Chuyên mục Xa lộ Thông tin kỳ này xin gửi đến quý độc giả 2 bài báo cáo trong lĩnh vực suy tim và đái tháo đường mới xuất bản.
ỨC CHẾ ANGIOTENSIN–NEPRILYSIN TRONG SUY TIM MẤT BÙ CẤP (Nghiên cứu PIONEER-HF)
Cơ sở
Suy tim mất bù cấp có hơn mộttriệu ca nhập viện tại Hoa Kỳ hàng năm. Khởi trị sacubitril – valsartan ở những bệnh nhân nhập viện vì suy tim mất bù cấp có an toàn và hiệu quả hay không còn chưa được biết rõ.
Phương pháp
Nghiên cứu tuyển mộ những bệnh nhân suy tim với phân suất tống máu giảm được nhập viện vì suy tim mất bù cấp tại 129 trung tâm ở Hoa Kỳ. Sau khi ổn định huyết động, bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm hoặc nhận sacubitril – valsartan (liều đích, 97mg sacubitril với 103mg valsartan 2 lần/ngày) hoặc enalapril (liều đích, 10mg 2 lần/ngày). Kết cục chính về hiệu quả là sự thay đổi tỷ lệ trung bình theo thời gian của nồng độ NT-proBNP từ giá trị nền ban đầu đến tuần thứ 4 và 8. Kết quả an toàn chính là tần suất suy giảm chức năng thận, tăng kali máu, hạ huyết áp có triệu chứng và phù mạch.
Kết quả
Trong số 881 bệnh nhân được phân bố ngẫu nhiên, 440 người được chỉ định dùng sacubitril – valsartan và 441 người nhận enalapril. Sự giảm nồng độ NT-proBNP trung bình theo thời gian lớn hơn đáng kể ở nhóm sacubitril-valsartan so với nhóm enalapril; tỷ số trung bình hình thái học của các giá trị thu được ở tuần 4 và 8 với giá trị ban đầu là 0,53 trong nhóm sacubitril – valsartan so với 0,75 ở nhóm enalapril (phần trăm thay đổi, −46,7% so với −25,3%; tỷ số thay đổi với sacubitril – valsartan so với enalapril 0,71; khoảng tin cậy 95% [CI], 0,63 đến 0,81; P <0,001). Việc giảm nồng độ NT-proBNP trong nhóm sacubitril – valsartan hơn so với enalapril rõ ràng ngay từ tuần 1 (tỷ số thay đổi, 0,76; KTC 95%, 0,69 đến 0,85). Tần suất chức năng thận xấu đi, tăng kali máu, hạ huyết áp có triệu chứng, và phù mạch không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.
Kết luận
Trong những bệnh nhân suy tim với phân suất tống máu giảm được nhập viện vì suy tim mất bù cấp, việc bắt đầu liệu pháp sacubitril – valsartan dẫn đến giảm nồng độ NT-proBNP nhiều hơn so với liệu pháp enalapril. Tỷ lệ chức năng thận xấu đi, tăng kali máu, hạ huyết áp có triệu chứng, và phù mạch không khác biệt đáng kể giữa hai nhóm.
Nguồndịch: November 11, 2018, at NEJM.org
DAPAGLIFLOZIN VÀ KẾT QUẢ TIM MẠCH Ở BNĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 2(Nghiên cứu DECLARE – TIMI 58)
Cơ sở
Tính an toàn tim mạch của dapagliflozin, SGLT2- chất ức chế chọn lọc đồng vận chuyển natri-glucose 2 gây glucose niệu ở bệnh nhân ĐTĐ2, là không xác định.
Phương pháp
Nghiên cứu phân ngẫu nhiên bệnh nhân ĐTĐ2 đã có hoặc tại mức nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa nhận hoặc dapagliflozin hoặc giả dược. Kết cục an toàn chính là gộp các biến cố tim mạch chính (MACE), được định nghĩa gồm tử vong tim mạch, nhồi máu cơ tim, hoặc đột quỵ thiếu máu cục bộ. Kết cục hiệu quả chính là MACE và một hỗn hợp tử vong tim mạch và nhập viện vì suy tim. Kết cục về hiệu quả thứ phát là gộp các biến cố về thận (giảm ≥ 40% tỷ lệ lọc cầu thận ước tính xuống <60 ml/phút trên 1,73 m2 diện tích bề mặt cơ thể, bệnh thận giai đoạn cuối mới, hoặc tử vong do thận hoặc tim mạch) và tử vong do mọi nguyên nhân.
Kết quả
Nghiên cứu đã đánh giá 17.160 bệnh nhân, bao gồm 10.186 bệnh nhân không có bệnh lý xơ vữa động mạch, những người này được theo dõi trung vị 4,2 năm. Trong phân tích kết cục an toàn chính, dapagliflozin đáp ứng các tiêu chuẩn định trước đối với MACE trong so sánh không kém hơn so với giả dược (giới hạn trên của khoảng tin cậy 95% [CI], <1.3; P <0,001 cho so sánh không kém hơn). Trong hai phân tích tính hiệu quả chính, dapagliflozin không cho thấy có tỷ lệ MACE thấp hơn (8,8% ở nhóm dapagliflozin và 9,4% ở nhóm giả dược; HR 0,93; KTC 95%, 0,84 đến 1,03; P = 0,17) nhưng gộp tử vong tim mạch và nhập viện vì suy tim thì thấp hơn (4,9% so với 5,8%; HR 0,83; KTC 95%, 0,73 đến 0,95; P = 0,005), điều này được phản ánh qua tỷ lệ nhập viện vì suy tim thấp hơn (HR 0,73; KTC 95%, 0,61 đến 0,88); nhưng không có sự khác biệt giữa 2 nhóm về tử vong tim mạch (HR 0,98; KTC 95%, 0,82 đến 1,17). Biến cố về thận xảy ra 4,3% ở nhóm dapagliflozin và 5,6% ở nhóm giả dược (HR 0,76; KTC 95%, 0,67 đến 0,87) và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào xảy ra tương ứng 6,2% và 6,6% (HR 0,93; KTC 95%, 0,82 đến 1,04). Nhiễm toan ceton ĐTĐ thường gặp trong nhóm dapagliflozin hơn với so với giả dược (0,3% so với 0,1%, P = 0,02), cũng như tỷ lệ nhiễm trùng sinh dục phải dẫn đến ngừng điều trị hoặc gây tác dụng phụ nghiêm trọng (0,9% so với 0,1%, P <0,001).
Kết luận
Ở bệnh nhân ĐTĐ2 đã có hoặc tại mức nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa, điều trị bằng dapagliflozin không dẫn đến tỷ lệ MACE cao hơn hoặc thấp hơn so với giả dược nhưng tỷ lệ gộp tử vong tim mạch và nhập viện vì suy tim thấp hơn, điều này được phản ánh là do tỷ lệ nhập viện do suy tim thấp hơn.
Nguồndịch: November 10, 2018, at NEJM.org