Google search engine

Bản tin tổng hợp – Tháng 06/2018

Bài Xa lộ Thông Tin lần này kính gửi đến quý độc giả phần lược dịch từ hai nghiên cứu vừa được xuất bản trên tạp chí uy tín New England Journal of Medicine.

Trong đó, một nghiên cứu sẽ bàn về việc sử dụng kháng đông mà cụ thể là Clopidogrel và Aspirin trong vòng 3 tháng sau đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp và cơn thiếu máu não thoáng qua. Tiếp theo là một nghiên cứu về mối liên quan giữa đo huyết  áp tại phòng khám và huyết áp lưu động với tử vong.

 

CLOPIDOGREL VÀ ASPIRIN TRONG ĐỘT QUỴ THIẾU MÁU CỤC BỘ CẤP VÀ CƠN THOÁNG THIẾU MÁU NÃO (TIA) – nghiên cứu POINT

 

Cơ sở

Điều trị kháng tiểu cầu kép kết hợp clopidogrel với aspirin có thể làm giảm tần suất đột quỵ tái phát trong 3 tháng đầu sau đột quỵ thiếu máu nhẹ hoặc cơn thoáng thiếu máu não (TIA). Thử nghiệm lâm sàng điều trị kháng tiểu cầu kép ở Trung Quốc đã cho thấy giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Nghiên cứu này sẽ kiểm tra sự kết hợp này trên dân số quốc tế.

 

Phương pháp

Trong thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, nghiên cứu chỉ định cho những bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ nhỏ hoặc TIA nguy cơ cao sẽ vào nhóm nhận clopidogrel với liều 600 mg vào ngày thứ 1, tiếp theo là 75 mg mỗi ngày, cộng với aspirin (liều 50 đến 325 mg mỗi ngày) từ ngày 2 cho đến ngày 90 hoặc vào nhóm bệnh nhân chỉ nhận aspirin đơn thuần. Ở cả 2 nhóm, liều aspirin được bác sĩ điều trị lựa chọn. Liều 162 mg/ngày trong 5 ngày đầu và tiếp theo là 81 mg mỗi ngày được khuyến cáo, phù hợp với hướng dẫn hiện hành. Kết cục chính về hiệu quả theo phân tích thời gian-đến-sự kiện (time-to-event analysis) là nguy cơ của gộp các sự kiện thiếu máu cục bộ lớn, được định nghĩa là đột quỵ thiếu máu, nhồi máu cơ tim, hoặc tử vong do biến cố mạch máu tại thời điểm 90 ngày.

 

Kết quả

Tổng cộng có 4881 bệnh nhân được tuyển mộ tại 269 địa điểm quốc tế. Cuộc thử nghiệm đã được dừng lại sau 84% số bệnh nhân dự đoán đã được đưa vào nghiên cứu vì dữ liệu và giám sát an toàn đã xác định rằng sự kết hợp của clopidogrel và aspirin đi kèm với cả 2 là nguy cơ thấp hơn của các biến cố thiếu máu cục bộ nặng và nguy cơ cao hơn của chảy máu nặng so với chỉ dùng aspirin đơn thuần tại thời điểm 90 ngày. Biến cố thiếu máu cục bộ nặng xảy ra ở 121 trên 2432 bệnh nhân (5,0%) nhận kháng tiểu cầu kép và ở 160 trên 2449 bệnh nhân (6,5%) dùng aspirin cộng với giả dược (HR 0.75; khoảng tin cậy 95% [CI], 0.59 – 0.95; P = 0.02), với hầu hết các biến cố nặng này xảy ra trong tuần đầu tiên sau biến cố ban đầu. Xuất huyết lớn xảy ra ở 23 bệnh nhân (0,9%) nhận clopidogrel cộng với aspirin và ở 10 bệnh nhân (0,4%) dùng aspirin cộng với giả dược (HR 2.32; KTC 95%, 1.10 – 4.87; P = 0.02).

 

Kết luận

Ở những bệnh nhân có đột quỵ thiếu máu nhẹ hoặc TIA nguy cơ cao, điều trị kết hợp clopidogrel và aspirin làm giảm nguy cơ thiếu máu cục bộ nặng nhưng làm tăng nguy cơ xuất huyết tại thời điểm 90 ngày so với những người chỉ dùng aspirin đơn thuần.

Nguồn: This article was published on May 16,2018, at NEJM.org

 

MỐI LIÊN QUAN GIỮA ĐO HUYẾT ÁP TẠI PHÒNG KHÁM VÀ HUYẾT ÁP LƯU ĐỘNG VỚI TỬ VONG

 

Cơ sở

Bằng chứng về ảnh hưởng của huyết áp lưu động trên tiên lượng chỉ bắt nguồn chủ yếutừ các nghiên cứu dựa trên dân số và một số nghiên cứu lâm sàng tương đối nhỏ. Nghiên cứu này kiểm tra các kết hợp huyết áp đo được tại phòng khám (huyết áp phòng khám) và huyết áp lưu động 24 giờ với tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do nguyên nhân tim mạch trong một đoàn hệ lớn những bệnh nhân ở bối cảnh chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 

Phương pháp

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sổ bộ đoàn hệ toàn quốc, đa trung tâm gồm 63.910 người trưởng thành được tuyển mộ từ năm 2004 đến năm 2014 ở Tây Ban Nha. Dữ liệu huyết áp phòng khám và dữ liệu huyết áp lưu động 24 giờ được đánh giá và phân thành các loại sau: tăng huyết áp dai dẳng – sustained hypertension (tăng khi đo ở phòng khám và tăng khi đo huyết áp lưu động 24 giờ), tăng huyết áp “áo choàng trắng” – white-coat hypertension (tăng ở phòng khám và huyết áp lưu động 24 giờ bình thường) , tăng huyết áp ẩn dấu – masked hypertension (huyết áp phòng khám bình thường và huyết áp tăng khi đo lưu động 24 giờ), và huyết áp bình thường (huyết áp phòng khám bình thường và huyết áp lưu động 24 giờ bình thường). Các phân tích được tiến hành với mô hình hồi quy Cox, hiệu chỉnh cho huyết áp phòng khám và huyết áp lưu động 24 giờ và cho những yếu tố gây nhiễu.

 

Kết quả

Qua thời gian theo dõi trung vị 4.7 năm, có 3808 bệnh nhân tử vong do mọi nguyên nhân và 1295 bệnh nhân tử vong do nguyên nhân tim mạch. Trong mô hình bao gồm cả đo tại phòng khám và đo 24 giờ, huyết áp tâm thu 24 giờ liên quan chặt chẽ hơn với tử vong do mọi nguyên nhân (HR 1.58 cho 1-SD tăng huyết áp; khoảng tin cậy 95% [CI], 1.56 – 1.60, sau khi hiệu chỉnh huyết áp phòng khám) so với huyết áp tâm thu phòng khám (HR 1.02; KTC 95%, 1.00 – 1.04, sau khi hiệu chỉnh huyết áp 24 giờ). HR tương ứng với 1-SD huyết áp tăng là 1.55 (95% CI, 1.53 – 1.57, sau khi hiệu chỉnh cho huyết áp phòng khám và huyết áp ban ngày) cho huyết áp tâm thu ban đêm và 1.54 (95% CI, 1.52 – 1.56, sau khi hiệu chỉnh cho huyết áp phòng khám và huyết áp ban đêm) cho huyết áp tâm thu lưu động ban ngày. Mối liên quan này là hằng định qua phân tích giữa các phân nhóm tuổi, giới tính và tình trạng liên quan đến béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch và điều trị hạ áp. Tăng huyết áp ẩn dấu có liên quan chặt chẽ hơn với tử vong do mọi nguyên nhân (HR 2.83; KTC 95%, 2.12 – 3.79) so với tăng huyết áp dai dẳng (HR 1.80; KTC 95%, 1.41 – 2.31) hoặc tăng huyết áp áo choàng trắng (HR 1.79; 95% CI, 1.38 – 2.32). Những kết quả cho tử vong tim mạch tương tự những kết quả cho tử vong do mọi nguyên nhân.

 

Kết luận

Đo huyết áp lưu động (ambulatory blood-pressure measurements) dự báo mạnh mẽ hơn Đo huyết áp tại phòng khám (clinic blood-pressure measurements) về tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do nguyên nhân tim mạch. Tăng huyết áp áo choàng trắng (white-coat hypertension) không lành tính, và tăng huyết áp ẩn giấu (masked hypertension) làm tăng nguy cơ tử vong hơn tăng huyết áp dai dẳng (sustained hypertension).

 

Nguồn: N Engl J Med 2018;378:1509-20

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO