Viện Tim TP.HCM
MỞ ĐẦU
Dựa vào cấu trúc hóa học, người ta chia các axít béo hiện diện trong thức ăn thành 2 nhóm chính là axít béo bão hòa (saturated fatty acid) và axít béo không bão hòa (unsaturated fatty acid). Trong phân tử axít béo bão hòa các nguyên tử carbon nối với nhau hoàn toàn bằng những liên kết đơn. Trong phân tử axít béo không bão hòa có ít nhất một liên kết đôi. Nếu trong phân tử chỉ có một liên kết đôi duy nhất axít béo được gọi là axít béo không bão hòa đơn (monounsaturated fatty acid – MUFA), còn nếu trong phân tử có từ 2 liên kết đôi trở lên axít béo được gọi là axít béo không bão hòa bội (polyunsaturated fatty acid – PUFA).
Axít béo omega-3 thuộc nhóm axít béo không bão hòa bội, có liên kết đôi đầu tiên ở nguyên tử carbon số 3. Axít béo omega-3 gồm DHA (docosahexaenoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid) hiện diện trong cá, DPA (docosapentaenoic acid) hiện diện trong một số thực phẩm có nguồn gốc động vật (trứng, thịt gà, thịt bò) và ALA (alpha-linolenic acid) hiện diện trong các loại dầu thực vật. Trong thực hành, cụm từ “axít béo omega-3” được dùng để chỉ DHA và EPA vì có nhiều chứng cứ về hiệu quả bảo vệ tim mạch của 2 axít béo này.
BẰNG CHỨNG DỊCH TỄ HỌC VỀ LỢI ÍCH CỦA AXÍT BÉO OMEGA-3 TRONG PHÒNG NGỪA BỆNH MẠCH VÀNH
Có nhiều bằng chứng dịch tễ học về tác dụng ngừa bệnh mạch vành của các axít béo omega-3 hiện diện trong cá. Trong một tổng kết số liệu của 3 nghiên cứu quan sát tiền cứu thực hiện ở những dân số khác nhau, Stone ghi nhận những người đàn ông ăn cá ít nhất một lần mỗi tuần có tử vong do bệnh mạch vành thấp hơn có ý nghĩa so với những người đàn ông hoàn toàn không ăn cá 1. Nghiên cứu đoàn hệ Chicago Western Electric Study kéo dài 30 năm công bố năm 1997 cũng cho thấy so với những người đàn ông hoàn toàn không ăn cá, những người đàn ông ăn ít nhất 35 g cá mỗi ngày có nguy cơ tương đối chết do bệnh mạch vành là 0,62 [KTC 95% 0,40-0,94] 2. Ăn cá không chỉ có lợi đối với đàn ông. Theo kết quả của nghiên cứu đoàn hệ Nurses’ Health Study, so với những phụ nữ hiếm khi ăn cá (dưới một lần mỗi tháng), những phụ nữ ăn cá 1-3 lần/tháng, 1 lần/tuần, 2-4 lần/tuần và trên 5 lần/tuần có nguy cơ chết do bệnh mạch vành giảm 21%, 29%, 31% và 34% (p = 0,001) 3.
CÁC THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÒNG NGỪA BỆNH MẠCH VÀNH CỦA AXÍT BÉO OMEGA-3
Cho đến nay có 3 thử nghiệm lâm sàng lớn đánh giá hiệu quả phòng ngừa bệnh mạch vành của axít béo omega-3 là DART (Diet And Reinfarction Trial), GISSI-Prevenzione (Gruppo Italiano per lo Studio della Sopravvivenza nell’ Infarto Miocardico-Prevenzione) và JELIS (Japan EPA Lipid Intervention Study). DART và GISSI-Prevenzione là 2 nghiên cứu về phòng ngừa thứ phát. Trong DART, 2033 người đàn ông có tiền sử nhồi máu cơ tim được phân ngẫu nhiên vào nhóm can thiệp hoặc nhóm chứng và theo dõi trung bình 2 năm 4. Ở nhóm can thiệp, bệnh nhân được khuyên ăn các loại cá béo 2 lần (khoảng 200-400 g cá béo) mỗi tuần hoặc cho uống viên dầu cá (phối hợp EPA + DHA 900 mg) mỗi ngày nếu không ăn cá được. Kết quả DART cho thấy tử vong do mọi nguyên nhân và đặc biệt là tử vong do bệnh mạch vành của nhóm can thiệp thấp hơn rất có ý nghĩa so với nhóm chứng (tử vong do mọi nguyên nhân giảm 29%, p < 0,01). Trong GISSI-Prevenzione, 11.323 bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim được phân ngẫu nhiên cho dùng phối hợp EPA + DHA 850 mg/ngày (theo tỉ lệ 1,2:1) hoặc placebo 5. Kết quả nghiên cứu cho thấy điều trị bằng EPA + DHA giảm có ý nghĩa tử vong do mọi nguyên nhân, đặc biệt là tử vong do nguyên nhân tim mạch, tử vong do bệnh mạch vành và đột tử (Sau 1 năm tử vong do nguyên nhân tim mạch giảm 30% và đột tử giảm 45%)(hình 1).
Hình 1: Tỉ lệ sống sót theo thời gian (bên trái) và tỉ lệ không bị đột tử theo thời gian (phải) của nhóm chứng (control) và nhóm dùng axít béo omega-3 trong nghiên cứu GISSI-Prevenzione.
Khác với DART và GISSI-Prevenzione, JELIS là một nghiên cứu về phòng ngừa cả tiên phát lẫn thứ phát. JELIS được thực hiện tại Nhật trên 18.645 người có tăng cholesterol (cholesterol toàn phần ³ 6,5 mmol/l), trong số này 3664 người có bệnh mạch vành (những người này là đối tượng của phòng ngừa thứ phát, 14.981 người còn lại là đối tượng của phòng ngừa tiên phát) 6. Bệnh nhân được phân ngẫu nhiên cho dùng EPA 1800 mg/ngày hoặc placebo và tất cả đều được cho dùng statin. Sau 5 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy tần suất các biến cố tim mạch nặng (đột tử do tim, nhồi máu cơ tim gây chết hoặc không, đau thắt ngực không ổn định, can thiệp mạch vành và mổ bắc cầu mạch vành) của nhóm EPA thấp hơn 19% (p = 0,011) so với nhóm placebo.
Nói chung, các thử nghiệm lâm sàng lớn nêu trên đã chứng tỏ lợi ích của việc bổ sung axít béo omega-3 trong phòng ngừa thứ phát và tiên phát bệnh mạch vành.
LỢI ÍCH CỦA AXÍT BÉO OMEGA-3 TRONG ĐIỀU TRỊ SUY TIM
Theo kết quả của nghiên cứu đoàn hệ ARIC (Atherosclerosis Risk in Community) thực hiện trên 3592 người Mỹ da trắng và nghiên cứu đoàn hệ do Yamagishi và cộng sự thực hiện trên gần 60.000 người Nhật, lượng axít béo omega-3 trong khẩu phần ăn càng cao thì nguy cơ suy tim mới mắc và chết do suy tim càng thấp 7,8. Trong năm 2008 có một thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố chứng tỏ lợi ích của axít béo omega-3 đối với bệnh nhân suy tim là GISSI-HF 9. Gần 7000 bệnh nhân suy tim NYHA II-IV tham gia nghiên cứu này được phân ngẫu nhiên cho dùng viên dầu cá đậm đặc (chứa 850-882 mg phối hợp EPA + DHA) hoặc pla
cebo. Kết quả GISSI-HF cho thấy điều trị bằng phối hợp EPA + DHA giảm có ý nghĩa tử vong do mọi nguyên nhân và nhập viện vì bệnh tim mạch. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, cần điều trị 56 người bằng phối hợp EPA + DHA trong 1 năm để ngăn ngừa 1 ca chết hoặc nhập viện vì bệnh tim mạch 9.
CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA AXÍT BÉO OMEGA-3
Axít béo omega-3 có ảnh hưởng thuận lợi trên dự hậu tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Ngoài tác dụng hạ triglyceride (khi dùng với liều cao 3-4 g/ngày), axít béo omega-3 còn có những tác dụng sau : chống loạn nhịp, cải thiện chức năng hệ thần kinh tự chủ, giảm kết dính tiểu cầu, dãn mạch, hạ huyết áp, kháng viêm, ngăn sự tiến triển của mảng xơ vữa và ổn định mảng xơ vữa (do cải thiện chức năng nội mô, giảm sự biểu thị các phân tử bám dính, giảm yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu và giảm lắng đọng collagen) và tăng tổng hợp adiponectin 10-12. Tác dụng chống loạn nhịp của axít béo omega-3 không chỉ được ghi nhận trong nghiên cứu GISSI-Prevenzione (biểu hiện là tần suất đột tử ở nhóm dùng axít béo omega-3 thấp hơn 45% so với nhóm placebo), mà còn được ghi nhận trong nghiên cứu của Albert và cộng sự. Theo báo cáo của các tác giả này, nguy cơ đột tử do tim có tương quan rõ rệt với nồng độ axít béo omega-3 trong máu, nồng độ này càng cao thì nguy cơ đột tử do tim càng thấp (hình 2) 13.
Hình 2: Nguy cơ tương đối đột tử do tim tùy theo mức axít béo omega-3 trong máu (theo Albert và cộng sự 13).
TÁC DỤNG PHỤ VÀ TÍNH AN TOÀN CỦA CÁ VÀ AXÍT BÉO OMEGA-3
Các tác dụng phụ thường gặp của các chế phẩm axít béo omega-3 gồm buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và dư vị cá sau khi uống. Nguy cơ chảy máu chỉ gặp khi dùng liều rất cao (> 7 g/ngày) 11,12. Về tính an toàn của cá, gần đây đã xuất hiện mối lo ngại là ăn nhiều cá có thể bị nhiễm độc bởi các chất gây ô nhiễm môi trường tích tụ trong cá, đặc biệt là thủy ngân. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US Food and Drug Administration) và cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (US Environmental Protection Agency) khuyến cáo trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú không ăn các loại cá có chứa nhiều thủy ngân như cá mập, cá kiếm, cá sói vàng và cá thu lớn (king mackerel) 14. Tuy nhiên gần đây có một nghiên cứu đoàn hệ lớn mang tên ALSPAC (Avon Longitudinal Study of Parents and Children) được công bố cho thấy ăn cá nhiều trong thai kỳ có lợi 15. Trong ALSPAC, 11.875 phụ nữ được theo dõi trong suốt thai kỳ và sau đó. Các tác giả nhận thấy con của những phụ nữ ăn cá nhiều hơn 3 lần/tuần trong thai kỳ có các chỉ số phát triển về nhận thức và hành vi tốt hơn so với con của những phụ nữ ít ăn cá trong thai kỳ 15.
Thủy ngân tan trong nước và gắn với protein, do đó thủy ngân chỉ có thể hiện diện trong thịt cá nhưng không có trong mỡ cá. Do vậy viên dầu cá không có chứa thủy ngân.
KHUYẾN CÁO CỦA HIỆP HỘI TIM HOA KỲ VỀ AXÍT BÉO OMEGA-3
Hiệp hội Tim Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về việc bổ sung axít béo omega-3 trong khẩu phần ăn cho 3 nhóm đối tượng : mọi người lớn nói chung, những người đã có bệnh mạch vành và những người có tăng triglyceride 16.
Đối với mọi người lớn nói chung, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ khuyến cáo ăn cá, đặc biệt là các loại cá béo, ít nhất 2 lần mỗi tuần. Ăn các loại thực phẩm chứa ALA (đậu phụ, đậu nành, dầu hạt cải dầu, dầu hạt lanh, dầu quả óc chó) cũng được khuyến khích.
Đối với người đã có bệnh mạch vành, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ khuyến cáo dùng phối hợp EPA + DHA khoảng 1 g/ngày. Lượng axít béo omega-3 này có thể được cung cấp ở dạng cá béo hoặc viên nang EPA + DHA theo chỉ định của bác sĩ (mỗi viên nang thường chứa khoảng 180-185 mg EPA và 120-125 mg DHA, để đạt 1 g cần uống 3-4 viên/ngày).
Đối với người có tăng triglyceride, lượng EPA + DHA cần dùng mỗi ngày để hạ triglyceride từ 20% đến 40% là 2-4 g.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Stone NJ. Fish consumption, fish oil, lipids, and coronary heart disease. Circulation 1996;94:2337-2340.
2) Daviglus ML, Stamler J, Orencia AJ, et al. Fish consumption and the 30-year risk of fatal myocardial infarction. N Engl J Med 1997;336:1046-1053.
3) Hu FB, Bronner L, Willett WC, et al. Fish and omega-3 fatty acids intake and risk of coronary heart disease in women. JAMA 2002;287:1815-1821.
4) Burr ML, Fehily AM, Gilbert JF, et al. Effects of changes in fat, fish, and fibre intakes on death and myocardial reinfarction: Diet And Reinfarction Trial (DART). Lancet 1989;2:757-761.
5) Dietary supplementation with n-3 polyunsaturated fatty acids and vitamin E after myocardial infarction: results of the GISSI-Prevenzione trial Gruppo Italiano per lo Studio della Sopravvivenza nell’Infarto miocardico. Lancet 1999;354:447-455.
6) Yokoyama M, Origasa H, Matsuzaki M, et al. Effects of eicosapentaenoic acid on major coronary events in hypercholesterolaemic patients (JELIS): a randomised open-label, blinded endpoint analysis. Lancet 2007;369:1090-1098.
7) Yamagishi K, Nettleton JA, Folsom AR. Plasma fatty acid composition and incident heart failure in middle-aged adults: the Atherosclerosis Risk In Communities (ARIC) study. Am Heart J 2008;156:965-974.
8) Yamagishi K, Iso H, Date C, et al. Fish, omega-3 polyunsaturated fatty acids, and mortality from cardiovascular diseases in a nationwide community-based cohort of Japanese men and women. J Am Coll Cardiol 2008;52:988-996.
9) GISSI-HF Investigators. Effect of n-3 polyunsaturated fatty acids in patients with chronic heart failure (the GISSI-HF trial): a randomised, double-blind, placebo-controlled trial. Lancet 2008;372:1223-1230.
10) Din JN, Newby DE, Flapan AD. Omega-3 fatty acids and cardiovascular disease – fishing for a natural treatment. BMJ 2004;328:30-35.
11) Lee JH, O’Keefe JH, Lavie CJ, et al. Omega-3 fatty acids for cardioprotection. Mayo Clinic Proc 2008;83:324-332.
12) Lavie CJ, Milani RV, Mehra MR, Ventura HO. Omega-3 polyunsaturated fatty acids and cardiovascular diseases. J Am Coll Cardiol 2009;54:585-594.
13) Albert CM, Campos H, Stampfer MJ, et al. Blood levels of long-chain n-3 fatty acids and the risk of sudden death. N Engl J Med 2002;346:1113-1118.
14) US Food and Drug Administration, Department of Health and Human Services. Backgrounder for the 2004 FDA/EPA Consumer Advisory: What you need to know about mercury in fish and shellfish. Available at: www.fda.gov/oc/opacom/hottopics/mercury/backgrounder.html. Accessed March 24, 2009.
15) Hibbeln JR, Davis JM, Steer C, et al. Maternal seafood consump
tion in pregnancy and neurodevelopmental outcomes in childhood. ALSPCA study: an observational cohort study. Lancet 2007;369:578-585.
16) Kris-Etherton PM, Harris WS, Appel LJ, for the AHA Nutrition Committee. Omega-3 fatty acids and cardiovascular disease: New recommendations from the American Heart Association. Arterioscler Thromb Vasc Biol 2003;23:151-152.