Google search engine

Huyết khối tĩnh mạch sâu ở bệnh nhân gãy cổ xương đùi do té ngã

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, người cao tuổi (NCT) đang gia tăng rất nhanh và cũng là vấn đề đáng quan tâm cho ngành y tế. Theo dự báo, tỉ lệ NCT của Việt Nam sẽ tăng đột biến vào năm 2010, đạt tỉ lệ 15,41% vào năm 2025 và 28,45% vào năm 2050

Cao Thanh Ngọc*
Trần Hữu Thế**
Nguyễn Văn Trí*

*   Bộ môn Lão khoa – Đại học Y Dược TPHCM

** Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện nay, người cao tuổi (NCT) đang gia tăng rất nhanh và cũng là vấn đề đáng quan tâm cho ngành y tế. Theo dự báo, tỉ lệ NCT của Việt Nam sẽ tăng đột biến vào năm 2010, đạt tỉ lệ 15,41% vào năm 2025 và 28,45% vào năm 2050, chính thức trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2014 [1], [2]. Do các đặc điểm về sinh lý, NCT là đối tượng dễ bị mắc bệnh và có nhiều vấn đề sức khỏe hơn so với các lứa tuổi khác.

Đối với người cao tuổi, té ngã là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tích và tử vong do thương tích. Hậu quả quan trọng nhất của té ngã là gãy xương, trong đó gãy cổ xương đùi là rất nặng nề. Điều này rất dễ xảy ra do bệnh loãng xương chiếm tỷ lệ cao. Một khi bị gãy xương phải nằm viện điều trị, bệnh nhân có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) vì các phẫu thuật chỉnh hình thường đi kèm với các tiến trình tiền huyết khối. Các biến cố này là các thành phần trong tam giác Virchow bao gồm: ứ trệ tĩnh mạch, tổn thương nội mô, và tăng tính đông máu. Sau đây chúng tôi xin trình bày một số trường hợp lâm sàng liên quan ở 3 bệnh nhân gãy cổ xương đùi.

BỆNH ÁN

Bệnh nhân 1: Nguyễn Thị H, nữ, sinh năm 1924, nhập viện 31/10/2011 vì đau khớp háng phải sau té. Bệnh nhân đi ngoài sân, trời mưa sân nhà trơn nên trợt chân té đập mông  phải xuống đất. Tiền căn tăng huyết áp – rối loạn chuyển hóa lipid, đang dùng 4 loại thuốc bao gồm Concor, Amlor, Aspirin, Atorvastatin. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy cổ xương đùi phải và điều trị mổ thay khớp háng bán phần  sau nhập viện 1 tuần. Siêu âm Duplex 1 tuần và 2 tuần sau phẫu thuật không phát hiện DVT. Sau mổ 7 tuần, bệnh nhân vẫn nằm tại giường cần người nhà chăm sóc.

Bệnh nhân 2: Lê Thị T, nữ, sinh năm 1940, nhập viện 2/12/2011 vì đau mông trái sau té. Bệnh nhân đi từ trong nhà ra ngoài sân, bước chân xuống thềm và hụt chân té. Tiền căn tăng huyết áp, đau khớp đang dùng 5 loại thuốc bao gồm Amlor, Ednyt, Atorvastatin, Celebrex, Omez. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi trái và mổ thay khớp háng bán phần ngày 9/12/2011. Siêu âm Duplex 1 tuần sau mổ phát hiện DVT ở tĩnh mạch đùi – khoeo chân trái. Sau mổ 3 tuần, bệnh nhân vẫn nằm tại giường và viêm phổi phải nhâp viện điều trị.

Bệnh nhân 3: Nguyễn Thị A, nữ, sinh năm 1956, nhập viện 22/11/2011 vì đau vùng hông phải sau té. Bệnh nhân bước chân lên bậc thềm vào nhà thì chóng mặt và té đập mông phải xuống đất. Tiền căn tăng huyết áp, tai biến mạch não, Parkinson đang điều trị 6 loại thuốc bao gồm Micardis, Concor, Aspirin, Tanakan, Syndopar, Omez. Bệnh nhân được chẩn đoán gãy cổ xương đùi phải và điều trị thay chỏm ngày 7/12/2011. Siêu âm Duplex 1 tuần và 2 tuần sau phẫu thuật không phát hiện DVT. Sau mổ 3 tuần bệnh nhân cần người hỗ trợ và đi lại nhẹ bằng nạng.

BÀN LUẬN

Nhiều thập kỷ qua, vấn đề té ngã và gãy cổ xương đùi đặc biệt được quan tâm. Các nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới cho thấy té ngã và gãy cổ xương đùi có liên quan chặt chẽ với nhau. Theo Ekezie jervas et al. 90% các trường hợp gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi là do té ngã [5]. Trong 3 trường hợp trên, 100% bệnh nhân gãy cổ xương đùi do té ngã. Các yếu tố nguy cơ té ngã ở các bệnh nhân này bao gồm yếu tố nguy cơ nội tại như bệnh mãn tính (tăng huyết áp, Parkinson, viêm khớp, tai biến mạch não) và yếu tố nguy cơ ngoại sinh như dùng ≥ 4 loại thuốc, sàn nhà trơn, bậc thềm không an toàn.  Đây là những yếu tố nguy cơ đã được biết trước tuy nhiên bệnh nhân không được hướng dẫn để phòng tránh đưa đến té ngã phải nhập viện điều trị và 2 trong 3 trường hợp bị mất vận động, trở thành gánh nặng cho gia đình, gây tốn nhiều chi phí cho chăm sóc sức khỏe.

Khi điều trị, các phẫu thuật chỉnh hình có thể hoạt hóa dòng thác đông máu nên làm tăng đáng kể DVT [3], [10]. Theo J. Parmet et al. các ứ trệ tuần hoàn do bơm phồng garo kết hợp với tác dụng huyết học của xi măng xương làm cho những bệnh nhân phẫu thuật thay khớp có nguy cơ DVT cao hơn [8], [9].

Tác giả Geerts WH et al. cho thấy tần suất hiện mắc DVT không có triệu chứng trên bệnh nhân phẫu thuật khớp háng từ 40-60% và DVT có triệu chứng thì thấp hơn với khoảng 2-5% [6]. Gần đây người ta nhận thấy rằng không có sự khác biệt về tần suất hiện mắc DVT ở bệnh nhân phương Tây và bệnh nhân Châu Á sau phẫu thuật chỉnh hình. Phân tích của Leizorovicz A et al. (nghiên cứu SMART)  cho thấy tần suất xuất hiện DVT không triệu chứng trên bệnh nhân Châu Á phẫu thuật thay khớp háng lên đến hơn 60% [7].

Trong 3 trường hợp phẫu thuật thay khớp háng được khảo sát, có 1 bệnh nhân bị DVT sau phẫu thuật chiếm tỉ lệ 33% và không có bệnh nhân nào được dự phòng DVT trước phẫu thuật.  Các kết quả của nghiên cứu ENDORSE cũng cho thấy tần suất DVT ở nhiều nước đều cao nhưng việc điều trị phòng ngừa DVT ở các nước Á Châu vẫn còn chưa được quan tâm [4].

KẾT LUẬN

Qua 3 bệnh án lâm sàng trên, chúng tôi nhận thấy vấn đề té ngã đưa đến gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mực và vẫn có tỉ lệ cao bệnh nhân bị DVT sau phẫu thuật  thay khớp háng. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề té ngã ở bệnh nhân gãy cổ xương đùi và nghiên cứu đánh giá tỉ lệ hiện mắc DVT trên bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng. Vì vậy nghiên cứu vấn đề té ngã ở bệnh nhân gãy cổ xương đùi và nghiên cứu tần suất hiện mắc DVT trên đối tượng này là cần thiết nhằm đưa ra chiến lược phòng chống té ngã hiệu quả trong cộng đồng để giảm thiểu nguy cơ gãy cổ xương đùi và hướng đến việc phòng ngừa thường quy DVT cho những bệnh nhân này khi điều trị phẫu thuật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Đàm Viết Cương, Trần Thị Mai Anh và cộng sự (2006). “Đánh giá tình hình chăm sóc sức khỏe cho NCT ở Việt Nam”. Viện chiến lược và chính sách Y tế. Hà Nội, tr. 1-2.

2. Dương Huy Lương, Trần Thị Mai Oanh, Đàm Viết Cương, Dương Anh Tuấn (2005). “Một số kết quả nghiên cứu về triển khai chính sách CSSK cho người cao tuổi ở Việt Nam”. Tạp chí chính sách Y tế. Nhà xuất bản Hà Nội. Hà Nội, tr. 1-6.

3. M. T. Clarke, J. S. Green, W. M. Harper, P. J. Gregg (1998),” Cement as a risk factor for deep-vein thrombosis.  COMPARISON OF CEMENTED TKR, UNCEMENTED TKR AND CEMENTED THR“, The Journal Of Bone and Bone Surgery, pp. 611 – 613

4. Cohen AT et al. (2008), “Venous thromboembolism risk and prophylaxis in the acute hospital care setting (ENDORSE study): a multinational cross-sectional study”, The Lancet, (371), pp. 387-94

5. Ekezie jervas, C.K. Onwukamuche, G.E. Anyanwu, A.I. Ugochukwu (2011), “Incidence of Fall Related Hip Fractures among the Elderly Persons in Owerri, Nigeria”, Asian Journal of Medical Sciences 3(3), p. 110-114

6. Geerts WH et al. (2008), “Prevention of venous thromboembolism; American college of Chest physicians. Evidence-Based Clinical Practice Guidelines (8th Edition)”, Chest (133), pp. 3815-4535

7. Leizorovicz A et al. (2005), “Epidemiology of venous thromboembolism in Asian patients undergoing major orthopaedic surgery without thromboprophylaxis. The SMART study”, J Thromb Haemost 3 (1), pp. 28-34.

8.  J L Parmet, J C Horrow, G Pharo, L Collins, A T Berman and H Rosenberg (1995), ” The incidence of venous emboli during extramedullary guided total knee arthroplasty”, Anesth Analg , (81), pp. 757-62

9. Ware JA, Kang J, DeCenzo MT, et al. (1991), “Platelet activation by synthetic hydrophobic polymer, polymethylmethacrylate”,  Blood , (78), pp. 1713-21

Htwe M. Zaw, Ian C. Osborne, Philip N. Pettit, Alexander T. Cohen (2002), “Risk Factors for Venous Thromboembolism in Orthopedic Surgery”,  IMAJ , (4), pp. 1040 – 1042   

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO