- XỬ TRÍ THÂN NHIỆT ĐÍCH TRONG TRƯỜNG HỢP NGƯNG TIM VỚI NHỊP KHÔNG THỂ SỐC ĐIỆN (nghiên cứu CRICS-TRIGGERSEP)
Bối cảnh
Điều trị hạ thân nhiệt trung bình hiện tại được khuyến cáo để cải thiện kết cục thần kinh ở người trưởng thành bị hôn mê kéo dài sau khi cấp cứu ngừng tim ngoài bệnh viện. Tuy nhiên, hiệu quả của điều trị hạ thân nhiệt trung bình ở những bệnh nhân ngưng tim với nhịp không thể sốc điện (vô tâm hoặc hoạt động điện vô mạch) vẫn còn bàn cãi.
Phương pháp
Nghiên cứu là một thử nghiệm ngẫu nhiên, nhãn mở, so sánh hạ thân nhiệt trị liệu ở mức trung bình (33°C trong 24 giờ đầu tiên bằng cách làm lạnh bên trong chủ động với một thiết bị chuyên biệt hoặc làm lạnh bên ngoài chủ động với một thiết bị chuyên biệt hoặc làm lạnh bên ngoài chủ động mà không cần một thiết bị chuyên biệt) với điều trị giữ thân nhiệt đích bình thường (37°C) ở những bệnh nhân bị hôn mê nhập vào khoa săn sóc tích cực (ICU) sau hồi sức ngừng tim với nhịp tim không thể sốc điện được. Kết cục tiên phát là sống sót với kết cục thần kinh thuận lợi, được đánh giá vào ngày 90 sau phân bố ngẫu nhiên bằng cách sử dụng thang điểm hiệu suất não (CPC) (dao động từ 1 đến 5, với điểm số cao hơn sẽ bị khuyết tật lớn hơn). Nghiên cứu định nghĩa kết quả thần kinh thuận lợi khi điểm CPC là 1 hoặc 2. Kết cục được đánh giá mù. Tử vong và tính an toàn cũng được đánh giá.
Kết quả
Từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 1 năm 2018, tổng cộng 584 bệnh nhân từ 25 đơn vị ICU đã được phân bố ngẫu nhiên và 581 đã được đưa vào phân tích (3 bệnh nhân đã rút lại sự đồng ý). Vào ngày 90, tổng cộng 29 trong số 284 bệnh nhân (10,2%) trong nhóm hạ thân nhiệt còn sống với điểm số CPC là 1 hoặc 2, so với 17 trong số 297 (5,7%) trong nhóm để thân nhiệt bình thường (khác biêt 4,5%; Khoảng tin cậy 95% [CI] 0,1 – 8,9; P = 0,04). Tử vong tại thời điểm 90 ngày không khác biệt đáng kể giữa nhóm hạ thân nhiệt và nhóm để thân nhiệt bình thường (81,3% và 83,2%; khác biệt −1,9%; 95% CI −8,0 đến 4,3). Tỷ suất mới mắc các tác dụng phụ đã được định trước không khác biệt đáng kể giữa 2 nhóm.
Kết luận
Trong những bệnh nhân bị hôn mê đã được cấp cứu ngừng tim với nhịp tim không thể sốc điện được, việc điều trị hạ thân nhiệt đến mức trung bình, 33°C trong 24 giờ đầu, dẫn đến tỷ lệ những bệnh nhân sống sót với kết quả thần kinh thuận lợi vào ngày 90 cao hơn so với điều trị bằng liệu pháp để thân nhiệt đích bình thường.
Hình 1: Nhiệt độ trung bình của cơ thể trong quá trình can thiệp bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên vào 2 nhóm hạ thân nhiệt-Hypothermia (33°C) hoặc thân nhiệt bình thường-Normothermia (37°C)
Hình 2: Phân bố điểm hiệu suất não (Cerebral Performance Category-CPC) scores) vào ngày 90 sau phân bố ngẫu nhiên.
Điểm hiệu suất não (CPC) sẽ nằm trong khoảng từ 1 đến 5, điểm số cao hơn thì tình trạng tàn tật lớn hơn. Những bệnh nhân bị mất theo dõi (một trong nhóm tăng thân nhiệt và hai trong nhóm thân nhiệt bình thường) được chỉ định điểm 5 hay bị tử vong. Đối với thử nghiệm này, kết quả thần kinh thuận lợi được định nghĩa khi điểm CPC là 1 (hiệu suất não tốt hoặc tàn tật ít) hoặc 2 (tàn tật trung bình).
Nguồn: N Engl J Med 2019; 381:2327-2337
- HIỆU QUẢ VÀ AN TOÀN CỦA COLCHICINE LIỀU THẤP SAU NHỒI MÁU CƠ TIM (nghiên cứu COLCOT)
Bối cảnh
Bằng chứng thực nghiệm và lâm sàng hỗ trợ vai trò của kháng viêm trong xơ vữa động mạch và các biến chứng của nó. Colchicine là một loại thuốc kháng viêm mạnh, đường uống được chỉ định để điều trị bệnh gút và viêm màng ngoài tim.
Phương pháp
Nghiên cứu là một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi ở những bệnh nhân được tuyển mộ trong vòng 30 ngày sau nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên hoặc dùng colchicine liều thấp (0,5 mg mỗi ngày một lần) hoặc dùng giả dược. Kết cục về hiệu quả chính là kết cục gộp tử vong do nguyên nhân tim mạch, ngừng tim được hồi sức, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc nhập viện khẩn cấp vì đau thắt ngực phải tái thông mạch vành. Các thành phần của kết cục chính về an toàn cũng được đánh giá.
Kết quả
Tổng cộng có 4745 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu; 2366 bệnh nhân được phân vào nhóm colchicine và 2379 cho vào nhóm giả dược. Bệnh nhân được theo dõi trung vị 22,6 tháng. Kết cục chính xảy ra ở 5,5% bệnh nhân trong nhóm colchicine, so với 7,1% ở nhóm giả dược (HR 0,77; khoảng tin cậy 95% [CI] 0,61 – 0,96; P = 0,02). HR 0,84 (KTC 95%, 0,46 – 1,52) cho tử vong do nguyên nhân tim mạch, 0,83 (KTC 95%, 0,25 – 2,73) cho ngừng tim được hồi sức, 0,91 (KTC 95%, 0,68 – 1,21) cho nhồi máu cơ tim, 0,26 (95% CI, 0,10 – 0,70) cho đột quỵ và 0,50 (95% CI, 0,31 – 0,81) cho nhập viện khẩn cấp vì đau thắt ngực dẫn đến tái thông mạch vành. Tiêu chảy đã được báo cáo ở 9,7% bệnh nhân trong nhóm colchicine và 8,9% trong nhóm giả dược (P = 0,35). Viêm phổi được báo cáo là một tác dụng phụ nghiêm trọng ở 0,9% bệnh nhân trong nhóm colchicine và 0,4% ở những người trong nhóm giả dược (P = 0,03).
Kết luận
Trong những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim gần đây, colchicine với liều 0,5 mg mỗi ngày dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do thiếu máu cục bộ thấp hơn đáng kể so với giả dược.
Hình 3: Tỷ suất mới mắc tích lũy biến cố tim mạch
Nguồn: NEJM 2019 – DOI: 10.1056 / NEJMoa1912388
ĐÁNH RĂNG THƯỜNG XUYÊN LÀM GIẢM NGUY CƠ RUNG NHĨ VÀ SUY TIM
Một nghiên cứu của Hàn Quốc cho biết: Những người đánh răng ba lần một ngày thường ít bị rung nhĩ hoặc suy tim hơn là những người không có thói quen vệ sinh răng miệng.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu trên 161.286 người có bảo hiểm y tế quốc gia và không có tiền sử rung nhĩ, suy tim hoặc các bệnh tim mạch khác. Sau khi theo dõi trung bình gần 10,5 năm, 4.911 người (3%) bị rung nhĩ và 7.971 người (4,9%) bị suy tim.
Nghiên cứu cho thấy: Những người đánh răng ba lần một ngày giảm 10% nguy cơ bị rung nhĩ và giảm 12% nguy cơ bị suy tim so với những người không thường xuyên đánh răng.
Việc vệ sinh răng miệng thường xuyên bởi bác sĩ nha khoa cũng làm nguy cơ bị suy tim giảm 7%, trong khi việc mất 22 răng trở lên làm cho nguy cơ bị suy tim tăng 32%.
Theo tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ Tae-Jin Song, Đại học Y khoa Ewha Womans ở Seoul, và các đồng nghiệp viết trên Tạp chí Tim mạch dự phòng Châu Âu: Vệ sinh răng miệng lành mạnh hơn bằng cách đánh răng và làm sạch răng bởi bác sĩ nha khoa thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ bị rung nhĩ và suy tim.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy việc vệ sinh răng miệng kém có thể khiến vi khuẩn thấm vào máu, gây viêm khắp cơ thể.
Có thể việc đánh răng thường xuyên làm giảm vi khuẩn trong màng sinh học ở lợi. Điều này có thể làm giảm lượng vi khuẩn xâm nhập vào máu.
Trong nghiên cứu hiện tại, những người tham gia đã có ít nhất một lần kiểm tra y tế định kỳ từ năm 2003 đến 2004. Những dữ liệu khác các nhà nghiên cứu đã thu thập là chiều cao, cân nặng, thói quen sinh hoạt, bất kỳ vấn đề y khoa mạn tính nào và thói quen vệ sinh răng miệng.
Mối liên hệ giữa đánh răng và rung nhĩ, suy tim vẫn tồn tại ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã xem xét đến các yếu tố gây nhiễu như tuổi tác, giới tính, tình trạng kinh tế xã hội, thói quen tập thể dục, uống rượu, béo phì và tăng huyết áp.
Nghiên cứu không được thiết kế để chứng minh liệu sức khỏe răng miệng hay thói quen đánh răng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim hay không. Và kết quả trong dân số Hàn Quốc có thể không đại diện cho những gì sẽ xảy ra ở các quốc gia khác hoặc các nhóm chủng tộc khác, nhóm nghiên cứu lưu ý.
Các nhà nghiên cứu cũng thiếu các dữ liệu cận lâm sàng để xác nhận chẩn đoán rung nhĩ hoặc suy tim và họ đã không chụp X-quang răng để xác nhận bệnh nha chu.
Mặc dù vậy, các kết quả của nghiên cứu này cũng cố bằng chứng về mối liên quan giữa việc vệ sinh răng miệng kém và các bệnh tim mạch, Tiến sĩ Pascal Meyre của Bệnh viện Đại học Basel ở Thụy Sĩ và Tiến sĩ David Conen của Đại học McMaster ở Canada viết trong một bài xã luận.
Chắc chắn là còn quá sớm để khuyên bạn nên đánh răng để phòng ngừa rung nhĩ và suy tim sung huyết, Meyre và Conen viết. Trong khi vai trò của viêm trong sự xuất hiện của bệnh tim mạch ngày càng rõ rệt, các nghiên cứu can thiệp là cần thiết để xác định các chiến lược có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
(Dịch từ Frequent Tooth Brushing Linked With Lower Risk of Afib, Heart Failure. https://www.medscape.com/viewarticle/922273?fbclid=IwAR3oGUTpjtP5Ui-UJfl1ZVx_NLTH9YHqv40vWOUXdlSi8xNW8g2vbNZQUnE)
FDA CHẤP THUẬN AMARIN, VASCEPA LÀM GIẢM NGUY CƠ TIM MẠCH
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt icosapent ethyl (Vascepa, Amarin) để làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch, thậm chí, ở những người có nồng độ triglyceride tăng và hoặc có bệnh tim mạch đã được xác định, hoặc bệnh nhân đái tháo đường kèm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Chỉ định này áp dụng cho việc sử dụng chế phẩm dầu cá tinh khiết, liều cao như là một lựa chọn bổ sung cho bệnh nhân đang dùng statin liều tối đa dung nạp được. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cho biết sự chấp thuận này là lần đầu tiên cho thuốc này, với chỉ định cụ thể.
Vascepa đã được phê duyệt vào năm 2012 để điều trị tăng triglyceride máu. Sự chấp thuận mới này chủ yếu dựa trên kết quả của thử nghiệm REDUCE-IT về việc giảm 25% nguy cơ đối với các biến cố tim mạch nặng ở những bệnh nhân như những người trong chỉ định của thuốc này so với nhóm chứng – giả dược.
Thuốc đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cho chỉ định giảm nguy cơ tim mạch từ Ủy ban Tư vấn về Thuốc chuyển hóa và Nội tiết của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vào tháng 11.
(Dịch từ FDA Approves Amarin’s Vascepa for Cardiovascular Risk Reduction. https://www.medscape.com/viewarticle/922673)