ người nhận biết, điều trị, tuân trị và kiểm soát THA theo nhóm tuổi, tần số và (phần trăm)

Nhóm tuổi

Nhận biết

Điều trị

Tuân trị

Kiểm soát THA trong số người THA có điều trị (n = 869)

60-69

(n = 396)

313

(79,0)

302

(76,3)

64 (16,2)

33/302

(10,9)

70-79

(n = 506)

411

(81,2)

392

(77,5)

80 (15,8)

41/392

(10,5)

≥ 80

(n = 232)

181

(78,0)

175

(75,4)

28 (12,1)

17/175

(9,7)

p *

0,91

0,90

0,21

0,82

* Chi bình phương khuynh hướng

Tỉ lệ người nhận biết, điều trị, tuân trị và kiểm soát THA giữa các nhóm tuổi khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

3.4. Lý do người không tuân thủ điều trị

Bảng 10 Lý do bệnh nhân không tuân thủ điều trị theo giới, tần số và (phần trăm)

Lý do

Chung

(n = 733)

Nam

(n = 370)

Nữ

(n = 363)

p

Không nhận được lời khuyên của thầy thuốc

557 (75,9)

287 (77,6)

270 (74,4)

0,31

Sợ tác dụng phụ của thuốc

226 (30,8)

135 (36,5)

91 (25,1)

0,013

Chi phí điều trị

196 (26,7)

82 (22,2)

114 (31,4)

0,005

HA không về bình thường

98 (13,4)

51 (13,8)

47 (12,9)

0,74

Cảm giác khỏe, không triệu chứng

80 (10,9)

40 (10,8)

40 (11,0)

0,9

Quên uống thuốc

63 (8,6)

27 (7,3)

36 (9,9)

0,21

Sợ dùng chung với thuốc khác

44 (6,0)

19 (5,1)

25 (6,9)

0,32

Sợ quen thuốc và thay đổi điều trị

42 (5,7)

26 (7,0)

16 (4,4)

0,13

Lý do người không tuân thủ điều trị do không nhận được lời khuyên của thầy thuốc chiếm tỉ lệ cao nhất (75,9%). Tỉ lệ sợ tác dụng phụ của thuốc ở nam cao hơn nữ (p =0,013). Lý do chi phí điều trị được ghi nhận ở nữ cao hơn nam (p = 0,005). Các lý do khác giữa hai giới khác nhau không có ý nghĩa thống kê.

4. BÀN LUẬN

4.1. Tỉ lệ THA

Trong nghiên cứu này, nếu đã loại trừ những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA thì tỉ lệ THA trong mẫu nghiên cứu (41,1%) tương đương với tỉ lệ THA trong các nghiên cứu của Dương Vĩnh Linh (40,53%) [6], Đặng Xuân Tin (40,8%) [9], Phạm Thắng (45,6%) [8], Geeta Yadav và CS (39,5%) [22] và thấp hơn kết quả của Đào Duy An (49,3%) [2]. Nhưng nếu tỉ lệ THA kể cả những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA thì tỉ lệ THA trong mẫu nghiên cứu (52,5%) cao hơn tỉ lệ THA trong nghiên cứu của các tác giả này và tương đương với tỉ lệ THA của Porapakkham và CS (51,1%) [19]. Tuy nhiên, dù cho tính theo tiêu chuẩn chẩn đoán nào thì tỉ lệ THA trong mẫu nghiên cứu cũng thấp hơn nhiều so với tỉ lệ THA trong các nghiên cứu của các tác giả tại Hoa Kỳ (66,3-90,48%) [18], Costa Rica (65,4%), Bangladesh và An Độ (65%) [16]. Các khác biệt này có lẽ do khác nhau về yếu tố địa dư, chủng tộc, thời điểm nghiên cứu, có hay không có đang dùng thuốc hạ HA.

Tỉ lệ THA giữa nam (53,4%) và nữ (51,6%) khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p = 0,39). Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Phạm Thắng [8], Dương Vĩnh Linh [6] và các nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài [15], [16]. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, ở nhóm tuổi trẻ thì nam giới có tỉ lệ THA cao hơn hẳn so với nữ giới, nhưng ở người cao tuổi thì tỉ lệ THA ở nam và nữ tương đương nhau. Nguyên nhân có lẽ do mất tác dụng bảo vệ của estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh, vì vậy làm cho tỉ lệ THA ở nữ giới tăng lên ngang bằng với nam giới ở giai đoạn sau mãn kinh. Tỉ lệ THA tăng theo tuổi cũng phù hợp với y văn và các nghiên cứu trước đây của Đào Duy An, Phạm Gia Khải, và Phạm Thắng [2], [5], [8]. Do THA là một bệnh mạn tính và đối tượng nghiên cứu có thể đã mắc bệnh từ trước nên khi tuổi thọ tăng lên thì số đối tượng này được tích lũy dần, vì vậy tỉ lệ THA càng cao khi tuổi càng cao.

4.2 Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc

Kết quả ở bảng 4 cho thấy tỉ lệ THA tâm thu đơn độc ở nhóm kể cả những đối tượng đang dù
ng thuốc hạ HA là 51,5% (584/1.134), còn nếu loại những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA thì tỉ lệ này là 56,8% (407/717) (bảng 6). Như vậy, tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong mẫu nghiên cứu cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong nghiên cứu của Đào Duy An (23,1%) [2], và Phạm Thắng (24,8%) [8]. Sự khác biệt này là do khác nhau về cách tính tỉ lệ THA tâm thu đơn độc. Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong nghiên cứu của các tác giả này được tính trên tổng số đối tượng của mẫu nghiên cứu, còn tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong mẫu nghiên cứu được tính chỉ trên những đối tượng có THA mà thôi. Bên cạnh đó, tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong mẫu nghiên cứu cũng cao hơn tỉ lệ THA tâm thu đơn độc trong nghiên cứu của Hazarika (11,94%) [15]. Sự khác biệt này là do khác nhau về tiêu chuẩn chẩn đoán. Trong nghiên cứu của Hazarika sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán THA tâm thu đơn độc khi HATT ≥ 160 mmHg và HATTr < 90 mmHg [15]. Một điểm cần lưu ý là tỉ lệ THA tâm thu đơn độc cao hơn ở các nhóm tuổi cao hơn (bảng 7,8).  Điều này cho thấy vai trò của hiện tượng giảm mô liên kết có tính đàn hồi và tăng tần suất xơ vữa động mạch góp phần làm tăng kháng lực mạch ngoại biên và trở kháng động mạch chủ theo tuổi, làm tăng mức HA tâm thu và giảm mức HA tâm trương, dẫn đến tăng tỉ lệ THA TTĐĐ ở các nhóm tuổi cao hơn. Tăng HA tâm thu đơn độc có liên quan với tăng tỉ lệ bệnh và tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ [4], vì vậy THA tâm thu đơn độc cần được đánh giá đầy đủ ở tất cả bệnh nhân THA cao tuổi, đặc biệt ở những nhóm tuổi càng cao.

4.3. Nhận biết THA

Tỉ lệ về nhận biết THA trong mẫu nghiên cứu  (79,8%) cao hơn tỉ lệ nhận biết THA của một số nghiên cứu trước đây trong và ngoài nước, tương đương với Đào Duy An (79,6%), Ericka tại Costa Rica (74,9%) và NHANES tại Hoa Kỳ(81%). Điều này chứng tỏ ở người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý đi kèm vì vậy có nhiều cơ hội phát hiện THA hơn so với dân số chung. Các số liệu trên cũng cho thấy nhận thức về bệnh THA trong cộng đồng đã có bước cải thiện so với trước kia, và ngang bằng với các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong mẫu nghiên cứu vẫn còn hơn 20% bệnh nhân THA mà không nhận biết được mình đã mắc bệnh. Đây là nhiệm vụ của hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân quan tâm hơn đến việc kiểm tra HA thường xuyên để phát hiện sớm THA, từ đó ngành y tế có biện pháp can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng do THA gây ra.

4.4 Điều trị và tuân trị

So sánh với số liệu của các tác giả trong và ngoài nước cho thấy tỉ lệ người cao tuổi THA tại Long An có điều trị (76,6%) khác với tỉ lệ có điều trị trong các nghiên cứu này (16,8% – 98,9%) [3], [5] có lẽ do khác nhau về qui ước “có điều trị” hoặc do khác nhau về đối tượng chọn mẫu. Các nghiên cứu qui ước “có điều trị” là những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA tại thời điểm phỏng vấn thì tỉ lệ có điều trị thấp hơn. Các nghiên cứu thực hiện tại các cơ sơ y tế thì tỉ lệ bệnh nhân có điều trị cao hơn các nghiên cứu thực hiện trong cộng đồng do đa số bệnh nhân đã được chẩn đoán và dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ y tế.

Kết quả trên còn cho thấy tỉ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị trong mẫu nghiên cứu (15,2%) thấp hơn tỉ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị trong các nghiên cứu này (47,8% – 66,75%) [1], [3] có lẽ do đối tượng trong mẫu nghiên cứu được chọn trong cộng đồng nên ít có điều kiện tiếp cận với thầy thuốc cũng như việc điều trị ít được giám sát, hoặc do nhận thức của cộng đồng chưa cao vì vậy việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân còn thấp. Một điểm cần lưu ý là trong mẫu nghiên cứu tỉ lệ nam giới THA được điều trị và tuân thủ điều trị thấp hơn nữ giới có lẽ do nam giới ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe hoặc vì công việc thường xuyên phải dùng rượu bia nên việc điều trị thực hiện chưa tốt hoặc gián đoạn.

4.5 Lý do bệnh nhân không tuân thủ điều trị

Kết quả của mẫu nghiên cứu cũng phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước đây là sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về bệnh THA và cách điều trị, sợ tác dụng phụ của thuốc và chi phí điều trị là những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bệnh nhân tuân trị kém [17], [21]. Vì vậy, để nâng cao tỉ lệ tuân thủ điều trị của bệnh nhân người cao tuổi THA ngoài nhiệm vụ của ngành y tế là tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về bệnh THA, người bệnh còn cần có những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và các đoàn thể xã hội, đặc biệt là vấn đề cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người từ 60 tuổi trở lên trong cả nước để góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh.

4.6 Kiểm soát THA

Tỉ lệ kiểm soát THA ở người cao tuổi tại Long An (10,5%) tương tự như các nghiên cứu khác trong nước và một số nước trong khu vực (9-10,6%) [5], [19]. Tuy nhiên, tỉ lệ kiểm soát THA trong nghiên cứu này còn thấp hơn nhiều so với các Quốc gia phát triển như Hoa Kỳ (36,7-50%) [18]. Điều này cho thấy mặc dù người cao tuổi THA có tỉ lệ điều trị cao nhất, nhưng tỉ lệ kiểm soát tốt THA thấp nhất và vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đến năm 2010 là 50%. Vì vậy, để tỉ lệ kiểm soát THA đạt cao hơn đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía như BN, cán bộ y tế, hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe, các chính sách hỗ trợ cho người cao tuổi từ chính phủ và xã hội.

5. KẾT LUẬN

Tỉ lệ THA chung là 52,5% (KTC 95%: 50,5%-54,6%): trong đó THA độ 1 chiếm 21,7%, THA độ 2 là 19,4%. Tỉ lệ THA đã loại trừ những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA là 41,1% (KTC 95%: 38,8%-43,4%). Ở các nhóm tuổi cao hơn thì có tỉ lệ THA cao hơn. Tỉ lệ THA không khác nhau giữa hai giới. Tỉ lệ THA tâm thu đơn độc chiếm 51,5%, nếu loại trừ những đối tượng đang dùng thuốc hạ HA thì tỉ lệ này là 56,8%.

Tỉ lệ bệnh nhân đã biết bản thân mắc THA là 79,8%. Tỉ lệ bệnh nhân có điều trị là 76,6%. Tỉ lệ bệnh nhân tuân trị là15,2%. Tỉ lệ bệnh nhân THA được kiểm soát tốt HA trong số những bệnh nhân THA có điều trị là 10,5%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT

1. Đào Duy An (2005), “Nhận thức cơ bản và cách xử trí ở bệnh nhân tăng huyết áp”, Tạp chí tim mạch học Việt Nam, số 41, tr. 65-72.

2. Đào Duy An, Nguyễn Ngọc Tuấn (2005), “Tì
nh trạng huyết áp ở người  cao tuổi thị xã Kon Tum”, Tạp chí tim mạch học Việt Nam, số 41, tr. 73-82.

3. Trần Minh Giao (2006), “Khảo sát đặc điểm tăng huyết áp ở người có tuổi tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định”, Luận văn thạc sĩ y học, Đại học y dược TP. Hồ Chí Minh.

4. Hội tim mạch Việt Nam (2008), Khuyến cáo 2008 về các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa, NXB y học chi nhánh TP. Hồ  Chí Minh, tr. 1-26, 235-294, 248-502.

5. Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt, Phạm Thái Sơn, và cộng sự (2003), “Tần suất tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam 2001-2002”, Tạp chí tim mạch học Việt Nam, số 33, tr. 934.

6. Dương Vĩnh Linh, Nguyễn Đức Hoàng, Trần Hữu Dàng, Nguyễn Dung và CS (2004), “Nghiên cứu tỉ lệ tăng huyết áp ở người cao tuổi tại xã Hương Vân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí tim mạch học Việt Nam, số 37, tr. 26-47.

7. Nguyễn Đỗ Nguyên (2002), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong y khoa, Khoa y tế công cộng, Đại học y dược TP. Hồ Chí Minh.

8. Phạm Thắng (2003), “Tỉ lệ tăng huyết áp ở người già tại một số vùng thành thị và nông thôn Việt Nam”, Tạp chí thông tin y dược, số 2, tr. 27-29.

9. Đặng Xuân Tin, Trần Đức Thọ, Phạm Thắng ( 2004 ), “Nhận xét tình hình bệnh tật của người cao tuổi tại huyện An Hải – Hải Phòng”, Y học thực hành, số 5 ( 480 ), tr. 24-28.

10. Uỷ Ban Dân Số gia đình va trẻ em (2003), “Những nội dung chủ yếu của Pháp lệnh dân số”, NXB Lao động – xã hội, Hà Nội, tr. 16-17.

TÀI LIỆU TIẾNG ANH

11. Chobanian A V, Barkris G L, Black H R, et al (2003), “The seventh Report of the Joint National Committee on the Prevention, Detection, Evaluation and Treatment of High Blood Pressure_JNC VII Express”, JAMA, (289), pp. 2560-2572.

12. Dunn EC, Small RE (2001), “Economics of  Antihypertensive therapy in the elderly”, Drugs Aging, 18 (7), pp. 515-525.

13. Ericka M-C, Carolina S-U, Luis R-B (2008), “Factors associated with hypertension prevalence, unawareness and treatment among Costa Rican elderly”, BMC Public Health, 8, pp. 275-286.

14. García C, Thorogood M, Reyes S, Salmerón-Castro J, Durán C (2001), “The prevalence and treatment of hypertension in the Mexican Institute of Social Cecurity”, Salud Publica Mex, 43, pp. 415-420.

15. Hazarica NC, Biswas D, Mahanta J (2003), “Hypertension in the elderly poppulation of Assam” Japi, Vol 15, pp. 567-573.

16. Hpertension Study Group (2001), “Prevalence, awareness, treatment and Control of hypertension among the elderly in Bangladesh and India: a multicentre study”, Bulletin of the World Health Organization, 79, pp. 490-500.

17. Kobalava ZhD, Ikotovskaia UV, Starostina EG, et al (2007), “Problems of a Physiacian-patient interaction and control of arterial hypertension in Russia. Main results of scientific-practical program [ARGUS-2]”, Kardiologiia, 47 (3), pp. 38-47.

18. Ong K L, Cheung B M.Y., Man Y B, Pak L C and Lam K S.L. (2007), “Prevalence, Awareness, Treatment and Control of hypertension among  United States Adults 1999-2004”, Hypertesion, 49, pp. 69-75.

19. Porapakkham Y, Pattaraarchachai J, Aekplakom W (2008), “Prevalence, awareness, treament and control of hypertension and diabetes mellitus among the elderly: the 2004 National  Health Examination Survey III, Thailand”, Singapore Med J, 49 (11), pp. 868-873.

20. Prisant L. M (2005), Hypertension in the Elderly, Humana Press Inc, New Jersey, pp. 11-516.

21. Svensson S (2006), “Medication Adherence, side effects and patient-physician interaction in hypertension” Guteborg, Sweden, pp. 15-18.

22. Yadv G, Chaturvedi S, Grover V L (2008), “Prevalence, Awareness, Treatment, and Control of Hypertension among the Elderly in Resttlement Colony of Delhi” Indian Heart J, 60, pp. 313-317.

Bài trước
Bài tiếp theo
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO