Hai người phụ nữ này cho biết, họ sẽ hiến toàn bộ tạng và xác để cứu sống người bệnh cũng như phục vụ cho công việc nghiên cứu khoa học.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đang phẫu thuật ghép van tim cho bệnh nhân |
Hiện tình trạng sức khỏe của cả hai phụ nữ trên đều đang rất khỏe mạnh.
Từ giữa tháng 5/2010 trở lại đây, với 3 người chết não hiến tạng, bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép thận cho 6 bệnh nhân suy thận, 1 bệnh nhân suy gan nặng, 2 bệnh nhân cần ghép van tim.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép van tim đồng loại trong khi trước đây chỉ có thể thay van nhân tạo và van sinh học, đồng thời phải dùng kèm thuốc chống đông, thuốc chống thải ghép, thời gian sử dụng ngắn, chỉ được 5 – 7 năm.
Ngoài ra, ca ghép gan lần này cũng là ca đầu tiên trong cả nước được lấy nguồn từ người chết não và do chính các y bác sĩ của Việt Nam thực hiện, không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, trong vòng gần 20 năm qua, kể từ ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam (năm 1992), cả nước mới tiến hành trên 300 ca ghép thận và hơn 10 ca ghép gan trong khi nhu cầu ghép tạng gấp nhiều lần con số này. Nguyên nhân là vì hầu hết nguồn tạng để ghép đều chỉ được lấy từ người còn sống là những người thân thiết của bệnh nhân.
Lâu nay, người phương Đông thường nặng về quan niệm “toàn thây lúc chết”. Vì thế, việc hiến tạng sau khi qua đời là rất hiếm.
Vì thế, việc hiến tạng là một sự tiến bộ, phát triển trong ý thức và quan niệm sống của người dân Việt Nam. Đồng thời, đây là một bước tiến mạnh mẽ, khẳng định sự phát triển của ngành ghép tạng Việt Nam vì những ca ghép tạng lấy từ người cho chết não đòi hỏi y, bác sĩ tham gia ở tất cả các công đoạn đều phải hết sức khẩn trương và chính xác.
Hải Yến