Google search engine
Google search engine

Các dấu ấn sinh học trong rung nhĩ

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim kéo dài phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ và tử vong [1]. Tỉ lệ hiện mắc rung nhĩ tăng theo tuổi, gấp đôi mỗi thập niên sau 50 tuổi và đạt 10% ở những người ≥ 80 tuổi.

 

ThS.BS TRẦN CÔNG DUY

Bộ môn Nội tổng quát, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

Khoa Nội Tim Mạch, Bệnh viện Trưng Vương

 

Hơn nữa, rung nhĩ sẽ tiếp tục gia tăng trong các thập niên sắp tới. Mặc dù cơ chế chính xác của rung nhĩ vẫn chưa được giải thích hoàn toàn nhưng những thay đổi sinh lý bệnh đã được mô tả rõ ràng. Đối với loại rung nhĩ thường gặp nhất liên quan đến tuổi, quá trình tái cấu trúc trong đó mô liên kết tích tụ và xơ hóa là các đặc điểm nổi bật, cũng như các đặc điểm điện sinh lý nhĩ thay đổi thúc đẩy sự khởi đầu và duy trì rung nhĩ. Ngoài ra, rối loạn chức năng thất trái và tăng áp lực đổ đầy thất trái góp phần tái cấu trúc nhĩ và có thể tạo ra cơ chất và khởi kích rung nhĩ. Hơn nữa, vai trò quan trọng của tĩnh mạch phổi như một trong những vị trí khởi phát rung nhĩ cũng được mô tả rõ. Mặc dù sự khác nhau về biểu hiện lâm sàng, thời gian và loại rung nhĩ nhưng nền tảng điều trị rung nhĩ tập trung vào giảm triệu chứng và phòng ngừa đột quỵ. Một số yếu tố nguy cơ lâm sàng và siêu âm tim đã được xác định có vai trò tiên lượng đột quỵ trong rung nhĩ. Các bài tổng quan hệ thống đã kết luận các yếu tố nguy cơ quan trọng gồm tiền sử đột quỵ/ cơn thoáng thiếu máu não/ thuyên tắc huyết khối, lớn tuổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, và bệnh tim cấu trúc. Bệnh mạch máu, tuổi ≥ 65, và giới nữ cũng được đưa vào thang điểm CHA2DS2-VASc (cho 1 điểm đối với các yếu tố suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch máu, tuổi ≥ 65, và giới nữ) và cho 2 điểm đối với tuổi ≥ 75 và tiền sử đột quỵ/cơn thoáng thiếu máu não [2]. Mặc dù dễ sử dụng nhưng các thang điểm nguy cơ lâm sàng như CHA2DS2-VASc chỉ có giá trị phân biệt trung bình ở các bệnh nhân với thống kê C 0,549 – 0,638, [3] trong đó 1,0 là phân biệt hoàn hảo và 0,5 không tốt hơn cơ hội ngẫu nhiên. Các dấu ấn sinh học trong máu như các dấu ấn viêm, hoạt tính đông máu, stress tim mạch, tổn thương cơ tim và rối loạn chức năng thận và tim có chứng cứ liên quan với các biến cố lâm sàng và có thể giúp cải thiện đánh giá nguy cơ ở những bệnh nhân nguy cơ rung nhĩ.

CÁC DẤU ẤN SINH HỌC TIM

Tổn thương cơ tim

Troponin tim, một protein nội bào liên quan co bóp cơ tim, được xác định ban đầu là chỉ điểm nhạy của tổn thương cơ tim và nhồi máu cơ tim. Các báo cáo tiếp theo cho thấy troponin tim là chỉ điểm của nguy cơ tăng tái nhồi máu và tử vong ở các bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Sự tăng nhẹ nồng độ troponin được quan sát ở các bệnh nhân bệnh mạch vành mạn, suy tim, và người cao tuổi khỏe mạnh và liên quan với kết cục xấu và tăng tử vong độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch quy ước [5]. Sự phát triển liên tục của các phương pháp xét nghiệm troponin nhạy hơn cho phép phát hiện và đo nồng độ troponin ở hầu như tất cả mọi người. Tầm quan trọng của troponin  ở dân số rung nhĩ được báo cáo lần đầu tiên từ phân tích dấu ấn sinh học RE-LY (Randomized Evaluation of Long-Term Anticoagulant Therapy) thực hiện ở 6.189 bệnh nhân rung nhĩ và được điều trị bằng warfarin hoặc dabigatran do tăng nguy cơ đột quỵ [6]. Thứ nhất, các kết quả chỉ ra rằng nồng độ phát hiện được của tropinin I (≥ 0,01 ng/mL) thường gặp và ở 55% bệnh nhân rung nhĩ có ít nhất một yếu tố nguy cơ đột quỵ. Thứ hai, troponin liên quan có ý nghĩa và độc lập với yếu tố nguy cơ đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống. Hơn nữa, so với CHADS2 và CHA2DS2-VASc, khi thêm thông tin troponin vào mô hình tiên lượng kết cục đột quỵ, nồng độ tropinin I  làm tăng thêm thông tin liên lượng đáng kể. Thứ ba, việc đánh giá nguy cơ tử vong tim mạch được cải thiện bởi sử dụng troponin một cách độc lập và khi thêm vào thang điểm nguy cơ CHADS2 và CHA2DS2-VASc. Các kết quả này được khẳng định trong nghiên cứu dấu ấn sinh học ARISTOTLE (Apixaban for the Prevention of Stroke in Subjects With Atrial Fibrillation), trong đó mẫu máu được thu thập và phân tích troponin T siêu nhạy ở 14.892 bệnh nhân rung nhĩ được điều trị bằng apixaban hoặc warfarin do tăng nguy cơ đột quỵ [7]. Xét nghiệm troponin siêu nhạy có thể phát hiện nồng độ troponin thấp hơn (giới hạn dưới của ngưỡng phát hiện 1,5 ng/L). Do đó, một ti lệ bệnh nhân lớn hơn, 73%, được xác định có nồng độ phát hiện được. Các kết quả nghiên cứu ARISTOTLE đã xác định rằng nồng độ troponin có liên quan với nguy cơ đột quỵ và tử vong độc lập với các đặc điểm ban đầu và dấu ấn sinh học khác. Do đó, hai nghiên cứu trên đã cung cấp chứng cứ vững mạnh rằng bệnh nhân có nồng độ troponin tăng dựa vào giới hạn trên của bách phân vị thứ 99 (troponin I ≥ 0,04 mg/L, troponin T siêu nhạy ≥ 13 ng/L) có tỉ lệ biến cố thuyên tắc huyết khối và tử vong tim mạch cao nhất, độc lập với đặc điểm lâm sàng và dấu ấn sinh học khác. Các phát hiện tương tự cũng được báo cáo từ nghiên cứu sổ bộ đoàn hệ ở những bệnh nhân rung nhĩ được điều trị kháng đông mạn [8]. Các bệnh nhân rung nhĩ với nồng độ troponin trên bách phân vị thứ 50 tăng nguy cơ đột quỵ, biến cố thiếu máu cục bộ khác và tử vong cao bất kể nguy cơ ước đoán theo thang điểm CHADS2 và CHA2DS2-VASc.

 Nguồn gốc tăng troponin ở bệnh nhân rung nhĩ cần thêm nghiên cứu. Có thể do các cơ chế như tăng tần số thất làm mất cán cân cung-cầu và thiếu máu cục bộ cơ tim, quá tải thể tích và áp lực, thay đổi lưu lượng máu vi mạch, quá tải canxi nhĩ, stress oxy hóa hoặc thay đổi cấu trúc mô. Mặc dù không hiểu rõ cơ chế hoàn toàn nhưng các chứng cứ vững mạnh và tính sẵn có của troponin tim ở hầu hết các bệnh viện làm cho dấu ấn sinh học này trở thành ứng cử viên để cải thiện tiên lượng ở các bệnh nhân rung nhĩ ngoài các thang điểm nguy cơ lâm sàng đang được khuyến cáo.

Stress cơ tim

BNP (B-type natriuretic peptide) là một hormone thần kinh được bài tiết từ cơ tim chủ yếu để đáp ứng với sự tăng căng thành tim như quá tải thể tích hoặc áp lực. Nồng độ BNP cũng tăng trong các tình trạng stress huyết động như phì đại thất trái, dãn thất trái, suy tim, hội chứng mạch vành cấp và rung nhĩ cũng như lớn tuổi, rối loạn chức năng thận, và giới nữ [6]. BNP được tổng hợp dưới dạng tiền hormone bất hoạt, được phân cắt thành hormone có hoạt tính sinh học, BNP, có vai trò quan trọng trong tái cấu trúc và cân bằng nội môi tim mạch và phân tử NT-proBNP bất hoạt. Các nghiên cứu trước đây đã mô tả nồng độ natriuretic peptide ở bệnh nhân rung nhĩ so với nhóm chứng nhịp xoang [9]. Nồng độ natriuretic peptide cũng được báo cáo tăng nhanh chóng sau phục hồi nhịp xoang. Tính hữu ích của nồng độ natriuretic peptide trong tiên đoán sự duy trì nhịp xoang sau chuyển nhịp thành công vẫn còn tranh cãi. Tuy nhiên, từ dân số người cao tuổi trong cộng đồng, tăng nồng độ NT-proBNP tiên đoán tăng nguy cơ xuất hiện rung nhĩ độc lập với các yếu tố nguy cơ khác như các thông số siêu âm tim [10].

Vai trò của natriuretic peptide như một dấu ấn tiên lượng mạnh đối với các kết cục và tử vong tim mạch được xác định đầu tiên ở bệnh nhân suy tim, sau đó trong hội chứng mạch vành cấp, bệnh mạch vành mạn và người cao tuổi không triệu chứng trong cộng đồng [11]. Sử dụng natriuretic peptide để tiên đoán nguy cơ ở bệnh nhân rung nhĩ dùng kháng đông được báo cáo lần đầu tiên ở 6.189 bệnh nhân rung nhĩ trong nghiên cứu dấu ấn sinh học RE-LY [6]. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã mô tả tăng nồng độ natriuretic ở bệnh nhân rung nhĩ nhưng đến nghiên cứu RE-LY thì giá trị tiên lượng của dấu ấn sinh học này mới trở nên nổi bật. Trong nghiên cứu RELY, nồng độ NT-proBNP tương quan với nguy cơ biến cố thuyên tắc huyết khối và tử vong tim mạch, nồng độ càng cao thì nguy cơ càng cao. Mặc dù hiệu chỉnh các yếu tố nguy cơ đã biết, nguy cơ đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống tăng gấp đôi và tử vong tim mạch tăng 5 lần ở các bệnh nhân có nồng độ tứ phân vị NT-proBNP cao nhất so với các bệnh nhân nồng độ NT-proBNP bình thường. Thêm NT-proBNP vào mô hình CHADS2 và CHA2DS2-VASc cải thiện ý nghĩa tiên lượng kết cục. Các kết quả từ nghiên cứu dấu ấn sinh học ARISTOTLE xác định và mở rộng các phát hiện này ở các biến cố và phân nhóm khác [12]. Theo đó, trong nghiên cứu đoàn hệ ARISTOTLE, nồng độ NT-proBNP có liên quan với loại đột quỵ (nhồi máu não hoặc xuất huyết não). Đặc biệt, có một mối liên quan mạnh giữa tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não và tăng nồng độ NT-proBNP.

Nồng độ BNP cũng tiên đoán xác suất nhận dạng rung nhĩ tiếp theo ở các bệnh nhân đột quỵ căn nguyên ẩn. Ở các bệnh nhân với nồng độ BNP thấp, việc nhận dạng rung nhĩ bằng máy theo dõi hầu như không thể.

Ngoại trừ là dấu ấn đáng tin cậy của rối loạn chức năng thất ở bệnh nhân suy tim, có những tranh luận về NT-proBNP có nguồn gốc từ nhĩ trong rung nhĩ do stress cơ tim ở nhĩ và do đó phản ánh rối loạn chức năng nhĩ. Mô hình đề nghị này sẽ hấp dẫn vì rối loạn chức năng nhĩ là yếu tố nguy cơ đã xác định của hình thành huyết khối trong rung nhĩ và đại diện cho cơ chế sinh lý bệnh về tương quan giữa natriuretic peptide và biến cố thuyên tắc huyết khối trong rung nhĩ. Giá trị tiên lượng nguy cơ bằng cách thêm natriuretic peptide vào mô hình phân tầng nguy cơ lâm sàng sẽ tăng đáng kể. Do đó, cơ hội sử dụng NT-proBNP để cải thiện phân tầng nguy cơ rung nhĩ trong thực hành lâm sàng hàng ngày  sẽ trở nên hấp dẫn.

CÁC DẤU ẤN CHỨC NĂNG THẬN

Độ lọc cầu thận (ĐLCT)  được chấp nhận là một chỉ số hữu ích của chức năng thận. Phương pháp đo ĐLCT theo tiêu chuẩn vàng phức tạp và khó thực hiện trong thực hành lâm sàng hàng ngày và cần đo độ thanh lọc các dấu ấn ngoại sinh trong nước tiểu hoặc máu. Do đó, ĐLCT thường được ước đoán từ nồng độ huyết thanh của dấu ấn nội sinh như creatinine. Một số phương trình phối hợp các biến số dân số như tuổi, giới, kích thước cơ thể và chủng tộc cùng với creatinine huyết thanh để ước đoán ĐLCT. ĐLCT giảm có liên quan với tăng nguy cơ tử vong, biến cố tim mạch nặng và biến cố xuất huyết ở các bệnh nhân bệnh mạch vành cũng như trong dân số chung [13]. Tỉ lệ hiện mắc của rung nhĩ cao hơn ở bệnh thận giai đoạn cuối so với dân số chung, và tăng khi ĐLCT giảm ở bệnh thận mạn [14]. Rối loạn chức năng thận cũng liên quan với tăng nguy cơ tái phát rung nhĩ ngắn hạn và dài hạn sau khi chuyển nhịp thành công bằng sốc điện cũng như duy trì kém nhịp xoang sau điều trị cắt đốt rung nhĩ. Go và cs [15] báo cáo kết cục đột quỵ gia tăng khi ĐLCT giảm hoặc tiểu đạm hiện diện. Các kết quả này dựa vào ĐLCT ước đoán theo phương trình MDRD (Modification of  Diet in Renal Disease). Hohnloser và cs [16] báo cáo các kết quả tương tự dựa vào dân số thử nghiệm ARISTOTLE, trong đó tỉ lệ đột quỵ và xuất huyết tăng khi chức năng thận giảm ước đoán bằng phương trình Cockcroft-Gault và Chronic Kidney Disease Epidemiology.

Cystatin C

Cystatin C là một protein nhỏ được tổng hợp với tốc độ thường xuyên ở tất cả tế bào có nhân. Nó được lọc tự do qua cầu thận nhưng không tái hấp thu vào máu, bị ảnh hưởng tối thiểu bởi tình trạng bệnh và do đó được xem là dấu ấn nội sinh của ĐLCT tốt hơn creatinine. Cystatin C được đề nghị là dấu ấn của chức năng thận tin cậy hơn creatinine huyết thanh, nhất là phát hiện giảm nhẹ ĐLCT. Bệnh thận mạn có liên quan với tình trạng tăng đông và xơ vữa động mạch tiến triển. Cystatin C phản ánh rối loạn chức năng vi mạch thận và liên quan với tăng nồng độ của các dấu ấn đông máu, dấu ấn viêm và độ nặng của bệnh mạch vành. Ngoài ra, cystatin C cải thiện phân tầng nguy cơ so với ĐLCT ước đoán dựa vào creatinine ở người cao tuổi và dân số bệnh mạch vành. Ý nghĩa của cystatin ở dân số rung nhĩ được báo cáo trong nghiên cứu dấu ấn sinh học ARISTOTLE và RE-LY [16],[17]. Tăng nồng độ cystatin C có liên quan độc lập với tăng tỉ lệ đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống, tử vong, xuất huyết nặng và cải thiện phân tầng nguy cơ và tiên đoán nguy cơ.

 Mặc dù suy thận là một yếu tố nguy cơ chính của biến cố thuyên tắc huyết khối và tim mạch trong rung nhĩ nhưng chưa hiện diện trong các mô hình phân tầng nguy cơ hiện tại. Đây là vấn đề lớn vì các bệnh nhân suy thận thường được điều trị không tối ưu bằng kháng đông uống do có liên quan với nguy cơ xuất huyết cao hơn nhất là khi điều trị với kháng vitamin K. Mặc dù cystatin C cải thiện phân tầng nguy cơ đột quỵ nhưng chức năng thận ước đoán dựa vào creatinine là chỉ điểm tốt hơn của nguy cơ xuất huyết khi điều trị kháng đông uống trong nghiên cứu ARISTOTLE. Hơn nữa, các thuốc kháng đông mới được lọc bởi thận. Do đó, ĐLCT ước đoán dựa vào creatinine có giá trị tiềm năng trong ước đoán nguy cơ biến cố cũng như chọn lựa liều tốt nhất của các thuốc kháng đông uống mới cũng như cũ.

CÁC DẤU ẤN ĐÔNG MÁU

D-dimer

Tình trạng tiền đông trong rung nhĩ được mô tả lần đầu cách đây hai thập niên. Trong số các dấu ấn đông máu trong rung nhĩ, D-dimer huyết tương, một dấu ấn của phân giải fibrin, được sử dụng như chỉ số về hình thành huyết khối và được nghiên cứu thường xuyên. Nồng độ D-dimer tăng so với nhóm chứng nhịp xoang và có vẻ vẫn còn tăng mặc dù chuyển nhịp thành công [18]. Nồng độ D-dimer có vẻ tăng với sự tích lũy các yếu tố nguy cơ lâm sàng của thuyên tắc huyết khối hoặc sự hiện diện của huyết khối tiểu nhĩ trái. Chỉ có một số nghiên cứu tương đối nhỏ mô tả giá trị tiên lượng đột quỵ của nồng độ D-dimer trong phân tích đơn biến hoặc tiên lượng tổ hợp các biến cố tim mạch với hiệu chỉnh Cox. Tuy nhiên, các báo cáo từ nghiên cứu dấu ấn sinh học RE-LY ở 6.216 bệnh nhân rung nhĩ mô tả mối liên quan giữa nồng độ D-dimer ban đầu và nguy cơ đột quỵ, tử vong tim mạch và các kết cục xuất huyết nặng độc lập với các yếu tố nguy cơ đã xác định bao gồm các biến số CHADS2  [19]. Nguy cơ tăng khi nồng độ D-dimer tăng với chứng cứ tăng 3 lần đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống và 3,5 lần tử vong tim mạch khi so sánh tứ phân vị cao nhất với thấp nhất. Các kết quả này chứng tỏ  rằng nồng độ D-dimer ban đầu, bất kể điều trị kháng vitamin K tiếp diễn, có liên quan với đột quỵ, tử vong và xuất huyết nặng [20]. Các kết quả này cũng gợi ý rằng D-dimer cũng có thể là một dấu ấn nguy cơ hữu ích của rung nhĩ.

CÁC DẤU ẤN VIÊM

Interleukin và protein phản ứng C

Có chứng cứ rằng tình trạng viêm có liên quan với rung nhĩ cũng như cơ chế bệnh sinh của rối loạn nhịp tim. Protein phản ứng C (CRP) là protein pha cấp được sản xuất bởi gan để đáp ứng với các interleukin khác như interleukin 6 (IL-6) khởi phát bởi viêm. Interleukin-6 và CRP là các dấu  ấn mạnh và đã được xác định của tình trạng viêm và được nghiên cứu nhiều nhất trong các bệnh tim mạch và rung nhĩ. Phần lớn các nghiên cứu đã báo cáo rằng tăng nồng độ CRP hoặc các dấn ấn viêm khác là yếu tố nguy cơ độc lập đối với tỉ lệ mới mắc của rung nhĩ ở những đối tượng không có tiền sử rung nhĩ [21]. Hầu hết các thử nghiệm cũng kết luận tăng nồng độ dấu ấn viêm trong rung nhĩ so với nhóm chứng mặc dù một số nghiên cứu khác nhau về ý nghĩa khi áp dụng mô hình đa biến. Hơn nữa, các dữ liệu cho thấy mối tương quan giữa dấu ấn viêm và rung nhĩ, tăng nồng độ dấu ấn viêm với sự tích lũy các yếu tố nguy cơ và ảnh hường đối với chuyển nhịp như nồng độ càng cao làm giảm tỉ lệ thành công và kém duy trì nhịp xoang. Quá trình viêm có ý nghĩa đối với sự xuất hiện và kéo dài rung nhĩ. Tình trạng viêm cũng có ý nghĩa tiên lượng ở bệnh nhân rung nhĩ. Vào năm 2004, Conway và cs [22] báo cáo mối liên quan giữa IL-6 và tổ hợp kết cục đột quỵ và tử vong. Sau đó, giá trị tiên lượng của CRP đối với tử vong do mọi nguyên nhân và tổ hợp đột quỵ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim hoặc tử vong do nguyên nhân mạch máu được trình bày trong nghiên cứu đoàn hệ lớn hơn SPAF (Stroke Prevention in Atrial Fibrillation) [23]. Các nghiên cứu gần đây xác nhận các kết quả này trong đó CRP có liên quan độc lập với tử vong và IL-6 liên quan với tử vong do mọi nguyên nhân và tổ hợp bao gồm đột quỵ/cơn thoáng thiếu máu não, thuyên tắc hệ thống, hội chứng mach vành cấp, suy tim cấp và tử vong do nguyên nhân tim mạch. Các kết quả dẫn nhập từ nghiên cứu dấu ấn sinh học cho thấy mối liên quan độc lập giữa IL-6 và đột quỵ hoặc các biến cố thuyên tắc ở 6.200 bệnh nhân rung nhĩ [24]. IL-6 cũng liên quan độc lập với tử vong do nguyên nhân tim mạch. Nồng độ tứ phân vị CRP cũng liên quan độc lập với tử vong do nguyên nhân tim mạch sau khi hiệu chỉnh đa biến. Mối liên quan giữa các dấu ấn viêm và biến cố thuyên tắc có thể do mối liên quan giữa viêm và tình trạng tiền đông trong rung nhĩ ở một số bệnh lý. Chỉ điểm của tình trạng viêm như một thành phần của bệnh rung nhĩ và liên quan với một số kết cục làm tình trạng viêm trở thành một mục tiêu thú vị để nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm cho việc sử dụng tình trạng viêm để phân tầng nguy cơ bệnh nhân rung nhĩ trong thực hành hàng ngày.

QUYẾT ĐỊNH ĐIỀU TRỊ DỰA VÀO CÁC DẤU ẤN SINH HỌC

Việc xác định các bệnh nhân cần điều trị kháng đông uống có thể được cải thiện bằng cách thêm các dấu ấn sinh học vào các yếu tố nguy cơ lâm sàng. Tuy nhiên, chiến lược đó cần đánh giá thêm trước khi áp dụng trong thực hành lâm sàng. Thay đổi các chọn lựa điều trị khác dựa vào các dấn ấn sinh học chưa được tiến hành trong nghiên cứu đoàn hệ rung nhĩ. Có một số chứng cứ về cải thiện các kết cục ở bệnh nhân suy tim mạn được điều trị dưới hướng dẫn của nồng độ NT-proBNP so với điều trị chuẩn [25]. Liệu các dấu ấn sinh học có thể đóng vai trò tương tự trong rung nhĩ hay không cần được làm sáng tỏ.

KẾT LUẬN

Các dấu ấn sinh học có thể làm tăng sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của rung nhĩ cũng như cải thiện tiên lượng nguy cơ. Một số dấu ấn sinh học phản ánh quá trình sinh lý bệnh xuất hiện rung nhĩ, trong khi các dấu ấn khác dự đoán nguy cơ biến cố tim mạch trong tương lai. Các dấu ấn trong bài báo này được đánh giá riêng lẻ. Chiến lược sử dụng  nhiều dấu ấn sinh học  để cải thiên phân tầng nguy cơ đã được mô tả ở bệnh mạch vành [4]. Do đó, phân tầng nguy cơ của bệnh nhân rung nhĩ dựa vào nhiều dấu ấn sinh học cần được làm rõ trong các thử nghiệm lâm sàng sắp tới. Các dấu ấn sinh học có thể có vai trò tiên đoán đáp ứng điều trị và chọn lựa điều trị như sử dụng dấu ấn thận đánh giá nguy cơ xuất huyết của thuốc kháng đông uống mới hoặc dấu ấn di truyền để chỉnh liều warfarin. Trong tương lai, khi proteomics và lĩnh vực sinh học phát triển, nhiều dấu ấn sinh học hữu ích sẽ được phát hiện và giúp tăng hiểu biết về sinh lý bệnh của rung nhĩ, theo dõi điều trị, mục tiêu thuốc tiềm năng và phát hiện bệnh sớm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Benjamin EJ, et al. Impact of atrial fibrillation on the risk of death: the Framingham Heart Study. Circulation 1998; 98: 946-952.
2.    Camm AJ, et al. Guideline for the management of atrial fibrillation: the Task Force for the management of atrial fibrillation of the European Society of Cardiology (ESC). Eur Heart J 2010; 31: 2369-2429.
3.    Lip GY, et al. Refining clinical risk stratification for predicting stroke and thromboembolism in atrial fibrillation using a novel risk factor-based approach: the euro heart survey on atrial fibrillation. Chest 2010; 137: 263-272.
4.    James SK, et al. Troponin and C-reactive protein have different relations to subsequent mortality and myocardial infarction after acute coronary syndrome: a GUSTO-IV substudy. J Am Coll Cardiol 2003; 41: 916-924.
5.    Horwich TB, et al. Cardiac troponin I  is associated with impaired hemodynamics, progressive left ventricular dysfunction, and increased mortality rates in advanced heart failure. Circulation 2003; 108: 833-838.
6.    Hijazi Z, et al. Cardiac biomarkers are associated with an increased risk of stroke and death in patients with atrial fibrillation: a randomized evaluation of long-term anticoagulation therapy (RE-LY) substudy. Circulation 2012; 125: 1605-1616.
7.    Wallentin L, et al. High sensitivity troponin T for risk stratification in atrial fibrillation during treatment with apixaban or warfarin. Eur Heart J 2012; 33 (Abstract Supplement 53).
8.    Roldan V, et al. High sensitivity cardiac troponin T and interleukin-6 predict adverse cardiovascular events and mortality in anticoagulated patients with atrial fibrillation. J Thromb Haemost 2012; 10: 1500-1507.
9.    Ellinor PT, et al. Discordant atrial natriuretic peptide and brain natriuretic peptide levels in lone atrial fibrillation. J Am Coll Cardiol 2005; 45: 82-86.
10.     Patton KK, et al. N-terminal pro-B-type natriuretic peptide is a major predictor of the development of atrial fibrillation: the Cardiovascular Health Study. Circulation 2009; 120: 1768-1774.
11.    Fonarow GC, et al. Admission B-type natriuretic peptide levels and in-hospital mortality in acute decompensated heart failure. J Am Coll Cardiol 2007; 49: 1943-1950.
12.    Hijazi Z, et al. NT-proBNP for risk stratification in atrial fibrillation during treatment with apixaban or warfarin. European Heart Journal 2012; 33 (Abstract Supplement, 51).
13.    Al Suwaidi J, et al. Prognostic implications of abnormalities in renal function in patients with acute coronary syndromes. Circulation 2002; 106: 974-980.
14.    Ananthapanyasut W, et al. Prevalence of atrial fibrillation and its predictors in non-dialysis patients with chronic kidney disease. Clin J Am Soc Nephrol 2010; 5: 173-181.
15.    Go AS, et al. Impact of proteinuria and glomerular filtration rate on risk of thromboembolism in atrial fibrillation: the anticoagulation and risk factors in atrial fibrillation: insights from the ARISTOTLE trial. Eur Heart J 2012; 33: 2821-2830.
16.    Hohnloser SH, et al. Efficacy of apixaban when compared with warfarin in relation to renal function in patients with atrial fibrillation: insights from the ARISTOTLE trial. Eur Heart J 2012; 33: 2821-2830.
17.    Hijazi Z, et al. Cystatin C is prognostic for stroke, death and bleeding during anticoagulation of atrial fibrillation – a RELY substudy. Circulation 2011; (Abstract supplement AHA 124: A12492).
18.    Asakura H, et al. Prothrombin fragment F1+2 and thrombin-antithrombin III complex are useful markers of the hypercoagulable state in atrial fibrillation. Blood Coagul Fibrinolysis 1992; 3: 469-473.
19.    Eikelboom J, et al. D-dimer is prognostic for stroke, major bleeding and death during anticoaglution of atrial fibrillation – a RELY substudy. Circulation 2010; 122: A18321.
20.    Christersson C, et al. Increased levels of D-dimer in atrial fibrillation identify patients with higher risk of thromboembolic events and death. European Heart Journal 2012; 33 (Abstract Supplement, 51, Abstract session 5297).
21.    Aviles RJ, et al. Inflammation as a risk factor for atrial fibrillation. Circulation 2003; 108: 3006-3010.
22.    Conway DS, et al. Prognostic significance of raised plasma levels of interleukin-6 and C-reactive protein in atrial fibrillation. Am Heart J 2004; 148: 462-466.
23.    Lip GY, et al. High-sensitivity C-reactive protein and soluble CD40 ligand as indices of imflammation and platelet activation in 880 patients with nonvalvular atrial fibrillation: relationship to stroke risk factors, stroke risk stratifification schema, and prognosis. Stroke 2007; 38: 1229-1237.
24.    Aulin JK EM, et al. Interleukin-6 and C-reactive protein and risk for death and cardiovascular events in patients with atrial fibrillation. J Am Coll Cardiol 2011; 57: E91.
25.    Felker GM, et al. Biomarker-guided therapy in chronic heart failure: a meta-analysis of randomized controlled trials. Am Heart J 2009; 158: 422-430.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO