Google search engine
Google search engine

Bản tin tổng hợp – Tháng 12/2015

NGHIÊN CỨU ROC THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG VỀ NHẤN NGỰC LIÊN TỤC HAY GIÁN ĐOẠN TRONG HỒI SINH TIM PHỔI (CPR)

(nghiên cứu được tài trợ bởi viện tim phổi máu quốc gia Mỹ)

Bối cảnh

Trong lúc hồi sinh tim phổi (CPR) cho bệnh nhân ngưng tim ngoại viện, nhấn ngực gián đoạn để thông khí sẽ làm giảm lưu lượng máu và có thể ảnh hưởng trên sống còn.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá có hay không sự khác biệt về kết cục giữa qui trình nhấn ngực liên tục kết hợp thông khí áp lực dương với qui trình nhấn ngực có gián đoạn để thông khí với tỉ lệ nhấn ngực/thông khí là 30:2.

Phương pháp

Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cụm bắt chéo (cluster-randomized trial with crossover) này bao gồm 114 cơ quan hỗ trợ cấp cứu y khoa (emergency medical service-EMS). Những bệnh nhân bị ngưng tim không do chấn thương đều được xử trí bởi các nhân viên cấp cứu y khoa (EMS provider), bệnh nhân hoặc được nhận nhấn ngực liên tục (nhóm can thiệp) hoặc được nhận nhấn ngực có gián đoạn (nhóm chứng). Kết cục tiên phát là tỉ lệ sống còn khi xuất viện. Kết cục thứ phát bao gồm thang điểm Rankin cải tiến (thang điểm từ 0 đến 6, khi điểm £3 chỉ ra sự thuận lợi về chức năng thần kinh). Tiến trình CPR được khảo sát đo lường để đánh giá sự làm đúng theo qui trình (tuân trị-compliance).

Kết quả

Tổng cộng có 23711 bệnh nhân được đưa vào phân tích tiên phát trong đó có 12653 bệnh nhân vào nhóm can thiệp và 11058 bệnh nhân vào nhóm chứng. Kết quả ghi nhận có 1129 trên tổng số 12613 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 9.0% trong nhóm can thiệp và có 1072 trên tổng số 11035 bệnh nhân chiếm tỉ lệ 9.7% trong nhóm chứng được sống sót cho đến khi xuất viện (khác biệt -0.7%; 95%CI từ -1.5 đến 0.1; P = 0.07); 7.0% bệnh nhân trong nhóm can thiệp và 7.7% bệnh nhân trong nhóm chứng sống sót với chức năng thần kinh thuận lợi tại thời điểm xuất viện (khác biệt -0.6%; 95% CI từ -1.4 đến 0.1, P = 0.09). Sống sót không nằm viện (Hospital-free survival) ở nhóm can thiệp ngắn hơn có ý nghĩa so với nhóm chứng (khác biệt trung bình -0.2 ngày; 95% CI, từ -0.3 đến -0.1; P = 0.004).

Kết luận

Trong những bệnh nhân bị ngưng tim ngoài bệnh viện, qui trình nhấn ngực liên tục trong lúc CPR được thực hiện bởi các nhân viên cấp cứu EMS không cho thấy có tỉ lệ sống còn hay có chức năng thần kinh thuận lợi cao hơn là qui trình cấp cứu nhấn ngực có gián đoạn

 

(Nguồn:NEJM- December 3, 2015-373:2203-14)

 

NGHIÊN CỨU SPRINT – THỬ NGHIỆM LÂM SÀNG SO SÁNH VIỆC KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP TÍCH CỰC SO VỚI VIỆC  KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP CHUẨN

(nghiên cứu được tài trợ bởi viện sức khỏe quốc gia Mỹ)

Bối cảnh

Trong những bệnh nhân ≥ 50tuổi, dạng tăng HA tâm thu đơn độc là dạng tăng HA thường gặp nhất và HA tâm thu quan trọng hơn HA tâm trương trong tiên đoán độc lập các biến cố mạch vành, đột quị, suy tim, và suy thận giai đoạn cuối. Mức đích HA tâm thu thích hợp nhất để làm giảm bệnh suất và tử suất tim mạch ở những bệnh nhân không bị đái tháo đường (ĐTĐ) hiện vẫn còn chưa rõ.

Phương pháp

Nghiên cứu phân bố ngẫu nhiên 9361 bệnh nhân có HA tâm thu ≥ 130 mmHg và có yếu tố nguy cơ tim mạch tăng, nhưng không bị ĐTĐ vào nhóm điều trị với mức đích HA tâm thu < 120 mmHg (nhóm điều trị tích cực) hoặc vào nhóm điều trị với mức đích HA tâm thu < 140 mmHg (nhóm điều trị chuẩn). Nguy cơ tim mạch tăng khi có ≥ 1 trong các yếu tố sau: có bệnh lý tim mạch lâm sàng  hoặc dưới lâm sàng mà không phải bị đột quị (ĐTĐ hoặc có tiền sử đột quị sẽ được loại ra khỏi nghiên cứu), có bệnh thận mạn không phải bệnh thận đa nang với GFR ước tính 20-60 ml/p/1.73 m2 da, nguy cơ tim mạch 10 năm theo thang điểm Framingham ≥ 15%, hoặc ≥ 75 tuổi. Kết cục gộp tiên phát bao gồm nhồi máu cơ tim, các thể hội chứng MV cấp khác, đột quị, suy tim hoặc tử vong do nguyên nhân tim mạch.

Kết quả

Tại thời điểm 1 năm, trung bình HA tâm thu trong nhóm điều trị tích cực là 121.4 mmHg và trong nhóm điều trị chuẩn là 136.2 mmHg. Nghiên cứu phải được ngưng sớm sau thời gian theo dõi trung vị 3.26 năm do tần suất kết cục gộp tiên phát trong nhóm điều trị tích cực thấp hơn có ý nghĩa so với nhóm được điều trị chuẩn (1.65% / năm so với 2.19% / năm; HR trong nhóm điều trị tích cực 0.75: 95% CI 0.64-0.89; P < 0.001). Tử vong do mọi nguyên nhân trong nhóm can thiệp tích cực cũng thấp hơn có ý nghĩa (HR, 0.73; 95%CI, 0.60-0.90; P = 0.003). Tần suất các biến cố không mong muốn như hạ HA, ngất, bất thường điện giải, và tổn thương hoặc suy thận cấp nhưng không té ngã tổn thương trong nhóm điều trị tích cực cao hơn trong nhóm điều trị chuẩn.

Kết luận

Những bệnh nhân tại mức nguy cơ cao cho biến cố tim mạch nhưng không bị ĐTĐ, so với mức đích HA < 140 mmHg, mức đích HA < 120 mmHg có tần suất biến cố tim mạch nặng tử vong, không tử vong và tử vong do mọi nguyên nhân ít hơn, mặc dù tần suất vài tác dụng không mong muốn cao hơn được quan sát thấy trong nhóm điều trị tích cực.

 

(Nguồn: NEJM -November 26, 2015; 373:2103-2116)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO