KHUYẾN CÁO SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG NGƯNG TẬP TIỂU CẦU ĐƯỜNG UỐNG TRONG HỘI CHỨNG MẠCH VÀNH CẤP ST KHÔNG CHÊNH CỦA HỘI TIM MẠCH CHÂU ÂU NĂM 2011
Điều trị chống ngưng tập tiểu cầu càng sớm càng tốt khi đã chẩn đoán hội chứng mạch vành cấp ST không chênh, nó sẽ làm giảm nguy cơ cả các biến chứng thiếu máu cơ tim cấp và biến cố huyết khối xơ vữa tái phát. Dựa trên kết quả của các thử nghiệm lâm sàng, hướng dẫn mới của Hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology: ESC) đã đưa vào các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu mới như ticagrelor, prasugrel. Đặc biệt, clopidogrel hiện chỉ được khuyến cáo ở những bệnh nhân không thể dùng ticagrelor hoặc prasugrel.
Các khuyến cáo sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu đường uống:
1. Aspirin nên sử dụng ở tất cả bệnh nhân nếu không có chống chỉ định với liều nạp đầu tiên là 150 – 300mg, và duy trì ở liều 75 – 100mg/ngày dài hạn bất kể chiến lược điều trị. (I,A)
2. Thuốc ức chế thụ thể P2Y12 nên phối hợp với aspirin càng sớm càng tốt và duy trì hơn 12 tháng, ngoại trừ có chống chỉ định như nguy cơ chảy máu nhiều. (I,A)
3. Khuyến cáo phối hợp thuốc ức chế bơm proton (không phải omeprazole) với điều trị kháng tiểu cầu kép ở những bệnh nhân có tiền căn xuất huyết dạ dày ruột hoặc loét dạ dày, và thích hợp ở những bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ khác (nhiễm Helicobacter pylori, trên 65 tuổi, sử dụng đồng thời thuốc kháng đông hoặc steroids). (I,A)
4. Ngưng kéo dài thuốc ức chế thụ thể P2Y12 trong 12 tháng khi ghi nhận có các biến cố bất lợi trừ khi lâm sàng có chỉ định. (I,C)
5. Ticagrelor (liều nạp 180mg, sau đó 90mg hai lần/ngày) được khuyến cáo cho tất cả bệnh nhân có nguy cơ biến cố thiếu máu cơ tim mức độ trung bình đến cao (như troponin tăng), bất kể chiến lược điều trị ban đầu và gồm cả bệnh nhân đã điều trị trước đó bằng clopidogrel (clopidogrel sẽ ngưng sử dụng khi bắt đầu điều trị bằng ticagrelor). (I,B)
6. Prasugrel (liều nạp 60mg, sau đó 10mg/ngày) được khuyến cáo cho những bệnh nhân đã sử dụng thuốc ức chế thụ thể P2Y12 (đặc biệt bệnh nhân đái tháo đường) đã xác định giải phẫu tổn thương động mạch vành và dự định tiếp tục can thiệp mạch vành qua da trừ khi có nguy cơ cao chảy máu đe dọa tính mạng hoặc các chống chỉ định khác. (I,B)
7. Clopidogrel (liều nạp 300mg, sau đó 75mg/ngày) được khuyến cáo cho những bệnh nhân không thể sử dụng ticagrelor hoặc prasugrel. (I,A)
8. Liều nạp 600mg clopidogrel (hoặc bổ sung 300mg lúc can thiệp mạch vành qua da sau khi đã sử dụng liều nạp đầu tiên 300mg) được khuyến cáo cho những bệnh nhân có kế hoạch điều trị xâm lấn khi ticagrel hoặc prasugrel không được lựa chọn. (I,B)
9. Liều clopidogrel duy trì cao hơn với 150mg/ngày nên được xem xét trong 7 ngày đầu tiên ở bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da và không tăng nguy cơ chảy máu. (IIa,B)
10. Tăng liều duy trì clopidogrel dựa trên xét nghiệm chức năng tiểu cầu không được thực hiện thường quy, nhưng có thể xem xét một số trường hợp chọn lọc. (IIb,B)
11. Xét nghiệm kiểu gen và/hoặc chức năng tiểu cầu có thể xem xét trong một số trường hợp chọn lọc khi clopidogrel được sử dụng. (IIb,B)
12. Ở những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc ức chế thụ thể P2Y12 cần thực hiện phẫu thuật lớn không phải cấp cứu (gồm phẫu thuật bắt cầu động mạch vành), trì hoãn phẫu thuật ít nhất 5 ngày sau khi ngừng ticagrelor hoặc clopidogrel, và 7 ngày đối với prasugrel, nếu lâm sàng cho phép và trừ khi bệnh nhân có nguy cơ cao biến cố thiếu máu cơ tim cần được xem xét. (IIa,C)
13. Ticagrelor hoặc clopidogrel nên được xem xét sử dụng trở lại sớm sau phẫu thuật bắt cầu động mạch vành nếu đánh giá an toàn.(IIa,B)
14. Phối hợp aspirin với kháng viêm không steroid (ức chế COX-2 chọn lọc và kháng viêm không steroid không chọn lọc) không được khuyến cáo. (III,C)
(From European Heart Journal 2011; DOI:10.1093/eurheartj/ehr236)
KHUYẾN CÁO XỬ TRÍ RỐI LOẠN NHỊP TIM TRONG THAI KỲ CỦA HỘI TIM MẠCH CHÂU ÂU NĂM 2011
Ngoại tâm thu và nhịp nhanh dai dẳng rất thường gặp và có thể là biểu hiện lần đầu tiên khi mang thai. Nhịp nhanh kịch phát trên thất có triệu chứng có thể xảy ra 20-44% trường hợp trong thai kỳ. Mặc dù hầu hết hồi hộp là lành tính, nhịp nhanh thất mới xuất hiện là đáng quan tâm và bệnh nhân cần được khảo sát các bệnh tim cấu trúc.Vấn đề lưu ý khi sử dụng các thuốc chống loạn nhịp là tác dụng phụ của nó đối với thai nhi. Tất cả các thuốc chống loạn nhịp cần được xem xét nguy cơ ngộ độc đối với thai nhi. Sử dụng thuốc trong tam cá nguyệt đầu tiên liên quan với nguy cơ cao quái thai, còn vào giai đoạn sau thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi cũng như tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp tim. Nguy cơ và lợi ích của việc tiếp tục hoặc ngừng sử dụng thuốc cần cân nhắc kỹ càng do có thể tái phát rối loạn nhịp tim trong quá trình mang thai. Quyết định này tùy từng cá thể và dựa trên diễn tiến rối loạn nhịp tim và bệnh tim mắc phải. Quan trọng là rối loạn nhịp nhanh có triệu chứng nên được điều trị cắt đốt bằng ống thông trước khi mang thai.
