Google search engine
Google search engine

Thử nghiệm lâm sàng Sprint dưới góc nhìn lão khoa

Điều trị tăng huyết áp (THA) trên bệnh nhân cao tuổi vẫn luôn là một thách thức và kết quả của những thử nghiệm lâm sàng luôn làm thay đổi liên tục quan niệm và cách tiếp cận của thầy thuốc trong lĩnh vực THA ở người cao tuổi, đặc biệt là vấn đề “huyết áp mục tiêu” trong điều trị THA tâm thu.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Trí

Đại Học Y dược TPHCM

Chủ tịch Hội Lão Khoa TPHCM

 

1.      Mục tiêu HATT trước khi thử nghiệm SPRINT ra đời

Trước khi thử nghiệm lâm sàng SPRINT ra đời, chúng ta đã có nhiều hướng dẫn về mục tiêu điều trị tăng huyết áp trên người cao tuổi, trong đó nổi bật nhất là khuyến cáo của Hiệp Hội Tim Châu Âu năm 2013 (ESC 2013) và của Ủy ban quốc gia thứ 8 của Hoa Kỳ năm 2014 (JNC 8)4, 6. Trong khi các bằng chứng hiện nay của các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) chưa đủ mạnh và chưa có sự thống nhất về mục tiêu kiểm soát huyết áp tâm thu (HATT) lẫn huyết áp tâm trương (HATTr) ở người trẻ tuổi (< 60 tuổi) thì đa phần các RCT trên đối tượng cao tuổi đã đưa ra được mục tiêu huyết áp, cụ thể là HATT, qua đó cải thiện đáng kể các kết cục chính về tử vong và các biến cố tim mạch6. Đại diện nổi bật nhất trong nhóm nghiên cứu này là thử nghiệm lâm sàng HYVET – đây là cơ sở chủ yếu để các khuyến cáo của ESC 2013 và JNC 8 2014 thống nhất đưa ra mục tiêu kiểm soát huyết áp trên đối tượng người cao tuổi6.

Thử nghiệm lâm sàng HYVET (2008) tuyển chọn 3845 bệnh nhân ≥ 80 tuổi tại đa trung tâm, đa quốc gia với mức HATT khởi điểm ≥ 160 mmHg1. Bệnh nhân được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên, 1 nhóm điều trị hạ áp tích cực với Indapamide kèm hoặc không kèm Perindopril nhằm đạt mục tiêu huyết áp 150/80 mmHg và nhóm còn lại sử dụng giả dược. Sau trung bình 2.1 năm theo dõi, thử nghiệm phải kết thúc sớm bởi tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân giảm đến 21% (p = 0,02) ở nhóm điều trị hạ áp tích cực. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong do đột quỵ và tỉ lệ suy tim cũng giảm lần lượt 39% (p = 0,05) và 64% (p < 0,001) ở nhóm điều trị hạ áp tích cực. Với kết quả vượt trội nêu trên từ HYVET, hướng dẫn của ESC năm 2013 đã chấp thuận mục tiêu HATT là 140 – 150 mmHg đối với người ≥ 80 tuổi đang có mức HATT ≥ 160 mmHg (khuyến cáo mức độ IB)4.

Tuy nhiên, hướng dẫn của JNC 8 đã có sự khác biệt khi đặt mục tiêu huyết áp là 150/90 mmHg đối với bệnh nhân ≥ 60 tuổi (khuyến cáo mạnh – mức độ A)6. Sự khác biệt này là do JNC 8 đã xét thêm 2 nghiên cứu RCT trên đối tượng bệnh nhân ≥ 60 tuổi bao gồm SHEP và Syst-Eur6.

Thử nghiệm lâm sàng SHEP (1991) thu nhận 4736 bệnh nhân ≥ 60 tuổi có HATT 160 – 219 mmHg7. Với thời gian theo dõi trung bình 4.5 năm, nhóm điều trị hạ áp tích cực với Clorthalidone kèm hoặc không kèm Atenolol đã cải thiện đáng kể các kết cục lâm sàng chính so với nhóm chứng. Cụ thể, nhóm hạ áp tích cực đã giảm 36% (p = 0,0003) kết cục chính bao gồm đột quỵ tử vong và không tử vong so với nhóm chứng. Ngoài ra, sự cải thiện trong các tiêu chí phụ cũng hết sức ngoạn mục như tỉ lệ suy tim có hay không tử vong giảm 49% (p < 0,001), tỉ lệ nhồi máu cơ tim không tử vong hoặc tử vong do nguyên nhân tim mạch giảm 27% (p < 0,05).

Thử nghiệm lâm sàng Syst-Eur (1997) đã khẳng định lại kết quả của SHEP bởi sự tương tự trong thiết kế nghiên cứu khi tiến hành thu nhận 4695 bệnh nhân ≥ 60 tuổi có HATT khởi điểm 160 – 219 mmHg thuộc 23 quốc gia Châu Âu8. Sau 24 tháng theo dõi, thử nghiệm cũng đưa ra kết quả tương tự với sự giảm đáng kể đến 41% (p < 0,01) tỉ lệ kết cục lâm sàng chính gồm đột quỵ có hay không tử vong ở nhánh hạ áp tích cực với Nitrendipine kèm hoặc không kèm Enalapril và Hypochlorothizide. Một tiêu chí phụ khác như các kết cục tim mạch có hay không tử vong cũng giảm 29% (p < 0,05) so với nhóm chứng.

Những thử nghiệm trên, với mức độ chứng cứ theo phân loại đánh giá của JNC 8 là những nghiên cứu thuộc loại tốt, đã khẳng định lợi ích rõ ràng của việc duy trì HATT dưới 150 mmHg trên đối tượng ≥ 60 tuổi với mục tiêu giảm đáng kể các biến cố tim mạch mà nổi trội nhất là tỉ lệ đột quỵ6.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, trước khi SPRINT ra đời thì các khuyến cáo của ESC và JNC 8 đã có những nhận định gì về vấn đề điều trị hạ áp tích cực hơn nữa trên người cao tuổi nhằm đạt trị số HATT thấp hơn mục tiêu hiện tại là 150 mmHg? Cụ thể, nếu chúng ta đưa trị số HATT của bệnh nhân cao tuổi xuống 1 mục tiêu mới, chẳng hạn là 140 mmHg hoặc 130 mmHg thì những biến cố tim mạch xảy ra có giảm hơn so với mục tiêu hiện tại là 150 mmHg hay không? Để trả lời câu hỏi này tại thời điểm năm 2014, ESC và JNC 8 đều đồng thuận dựa vào 2 thử nghiệm lâm sàng của Nhật Bản, được đánh giá là nghiên cứu thuộc loại có bằng chứng tốt, bao gồm JATOS và VALISH4, 6.

Thử nghiệm lâm sàng JATOS (2008) thu nhận 4418 bệnh nhân từ 65 – 85 tuổi có HATT ≥ 160 mmHg và chia thành 2 nhóm3. Nhóm 1 được hưởng chế độ điều trị hạ áp tích cực nhằm đưa HATT < 140 mmHg trong khi nhóm 2 điều trị với mục tiêu nhẹ nhàng hơn, HATT đạt 140 – < 160 mmHg. Sau thời gian theo dõi trung bình 2 năm, kết quả thu nhận được cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào giữa 2 nhóm ở tiêu chí chính lẫn các tiêu chí phụ.

Tương tự, thử nghiệm lâm sàng VALISH (2010) cũng đã xác nhận lại kết quả của JATOS5. Thử nghiệm bao gồm 3260 bệnh nhân 70 – 85 tuổi có HATT ≥ 160 mmHg được chia thành 2 nhóm điều trị hạ áp tích cực (HATT đạt < 140 mmHg) và điều trị hạ áp nhẹ nhàng (HATT đạt 140 – < 150 mmHg). Sau 2,85 năm theo dõi, kết quả cũng cho thấy tỉ lệ xảy ra các biến cố ở tiêu chí chính lẫn các tiêu chí phụ là tương đương nhau cho cả 2 nhóm.

Tóm lại, trước khi SPRINT ra đời, dựa vào các thử nghiệm lâm sàng nêu trên, cả ESC và JNC 8 đều có bằng chứng mạnh mẽ trong việc đưa mục tiêu HATT ở người cao tuổi trong khoảng 140 – 150 mmHg nhằm làm giảm đáng kể tỉ lệ các biến cố tim mạch cũng như đồng thuận cho rằng mục tiêu HATT thấp hơn sẽ không mang lại lợi ích giảm biến cố nhiều hơn so với mục tiêu HATT hiện hành4, 6.

2.      Thử nghiệm lâm sàng SPRINT9

Tháng 11/2015, thử nghiệm lâm sàng SPRINT ra đời đánh dấu sự chuyển biến trong định hướng mục tiêu điều trị tăng huyết áp trên đối tượng người cao tuổi. SPRINT là một thử nghiệm lâm sàng mở, ngẫu nhiên, có đối chứng, được thực hiện tại 102 trung tâm ở Hoa Kỳ. Tiêu chuẩn chọn bệnh của thử nghiệm bao gồm bệnh nhân ≥ 50 tuổi có HATT 130 – 180 mmHg và phải có ít nhất 1 nguy cơ tim mạch không phải đái tháo đường (ĐTĐ) sau đây:

·        Bệnh lý tim mạch lâm sàng hay dưới lâm sàng ngoại trừ đột quỵ

·        Bệnh thận mạn ngoại trừ bệnh thận đa nang, với độ lọc cầu thận ( eGFR) từ 20 đến dưới 60ml/phút/1,73m2 da, được tính bằng công thức MDRD (Modification of Diet in Renal Diesease)

·        Nguy cơ tim mạch 10 năm ≥ 15% dựa trên thang điểm nguy cơ Framingham

·        Bệnh nhân  ≥75 tuổi

Nghiên cứu đã thu nhận 9361 bệnh nhân và được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm: Nhóm điều trị chuẩn với mục tiêu HATT < 140 mmHg và nhóm điều trị tích cực với mục tiêu HATT < 120 mmHg. Phác đồ điều trị của 2 nhóm được xây dựng dựa trên thử nghiệm ACCORD (2010)2. Đối với bệnh nhân trong nhóm điều trị chuẩn, điều trị được điều chỉnh theo HATT mục tiêu 135–139 mmHg, và liều sẽ được giảm nếu HATT thấp hơn 130mmHg ở một lần thăm khám hay thấp hơn 135 mmHg trong 2 lần khám liên tiếp. Nghiên cứu khuyến khích nhưng không áp đặt việc sử dụng các nhóm thuốc có bằng chứng làm giảm biến cố tim mạch mạnh nhất, bao gồm lợi tiểu thiazide (được khuyến khích sử dụng hàng đầu), lợi tiểu quai (cho bệnh nhân bệnh thận mạn tiến triển), và chẹn beta (cho bệnh nhân bệnh mạch vành).

Tiêu chí chính của thử nghiệm là tỉ lệ các biến cố tim mạch chính bao gồm nhồi máu cơ tim, hội chứng vành cấp không phải nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim hoặc chết do nguyên nhân tim mạch. Các tiêu chí phụ bao gồm từng thành phần riêng biệt của tiêu chí chính và tử vong do mọi nguyên nhân. Ngoài ra thử nghiệm cũng đánh giá các biến cố ngoại ý nghiêm trọng bao gồm kết cục trên thận ở 2 nhóm đối tượng có hoặc không có bệnh thận mạn, hạ huyết áp, ngất, rối loạn điện giải, nhịp chậm, té ngã có chấn thương và hạ huyết áp tư thế.

Thời gian theo dõi ban đầu được dự tính là 5 năm nhưng sau thời gian 3,26 năm, thử nghiệm buộc phải kết thúc sớm do tỉ lệ tiêu chí chính giảm ngoạn mục ở nhóm điều trị tích cực so với nhóm điều trị chuẩn (25% với p < 0,001). Tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân cũng thấp hơn 27% (p = 0,003) ở nhóm điều trị tích cực. Tỉ lệ các tiêu chí phụ cũng lần lượt thấp hơn đáng kể ở nhóm điều trị tích cực (Bảng 1). Tỉ lệ các biến cố ngoại ý nghiêm trọng gồm hạ huyết áp, ngất, rối loạn điện giải và tổn thương thận cấp đều tăng cao hơn ở nhóm điều trị tích cực so với nhóm điều trị chuẩn, ngoại trừ tỉ lệ té ngã có chấn thương (Bảng 2).

  Bảng 1: Tiêu chí chính và phụ (chụp từ tài liệu gốc)

Bảng 2: Biến cố ngoại ý nghiêm trọng (chụp từ tài liệu gốc)

3.      Ứng dụng SPRINT và các khuyến cáo hiện hành vào thực hành lâm sàng như thế nào?

Sự ra đời của thử nghiệm SPRINT đã làm chúng ta phải đặt lại câu hỏi đâu mới là mục tiêu HATT phù hợp nhất trên đối tượng bệnh nhân cao tuổi? Mặc dù SPRINT có tiêu chuẩn chọn bệnh là những đối tượng ≥ 50 tuổi nhưng qua các con số độ tuổi trung bình của dân số nghiên cứu là 67,9 ± 0,4 và có đến 28,2% bệnh nhân có độ tuổi ≥ 75 cho thấy SPRINT hoàn toàn có thể đại diện được cho dân số THA cao tuổi. Hơn nữa, xét về độ mạnh về mặt chứng cứ của thử nghiệm, chúng ta có thể thấy SPRINT đáp ứng hầu hết với các tiêu chí của một thử nghiệm lâm sàng được phân loại mức độ bằng chứng tốt do JNC 8 đề ra. Do đó, kết quả của SPRINT sẽ có sức ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm mục tiêu HATT trên đối tượng người cao tuổi trong tương lai.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, khi mà cả ESC lẫn JNC vẫn chưa có khuyến cáo nào chấp thuận kết quả của SPRINT thì chúng ta cần phải xem xét những giá trị ứng dụng của thử nghiệm này kết hợp với các khuyến cáo sẵn có trong thực hành lâm sàng nhằm đạt được mục tiêu HATT hợp lý nhất trên bệnh nhân THA cao tuổi.

Dựa theo những kết quả của SPRINT, chúng ta có thể thấy việc hạ HATT < 120 mmHg đã đem lại rất nhiều lợi ích đáng kể vể kết cục các biến cố tim mạch chính cũng như tử vong do mọi nguyên nhân so với việc duy trì HATT 135 – 139 mmHg. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý những biến cố ngoại ý nghiêm trọng từ việc điều trị hạ áp tích cực (bảng 2) như tụt HA, ngất, tổn thương thận cấp, giảm natri, tăng kali. Những biến chứng này dễ gây hậu quả nghiêm trọng ở người cao tuổi. Dựa vào những yếu tố nêu trên, liệu có thể kết luận rằng, chúng ta có thể ứng dụng mục tiêu HATT < 120 mmHg cho tất cả bệnh nhân THA cao tuổi? Câu trả lời có thể là đúng và không đúng. Nếu xem xét thật kĩ, việc duy trì mục tiêu HATT < 120 mmHg sẽ chỉ thực sự có lợi nếu bệnh nhân của chúng ta thỏa mãn được tiêu chuẩn chọn bệnh của thử nghiệm.

Thứ nhất, SPRINT đã loại trừ ngay từ đầu những đối tượng THA có kèm đái tháo đường (ĐTĐ) và vì vậy, đây không phải là thử nghiệm chứng minh lợi ích mang lại từ việc điều trị hạ áp tích cực trên bệnh nhân ĐTĐ qua đó không thể áp dụng được cho dân số THA có kèm ĐTĐ – vốn chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong cộng động người cao tuổi. Chúng ta có thử nghiệm ACCORD xem xét hiệu quả điều trị hạ áp tích cực trên đối tượng bệnh nhân ĐTĐ và kết quả cho thấy không có sự khác biệt về các kết cục chính cũng như phụ khi hạ áp tích cực so với điều trị chuẩn nhưng hạ HA tích cực có tác dụng ngoại ý nhiều hơn2. Do đó, đối với đối tượng bệnh nhân THA có kèm ĐTĐ, chúng ta không thể áp dụng kết quả từ nghiên cứu SPRINT. Hợp lý hơn, mục tiêu HATT vẫn nên được xem xét ở mức 140 mmHg như các khuyến cáo hiện hành.

Thứ hai, SPRINT chỉ thu nhận những đối tượng THA có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ tim mạch trong khi những thử nghiệm đã nêu trên như JATOS hay VALISH nhận tất cả bệnh nhân THA3, 5. Chúng ta nhận thấy được những đối tượng trong SPRINT thuộc nhóm có nguy cơ tim mạch cao nên có lẽ chính vì điều này mà việc hạ áp tích cực đã thực sự mang lại lợi ích trong phòng ngừa các biến cố tim mạch chính. Trong khi đó, với các thử nghiệm khác, việc tuyển chọn vào tất cả bệnh nhân THA cao tuổi kể cả những đối tượng có nguy cơ tim mạch thấp có lẽ đã làm giảm đi hiệu quả của việc hạ áp tích cực dẫn đến kết quả không có sự khác biệt về tỉ lệ các biến cố ở 2 nhóm. Vì vậy, đối với những bệnh nhân THA cao tuổi có nguy cơ tim mạch cao, việc hạ HATT tích cực < 120 mmHg thực sự mang lại lợi ích, tuy vậy cần theo dõi tác dụng ngoại ý. Mặt khác, với những đối tượng THA có nguy cơ tim mạch thấp thì mục tiêu HATT vẫn có thể duy trì ở mức 140–150 mmHg như các khuyến cáo hiện hành và dĩ nhiên có thể đưa HA xuống thấp hơn nếu BN thích ứng tốt.

Cuối cùng, xem xét đến tiêu chuẩn loại trừ của SPRINT, chúng ta có thể thấy thử nghiệm này chỉ thu nhận những đối tượng THA cao tuổi khỏe mạnh và loại bỏ bệnh nhân cao tuổi suy yếu. Cụ thể, SPRINT đã loại trừ những đối tượng có kì vọng sống < 3 năm, thường trú trong nhà dưỡng lão và có chẩn đoán hay đang điều trị sa sút trí tuệ. Thực tế, đây vốn là những đối tượng rất thường gặp trong dân số cao tuổi, đặc biệt là rất cao tuổi (bằng hoặc lớn hơn 80 tuổi). Khi mà tình trạng đa bệnh lý, suy yếu chiếm một tỉ lệ rất lớn ở người cao tuổi thì đa phần những bệnh nhân này đều có kì vọng sống khá thấp (khoảng 3–5 năm) và đặc biệt tại Việt Nam, khi mà tình trạng đa bệnh lý trên người cao tuổi hầu hết đều kiểm soát chưa tốt thì kì vọng sống trên những đối tượng này lại càng thấp hơn so với thế giới. SPRINT chỉ thu nhận bệnh nhân THA cao tuổi khỏe mạnh, vậy những bệnh nhân cao tuổi đa bệnh lý và suy yếu này – vốn chiếm phần lớn dân số người rất cao tuổi – liệu có thực sự được hưởng lợi ích từ việc hạ áp tích cực hay không? Câu trả lời nên được cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ từ việc điều trị hạ áp tích cực mang lại. Đa phần người cao tuổi đều có giảm độ lọc cầu thận và trên người cao tuổi đa bệnh lý và/hoặc suy yếu thì tình trạng nhạy cảm với các tác động có hại trên cầu thận cũng theo đó gia tăng rõ rệt. Từ kết quả của SPRINT, việc hạ áp tích cực đã làm giảm độ lọc cầu thận, gia tăng tổn thương thận rõ rệt và nếu tác động xảy ra trên đối tượng đa bệnh lý hoặc suy yếu thì tình trạng tổn thương thận sẽ trở nên nặng nề hơn và làm giảm nhanh hơn kì vọng sống của bệnh nhân. Do đó, SPRINT chỉ nên được áp dụng cho đối tượng THA cao tuổi khỏe mạnh và đối với người cao tuổi suy yếu, có kì vọng sống ngắn thì mục tiêu lúc này nên là cải thiện chất lượng cuộc sống hơn là cải thiện khả năng xảy ra các biến cố và vì thế, mục tiêu HATT trên nhóm đối tượng này vẫn nên xem xét 140–150 mmHg như các khuyến cáo hiện hành.

KẾT LUẬN

Y học thực chứng bao gồm ba yếu tố: (1) Thầy thuốc cần có tư duy phân tích, tổng hợp, ra quyết định hợp lý dựa theo (2) chứng cứ mà vận dụng vào (3) từng cá nhân cụ thể.

Thử nghiệm lâm sàng SPRINT ra đời đã khẳng định những lợi ích đáng kể về các kết cục tim mạch và sống còn trong việc hạ áp tích cực trên bệnh nhân THA cao tuổi. Tuy nhiên, thầy thuốc cần phân tích, đánh giá, so sánh lợi ích và tác dụng ngoại ý của các nghiên cứu hoặc khuyến cáo hiện hành nhằm đạt HATT mục tiêu hợp lý cho từng bệnh nhân cao tuổi cụ thể cũng như đạt lợi ích giảm biến cố do THA gây ra mà không bị tác dụng ngoại ý nghiêm trọng.

Thử nghiệm lâm sàng

Đối tượng

Mục tiêu

Tiêu chí chính

Tiêu chí phụ

HYVET1

3845 BN ≥ 80 tuổi có HATT ≥ 160 mmHg

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của việc hạ HATT < 150 mmHg hoặc không

Theo dõi 2,1 năm

Đột quỵ có hay không tử vong không khác biệt (p = 0,06)

Tử vong do mọi nguyên nhân giảm 21% (p = 0,02)

Tử vong do đột quỵ giảm 39% (p = 0,046)

Suy tim có hay không tử vong giảm 64% (p < 0,001)

SHEP7

4736 BN ≥ 60 tuổi có HATT 160 – 219 mmHg

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của việc hạ HATT < 150 mmHg hoặc không

Theo dõi 4,5 năm

Đột quỵ có hay không tử vong giảm 36% (p = 0,0003)

NMCT không tử vong giảm 33%, BMV giảm 25%, NMCT không tử vong hoặc tử vong do BMV giảm 27% (p < 0,05)

Suy tim có hay không tử vong giảm 49% (p < 0,001)

Syst-Eur8

4695 BN ≥ 60 tuổi có HATT 160 – 219 mmHg

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của việc hạ HATT < 150 mmHg hoặc không

Theo dõi 2 năm

Đột quỵ có hay không tử vong giảm 41%% (p < 0,01)

Kết cục tim mạch có hay không tử vong giảm 29% (p < 0,05)

Đột quỵ không tử vong giảm 44% (p = 0,007)

JATOS3

4418 BN 65 – 85 tuổi có HATT ≥ 160 mmHg

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của hạ áp tích cực < 140 mmHg hoặc không ( < 160 mmHg)

Theo dõi 104 tuần

Biến cố hay tử vong do tim mạch, mạch máu não hoặc suy thận không khác biệt (p = 0,99)

Tử vong do mọi nguyên nhân, suy tim có hay không tử vong không khác biệt (p = 0,22)

 

 

 

 

 

VADISH5

3260 BN 70 – 85 tuổi có HATT ≥ 160 mmHg

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của hạ áp tích cực < 140 mmHg hoặc không ( < 150 mmHg)

Theo dõi 2,85 năm

Tổng các biến cố tim mạch không khác biệt (p = 0,383)

Tử vong do mọi nguyên nhân không khác biệt (p = 0,362)

Tử vong tim mạch, đột quỵ có hay không tử vong không khác biệt (p = 0,95)

Đột quỵ có hay không tử vong không khác biệt (p = 0,68)

SPRINT9

9361 BN ≥ 50 tuổi có HATT ≥ 130 mmHg với ít nhất 1 nguy cơ tim mạch ngoại trừ ĐTĐ

So sánh khác biệt kết cục tim mạch của hạ áp tích cực < 120 mmHg hoặc không ( < 140 mmHg)

Theo dõi 3,26 năm

Tổng các biến cố NMCT, hội chứng vành cấp, đột quỵ, suy tim và tử vong tim mạch giảm 25% ở nhóm hạ áp tích cực (p < 0,001)

Tử vong do mọi nguyên nhân giảm 27% (p = 0,003)

Suy tim giảm 38% (p = 0,002)

Tử vong tim mạch giảm 57% (p = 0,005)

Tổn thương thận cấp tăng 66% (p < 0,001)

Tụt huyết áp tăng 67% (p = 0,001)

Ngất tăng 33% (p = 0,05)

Rối loạn điện giải tăng 35% (p = 0,02)

 

Bảng 3: Tổng hợp các nghiên cứu lâm sàng

 

Tài liệu tham khảo

1.    Beckett NS, Peters R, Fletcher AE, et al; HYVET Study Group. Treatment of hypertension in patients 80 years of age or older.N Engl J Med. 2008;358(18):1887-1898.
2.    Cushman WC, Evans GW, Byington RP, et al; ACCORD Study Group. Effects of intensive blood-pressure control in type 2 diabetes mellitus.N Engl J Med. 2010;362(17):1575-1585.
3.    JATOS Study Group. Principal results of the Japanese trial to assess optimal systolic blood pressure in elderly hypertensive patients (JATOS).Hypertens Res. 2008;31(12):2115-2127.
4.    Mancia G, Fagard R, Narkiewicz K, et al. 2013 ESH/ESC guidelines for the management of arterial hypertension: the Task Force for the Management of Arterial Hypertension of the European Society of Hypertension (ESH) and of the European Society of Cardiology (ESC).Eur Heart J. 2013;34(28):2159-2219.
5.    Ogihara T, Saruta T, Rakugi H, et al; Valsartan in Elderly Isolated Systolic Hypertension Study Group. Target blood pressure for treatment of isolated systolic hypertension in the elderly: Valsartan in Elderly Isolated Systolic Hypertension Study.Hypertension. 2010;56(2):196-202.
6.    Paul A.James, SuzanneOparil, et al; 2014 Evidence-Based Guideline for the Management of High Blood Pressure in AdultsReport From the Panel Members Appointed to the Eighth Joint National Committee (JNC 8). JAMA.2014;311(5):507-520.
7.    SHEP Cooperative Research Group. Prevention of stroke by antihypertensive drug treatment in older persons with isolated systolic hypertension: final results of the Systolic Hypertension in the Elderly Program (SHEP).JAMA. 1991;265(24):3255-3264.
8.    Staessen JA, Fagard R, Thijs L, et al; The Systolic Hypertension in Europe (Syst-Eur) Trial Investigators. Randomised double-blind comparison of placebo and active treatment for older patients with isolated systolic hypertension.Lancet. 1997;350(9080):757-764.
9.    The SPRINT Research Group. A Randomized Trial of Intensive versus Standard Blood-Pressure Control. N Engl J Med. 2015;373:2103-2116.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO