Ngày 7/12/2024, Liên chi hội Tim mạch TPHCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt 2024 với chủ đề “Những tiến bộ trong tim mạch học” thu hút hơn 150 y bác sĩ trong và ngoài nước tham dự trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trong hơn 20 năm qua, Liên chi hội Tim mạch TPHCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt nhằm tạo cơ hội gặp gỡ cho các y bác sĩ Việt Nam và y bác sĩ Đức của Hội Tim mạch Đức – Việt. Đồng thời, tạo diễn đàn để các bác sĩ trao đổi kinh nghiệm về nhiều vấn đề liên quan đến tim mạch, cũng như học hỏi các vấn đề mới.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ Việt Nam và Đức
Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt 2024 với chủ đề “Những tiến bộ trong tim mạch học” diễn ra gồm 2 phiên, với 14 bài báo cáo. Thông qua đó, người tham dự có cơ hội cập nhật thêm một số kinh nghiệm của các đồng nghiệp châu Âu, kinh nghiệm của các thầy cô đã làm việc nhiều năm trong nghề. Từ đó, có những ý kiến, phương pháp điều trị dùng cho người bệnh. Với hội nghị này các y bác sĩ sẽ rút ra được một số kinh nghiệm về các điều trị mới, đồng thời có những chăm sóc mới đối với bệnh nhân suy tim.
Trong đó phiên 1 “Tiến bộ trong điều trị suy tim mạn” diễn ra vào buổi sáng với 7 bài báo cáo, bàn luận xoay quanh các vấn đề về: Cập nhật suy tim mạn: Vai trò của chỉ điểm sinh học trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị; Tổng quan về điều trị suy tim; Các thuốc điều trị mới trong suy tim; Hiệu quả về kinh tế y tế của SGLT2i trong điều trị suy tim tại Việt Nam; Tái lưu thông mạch trong suy tim.
Phiên 2 “Các vấn đề đặc biệt của suy tim mạn” tổ chức vào buổi chiều với 7 bài báo cáo, đề cập đến các chủ đề tiêu biểu như: Hội chứng tim thận và suy tim; Khuyến cáo về luyện tập bệnh nhân suy tim; Phổ rộng chẩn đoán của siêu âm tim gắng sức: Rối loạn vận động vùng, suy tâm tâm trương, bệnh van tim; Bệnh cơ tim hay viêm cơ tim. Đặc biệt, hội nghị còn có 1 bài cáo hấp dẫn liên quan đến can thiệp từ bào thai, xử lý thai nhi có bệnh không lỗ van động mạch phổi.
Nội dung 2 phiên của Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt 2024 với chủ đề “Những tiến bộ trong tim mạch học”
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam – Phó Chủ tịch LCH Tim mạch TPHCM bày tỏ: “Tất cả những điều chúng ta làm chỉ có một mục tiêu là giúp cho các bệnh nhân của chúng ta, các bệnh nhân của Việt Nam và trên thế giới”.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam – Phó Chủ tịch LCH Tim mạch TPHCM phát biểu khai mạc
Tại hội nghị, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của điều trị suy tim khi đây là bệnh lý nặng. Tỷ lệ tử vong của suy tim cao hơn rất nhiều so với ung thư vú, chỉ đứng sau ung thư phổi.
PGS Phạm Nguyễn Vinh cho biết: “Mục tiêu điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện, cải thiện triệu chứng cơ năng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.
Trong đó, chỉ điểm sinh học có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị và tiên lượng bệnh nhân suy tim. Hiện nay, có 2 chỉ điểm sinh học loại I trong suy tim BNP và NT-proBNP. NT-proBNP là chỉ điểm sinh học quan trọng giúp hướng dẫn điều trị chăm sóc bệnh nhân khoa Hồi sức và giúp tầm soát bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức.
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, điều trị suy tim phân suất tống máu giảm, phân suất tống máu bảo tồn đã được chuẩn hóa. Trước khi bệnh nhân ra viện, nếu NT-proBNP < 1.000 pg/ml sẽ có lợi là đảo ngược được tái cấu trúc, giảm tái nhập viện và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
NHỮNG TIẾN BỘ TRONG TIM MẠCH HỌC