Google search engine

Ảnh hưởng của bệnh động mạch vành ổn định đến chất lượng cuộc sống – Từ góc nhìn của bệnh nhân

“Việc quan tâm đến bệnh tật và phương pháp chữa trị từ góc nhìn của các bệnh nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, nhật ký theo dõi chất lượng cuộc sống qua những vấn đề liên quan đến sức khỏe là một thước đo cần thiết. Ở những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành ổn định, chất lượng cuộc sống cần được coi trọng như xem xét về tiên lượng bệnh.

 

GS. Michal TENDERA, Đại học Y Khoa Silesia, Katowice, Ba Lan

Người dịch: ThS. BS. Phạm Nhật Minh

Người hiệu đính: GS. TS. BS. Nguyễn Lân Việt

Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

 

Mặc dù đau thắt ngực là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng nhiều yếu tố khác cũng có thể đóng những vai trò không nhỏ.”

Bệnh nhân bị bệnh động mạch vành ổn định (CAD) đa phần thường hay có đau thắt ngực. Đau thắt ngực là dấu hiệu quan trọng để vừa tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch, tỷ lệ phải nhập viện và đồng thời cũng ảnh hưởng một phần lớn tới chất lượng cuộc sống có liên quan đến sức khỏe (QOL) của nhóm bệnh nhân này. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tiên lượng bệnh và chất lượng cuộc sống là rất phức tạp bởi những bệnh nhân không có triệu chứng bệnh có thể gặp rủi ro cao trong khi chất lượng cuộc sống có thể bị ảnh hưởng bởi nhiểu yếu tố bên cạnh đau thắt ngực. Do đó, để đạt được hiệu quả chăm sóc tối đa, mục tiêu điều trị nên bao gồm cả việc ngăn chặn những biến cố lâm sàng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân bị bệnh động mạch vành ổn định thường được tiên lượng là có khả năng sống sót cao, việc này khiến cho chất lượng cuộc sống càng trở nên quan trọng. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng cuộc sống cần được coi là một thước đo cần thiết cho ảnh hưởng của bệnh lý, không chỉ liên quan chủ yếu đến việc phục hồi chức năng thể chất cho người bệnh mà còn cả sức khỏe tâm lý và chức năng xã hội. Tư tưởng bi quan về bệnh ở bệnh nhân cũng như việc thiếu vắng sự ủng hộ trong xã hội, đi cùng với trầm cảm hoặc stress kéo dài là những yếu tố luôn cần được xem xét khi đánh giá chất lượng cuộc sống. Tựu chung lại, chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân CAD cần được xem như là một nhân tố thiết yếu để đánh giá và theo dõi về sau, và nhân tố này cũng cần được cân nhắc trong quá trình lựa chọn chiến lược điều trị hay là một đích đến của việc quản lý bệnh mạch vành ổn định.

Các chuẩn mực về quản lý thường có được từ các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (RCTs) đánh giá khách quan mức độ hiệu quả và an toàn của một phương pháp can thiệp. Bệnh mạch vành ổn định (CAD) cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, các nghiên cứu cung cấp những số liệu thống kê, sẽ giúp đưa ra cái nhìn xác suất và miêu tả ảnh hưởng của việc điều trị lên kết quả của một nhóm nghiên cứu hoặc phân nhóm thay vì một đối tượng riêng biệt. Ngày nay, đa số đều chấp nhận rằng lợi ích của các phương pháp chữa trị khác nhau cũng như các rủi ro liên quan đến bản thân căn bệnh và các lựa chọn điều trị cần được nhìn từ quan điểm cá thể hóa điều trị. Không chỉ khía cạnh thể chất, các ảnh hưởng khác mà một căn bệnh có thể gây nên cho trạng thái tinh thần và chức năng xã hội cũng cần được quan tâm. Những nguyên tắc này là nền tảng của khái niệm “chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm” đang được phát triển mạnh mẽ trong việc quản lý các bệnh tim mạch khác nhau.

Từ góc nhìn của bệnh nhân, thành công của điều trị được quyết định bởi 2 yếu tố: khả năng sống còn và chất lượng cuộc sống (QOL) của bệnh nhân. Vì vậy, bất kỳ một phương pháp can thiệp điều trị nào cũng cần hướng tới tăng khả năng sống còn cho bệnh nhân, làm giảm triệu chứng bệnh, tăng cường chức năng hoạt động và chất lượng sống nói chung.

Không có một mối liên hệ trực tiếp nào giữa nguy cơ thực sự và nhận thức của bệnh nhân về nguy cơ nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Điều này đặc biệt đúng đối với bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định (CAD). Nguyên nhân là do họ có rất nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau. Nhiều bệnh nhân có đau thắt ngực, nhưng lại có một tỷ lệ đáng kể không có triệu chứng gì rõ rệt. Đau thắt ngực là một dấu hiệu quan trọng dự báo khả năng tử vong do bệnh tim mạch và việc phải nhập viện, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống có liên quan đến các vấn đề sức khoẻ. Nhóm không có triệu chứng cũng bao gồm những bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý mạch vành từ trước, được định nghĩa là những người có tiền sử nhồi máu cơ tim (MI) có hoặc không có rối loạn chức năng thất trái; bệnh nhân sau can thiệp mạch vành (PCI) hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ – vành (CABG); hoặc bệnh nhân bị đái tháo đường, những người thường không có biểu hiện lâm sàng. Tiên lượng cho những bệnh nhân không có triệu chứng thường thay đổi và chất lượng cuộc sống của họ có thể phụ thuộc vào các triệu chứng khác ngoài đau thắt ngực, ví dụ như suy tim, hoặc phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý.

Cần chú ý rằng phần lớn bệnh nhân CAD cũng có tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh động mạch chi dưới (PAD) hoặc các bệnh kèm theo khác. Cả CAD và các bệnh đi kèm sẽ tác động đến kết quả lâm sàng và chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khoẻ của bệnh nhân.

Từ góc nhìn của bệnh nhân, trong khi tiên lượng bệnh liên quan đến các biến cố có thể xảy đến trong tương lai, chất lượng cuộc sống lại đề cập đến thì hiện tại và giải đáp các câu hỏi tổng quan như: “Căn bệnh đã ngăn cản tôi có một cuộc sống bình thường đến mức nào?”. Do đó, chất lượng cuộc sống thường được coi là còn quan trọng hơn tiên lượng bệnh. Mặt khác, nguy cơ nhập viện do bệnh tim mạch hoặc tử vong liên quan đến CAD, kể cả ở những bệnh nhân chỉ có nguy cơ thấp, có thể luôn khiến bệnh nhân phải suy nghĩ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, cần có phương pháp tiếp cận toàn diện gánh nặng bệnh tật thực tế và theo góc nhìn của các bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành ổn định, mà trong đó chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe là một yếu tố đánh giá quan trọng và là kết cục lâm sàng cần hướng tới.

Các phương thức dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống (QOL) ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành ổn định (CAD)

Các công cụ đánh giá cụ thể bệnh và đánh giá tổng quát đều đã được sử dụng để nghiên cứu chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân CAD. Bộ câu hỏi Seattle Angina (SAQ) là công cụ được sử dụng rộng rãi nhất để đo lường chất lượng cuộc sống liên quan đến bệnh ở những bệnh nhân bệnh mạch vành ổn định. Tuy nhiên, không phải tất cả các khía cạnh của chất lượng cuộc sống đều liên quan trực tiếp đến triệu chứng của bệnh mạch vành. Vì vậy, việc áp dụng các công cụ đánh giá chất lượng cuộc sống chung cần được đảm bảo để có được một cái nhìn rộng hơn về chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong những công cụ này, mẫu khảo sát sức khoẻ gồm 36 câu hỏi ngắn (SF-36) có lịch sử lâu đời nhất.

Những công cụ thường được áp dụng nhất để đánh giá chất lượng cuộc sống có liên quan đến sức khoẻ ở những bệnh nhân CAD được liệt kê ở Bảng I. Kim và Bernstein cung cấp rất đầy đủ về những công cụ đuợc sử dụng để đánh giá chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân mắc bệnh. Ở đây, chỉ có SAQ và SF-36 sẽ được mô tả một cách chi tiết.

Công cụ đánh giá cụ thể bệnh

Công cụ đánh giá tổng quát

Bộ câu hỏi đau ngực Seatle Angina (SAQ)

Mẫu câu hỏi khảo sát sức khỏe gồm 36 câu hỏi ngắn (SF-36) dựa trên Medical Outcomes Study

Thang điểm MacNew (Bản cải tiến của bộ câu hỏi chất lượng cuộc sống sau nhồi máu cơ tim [QLMI], cũng được biết đến là bộ câu hỏi QLMI-2

Bộ câu hỏi chỉ số sức khỏe McMaster (MHIQ)

 

Thang điểm chất lượng cuộc sống của châu Âu (EuroQoL)

 

Thang điểm đánh giá tín hiệu thị giác và ngôn ngữ

 

SAQ là một bộ câu hỏi tự đánh giá, một công cụ đánh giá bệnh cụ thể bao gồm 19 câu hỏi, xoay quanh 5 góc độ tình trạng bệnh tật ở bệnh nhân CAD, và từ đó đưa ra 5 thước đo khác nhau: giới hạn thể chất, độ ổn định và tần suất đau thắt ngực, mức độ hài lòng đối với phương pháp điều trị và nhận thức về bệnh. Ở từng thước đo, tình trạng hoặc đáp ứng kém nhất với điều trị qua theo dõi được đánh giá 1 điểm, và đáp ứng tốt nhất sẽ được đánh giá 5 điểm, riêng giảm tần suất đau thắt ngực sẽ được 6 điểm. Tất cả các thước đo đều được xem xét riêng biệt và không có một đánh giá tổng thể nào.

SF-36 cũng được tự đánh giá, nhưng là một công cụ đánh giá chất lượng cuộc sống tổng quát được phát triển trong nghiên cứu Medical Outcomes Study (MOS) và bao gồm 8 lĩnh vực sức khỏe phản ánh tình trạng chung của một bệnh nhân. 36 câu hỏi này liên quan đến những khía cạnh như chức năng thực hiện các hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội và tâm lý; các cơn đau; tình hình sức khoẻ nói chung và khả năng tồn tại lâu dài. Điểm số được chuyển về thang điểm 0-100, với điểm cao đồng nghĩa với các chức năng hoạt động tốt. Các mục nhỏ có thể được gộp lại để đánh giá khía cạnh thể chất và tâm thần của chất lượng cuộc sống.

Việc so sánh giữa các công cụ đánh giá cụ thể bệnh và các công cụ tổng quát cũng đã được nghiên cứu khá nhiều. Điều quan trọng là 2 loại công cụ nói trên có ý nghĩa bổ trợ cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh lẫn nhau. Chẳng hạn như trong nghiên cứu theo chiều dọc ngẫu nhiên của Dougherty và cộng sự so sánh tính hiệu quả của 3 công cụ đánh giá QOL ở bệnh nhân có bệnh động mạch vành ổn định được điều trị nội khoa tối ưu. Công cụ đánh giá cụ thể bệnh có thể phản ánh được sự khác biệt về mức độ đau ngực theo thang điểm CCS (Canadian Cardio-Vascular Society), và các đánh giá dưới nhóm khác, ngoại trừ mức độ hài lòng với điều trị của người bệnh. Mẫu đánh giá SF-36, một công cụ tổng quát, không cụ thể cho bệnh nhân CAD, chỉ có thể đánh giá sự khác biệt mức độ đau ngực theo thang điểm CCS trong nhóm đánh giá sức khỏe tổng quát. Mặt khác, trong một nhóm 253 bệnh nhân CAD được theo dõi trong 2 tháng, đánh giá QOL sử dụng các công cụ tổng quát không thể đánh giá rõ được mức độ cải thiện CCS. Mặc dù tác giả nghiên cứu kết luận rằng phần lớn các QOL liên quan đến sức khỏe không gây thay đổi mức độ đau ngực, kết quả âm tính của nghiên cứu có thể do công cụ được sử dụng không có đủ độ nhạy cần thiết để phát hiện những thay đổi liên quan có ý nghĩa.

Hình 1. Đường cong Kaplan-Meier của mức thay đổi gắng sức theo bộ câu hỏi đau ngực Seatle (SAQ)

After reference 9: Spertus et al. Circulation. 2002;106:43-49. © 2002, American Heart Association.

Các yếu tố ảnh hưởng đến QOL ở bệnh nhân bệnh CAD ổn định

Norris và đồng nghiệp tìm ra rằng độ tuổi, giải phẫu hệ thống động mạch vành, phân số tống máu, giới hạn thể chất, tần suất đau thắt ngực, và giới tính lý giải trên 50% những dao động ở QOL liên quan đến sức khỏe. Trong những yếu tố này, giới hạn thể lực do đau thắt ngực và ảnh hưởng của giới tính cần được đề cập sâu hơn.

Cần phải nhận ra rằng khuyết tật thể chất gây ra bởi đau thắt ngực có ảnh hưởng lớn đến tiên lượng bệnh cũng như QOL. Trong 1 nhóm thử nghiệm gồm 5558 bệnh nhân CAD được điều trị ngoại trú, điểm QOL ở mục giới hạn thể chất và tần suất đau thắt ngực được tìm thấy là có liên quan độc lập đến tử vong do mọi nguyên nhân sau 1 năm theo dõi. Tỷ số chênh (OR) cho giới hạn thể chất nhẹ, trung bình và nặng là 1.5, 2.0 và 4.0 so với mức giới hạn nhỏ nhất (P<0.001; Hình 1). Đối với tần suất đau thắt ngực, các giá trị tương ứng là 0.8, 1.2 và 1.6 (P=0.078). Tỷ lệ nhập viện do hội chứng động mạch vành cấp (ACS) xảy ra nhiều hơn đáng kể ở bệnh nhân có tần suất đau thắt ngực cao (P=0.016). Giới tính cũng là một yếu tố then chốt ảnh hưởng tới QOL ở bệnh nhân CAD. Norris và đồng nghiệp đã so sánh thay đổi QOL ở 3392 bệnh nhân nam và nữ trong nghiên cứu sổ bộ APPROACH (Alberta Provincial Project for Outcome Assessment in Coronary Heart disease) ở thời điểm 1 năm sau lần thông mạch đầu tiên. Qua bảng câu hỏi SAQ, họ tìm thấy rằng đàn ông có QOL tốt hơn so với phụ nữ ở cả 5 hạng mục. Họ chỉ ra rằng những sự khác biệt liên quan đến giới tính không thể được lý giải bằng những thông số lâm sàng truyền thống và nghiên cứu về lĩnh vực này, đặc biệt về thay đổi tâm lý xã hội ở phụ nữ theo sau điều trị CAD, cần được thực hiện nhiều hơn. Kết quả QOL xấu nhất ở phụ nữ so với đàn ông cũng đã từng được đề cập trong những nghiên cứu trước đây.

Các yếu tố khác như nguồn gốc dân tộc, bệnh béo phì, tình trạng tâm thần, trợ cấp xã hội và nhận thức về bệnh tật cũng có thể ảnh hưởng đến QOL. Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng là nhịp tim lúc nghỉ ngơi (HR), một yếu tố tiên lượng chuẩn ở dân số nói chung cũng như ở nhóm bệnh nhân CAD , có thể cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến QOL ở nhóm bệnh nhân này.

Trong một nghiên cứu lớn ở bệnh nhân CAD thuộc các nhóm dân tộc khác nhau vào thời điểm 1 năm sau khi chụp mạch vành đã cho thấy, các bệnh nhân Nam Á sống ở Canada có QOL tệ hơn so với nhóm người có nguồn gốc Châu Âu. Nguyên nhân có thể là do ở các bệnh nhân Nam Á, bệnh mạch vành thường có xu hướng là lan tỏa hơn, hoặc có thể do phương pháp điều trị còn chưa được tối ưu ở nhóm dân số này.

Bệnh béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến QOL ở bệnh nhân CAD. Trong một nhóm thử nghiệm lâm sàng lớn (N=5262) từ sổ bộ APPROACH, bệnh nhân mắc chứng béo phì nghiêm trọng có chỉ số điểm QOL về chức năng thể chất và tổng quan sức khoẻ thấp hơn đáng kể. Triệu chứng trầm cảm góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến hiện tượng này. Stafford và đồng nghiệp tìm ra rằng triệu chứng trầm cảm giảm mạnh QOL kể cả khi bệnh nhân CAD đã được tái thông mạch vành thành công hoặc điều trị nội khoa tối ưu.  Họ cho rằng điều trị trầm cảm có thể giúp ích hữu hiệu cho kế hoạch quản lý chung nhóm dân số bệnh nhân này. Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận bởi Dudek và cộng sự khi ông nghiên cứu một nhóm gồm 156 bệnh nhân sau PCI thành công. Trong toàn bộ nhóm được nghiên cứu, QOL đến 1 năm sau can thiệp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, có một mối tương quan lớn giữa QOL, độ nghiêm trọng của triệu chứng trầm cảm và các thông số thể hiện sự thay đổi mức độ trầm cảm trong suy nghĩ.

Quan niệm về bệnh đóng một vai trong quan trọng ở bệnh nhân CAD. Trong một nghiên cứu ở 193 bệnh nhân mới nhập viện vì CAD, Stafford và đồng nghiệp đã tìm ra rằng tư tưởng tiêu cực về bệnh tật, đặc biệt là về những khả năng xấu xảy ra do bệnh, báo hiệu khả năng cao xảy ra triệu chứng trầm cảm. Mặt khác, suy nghĩ tích cực dẫn đến kết quả QOL tốt hơn. Những bệnh nhân lớn tuổi và gặp trở ngại trong giao tiếp xã hội có quan niệm tiêu cực hơn về bệnh tật, do đó nhóm bệnh nhân này cần được theo dõi sát sao hơn, nhất là về khía cạnh này của bệnh. Họ có thể là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất nếu nhận được sự tư vấn về tâm lý.

Quan niệm về sự thấu hiểu tương trợ trong xã hội và những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn và độc lập đến QOL ở bệnh nhân CAD. Điều này đặc biệt quan trọng ở phụ nữ khi cả thể chất và tâm lý của họ đều gắn liền với các đặc điểm xã hội, đặc biệt là quan niệm về sự thấu hiểu và tương trợ trong xã hội.  

Tần số tim lúc nghỉ là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với các biến cố lâm sàng ở bệnh nhân CAD. Andrikopoulos và đồng nghiệp nghiên cứu một nhóm 280 bệnh nhân CAD có đồng thời mắc COPD. Họ phát hiện ra rằng những cá thể có tần số tim lúc nghỉ > 70 nhịp một phút (bpm) sẽ có các cơn đau thắt ngực thường xuyên hơn (P<0.001), ít hài lòng với điều trị (P<0.001), và có QOL thấp hơn (P<0.001). Trong nhóm bệnh nhân này, việc không kiểm soát được tần số tim là do không sử dụng đủ thuốc chẹn Beta. Tuy nhiên, một phần không nhỏ bệnh nhân CAD có sử dụng thuốc chẹn Beta vẫn có nhịp tim không ổn định. Trong sổ bộ CLARIFY (Danh sách theo dõi nghiên cứu dọc ở bệnh nhân CAD) gồm 33400 bệnh nhân mắc CAD ổn định mãn tính, 44% có tần số tim ≥ 70 nhịp một phút. Trong số gần 25000 bệnh nhân được điều trị với thuốc chẹn Beta, hơn 41% có tần số tim ≥ 70 nhịp một phút. Trong nghiên cứu này, tần số tim ≥ 70 nhịp một phút tương quan độc lập tới tần số đau ngực nhiều hơn và đau thắt ngực nặng hơn. Từ đó có thể tin rằng kiểm soát tần số tim một cách đúng đắn có thể tác động tích cực đến QOL ở những bệnh nhân này.   

Việc giảm tần số tim giúp cải thiện QOL hiện đang được nghiên cứu chuyên biệt qua một nghiên cứu nhỏ của nghiên cứu SIGNIFY (Nghiên cứu đánh giá về lợi ích liên quan đến bệnh tật-tử vong của thuốc ức chế kênh lf – ivabradine ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành). Trong SIGNIFY, với kết quả nghiên cứu có vào năm 2014, QOL được đánh giá ở bệnh nhân có đau thắt ngực CCS cấp độ II hoặc cao hơn bằng cách sử dụng SAQ và thang điểm tín hiệu thị giác, dựa trên theo dõi lâu dài.

Ảnh hưởng đến QOL của các chiến lược điều trị khác nhau

Rất nhiều nghiên cứu đã đề cập đến ảnh hưởng của các chiến lược điều trị khác nhau lên QOL ở bệnh nhân CAD ổn đỉnh.

Ở 301 bệnh nhân với triệu chứng CAD, tuổi từ 75 trở lên, trong nghiên cứu TIME (Thử nghiệm so sánh can thiệp xâm lấn so với Điều trị nội khoa tối ưu bệnh nhân cao tuổi), QOL được đo ở mức cơ sở và 6 tháng sau thủ thuật tái thông động mạch vành hoặc áp dụng phương pháp điều trị nội khoa tối ưu bằng các công cụ như danh mục phân loại CCS, Rose Angina Score, và mẫu đơn khảo sát sức khoẻ gồm 36 câu hỏi ngắn (SF-36). Ở mức cơ sở, độ nặng nhẹ của đau thắt ngực có mối tương quan đáng kể với mục thể chất và hoạt động hàng ngày. Tại thời điểm tái khám sau 6 tháng, liệu pháp giảm đau ngực không chỉ giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường các yếu tố thể chất mà còn giúp cải thiện hạng mục tâm thần và xã hội.

Trong một nhóm nghiên cứu lớn từ sổ bộ APPROACH (N=3392), QOL được đánh giá bằng SAQ cho thấy bệnh nhân trải qua thủ thuật tái thông động mạch mạch vành (bằng CABG hay PCI) đều cho thấy có sự cải thiện về sức khỏe tốt hơn những người chỉ dùng thuốc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là những phát hiện này dựa trên các thông số thu thập được 15 năm trước, và với những tiến bộ trong thuốc cũng như thủ thuật can thiệp, chúng cần được lý giải một cách thận trọng.

Mặc dù vậy, các nghiên cứu gần đây hơn dường như cũng đưa ra những kết luận tương tự. Một đánh giá hậu kiểm của thử nghiệm MASS II (Nghiên cứu về thuốc, can thiệp hoặc phẫu thuật) mà trong đó bệnh nhân CAD được phân bố ngẫu nhiên vào các nhóm CABG, PCI hoặc chữa trị bằng thuốc cho thấy sau 1 năm theo dõi, QOL đã được cải thiện tốt hơn ở những bệnh nhân được tái thông động mạch vành so với những bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc. Bệnh nhân được CABG cũng có những cải thiện QOL tốt hơn đáng kể. Sự chênh lệch được ghi nhận mặc dù công cụ đánh giá là công cụ tổng quan (SF-36).

Krecki và đồng nghiệp đã chỉ ra những tiến bộ khả quan ở QOL sau 1 năm theo dõi ở bệnh nhân thực hiện phẫu thuật so với bệnh nhân chỉ dùng thuốc. Điều này áp dụng cho các điểm đánh giá chức năng thể chất, đau đơn về thể xác, sức sống, sức khỏe tâm thần và các yếu tố trong thang điểm tâm thần tổng quát trong bảng câu hỏi SF-36.

Tuy vậy, kết quả của một vài nghiên cứu khác lại không đồng tình với ý kiến cho rằng thủ thuật tái thông động mạch tốt hơn điều trị bằng thuốc trong việc thay đổi QOL.

Trong thử nghiệm COURAGE (Đánh giá kết quả lâm sàng của việc sử dụng thuốc tối ưu và áp dụng phương pháp tái thông động mạch vành), QOL chỉ được đánh giá ở một hạng mục. Điểm hài lòng với điều trị SAQ có xu hướng tăng theo thời gian ở cả bệnh nhân được điều trị bằng PCI và bệnh nhân sử dụng thuốc. Theo thời gian, không có sự khác biệt nào giữa hai nhóm được ghi nhận.

Nghiên cứu SYNTAX (So sánh giữa can thiệp động mạch qua da với Stent TAXus và phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành) đã so sánh sự khác biệt trong kết quả ở bệnh nhân CAD được điều trị bằng PCI hoặc CABG. QOL được đo ở mức cơ sở và sau đó ở thời điểm 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng thông qua SAQ và bảng câu hỏi SF-36. Ở cả 2 nhóm, điểm của các đánh giá dưới nhóm đều cao hơn đáng kể sau 6 tháng và 12 tháng. Sau khi kết thúc theo dõi, SAQ chỉ ra rằng không có sự khác biệt trong từng nhóm ở các mục giới hạn về thể chất, độ hài lòng về điều trị và đau thắt ngực ổn định. CABG có một số điểm tốt hơn đối với tần suất đau thắt ngực và QOL đánh giá qua SAQ, tuy nhiên khác biệt tuyệt đối là không đáng kể.

Một vài nghiên cứu so sách ảnh hưởng của 2 phương pháp tái thông mạch khác nhau (CABG và PCI) đối với QOL. Trong ARTS-II (Nghiên cứu liệu pháp tái thông động mạch phần II), QOL được đánh giá qua SF-36. Nghiên cứu được thực hiện đến 36 tháng sau can thiệp này chỉ ra rằng đặt stent và CABG đều dẫn đến cải thiện tốt trong QOL và mức độ của đau thắt ngực. Cùng với việc giảm thiểu tỷ lệ tái tắc mạch hoặc tái hẹp với stent phủ thuốc (DES), QOL trong nhóm này cũng có dấu hiệu đáp ứng tích cực tương tự như nhóm bệnh nhân CABG.

Hlatky và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu quan sát rất dài (10 đến 12 năm) ở bệnh nhân đã từng trải qua CABG hoặc PCI. Bệnh nhân CABG cho thấy QOL cải thiện đáng kể hơn rất nhiều qua 3 năm theo dõi. Sau thời điểm này, lợi thế của CABG so với PCI không còn nữa. Đau thắt ngực tái phát là nhân tố chính dẫn tới sụt giảm QOL trong suốt cả nghiên cứu.  

Tác động của các chương trình phục hồi chức năng bệnh tim mạch lên QOL và lợi ích của bệnh nhân CAD không được khai thác cụ thể. Ví dụ, Tavella và Beltrame đã nghiên cứu 221 bệnh nhân sau khi được can thiệp mạch vành. Họ tìm ra rằng có sự cải thiện của thang điểm đánh giá cụ thể bệnh và thang điểm tổng quát, nhưng không ảnh hưởng gì do tham gia vào chương trình phục hồi chức năng bệnh lý tim mạch lên QOL. Michalsen và đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu về ảnh hưởng của giảm stress có hệ thống và các chương trình được thiết kế riêng lên QOL và kết quả lâm sàng về tâm lý. Họ không phát hiện ra sự khác biệt nào giữa những người tham gia chương trình và những bệnh nhân nhận được chăm sóc bình thường. Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng ảnh hưởng tâm lý cũng có thể tác động lớn đến QOL, và tác động đó có thể lớn đến mức vượt qua cả tác động của phương pháp điều trị chính.        

Tóm tắt và kết luận

Quan sát bệnh và phương pháp điều trị từ góc nhìn của bệnh nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Do đó, chất lượng cuộc sống (QOL) do cá nhân báo cáo liên quan đến các vấn đề sức khỏe đã trở thành một thước đo quan trọng. Ở các bệnh nhân CAD ổn định, QOL cần được coi trọng và quan tâm như chính tiên lượng bệnh.

Mặc dù đau thắt ngực là một nhân tố lớn ảnh hưởng đến QOL, nhưng nhiều yếu tố khác như tình trạng tâm thần, dấu hiệu trầm cảm hoặc sự ủng hộ, thấu hiểu của xã hội, nhận thức về bệnh hoặc bản thân căn bệnh cũng có thể có vai trò lớn. Khai thác tiền sử bệnh đơn thuần khó có thể đưa ra kết quả đánh giá QOL đầy đủ. Do đó, các công cụ chuyên biệt cần được sử dụng để đánh giá QOL. Các công cụ đánh giá bệnh một cách cụ thể hoặc tổng quát đều có hiệu quả ở bệnh nhân CAD ổn định. Tóm lại, QOL ở bệnh nhân CAD cần được xem là một yếu tố thiết yếu để đánh giá bệnh nhân và theo dõi lâu dài, cũng như nên được coi là yếu tố quan trọng giúp lựa chọn phương pháp điều trị và mục tiêu trong việc quản lý bệnh mạch vành (CAD) ổn định. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ekman I, Wolf A, Olsson LE, et al. Effects of person-centered care in patients with chronic heart failure: the PCC-HF study. Eur Heart J. 2012;33:1112-1119.
2. Spertus JA, Winder JA, Dewhurst TA, et al. Monitoring of the quality of life in patients with coronary artery disease. Am J Cardiol. 1994;74:1240-1244.    
3. Spertus JA, Winder JA, Dewhurst TA, et al. Development and evaluation of the Seattle Angina Questionnaire: a new functional status measure for coronary artery disease. J Am Coll Cardiol. 1995;25:333-341.
4. Ware JE, Shelbourne CD. The MOS 36-item short form health survey (SF-36). Conceptual framework and items selection. Med Care. 1992;30:473-483.
5. Kim C, Bernstein SJ. Quality of life assessment for chronic stable angina. Expert Rev Pharmacoeconomics Outcomes Res. 2003;3:637-650.
6. Dougherty CM, Dewhurst T, Nichol WP, Spertus J. Comparison of three quality of life instruments in stable angina pectoris: Seattle Angina Questionnaire, Short Form Health Survey (SF-36), and Quality of Life Index – Cardiac Version III. J Clin Epidemiol. 1998;51:569-575.
7. Kiessling A, Henriksson P. Time trends of chest pain symptoms and health related quality of life in coronary artery disease. Health Qual Life Outcomes. 2007; 5:13.
8. Norris CM, Murray JW, Triplett LS, Hegadoren KM. Gender roles in persistent sex differences in health-related quality of life outcomes of patients with coronary artery disease. Gend Med. 2010;7:330-339.
9. Spertus JA, Jones P, McDonell M, Fan V, Fihn SD. Health status predicts longterm outcome in outpatients with coronary disease. Circulation. 2002;106:43-49.
10. Norris CM, Ghali WA, Galbraith PD, Graham MM, Jensen LA, Knudtson ML; APPROACH Investigators. Women with coronary artery disease report worse health-related quality of life outcomes compared to men. Health Qual Life Outcomes. 2004;2:21. Available at http://www.hqlo.com/content/2/1/21.
11. Staniute M, Brozaitiene J. Changes in health-relaed quality of life among patients with coronary artery disease: a 2-year follow-up. Medicina (Kaunas). 2010;46:843-850.
12. Norris CM, Spertus JA, Jensen L, Johnson J, Hegadoren KM, Ghali WA. Sex and gender discrepancies in health-related quality of life outcomes among patients with established coronary artery disease. Circ Cardovasc Qual Outcomes. 2008;1:123-130.
13. Fox K, Borer JS, Camm AJ, et al. Resting heart rate in cardiovascular disease.
J Am Coll Cardiol. 2007;28:823-830. 14. Bainey KR, Norris CM, Gupta M, et al. Altered status and quality of life in South Asians with coronary artery disease. Am Heart J. 2011;162:501-506.
15. Oreopoulos A, Padwal R, McAlister FA, et al. Association between obesity and health-related quality of life in patients with coronary artery disease. Int J Obes (Lond). 2010;34:1434-1441.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO