(Bee) – “…Không có chuyện đi hiến máu lại mang bệnh về nhà, vì tất cả dụng cụ đã được khử trùng toàn bộ. Từ trước đến nay chưa từng có người nào đến hiến máu xuất hiện bệnh…”
Hưởng ứng ngày toàn dân hiến máu (7/4), liên tiếp mấy ngày gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra phong trào hiến máu tình nguyện ở nhiều cơ sở như: xã Ninh Hiệp (Gia Lâm), ĐH Y Hà Nội, Học Viện Tài Chính, Trường ĐH Hà Nội, Trung Tâm TDTT Q.Thanh Xuân…
BS Nguyễn Vũ Hoan (Viện Huyết học Truyền máu TW) cho biết, việc lấy máu đảm bảo vô trùng từ hệ thống bao bọc mũi tiêm lấy máu cho đến khi máu ở trong túi. Đây là một quy trình khép kín, vì thế có thể lấy máu ở bất cứ điều kiện nào, ngoài trời, hay trong nhà đều được.
Để đảm bảo an toàn truyền máu, Viện đã thực hiện hàng loạt biện pháp: Tuyển chọn được người hiến máu an toàn; Tăng cường chất lượng sàng lọc các loại bệnh lây theo đường máu (HIV/AIDS; Viêm gan B; Viêm gan C; Giang mai và Sốt rét) tại các labo đạt tiêu chuẩn; Chỉ định – sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm máu; Lựa chọn được đơn vị máu tương đồng với máu của bệnh nhân. Giám sát truyền máu tại giường bệnh; Thực hiện truyền máu tự thân; Loại bỏ bạch cầu trong đơn vị máu trước khi truyền.
Trước thông tin có trường hợp hiến máu bị nhiễm HIV, BS Lý Thị Hảo khẳng định chắc chắn: “Thông tin sau khi hiến máu nhiễm HIV là chuyện không có thật, tất cả chỉ là tin đồn. Thậm chí, quá trình xét nghiệm máu để được truyền máu còn có thể phát hiện người đó có nhiếm HIV hay không”.
“Cũng không có chuyện đi hiến máu lại mang bệnh về nhà, vì tất cả dụng cụ đã được khử trùng toàn bộ. Từ trước đến nay chưa từng có người nào đến hiến máu xuất hiện bệnh, hay bị nhiễm HIV” – bà Hảo khẳng định.
Có trường hợp có thể bị sốt nhẹ nhưng đó là do người đi hiến máu có dấu hiệu từ trước. Hoặc những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
Một số ít trường hợp những ngày sau hiến máu cảm thấy lo lắng và hơi mệt mỏi, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể, biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu.
Tuy nhiên, cần dựa trên ý thức của người đi hiến máu, xem bản thân có đủ sức khỏe hay không mới đi tham gia hiến máu.
SV Trần Quang Hải (Trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội), người tham gia nhiều phong trào hiến máu tình nguyện cho biết, em đã đi hiến máu nhiều lần, công tác an toàn vệ sinh rất đảm bảo, ở các giai đoạn, các bác sỹ không dùng tay trực tiếp, mà sử dụng những bao tay, máu được đựng trong lọ kín. Thậm chí đến cốc uống cũng được khử trùng rất kỹ.
Theo quan sát của PV, mỗi người tùy vào lượng máu thu sẽ có từng túi nhỏ khác nhau nối với từng đường kim tiêm khác nhau. Đến công tác thu gom máu, bảo quản được sẽ được đựng vào trong thùng xốp vận chuyển an toàn và đảm bảo vệ sinh.
Ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động nhân đạo có ý nghĩa, thường xuyên được nhiều người dân tham gia rất tích cực.
“Để phong trào này thực sự thu hút được toàn thể nhân dân tham gia, cần sự hỗ trợ từ các cấp nhà nước chính quyền, người dân địa phương, nhất là cần sự ủng hộ của thế hệ trẻ, sinh viên ở các trường đại học”.
Chùm ảnh: Nhật ký giọt máu hồng
Chùm ảnh này sẽ miêu tả cho các bạn từng công đoạn của việc hiến máu và bảo quản máu.
Rất nhiều sinh viên đăng ký tham gia hiến máu |
Cân nặng là 1 trong yếu tố quyết định việc có thể hiến máu hay không |
Đo huyết áp kiểm tra sức khỏe |
Lấy máu khi đủ điều kiện |
Lấy máu mang đi xét nghiệm |
Tươi cười khi đủ sức khỏe lấy máu |
Lượng máu được cất giữ vào phòng để mang về Viện huyết học máu TW |
Các bạn sinh viên nhận giấy chứng nhận |
Bá Đô – Ph.Hương