1. ĐẠI CƯƠNG
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp ảnh hưởng khoảng 2% dân số châu Âu và tỉ lệ hiện mắc đang gia tăng do các bệnh đồng mắc và sự lão hóa của dân số [1].
ThS.BS TRẦN CÔNG DUY
Bộ môn Nội Tổng Quát
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Rung nhĩ không do bệnh van tim xuất hiện ở 6,1 triệu người ở Hoa Kỳ và làm tăng 5 lần nguy cơ đột quỵ [2]. Các hướng dẫn thực hành lâm sàng khuyến cáo khởi trị kháng đông đường uống dựa vào điểm số nguy cơ đột quỵ CHADS2 hoặc CHA2DS2-VASc [2]. Các thử nghiệm lâm sàng (TNLS) ngẫu nhiên có đối chứng [3-5] đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn của các thuốc ức chế yếu tố Xa đường uống (rivaroxaban, apixaban, edoxaban) so với warfarin trong việc giảm đột quỵ/thuyên tắc hệ thống và xuất huyết nặng.
Các nghiên cứu thế giới thực ngày nay là nguồn dữ liệu quan trọng để đánh giá hiệu quả và tính an toàn dài hạn của các thuốc trong thực hành lâm sàng thường quy bao gồm những bệnh nhân có thể không được đề cập trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng. TNLS ngẫu nhiên có đối chứng được xem là tiêu chuẩn vàng về nghiên cứu hiệu quả và tính an toàn của thuốc mặc dù có thể thiếu tính giá trị ngoại suy và các phát hiện có thể không phổ quát cho dân số chung. Hơn nữa, TNLS tốn kém và có thể không đủ thời gian nghiên cứu và cở mẫu dân số để đánh giá toàn diện ảnh hưởng của điều trị trong thời gian dài hạn. Ngược lại, các nghiên cứu thế giới thực cho thấy tiềm năng về tính phổ quát cao, ít tốn kém thực hiện hơn và có thể tích lũy kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng, tăng tính giá trị ngoại suy và bổ sung cho các phát hiện lâm sàng từ các TNLS. Dữ liệu thế giới thực bắt nguồn từ cơ sở dữ liệu thanh toán, hồ sơ bệnh án điện tử, các nghiên cứu không can thiệp và nghiên cứu sổ bộ.
Bài báo này sẽ trình bày một số nghiên cứu thế giới thực chứng minh hiệu quả và tính an toàn của rivaroxaban đối với việc phòng ngừa đột quỵ/thuyên tắc hệ thống trên các bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim trong thực tế lâm sàng: nghiên cứu XANTUS, XANAP, REVISIT-US và REAFFIRM.
2. NGHIÊN CỨU XANTUS
XANTUS (XArelto on preveNtion of sTroke and non-central nervoUS system systemic embolism in patients with non-valvular atrial fibrillation) [6] là nghiên cứu quốc tế, quan sát, không can thiệp, đánh giá tính an toàn và hiệu quả của rivaroxaban trong thực hành lâm sàng hàng ngày ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim. Các bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim mới khởi trị rivaroxaban được nhận vào nghiên cứu và theo dõi mỗi 3 tháng trong 1 năm hoặc ít nhất 30 ngày sau khi ngưng vĩnh viễn. Tất cả biến cố có hại được ghi nhận; các kết cục chính gồm xuất huyết nặng, các biến cố thuyên tắc huyết khối có triệu chứng [đột quỵ, thuyên tắc hệ thống, cơn thoáng thiếu máu não, và nhồi máu cơ tim] và tử vong do mọi nguyên nhân được xem xét bởi ủy ban trung tâm.
Có 6.784 bệnh nhân được điều trị rivaroxaban tại 311 trung tâm ở châu Âu, Israel và Canada. Tuổi trung bình là 71,5 (19 – 99), 41% bệnh nhân là nữ, và 9,4% suy thận nặng hoặc trung bình (độ thanh lọc creatinine < 50 mL/phút). Điểm CHADS2 và CHA2DS2-VASc trung bình theo thứ tự là 2,0 và 3,4; 859 (12,7%) bệnh nhân có điểm CHA2DS2-VASc 0 hoặc 1. Thời gian điều trị trung bình là 329 ngày. Xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu xảy ra ở 128 bệnh nhân (2,1 biến cố trên 100 bệnh nhân-năm), 118 bệnh nhân (1,9 biến cố trên 100 bệnh nhân-năm) tử vong và 43 bệnh nhân (0,7 biến cố trên 100 bệnh nhân-năm) đột quỵ.
XANTUS là nghiên cứu quan sát, tiến cứu, quốc tế đầu tiên mô tả sử dụng rivaroxaban ở dân số bệnh nhân lớn rung nhĩ không do bệnh van tim. Tỉ lệ đột quỵ và xuất huyết nặng thấp ở những bệnh nhân sử dụng rivaroxaban trong thực hành lâm sàng thường quy.
Hình 1 (A). Tỉ lệ tích lũy (Kaplan–Meier) tử vong do mọi nguyên nhân, biến cố xuất huyết nặng và đột quỵ/thuyên tắc hệ thống cần điều trị cấp cứu. (B) Tỉ lệ không biến cố (Kaplan–Meier) tử vong do mọi nguyên nhân, biến cố xuất huyết nặng và đột quỵ/thuyên tắc hệ thống cần điều trị cấp cứu (Chụp từ tài liệu gốc) [6]. Nhìn chung, 6.522 bệnh nhân (96,1%) không trải qua bất kỳ kết cục tử vong do mọi nguyên nhân, biến cố xuất huyết nặng và đột quỵ/thuyên tắc hệ thống cần điều trị cấp cứu.
So sánh các kết cục thế giới thực và TNLS ở dân số bệnh nhân tương tự giữa XANTUS và ROCKET AF
Sự khác biệt về đặc điểm bệnh nhân có thể là rào cản thường gặp để so sánh các kết cục lâm sàng qua các nghiên cứu có thiết kế khác nhau. Những bệnh nhân trong ROCKET AF và XANTUS có nguy cơ đột quỵ ban đầu khác nhau (điểm CHADS2 trung bình trong XANTUS là 2,0 ± 1,3 và 3,5 ± 0,9 trong nhánh rivaroxaban của ROCKET AF [3,7].
Tỉ lệ mới mắc hiệu chỉnh của các kết cục trong XANTUS được so sánh với ROCKET AF trong một phân tích thống kê sử dụng phương pháp so sánh gián tiếp hiệu chỉnh bắt cặp (the Matched Adjusted Indirect Comparison [MAIC]). Những bệnh nhân điểm CHADS2 0 và 1 bị loại khỏi dân số nghiên cứu XANTUS để bắt cặp với dân số ROCKET AF. Tỉ lệ xuất huyết nặng trong XANTUS và ROCKET AF lần lượt là 3,10%/năm và 3,6%/năm (tỉ số MAIC: 0,86 [KTC 95%: 0,67 – 1,12]. Tỉ lệ đột quỵ và thuyên tắc huyết khối ngoài hệ thần kinh trung ương theo thứ tự là 1,54%/năm và 1,70%/năm (tỉ số tỉ lệ MAIC: 0,91 [KTC 95%: 0,62 – 1,32]). Tỉ lệ mới mắc nhồi máu cơ tim và tử vong (gồm tử vong do nguyên nhân tim mạch hoặc xuất huyết nội sọ/ngoại sọ) cũng tương tự giữa hai nhóm, trong khi tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn ở XANTUS so với ROCKET AF (3,22%/năm so với 1,87%/năm; tỉ lệ MAIC: 1,72 (KTC 95%: 1,31 – 2,27]). Tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn trong XANTUS có thể do nhận vào các bệnh nhân với nhiều bệnh nặng đồng mắc như ung thư, các bệnh lý này vốn được loại ra trong các TNLS và bản chất chăm sóc y khoa thường quy đối với các bệnh nhân XANTUS so với kiểu chăm sóc tích cực trong các TNLS.
Phân tích độ nhạy (hiệu chỉnh theo các đặc điểm ban đầu khác nhau) cũng ủng hộ các kết quả trong phân tích ban đầu. So sánh các kết cục của các dân số hiệu chỉnh thích hợp từ mỗi nghiên cứu ROCKET AF và XANTUS khẳng định tính an toàn và hiệu quả của rivaroxaban ở dân số rung nhĩ nguy cơ cao từ TNLS đến thực tế lâm sàng.
3. NGHIÊN CỨU XANAP
Nghiên cứu ROCKET AF và phân tích dưới nhóm Đông Á chứng minh rằng rivaroxaban không thua warfarin về phòng ngừa đột quỵ/thuyên tắc hệ thống ở những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim về đặc điểm lợi ích – nguy cơ. Nghiên cứu XANAP (Xarelto for Prevention of Stroke in Patients With Atrial Fibrillation in Asia) [8] nhận vào các bệnh nhân từ vùng châu Á Thái Bình Dương. Mục tiêu chính của nghiên cứu quan sát này là đánh giá tính an toàn của rivaroxaban trong thực tế lâm sàng, từ đó cung cấp dữ liệu trong những tình huống đời thực.
XANAP là một nghiên cứu quan sát, thế giới thực, tiến cứu ở những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim mới bắt đầu sử dụng rivaroxaban. Bệnh nhân được theo dõi mỗi 3 tháng trong 1 năm hoặc ≥ 30 ngày sau ngưng vĩnh viễn. Kết cục chính là biến cố xuất huyết nặng, biến cố có hại, biến cố có hại nặng và tử vong do mọi nguyên nhân; kết cục phụ là đột quỵ/thuyên tắc hệ thống.
XANAP tuyển chọn 2.273 bệnh nhân từ 10 quốc gia: tuổi trung bình là 70,5 tuổi và 58,1% bệnh nhân là nam. 49,8% bệnh nhân sử dụng rivaroxaban 20 mg 1 lần/ngày; 43,8% bệnh nhân dùng 15 mg 1 lần/ngày và 5,9% điều trị 10 mg 1 lần/ngày. Thời gian điều trị trung bình là 296 ngày và 72,8% bệnh nhân đã được điều trị kháng đông trước đó. Những bệnh đồng mắc bao gồm suy tim (20,1%), tăng huyết áp (76,3%), đái tháo đường (26,6%), tiền sử đột quỵ/thuyên tắc hệ thống ngoài hệ thần kinh trung ương/cơn thoáng thiếu máu não (32,8%) và nhồi máu cơ tim (3,8%). Điểm CHADS2, CHA2DS2-VASc và HASBLED scores lần lượt là 2,3; 3,7 và 2,1. Tỉ lệ (biến cố/100 bệnh nhân-năm [khoảng tin cậy 95%]) xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu, đột quỵ và tử vong do mọi nguyên nhân là 1,5 (1,0 – 2,1); 1,7 (1,2 – 2,5) và 2,0 (1,4 – 2,7). Tỉ lệ tuân thủ điều trị là 66,2% vào cuối thời điểm nghiên cứu.
Nghiên cứu XANAP thế giới thực chứng minh tỉ lệ thấp đột quỵ và xuất huyết ở những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim được điều trị rivaroxaban ở châu Á Thái Bình Dương. Các kết quả này phù hợp với nghiên cứu XANTUS và ROCKET AF.
Hình 2 (A). Tỉ lệ mới mắc đột quỵ/thuyên tắc huyết khối ngoài hệ thần kinh trung ương và xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu theo điểm CHADS2; (B) Tỉ lệ mới mắc đột quỵ/thuyên tắc huyết khối ngoài hệ thần kinh trung ương và xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu theo điểm CHA2DS2-VASc.(Chụp từ tài liệu gốc) [8]. Major bleeding events: biến cố xuất huyết nặng; stroke: đột quỵ; non-CNS SE: thuyên tắc hệ thống ngoài hệ thần kinh trung ương.
4. PHÂN TÍCH GỘP XANTUS, XANTUS EL VÀ XANAP
Phân tích gộp chương trình XANTUS toàn cầu bao gồm các bệnh nhân rung nhĩ không chọn lọc mới khởi trị rivaroxaban để phòng ngừa đột quỵ trong ba nghiên cứu quan sát, tiến cứu: XANTUS [6], XANTUS EL (Xarelto for Prevention of Stroke in Patients With Atrial Fibrillation in Latin-America and EMEA Region) [9] và XANAP [8]. Các bệnh nhân được theo dõi trong 1 năm và mỗi 3 tháng hoặc 30 ngày sau ngưng vĩnh viễn (nếu < 1 năm). Các kết cục chính là các biến cố có hại điều trị cấp cứu hoặc biến cố nặng gồm xuất huyết nặng, tử vong do mọi nguyên nhân và bất kỳ biến cố nặng. Các kết cục phụ gồm các biến cố thuyên tắc huyết khối có triệu chứng, xuất huyết không nặng và sự tuân thủ điều trị. Các kết cục nặng điều trị cấp cứu được xem xét bởi một ủy ban để giảm thiểu sai lệch báo cáo [10].
Tổng cộng 16.187 bệnh nhân được tầm soát từ tháng 06/2012 đến 12/2014, trong đó 11.121 bệnh nhân được vào phân tích. Các bệnh nhân từ 47 quốc gia được chia nhóm: Tây Âu/Canada/Israel (47,5%), Đông Âu (23,2%), Đông Á (20,1%), Trung Đông/châu Phi (6,2%) và châu Mỹ Latinh (3,0%) [10]. 8.540 bệnh nhân (76,8%) được điều trị rivaroxaban và theo dõi ít nhất 12 tháng; ngưng điều trị sớm ở 2.566 bệnh nhân, trong đó 724 bệnh nhân (6,5%) ngưng rivaroxaban do các biến cố có hại nặng. Hơn 96% dân số trong phân tích gộp không trải qua bất kỳ xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu, đột quỵ/thuyên tắc hệ thống ngoài hệ thần kinh trung ương hoặc tử vong do mọi nguyên nhân. Có 190 biến cố xuất huyết nặng cần điều trị cấp cứu ở 172 bệnh nhân (1,7 biến cố/100 bệnh nhân-năm; KTC 95%: 1,5 – 2,0). Tỉ lệ mới mắc xuất huyết gây tử vong, xuất huyết cơ quan quan trọng và xuất huyết nội sọ lần lượt là 0,2 biến cố/100 bệnh nhân-năm (KTC 95%: 0,1 – 0,3); 0,6 biến cố/100 bệnh nhân-năm (KTC 95%: 0,5 – 0,8) và 0,4 biến cố/100 bệnh nhân-năm (KTC 95%: 0,3 – 0,6). Xuất huyết tiêu hóa nặng (vị trí xuất huyết thường gặp nhất) xảy ra ở 71 bệnh nhân (0,7 biến cố/100 bệnh nhân-năm; KTC 95%: 0,6 – 0,9). Các biến cố thuyên tắc huyết khối có triệu chứng xảy ra với tỉ lệ 1,8 biến cố/100 bệnh nhân-năm (KTC 95%: 1,6 – 2,1), và tỉ lệ mới mắc đột quỵ thiếu máu cục bộ và xuất huyết não thấp tương tự. Tử vong do mọi nguyên nhân xảy ra ở 187 bệnh nhân (1,7%) (1,9 biến cố/100 bệnh nhân-năm; KTC 95%: 1,6 – 2,2). Tỉ lệ tuân thủ điều trị tại thời điểm 1 năm (ngày 360) là 77,4% [10].
Phân tích gộp cho thấy các kết cục ở bệnh nhân sử dụng rivaroxaban phù hợp với các vùng và dân số bệnh nhân khác nhau dựa vào từng nghiên cứu. Các kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu pha III ROCKET AF [3].
5. NGHIÊN CỨU REVISIT-US
Mục tiêu của nghiên cứu REVISIT-US (Real-world EVIdence on Stroke prevention In patients with aTrial fibrillation in the United States) [11] là xác định hiệu quả và tính an toàn của rivaroxaban hoặc apixaban so với warfarin ở những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim chưa từng điều trị kháng đông đường uống trước đây. Đây là nghiên cứu hồi cứu sử dụng dữ liệu thanh toán MarketScan ở Hoa Kỳ từ tháng 01/2012 đến 10/2014.
Đối tượng nghiên cứu gồm những người trưởng thành mới khởi trị rivaroxaban, apixaban hoặc warfarin với điểm CHA2DS2-VASc ≥ 2, ≥ 2 mã chẩn đoán rung nhĩ không do bệnh van tim và ≥ 180 ngày liên tục được kê đơn và điều trị nội khoa. Nghiên cứu loại ra các bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, thuyên tắc hệ thống hoặc xuất huyết nội sọ. Những người sử dụng rivaroxaban hoặc apixaban được ghép cặp (propensity-score matched ) 1:1 với những người sử dụng warfarin. Hồi quy Cox được thực hiện để ước đoán tỉ lệ nguy hại và khoảng tin cậy 95% của rivaroxaban và apixaban so với warfarin đối với kết cục gộp đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ và từng kết cục riêng biệt.
Kết quả cho thấy ở 11.411 người sử dụng rivaroxaban được ghép cặp với warfarin, rivaroxaban làm giảm có ý nghĩa kết cục gộp đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ so với warfarin (HR: 0,61; KTC 95%: 0,45 – 0,82). Rivaroxaban giảm có ý nghĩa xuất huyết nội sọ (HR: 0,53; KTC 95%: 0,35 – 0,79) và giảm không có ý nghĩa đột quỵ thiếu máu cục bộ (HR: 0,71; KTC 95%: 0,47 – 1,07) so với warfarin. Sau ghép cặp 4.083 bệnh nhân sử dụng apixaban và 4.083 người sử dụng warfarin, apixaban giảm không có ý nghĩa kết cục gộp đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ so với warfarin (HR: 0,63; KTC 95%: 0,25 – 1,12); giảm nguy cơ xuất huyết nội sọ (HR: 0,38; KTC 95%: 0,17 – 0,88). Apixaban tăng không có ý nghĩa nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ so với warfarin (HR: 1,13; KTC 95%: 0,49 – 2,63).
Tóm lại, nghiên cứu RIVISIT-US cho thấy rivaroxaban giảm có ý nghĩa kết cục gộp đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ và nguy cơ xuất huyết nội sọ so với warfarin ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim.
Hình 3. Ảnh hưởng của rivaroxaban so với warfarin lên các kết cục trong nghiên cứu REVISIT-US. (Chụp từ tài liệu gốc)[11]. ICH: intracranial hemorrhage (xuất huyết nội sọ); Ischemic stroke: đột quỵ thiếu máu cục bộ; Combined: kết cục gộp xuất huyết nội sọ và đột quỵ thiếu máu cục bộ.
6. NGHIÊN CỨU REAFFIRM
Những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim có tiền sử đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc cơn thoáng thiếu máu não có khả năng tăng nguy cơ đột quỵ tái phát và xuất huyết. REAFFIRM ((Effectiveness and Safety of Apixaban, Dabigatran and Rivaroxaban Versus Warfarin in Patients with Nonvalvular Atrial Fibrillation and Previous Stroke or Transient Ischemic Attack) đánh giá hiệu quả và tính an toàn của apixaban, dabigatran và rivaroxaban so với warfarin ở các bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim có tiền sử đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc cơn thoáng thiếu máu não, sử dụng dữ liệu thanh toán Truven MarketScan Hoa Kỳ từ tháng 01/2012 đến tháng 06/2015 [12].
Tiêu chuẩn nhận vào gồm bệnh nhân có ≥ 2 mã chẩn đoán ICD-9 rung nhĩ (không có mã chẩn đoán bệnh van tim); tuổi ≥ 18; tiền sử đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc cơn thoáng thiếu máu não; khởi trị gần đây apixaban, dabigatran, rivaroxaban hoặc warfarin và 180 ngày liên tục được kê đơn thuốc/điều trị nội khoa trước đó. Tiêu chuẩn loại trừ là các bệnh nhân có nguyên nhân rung nhĩ không do bệnh van tim thoáng qua, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, tạo hình khớp háng hoặc khớp gối, ung thư ác tính, thai kỳ hoặc sử dụng hơn 1 thuốc kháng đông đường uống. Mỗi người sử dụng apixaban, dabigatran và rivaroxaban được ghép cặp (propensity score-matched) 1:1 với người sử dụng warfarin. Sự khác biệt tồn dư giữa các bệnh nhân được đánh giá qua sự khác biệt chuẩn hóa (< 10% được xem là cân bằng tốt). Số bệnh nhân trong ba nhóm ghép cặp như sau: apixaban so với warfarin: n = 2.514; dabigatran so với warfarin: n = 1.962; rivaroxaban so với warfarin: n = 5.208 (thời gian theo dõi trung bình lần lượt là: 0,5 ± 0,5; 0,6 ± 0,6 và 0,6 ± 0,6 năm). 20,8; 17,7 và 26,2% bệnh nhân lần lượt được điều trị giảm liều apixaban (< 5 mg 2 lần/ngày), dabigatran (< 150 mg 2 lần/ngày) và rivaroxaban (< 20 mg 1 lần/ngày).
Các kết quả từ các phân tích thống kê độc lập của mỗi NOAC so với warfarin tương đối phù hợp với các thử nghiệm pha III và phân tích dưới nhóm đột quỵ/cơn thoáng thiếu máu não. Sử dụng mô hình Cox, apixaban và dabigatran không làm giảm kết cục gộp chính của đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ (HR: 0,70; KTC 95%: 0,33 – 1,48 và HR: 0,53; KTC 95%: 0,26 – 1,07) và ảnh hưởng không ý nghĩa lên nguy cơ xuất huyết nặng (HR: 0,79; KTC 95%: 0,38 – 1,64 và HR: 0,58; KTC 95%: 0,26 – 1,27) so với warfarin. Rivaroxaban giảm kết cục gộp đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết nội sọ (HR: 0,45; KTC 95%: 0,29 – 0,72) nhưng không ảnh hưởng xuất huyết nặng (HR: 1,07; KTC 95%: 0,71 – 1,61). Xuất huyết nội sọ xảy ra với tỉ lệ 0,16 đến 0,61 biến cố trên 100 người-năm ở ba phân tích NOAC mà không khác biệt ý nghĩa giữa bất kỳ NOAC so với warfarin [12].
Hình 4. Tỉ lệ nguy hại các kết cục của NOAC so với warfarin trong nghiên cứu REAFFIRM.(Chụp từ tài liệu gốc) [12]. Ischemic stroke: đột quỵ thiếu máu cục bộ; Intracranial hemorrhage: xuất huyết nội sọ; Major Bleed: xuất huyết nặng.
7. KẾT LUẬN
Tóm lại, nếu như nghiên cứu ROCKET AF chứng minh tính an toàn và hiệu quả của rivaroxaban ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim trong điều kiện tuyển chọn và theo dõi chặt chẽ của thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng thì các nghiên cứu XANTUS, XANAP, XANTUS EL, REVISIT-US và REAFFIRM đã chứng minh thuốc kháng đông đường uống ức chế trực tiếp yếu tố Xa này vẫn an toàn và hiệu quả đối với bệnh nhân trong các tình huống thực hành lâm sàng hàng ngày. Các nghiên cứu thế giới thực giúp khẳng định lại rivaroxaban có tác dụng phòng ngừa đột quỵ/thuyên tắc hệ thống và giảm xuất huyết nặng ở những bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim với các bệnh đồng mắc khác nhau và cư trú ở nhiều vùng địa lý khác nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Haim M, Hoshen M, Reges O, Rabi Y, Balicer R, Leibowitz M. Prospective national study of the prevalence, incidence, management and outcome of a large contemporary cohort of patients with incident non-valvular atrial ?brillation. J Am Heart Assoc 2015;4:e001486.
2. January CT, Wann LS, Alpert JS, et al. 2014 AHA/ACC/HRE guideline for the management of patients with atrial fibrillation: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines and the Heart Rhythm Society. Circulation. 2014;130:2071-204.
3. Patel MR, Mahaffey KW, Garg J, et al.; ROCKET AF Investigators. Rivaroxaban versus warfarin in nonvalvular atrial fibrillation. N Engl J Med. 2011;365:883-891.
4. Granger CB, Alexander JH, McMurray JJ, et al., ARISTOTLE Committees and Investigators. Apixaban versus warfarin in patients with atrial fibrillation. N Engl J Med. 2011;365:981-92.
5. Giugliano RP, Ruff CT, Braunwald E, Murphy SA et al., ENGAGE AF-TIMI 48 Investigators. Edoxaban versus warfarin in patients with atrial fibrillation. N Engl J Med. 2013;369:2093-104.
6. Camm AJ, Amarenco P, Haas S, et al; XANTUS Investigators. XANTUS: a real-world, prospective, observational study of patients treated with rivaroxaban for stroke prevention in atrial ?brillation. Eur Heart J 2016;37(14):1145–1153.
7. Camm AJ, Amarenco P, Haas S, et al. Real-world versus randomized trial outcomes in similar populations of rivaroxabantreated patients with non-valvular atrial ?brillation in ROCKET AFandXANTUS. PresentedattheAmericanCollegeofCardiology (ACC) 66th Annual Scienti?c Session and Expo, Washington, DC, March 17–19, 2017, Poster 084.
8. Kim YH, Shim J, Tsai CT, et al. XANAP: A real-world, prospective, observational study of patients treated with rivaroxaban for stroke prevention in atrial fibrillation in Asia. Journal of Arrhythmia. 2018;34:418–427.
9. ClinicalTrials.gov. Xarelto for prevention of stroke in patients with atrial ?brillation in Latin America and EMEA Region (XANTUSEL). NCT01800006. Available at: https://clinicaltrials.gov/ct2/ show/NCT01800006. Accessed February 8, 2018.
10. Kirchhof P, Radaideh G, Kim YH, et al. Safety analysis of rivaroxaban: a pooled analysis of the global XANTUS programme. (real world, prospective, observational studies for stroke prevention in patients with atrial ?brillation). Eur Heart J 2017;38(Suppl):768–769.
11. Coleman CI, Antz M, Bowrin K, et al. Real-World Evidence of Stroke Prevention in Patients with Nonvalvular Atrial Fibrillation in the United States: the REVISIT-US Study. Current Medical Research and Opinion 2016, DOI: 10.1080/03007995.2016.1237937.
12. Coleman CI, Peacock WF, Bunz TJ, Alberts MJ. Effectiveness and safety of apixaban, dabigatran, and rivaroxaban versus warfarin in patients with nonvalvular atrial ?brillation and previous stroke or transient ischemic attack. Stroke 2017;48(08):2142–2149.