Khuyến cáo xử trí rối loạn nhịp tim trong thai kỳ của Hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology: ESC)
Xử trí nhịp nhanh trên thất
1. Khuyến cáo chuyển nhịp cấp cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng nghiệm pháp phế vị, tiếp theo là adenosin tĩnh mạch. (I,C)
2. Chuyển nhịp bằng sốc điện lập tức được khuyến cáo trong điều trị cấp bất kỳ nhịp nhanh có rối loạn huyết động. (I,C)
3. Khuyến cáo điều trị dài hạn nhịp nhanh trên thất bằng digoxin hoặc metoprolol/propranolol đường uống. (I,C)
4. Xem xét chuyển nhịp cấp cơn nhịp nhanh trên thất bằng metoprolol hoặc propranolol tĩnh mạch. (IIa,C)
5. Xem xét điều trị dài hạn nhịp nhanh trên thất bằng sotalol hoặc flecainide đường uống nếu digoxin hoặc ức chế beta thất bại. (IIa,C)
6. Chuyển nhịp cấp cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất bằng verapamil tĩnh mạch có thể được xem xét (IIb,C)
7. Điều trị dài hạn nhịp nhanh trên thất bằng propafenone hoặc procainamide đường uống có thể được xem xét như là chọn lựa sau cùng nếu các thuốc gợi ý khác thất bại và trước khi amiodarone được sử dụng. (IIb,C)
8. Điều trị dài hạn nhịp nhanh trên thất bằng verapamil đường uống có thể được xem xét để kiểm soát tần số nếu các thuốc ức chế nút nhĩ thất khác thất bại (IIb,C)
9. Atenolol không nên sử dụng trong mọi trường hợp rối loạn nhịp tim. (III,C)
Xử trí nhịp nhanh thất
1. Cấy máy phá rung trong cơ thể, nếu lâm sàng có chỉ định, được khuyến cáo trước khi mang thai nhưng còn được khuyến cáo khi có chỉ định trong khi mang thai. (I,C)
2. Điều trị dài hạn hội chứng QT dài bẩm sinh bằng thuốc ức chế beta được khuyến cáo trong thai kỳ cũng như sau sinh khi nó mang lại nhiều lợi ích. (I,C)
3. Khuyến cáo điều trị dài hạn nhịp nhanh thất dai dẳng tự phát bằng metoprolol, propranolol hoặc verapamil đường uống. (I,C)
4. Chuyển nhịp bằng sốc điện lập tức nhịp nhanh thất được khuyến cáo đối với nhịp nhanh thất dai dẳng, ổn định và không ổn định. (I,C)
5. Xem xét chuyển nhịp cấp nhịp nhanh thất dai dẳng, đơn dạng, huyết động ổn định bằng sotolol hoặc procainamid tĩnh mạch. (IIa,C)
6. Xem xét cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn hoặc máy phá rung trong cơ thể (chọn một buồng) dưới sự hướng dẫn siêu âm tim, đặc biệt nếu thai nhi sau 8 tuần. (IIa,C)
7. Chuyển nhịp cấp nhịp nhanh thất dai dẳng, đơn dạng, huyết động ổn định kháng trị với chuyển nhịp bằng sốc điện hoặc không đáp ứng với các thuốc khác, amiodarone tĩnh mạch nên được xem xét. (IIa,C)
8. Điều trị dài hạn nhịp nhanh thất dai dẳng tự phát bằng sotalol, flecanide, propranolol đường uống nên được xem xét nếu các thuốc khác thất bại. (IIa,C)
9. Cắt đốt bằng ống thông có thể xem xét trong trường hợp kháng trị với thuốc và nhịp nhanh dung nạp kém. (IIb,C)
(From European Heart Journal 2011; DOI:10.1093/eurheartj/ehr218)
TĂNG HUYẾT ÁP LÀM TĂNG NGUY CƠ TỬ VONG DO UNG THƯ
Kết quả từ một nghiên cứu lớn cho thấy: Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư và tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư mặc dù tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư chỉ có ý nghĩa thống kê ở nam, không có ý nghĩa thống kê ở nữ.
Theo Tiến sĩ Mieke Van Hemelrijck – Trưởng nhóm nghiên cứu dịch tể học ung thư Trường Đại học London, Vương Quốc Anh – Nguy cơ tuyệt đối và tương đối chỉ tăng ở mức vừa phải.
Trên phương diện sức khỏe cộng đồng, đây là một vấn đề quan trọng bởi vì một tỷ lệ lớn dân số ở các nước phương Tây bị tăng huyết áp. Theo Tiến sĩ Per Hall, nhà ung thư học và giáo sư về dịch tể học tại Viện Karolinksa, Stockholm, Thụy Điển: Ý nghĩa của phát hiện này là những chiến lược phòng ngừa tiên phát của các chuyên gia tim mạch có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư. Đối với các nhà ung thư học, điều này nhấn mạnh sự cần thiết của một tiếp cận tích cực hơn. Các nhà ung thư học cần suy nghĩ vượt ra ngoài phạm vi điều trị ung thư và cần xem xét điều trị bệnh nhân toàn diện, điều trị cả tăng huyết áp và bệnh tim mạch. Nếu bác sĩ xem xét toàn diện bệnh nhân, sẽ cải thiện được sống còn.
Mối liên hệ với tăng huyết áp
Theo Tiến sĩ Van Hemelrijck, những nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa tăng huyết áp và ung thư đã cho kết quả chưa đồng nhất, một số cho thấy có sự liên hệ, một số nghiên cứu khác không thấy có sự liên hệ.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trước đây chỉ dựa vào 1 lần đo huyết áp, có thể gây ra sai lệch ngẫu nhiên. Để kiểm soát việc này, Tiến sĩ Van Hemelrijck và cộng sự đã sử dụng dữ kiện từ một phân nhóm những người tham gia trong nghiên cứu của họ (133.829 người trong tổng số 577.799 người) – những người có vài lần đo huyết áp và đã sử dụng kết quả này để điều chỉnh các sai lệch ngẫu nhiên của mẫu.
Theo Tiến sĩ Van Hemelrijck: Các nhà nghiên cứu cũng kiểm soát huyết áp và mập phì – những yếu tố không được kiểm soát trong vài nghiên cứu trước đây và kiểm soát cả tuổi và giới tính. Tuy nhiên, nghiên cứu đã không có bất kỳ thông tin nào về điều trị tăng huyết áp, cũng không ghi nhận thuốc nào đã được sử dụng để kiểm soát huyết áp.
Là nghiên cứu lớn nhất tính đến hiện tại
Đây là nghiên cứu lớn nhất gồm 289.458 nam và 288.345 nữ. Dữ kiện lấy từ chương trình chuyển hóa và ung thư (Metabolic Syndrome and Cancer (Me-Can)) – gồm những người Na-uy, Thụy Điển và Úc đã khám sức khỏe định kỳ từ năm 1972 đến năm 2005.
Sau 1 thời gian theo dõi trung bình là 12 năm, loại bỏ năm đầu tiên, ung thư được chẩn đoán trong 22.184 nam và 14.744 nữ và 8.724 nam và 4.525 nữ đã tử vong vì ung thư.
Số đo huyết áp được ghi nhận như là trung bình cộng của huyết áp tâm thu và tâm trương. Trị số huyết áp trung bình của tất cả các trung bình trong nghiên cứu là 107 mmHg ở nam và 102 mmHg ở nữ. Kết quả huyết áp được chia thành 5 nhóm, những người trong nhóm bách phân vị thứ nhất có huyết áp thấp nhất và những người trong nhóm bách phân vị thứ năm có huyết áp cao nhất.
Phân tích hồi quy Cox cho thấy, nguy cơ phát triển và tử vong do ung thư tỷ lệ tuyến tính với mức tăng của huyết áp.
Sự gia tăng tần suất ung thư do tăng huyết áp chỉ có ý nghĩa thống kê ở nam, nhất là tăng nguy cơ bị ung thư miệng, đại-trực tràng, phổi, bàng quang và thận và các ung thư melanoma da và ung thư da không phải melanoma. Nguy cơ toàn bộ phát triển bất kỳ loại ung thư nào tăng lên 29% giữa nhóm nam có huyết áp ở bách phân vị thấp nhất và huyết áp ở bách phân vị cao nhất.
Theo Tiến sĩ Van Hemelrijck: Đề cập đến nguy cơ tuyệt đối, nguy cơ ung thư tăng do tăng huyết áp chỉ ở mức vừa phải. Nam có huyết áp trung bình trong nhóm bách phân vị cao nhất có nguy cơ tuyệt đối bị ung thư là 16%, so với nguy cơ tuyệt đối là 13% của người nam có huyết áp trung bình trong nhóm bách phân vị thấp nhất.
Cũng theo Tiến sĩ Van Hemelrijck: Đối với tử vong do ung thư, nguy cơ tuyệt đối là 8% ở nam trong nhóm bách phân vị cao nhất, so với 5% ở nam trong nhóm bách phân vị thấp nhất. Ở nữ, nguy cơ tuyệt đối là 5% trong nhóm bách phân vị cao nhất và 4% ở nhóm bách phân vị thấp nhất.
Đây là một nghiên cứu quan sát, vì vậy, chúng tôi không thể nói là có mối liên hệ nhân quả hay không giữa tăng huyết áp và nguy cơ ung thư, cũng không thể nói nguyên nhân của ung thư là 1 yếu tố có liên quan đến huyết áp. Tiến sĩ Van Hemelrijck phát biểu.
Tiến sĩ Van Hemelrijck cũng cho rằng: Tăng huyết áp là hậu quả của một lối sống không lành mạnh. Ung thư và đái tháo đường là những yếu tố nguy cơ đã được thiết lập của ung thư. Tăng huyết áp là một phần của hội chứng chuyển hóa, làm tăng thêm nguy cơ chứ không hẳn là một yếu tố nguy cơ riêng biệt. Tiến sĩ cũng nhấn mạnh: Một nghiên cứu phân tích gộp đăng trên Am J Med., 2002 đã cho thấy mối liên hệ giữa tăng huyết áp và ung thư thận. Trong trường hợp này, mối liên hệ nhân quả có thể lý giải là do huyết áp tăng làm tăng tải cho thận. Nghiên cứu phân tích gộp này đã phân tích dữ liệu từ 10 nghiên cứu (gồm 47.119 bệnh nhân) và nhận thấy, tăng huyết áp liên quan với tăng 23% nguy cơ tử vong do ung thư. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận mối liên hệ giữa tăng huyết áp và nguy cơ cao bị ung thư thận chứ không phải là ung thư của bất kỳ cơ quan nào khác. Tỷ số chênh của ung thư thận ở bệnh nhân tăng huyết áp so với người có huyết áp bình thường là 1,75.
Một trong số những đồng tác giả của nghiên cứu phân tích gộp – Tiến sĩ Franz H. Messerli – Giáo sư y khoa tại trường đại học Columbia, thành phố New York cho biết thêm: Vì đây là nghiên cứu lớn nhất cho đến hiện tại về mối liên hệ giữa tăng huyết áp và ung thư nên cần được xem xét cẩn thận.
Theo tiến sĩ Messerli, tăng huyết áp không chỉ là hậu quả của một lối sống không lành mạnh mà còn làm cho bệnh nhân đi khám bệnh nhiều hơn. Bệnh nhân đi khám bệnh càng nhiều, càng tăng nguy cơ được chẩn đoán các bệnh lý ác tính. Ngoài ra, bệnh nhân tăng huyết áp thường uống thuốc hạ áp trong nhiều năm và nhiều thập kỷ. Tính an toàn dài hạn của các thuốc hạ áp vẫn chưa được hiểu rõ, bởi vì phần lớn các nghiên cứu về tác dụng phụ chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm. Nghiên cứu hiện tại không cung cấp bất kỳ thông tin nào về thuốc điều trị tăng huyết áp. Do đó, chúng tôi không biết mối liên hệ giữa tăng huyết áp và ung thư là do huyết áp tăng, do các thuốc sử dụng điều trị, lối sống không lành mạnh hay do thường xuyên được bác sĩ thăm khám…Vì vậy, những nghiên cứu tương tự nghiên cứu này thường tạo ra nhiều tranh luận, có thể gây lo lắng cho bệnh nhân và bác sĩ không thích.
(From Hypertension Increases Risk for Cancer Death. Http://www.medscape.com/viewarticle/750443)