Mục tiêu: Huyết áp tâm thu (HATT) trung tâm và/hoặc hiệu áp trung tâm có giá trị hơn huyết áp ngoại vi ở động mạch (ĐM) cánh tay trong việc tiên đoán biến cố tim mạch. Nghiên cứu này so sánh ý nghĩa tiên lượng
Chi-Ming Huanga, Kang-Ling Wangc, Hao-Min Chengc, Shao-Yuan Chuangd, Shih-Hsien Sungb, Wen-Chung Yub, Chih-Tai Tinge, Edward G. Lakattaf, Frank C.P. Ying, Pesus Chouh và Chen-Huan Chenc,h,i
Biên dịch:
ThS. BS. Nguyễn Hữu Khoa Nguyên
PGS. TS. BS. Châu Ngọc Hoa
aKhoa Nội, Bệnh viện Cựu quân nhân Yuanshan, Yilan, bKhoa Nội, cĐơn vị Nghiên cứu và Giáo dục Y học, Bệnh viện Đa khoa Cựu quân nhân Đài Bắc, dViện Y Sinh học, Academia Sinica, Đài Bắc, eTrung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Cựu quân nhân Taichung, Taichung, Đài Loan, fTrung tâm Thực nghiệm Khoa học Tim mạch tại Viện Lão khoa Chương trình nghiên cứu bệnh thành mạch, Baltimore, Maryland, gKhoa Kỹ thuật Y Sinh học, Đại học Washington, St Louis, Missouri, Hoa Kỳ, hKhoa Y tế Công cộng và iTrung tâm Nghiên cứu Tim mạch, Đại học Yang-Ming, Taipei, Đài Loan
Mục tiêu: Huyết áp tâm thu (HATT) trung tâm và/hoặc hiệu áp trung tâm có giá trị hơn huyết áp ngoại vi ở động mạch (ĐM) cánh tay trong việc tiên đoán biến cố tim mạch. Nghiên cứu này so sánh ý nghĩa tiên lượng của huyết áp trung tâm tại phòng khám so với huyết áp theo dõi lưu động ngoài phòng khám, có đối chiếu với HATT ĐM cánh tay/hiệu áp ĐM cánh tay tại phòng khám.
Phương pháp: Đây là nghiên cứu cộng đồng trên 1014 người khỏe mạnh, đánh giá HATT trung tâm/hiệu áp trung tâm bằng trương lực đồ động mạch cảnh, và HATT 24 giờ/hiệu áp 24 giờ bằng theo dõi huyết áp lưu động. Phân tích hồi quy Cox được dùng để khảo sát mối tương quan giữa HATT trung tâm, hiệu áp trung tâm, HATT 24 giờ, hiệu áp 24 giờ, HATT ĐM cánh tay và hiệu áp ĐM cánh tay với tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch trong thời gian theo dõi trung vị là 15 năm.
Kết quả: Trong phân tích đa biến hiệu chỉnh theo tuổi, giới, BMI, hút thuốc, đường huyết đói, và tỉ lệ cholesterol toàn phần/HDL-C, chỉ hiệu áp trung tâm có giá trị tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân (tỉ số nguy cơ HR=1.16, khoảng tin cậy 95%: 1.01-1.32, khi thông số tăng 1 độ lệch chuẩn); và tất cả những thông số khác, trừ hiệu áp ĐM cánh tay, có ý nghĩa tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch. Khi đồng thời đưa thông số HATT ĐM cánh tay vào mô hình phân tích, HATT 24 giờ (HR=2.01, khoảng tin cậy 95%: 1.42-2.85) và HATT trung tâm (HR=1.71, khoảng tin cậy 95%: 1.21-2.40) vẫn còn giá trị dự đoán tử vong do bệnh tim mạch. Khi đồng thời đưa HATT trung tâm vào mô hình phân tích, HATT 24 giờ vẫn giúp tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch (HR=1.71, khoảng tin cậy 95%: 1.16-2.52).
Kết luận: Ý nghĩa tiên lượng tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do tim mạch của huyết áp trung tâm quan trọng hơn huyết áp ngoại vi. HATT 24 giờ có thể tốt hơn HATT trung tâm trong dự đoán tử vong do bệnh tim mạch. Hiệu áp trung tâm có giá trị hơn HATT 24 giờ hoặc hiệu áp 24 giờ trong tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân.
Journal of Hypertension 2011, 29:454-459
Giới thiệu
Độ tin cậy của kỹ thuật đo huyết áp ngoại vi ở động mạch (ĐM) cánh tay tại phòng khám bị hạn chế vì sai lầm ngẫu nhiên vốn có và sai lầm hệ thống do sự chú tâm của bệnh nhân trong lúc đo [1,2]. Đo huyết áp ngoài phòng khám, với huyết áp kế tại nhà hoặc máy theo dõi lưu động tránh được những nhược điểm đó và ngày càng quan trọng trong điều trị tăng huyết áp [1]. Đặc biệt, ưu điểm của huyết áp tâm thu (HATT) 24 giờ qua theo dõi lưu động so với HATT ĐM cánh tay tại phòng khám trong tiên đoán biến cố tim mạch đã được khẳng định trong nhiều nghiên cứu [2]. Tuy nhiên, HATT ĐM cánh tay tại phòng khám nếu đo đúng kỹ thuật vẫn có giá trị dự đoán tổn thương cơ quan đích như HATT 24 giờ [3].
Vai trò tương đối của huyết áp trung tâm so với huyết áp ngoại vi trong bệnh tật và tử vong do nguyên nhân tim mạch vẫn chưa sáng tỏ [4]. Huyết áp ĐM cánh tay không phản ánh huyết áp trong các động mạch trung tâm (ĐM chủ lên và ĐM cảnh) [5]. So với huyết áp ĐM cánh tay, HATT trung tâm và hiệu áp trung tâm (đo bằng kỹ thuật không xâm lấn) liên hệ chặt chẽ hơn với tổn thương cơ quan đích và tử vong do bệnh tim mạch [6-8]. Trái lại, HATT và hiệu áp ĐM cánh tay, mà không phải HATT và hiệu áp trung tâm, giúp tiên lượng ở phụ nữ lớn tuổi bị tăng huyết áp [9]. Trong nghiên cứu Conduit Artery Function Evaluation, nguy cơ HR mắc tiêu chí phối hợp của hiệu áp ĐM cánh tay và hiệu áp trung tâm tương tự nhau [10]. Ngoài ra, đo huyết áp trung tâm tại phòng khám cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự chú tâm của bệnh nhân. Về cơ bản, giá trị tiên lượng của huyết áp trung tâm tại phòng khám so với huyết áp theo dõi lưu động ngoài phòng khám chưa được hiểu rõ. Do đó, nghiên cứu cộng đồng này có mục tiêu so sánh HATT trung tâm và hiệu áp trung tâm so với HATT 24 giờ và hiệu áp 24 giờ, có đối chiếu với HATT ĐM cánh tay và hiệu áp ĐM cánh tay, trong tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chọn đối tượng tham gia từ một nghiên cứu cộng đồng trước đó đã công bố (n=2230, chiếm 89.2% của cộng đồng có 2500 cư dân) ở Pu-Li và Kinmen, Đài Loan [11]. Hình 1 mô tả quá trình chọn 1014 người có huyết áp bình thường hoặc tăng huyết áp chưa điều trị, tuổi trung bình 52±13 (30-79 tuổi) vào nghiên cứu. Xin vào địa chỉ http://links.lww.com/HJH/A63, Bảng bổ sung số 1, để xem đặc điểm các đối tượng được nhận vào hay loại trừ khỏi nghiên cứu này. Việc đánh giá toàn diện tình trạng tim mạch ban đầu của đối tượng nghiên cứu (sau khi ăn) gồm có: hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng chi tiết, thực hiện trương lực đồ động mạch cảnh, siêu âm động mạch cảnh, và siêu âm tim [12]. Nghiên cứu này được sự chấp thuận của Hội đồng xét duyệt tại Đại học Johns Hopkins. Tất cả đối tượng đều đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
Các thông số huyết áp
Sau khi ngồi nghỉ 5 phút, đối tượng nghiên cứu được đo huyết áp ĐM cánh tay phải bằng huyết áp kế thủy ngân với túi hơi có kích thước chuẩn (13 cm x 50 cm), bởi một trong bốn bác sĩ tim mạch chính, theo cùng một kỹ thuật chuẩn. Nghiên cứu viên đo huyết áp hai lần cách nhau ít nhất 5 phút và lấy trị số trung bình. Hiệu áp ĐM cánh tay = HATT ĐM cánh tay – huyết áp tâm trương ĐM cánh tay.
Chúng tôi dùng trương lực đồ ĐM cảnh để đánh giá HATT trung tâm và hiệu áp trung tâm [7]. Sóng áp lực ĐM cảnh bên phải được ghi bằng phương pháp không xâm lấn là trương lực đồ phẳng hóa sử dụng vi áp kế SPC-301 có độ trung thực cao (Millar Instrument Inc., Houston, Texas, USA) [12]. Chúng tôi tính sóng áp lực trung bình ĐM cảnh từ một nhóm 5-10 sóng liên tiếp, sau đó hiệu chỉnh theo huyết áp trung bình và huyết áp tâm trương ĐM cánh tay. Huyết áp trung bình ĐM cánh tay = 1/3 hiệu áp ĐM cánh tay + huyết áp tâm trương ĐM cánh tay. Sự biến thiên giữa các lần đo và giữa các người đo của HATT trung tâm là 0.9% và 0.6%, của hiệu áp trung tâm là 0.3% và 0.6%. Sự biến thiên = mức khác biệt giữa hai lần đo/trung bình cộng của 20 đối tượng khác trong nghiên cứu.
Chúng tôi sử dụng máy theo dõi huyết áp lưu động (Model 90207; SpaceLabs Inc., Redmond, Washington, USA) để đo huyết áp ngoài phòng khám nhiều lần trong ngày, từ đó tính HATT 24 giờ và hiệu áp 24 giờ [11]. Máy tự động đo huyết áp ĐM cánh tay (bơm hơi tối đa, sau đó xả với tốc độ 8 mmHg) mỗi 20 phút trong khoảng thời gian 7-22 giờ, và mỗi 60 phút trong khoảng 22-7 giờ. Các trị số huyết áp trong 24 giờ không thể chỉnh sửa. Chúng tôi chỉ nhận vào những trường hợp có số lần đo chiếm ≥70% tổng số lần đo tối đa có thể (64±11). Số lần đo trung bình là 50±5 trong vòng 24±2 giờ.
Các thông số sinh hóa
Đường huyết và các chỉ số lipid máu được định lượng sau khi nhịn đói qua đêm, với cholesterol toàn phần bằng máy tự động Hitachi, HDL-cholesterol bằng phương pháp kết tủa (Kodak Ektachem HDL Kit), và đường huyết bằng phương pháp hexokinase/glucose-6-phosphate dehydrogenase [Glucose (HK) Reagent Kit; Gilford System, Oberlin, Ohio, USA].
Theo dõi
Với mỗi trường hợp tử vong trong số 1014 đối tượng nghiên cứu, chúng tôi xác định nguyên nhân và ngày chết bằng cách đối chiếu số thẻ căn cước (không thay đổi và dùng trọn đời cho mỗi công dân Đài Loan) với hồ sơ lưu trữ của Phòng Hộ tịch khai tử Quốc Gia. Những người không bị khai tử tại Phòng hộ tịch Quốc gia vào ngày 31/12/2007 được xem vẫn còn sống cho tới thời điểm đó. Phòng Hộ tịch khai tử Quốc Gia ghi nhận thông tin có giá trị pháp lý dựa trên giấy chứng tử, trong đó có mục nguyên nhân tử vong theo Phân loại bệnh tật Quốc tế ICD-9. Mã ICD-9 của tử vong do các bệnh tim mạch là 390-459. Thông tin về nguyên nhân tử vong ghi trong hồ sơ của Phòng Hộ tịch khai tử Quốc Gia Đài Loan đã được công nhận là chính xác [13].
Phân tích thống kê
Chúng tôi sử dụng phần mềm thống kê SPSS 15 (SPSS Inc., Chicago, Illinois, USA) để phân tích số liệu. Các biến định lượng được trình bày dưới dạng trung bình cộng ± độ lệch chuẩn, và biến định tính dưới dạng tỉ lệ phần trăm. Nghiên cứu so sánh các nhóm bằng phép kiểm t với biến định lượng, và phép kiểm χ2 với định tính. Mối liên quan giữa các thông số huyết áp và tuổi được đánh giá bằng hệ số tương quan Pearson. Chúng tôi cũng tính yếu tố biến thiên gia tăng để ước lượng mức độ tương quan đa cộng tuyến tính giữa các thông số huyết áp [14]. Mức độ tương quan đa cộng tuyến tính là mạnh nếu hệ số biến thiên gia tăng lớn hơn 5 [14]. Mối liên hệ giữa các thông số HATT ĐM cánh tay, hiệu áp ĐM cánh tay, HATT trung tâm, hiệu áp trung tâm, HATT 24 giờ và hiệu áp 24 giờ với tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch sau thời gian theo dõi trung vị 15 năm được xác định bằng phân tích hồi qui Cox, có hoặc không điều chỉnh theo những yếu tố như tuổi, giới, BMI, hút thuốc, đường huyết đói, tỉ lệ cholesterol toàn phần/HDL-C. Sau đó, HATT ĐM cánh tay, HATT trung tâm, hoặc hiệu áp trung tâm được đưa vào mô hình hồi qui Cox đa biến. Chúng tôi cũng tính toán tỉ số nguy cơ chưa và đã hiệu chỉnh (với khoảng tin cậy 95%) khi một thông số huyết áp tăng 1 độ lệch chuẩn. Giá trị p hai đuôi có ý nghĩa thống kê khi ≤ 0.05.
Kết quả
Đặc điểm dân số nghiên cứu
Bảng 1 trình bày đặc điểm ban đầu của các đối tượng vẫn còn sống (n=813), và đã chết do bất kỳ nguyên nhân gì (n=201) hoặc do bệnh tim mạch (n=55) vào lúc kết thúc nghiên cứu. Nguyên nhân của tử vong do bệnh tim mạch gồm có bệnh tim (n=21), và đột quỵ do nhồi máu hay xuất huyết não (n=34). Nhìn chung, những người vẫn còn sống nhỏ tuổi hơn; ít hút thuốc hơn; tỉ lệ cholesterol toàn phần/HDL-C thấp hơn; các thông số huyết áp (ngoại vi, trung tâm, theo dõi lưu động) thấp hơn so với những người đã qua đời vì bất kỳ nguyên nhân gì hay do bệnh tim mạch.
Mối tương quan giữa các thông số huyết áp và tuổi
Hệ số tương quan giữ tuổi và các thông số huyết áp, giữa các thông số huyết áp với nhau được trình bày trong Bảng 2. Trong tương quan với tuổi, hiệu áp trung tâm có hệ số tương quanmạnh nhất, theo sau là hiệu áp 24 giờ, hiệu áp ĐM cánh tay, HATT trung tâm, HATT ĐM cánh tay, và HATT 24 giờ. Huyết áp theo dõi lưu động có vẻ tương quan chặt chẽ với huyết áp trung tâm hơn là với huyết áp động mạch cánh tay.
Mối liên hệ giữa các thông số huyết áp với tử vong
Trong phân tích đơn biến, tất cả sáu thông số huyết áp đều có ý nghĩa tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch (Bảng 3). Sau khi hiệu chỉnh (theo tuổi, hút thuốc, đường huyết đói, và tỉ lệ cholesterol toàn phần/HDL-C), chỉ hiệu áp trung tâm (tỉ số nguy cơ HR=1.16, khoảng tin cậy 95%: 1.01-1.32) có giá trị dự báo tử vong do mọi nguyên nhân (Hình 2a); và tất cả các thông số, trừ hiệu áp ĐM cánh tay, giúp dự đoán tử vong do bệnh tim mạch (Hình 2b). HATT 24 giờ có tỉ số nguy cơ cao nhất (HR=1.97, khoảng tin cậy 95%: 1.49-2.60), theo sau là HATT trung tâm (HR=1.72, khoảng tin cậy 95%: 1.32-2.23).
Khi đồng thời đưa thông số HATT ĐM cánh tay vào mô hình đa biến, hiệu áp trung tâm không còn ý nghĩa tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân; trong khi HATT 24 giờ và HATT trung tâm, chứ không phải hiệu áp 24 giờ hoặc hiệu áp trung tâm, vẫn giúp dự đoán tử vong do bệnh tim mạch (Bảng 4).
Khi đồng thời đưa HATT trung tâm vào mô hình đa biến, chỉ HATT 24 giờ còn giá trị dự báo tử vong do bệnh tim mạch (Bảng 4).
Với hiệu áp trung tâm được đồng thời đưa vào mô hình đa biến, HATT 24 giờ và HATT trung tâm vẫn giúp tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch (Bảng 4).
Bàn luận
Tong một dân số nghiên cứu thuần nhất là người Đài Loan không có tiền sử đái tháo đường hoặc bất kỳ bệnh tim mạch nào, chúng tôi nhận thấy rằng tất cả thông số huyết áp trung tâm và ngoại vi đo tại phòng khám và huyết áp theo dõi lưu động đều liên quan có ý nghĩa với tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch. Trong số sáu thông số huyết áp trung tâm và ngoại vi, chỉ hiệu áp trung tâm có ý nghĩa tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân sau khi hiệu chỉnh theo các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Trong khi đó, HATT 24 giờ, hiệu áp 24 giờ, HATT trung tâm, hiệu áp trung tâm và HATT động mạch cánh tay dự báo tử vong do bệnh tim mạch độc lập với các yếu tố nguy cơ khác. Cả hai thông số HATT 24 giờ và HATT trung tâm có giá trị dự báo tử vong do bệnh tim mạch, độc lập với HATT động mạch cánh tay hoặc hiệu áp trung tâm. Ngoài ra, HATT 24 giờ giúp tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch, độc lập với HATT trung tâm và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Do đó, huyết áp trung tâm tại phòng khám và huyết áp theo dõi lưu động có giá trị tiên lượng tốt hơn huyết áp ngoại vi đo tại phòng khám. Các kết quả này có lẽ do vai trò của huyết áp trung tâm khác với huyết áp ngoại vi, và vai trò của huyết áp tâm thu khác với hiệu áp trong sinh bệnh học tim mạch. Từ nghiên cứu này, chúng tôi ủng hộ việc đo huyết áp trung tâm tại phòng khám trong điều trị tăng huyết áp.
Hiệu áp có tác động trực tiếp và theo chu kỳ trên các động mạch dẫn và cơ quan đích như động mạch cảnh và động mạch thận, và huyết áp tâm thu gây phì đại thất trái do làm tăng sức căng thành cuối tâm thu [15,16]. Ngoài ra, hiệu áp trung tâm tiên đoán tỉ lệ mới mắc bệnh tim mạch tốt hơn hiệu áp ĐM cánh tay [17]. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến khối cơ thất trái, HATT trung tâm/HATT động mạch cánh tay quan trọng hơn hiệu áp trung tâm/hiệu áp động mạch cánh tay, theo nghiên cứu trước đây của chúng tôi [7]. Còn về độ dày lớp nội – trung mạc động mạch cảnh, hiệu áp trung tâm là yếu tố ảnh hưởng quan trọng hơn HATT trung tâm hoặc hiệu áp ĐM cánh tay [7]. Với nghiên cứu hiện tại, chúng tôi mở rộng thêm rằng hiệu áp trung tâm có giá trị tiên đoán tử vong do mọi nguyên nhân tốt hơn hiệu áp ĐM cánh tay, hiệu áp 24 giờ, HATT trung tâm và HATT 24 giờ trong dân số chung.
Trước đây, ưu điểm dự báo tử vong do mọi nguyên nhân của hiệu áp trung tâm so với hiệu áp ĐM cánh tay chỉ được nhận thấy ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối [4,18]. Với nghiên cứu hiện tại của chúng tôi, hiệu áp trung tâm có mối tương quan tốt nhất với tuổi trong tất cả các thông số huyết áp, và là yếu tố duy nhất liên hệ có ý nghĩa với tử vong do mọi nguyên nhân sau khi hiệu chỉnh theo các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Các kết quả này ủng hộ cho quan điểm rằng hiệu áp trung tâm là chỉ số phản ảnh rõ ràng hơn độ cứng động mạch trung tâm, và là dấu ấn tốt hơn của quá trình lão hóa mạch máu so với các thông số huyết áp khác. Mặc dù không có sai lầm ngẫu nhiên và sai lầm hệ thống [1,2], HATT 24 giờ và hiệu áp 24 giờ vẫn là huyết áp ngoại vi nên không phản ánh chính xác độ cứng của động mạch lớn. Sóng áp lực động mạch cảnh-đùi đo trong một lần khám, chứ không phải hiệu áp 24 giờ, giúp dự báo các biến cố tim mạch độc lập với các yếu tố nguy cơ tim mạch kinh điển kể cả huyết áp 24 giờ [19]. Trong dự đoán tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch, có lẽ đo độ cứng động mạch lớn tại phòng khám bằng hiệu áp trung tâm hoặc sóng áp lực động mạch cảnh-đùi quan trọng hơn đo huyết áp ngoại vi ngoài phòng khám.
Trong nghiên cứu trước đây của chúng tôi, HATT trung tâm có giá trị hơn hiệu áp trung tâm trong dự báo tử vong do tim mạch, có lẽ do tương quan mạnh hơn với chỉ số khối cơ thất trái [7]. Trong khi đó, một số tác giả khác lại cho rằng hiệu áp trung tâm có liên quan với bệnh tim mạch rõ ràng hơn HATT trung tâm [4,6]. Các kết quả trái ngược này có thể do khác biệt về nguy cơ và biểu hiện của bệnh tim mạch giữa các chủng tộc [20]. Trong nghiên cứu trước đó của chúng tôi, hệ số tương quan giữa HATT động mạch cánh tay, HATT trung tâm và HATT 24 giờ với khối cơ thất trái lần lượt là 0.379, 0.434, và 0.460 (xin vào địa chỉ http://links.lww.com/HJH/A63 để xem Bảng bổ sung số 2) [7]. Do đó, giá trị dự báo tử vong do tim mạch của HATT 24 giờ tốt hơn HATT trung tâm và hiệu áp trung tâm có lẽ do nó tương quan chặt chẽ hơn với khối cơ thất trái. Khối cơ thất trái phản ánh tác động cộng dồn lâu dài của một số yếu tố huyết động và không phải huyết động là nguy cơ của bệnh tim mạch, và có thể tương ứng với mức độ tăng huyết áp của đối tượng nghiên cứu [15]. Kết quả này phù hợp với vai trò nổi bật của tăng huyết áp trong tử vong do bệnh tim mạch ở cộng đồng người Hoa [21].
Hạn chế của nghiên cứu
Một trong những hạn chế của nghiên cứu này là không ghi nhận các biến cố không tử vong. Vì dân số nghiên cứu có nguy cơ khá thấp, tử vong do bệnh tim mạch xảy ra với tỉ lệ thấp. Vấn đề điều trị nội khoa trong giai đoạn theo dõi cũng không được báo cáo. Do đó, không thể hiệu chỉnh giá trị tiên đoán tử vong của huyết áp trung tâm và huyết áp theo dõi lưu động theo điều trị nội khoa. Đối tượng nghiên cứu được đánh giá sau ăn, là lúc mà huyết áp có thể hạ, nhất là ở người lớn tuổi [22]. Trong nghiên cứu này, huyết áp trung tâm được đo vào buổi sáng hoặc chiều, và bữa ăn có ảnh hưởng khác nhau đến trị số huyết áp tùy theo từng trường hợp. Trái lại, theo dõi huyết áp lưu động có lợi điểm là đo huyết áp một cách đều đặn trong 24 giờ, do đó làm giảm thiểu tác dụng gây nhiễu của bữa ăn. Vì vậy, cần có thêm những nghiên cứu để so sánh huyết áp trung tâm và huyết áp ngoại vi trong lúc đang theo dõi huyết áp lưu động.
Nghiên cứu của chúng tôi ước lượng huyết áp ĐM cảnh bằng sóng áp lực ĐM cảnh trên trương lực đồ, có điều chỉnh theo huyết áp tâm trương và huyết áp trung bình ở ĐM cánh tay [23]. Do đó, sai số trong khi đo huyết áp động mạch cánh tay có thể ảnh hưởng đến việc ước lượng huyết áp ĐM cảnh [23]. Ngoài ra, chênh lệch nhỏ (khoảng 2 mmHg) giữa HATT trong ĐM cảnh và trong ĐM chủ có thể xảy ra do hiện tượng khuyếch đại [23].
Hiện tượng đa cộng tuyến tính có thể là nguyên nhân vì sao hiệu áp trung tâm không còn giá trị tiên đoán tử vong do bệnh tim mạch khi HATT ĐM cánh tay và HATT trung tâm đồng thời được đưa vào phân tích đa biến. Tuy nhiên, “các kết quả âm tính” này là hợp lý vì đa cộng tuyến tính có mức độ thấp (hệ số biến thiên gia tăng < 5); và trong mô hình tiên đoán nguy cơ đa biến không có sự hiện diện của thông số huyết áp khác, tất cả thông số hiệu áp đều có tỉ số nguy cơ bị biến cố tim mạch nhỏ hơn thông số HATT tương ứng (Hình 2b).
Để kết luận, chúng tôi nhận thấy huyết áp trung tâm tại phòng khám có giá trị hơn huyết áp ngoại vi tại phòng khám trong dự báo tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch. HATT 24 giờ có ưu thế hơn HATT trung tâm trong dự đoán tử vong do bệnh tim mạch, trong khi hiệu áp trung tâm có thể dự báo tử vong do mọi nguyên nhân tốt hơn HATT 24 giờ hoặc hiệu áp 24 giờ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Parati G, Omboni S, Bilo G. Why is out-of-office blood pressure measurement needed? Home blood pressure measurements will increasingly replace ambulatory blood pressure monitoring in the diagnosis and management of hypertension. Hypertension 2009; 54:181-187.
2. Verdecchia P, Angeli F, Mazzotta G, Gentile G, Reboldi G. Home blood pressure measurements will not replace 24-h ambulatory blood pressure monitoring. Hypertension 2009; 54:188-195.
3. Woodiwiss AJ, Molebatsi N, Maseko MJ, Libhaber E, Libhaber C, Majane OH, et al. Nurse-recorded auscultatory blood pressure at a single visit predicts target organ changes as well as ambulatory blood pressure. J Hypertens 2009; 27:287-297.
4. Vlachopoulos C, Aznaouridis K, O’Rourke MF, Safar ME, Baou K, Stefanadis C. Prediction of cardiovascular events and all-cause mortality with central haemodynamics: a systematic review and meta-analysis. Eur Heart J 2010; 31:1865-1871.
5. 5 Mancia G, De Backer G, Dominiczak A, Cifkova R, Fagard R, Germano G, et al. 2007 Guidelines for the Management of Arterial Hypertension: the Task Force for the Management of Arterial Hypertension of the European Society of Hypertension (ESH) and of the European Society of Cardiology (ESC). J Hypertens 2007; 25:1105-1187.
6. Roman MJ, Devereux RB, Kizer JR, Lee ET, Galloway JM, Ali T, et al. Central pressure more strongly relates to vascular disease and outcome than does brachial pressure: the Strong Heart study. Hypertension 2007; 50:197-203.
7. Wang KL, Cheng HM, Chuang SY, Spurgeon HA, Ting CT, Lakatta EG, et al. Central or peripheral systolic or pulse pressure: which best relates to target organs and future mortality? J Hypertens 2009; 27:461-467.
8. Pini R, Cavallini MC, Palmieri V, Marchionni N, Di Bari M, Devereux RB, et al. Central but not brachial blood pressure predicts cardiovascular events in an unselected geriatric population: the ICARe Dicomano study. J Am Coll Cardiol 2008; 51:2432-2439.
9. Dart AM, Gatzka CD, Kingwell BA, Willson K, Cameron JD, Liang YL, et al. Brachial blood pressure but not carotid arterial waveforms predict cardiovascular events in elderly female hypertensives. Hypertension 2006; 47:785-790.
10. Williams B, Lacy PS, Thom SM, Cruickshank K, Stanton A, Collier D, et al. Differential impact of blood pressure-lowering drugs on central aortic pressure and clinical outcomes: principal results of the Conduit Artery Function Evaluation (CAFE) study. Circulation 2006; 113:1213-1225.
11. Chen CH, Ting CT, Lin SJ, Hsu TL, Chou P, Kuo HS, et al. Relation between diurnal variation of blood pressure and left ventricular mass in a Chinese population. Am J Cardiol 1995; 75:1239-1243.
12. Chen CH, Ting CT, Lin SJ, Hsu TL, Ho SJ, Chou P, et al. Which arterial and cardiac parameters best predict left ventricular mass? Circulation 1998; 98:422-428.
13. Lu TH, Lee MC, Chou MC. Accuracy of cause-of-death coding in Taiwan: types of miscoding and effects on mortality statistics. Int J Epidemiol 2000; 29:336-343.
14. Hair JF, Anderson R, Tatham RL, Black WC. Multivariate data analysis. Upper Saddle River NJ: Prentice Hall; 2006.
15. Verdecchia P, Schillaci G, Borgioni C, Gattobigio R, Ambrosio G, Porcellati C. Prevalent influence of systolic over pulse pressure on left ventricular mass in essential hypertension. Eur Heart J 2002; 23:658-665.
16. Roman MJ, Okin PM, Kizer JR, Lee ET, Howard BV, Devereux RB. Relations of central and brachial blood pressure to left ventricular hypertrophy and geometry: the Strong Heart study. J Hypertens 2010; 28:384-388.
17. Roman MJ, Devereux RB, Kizer JR, Okin PM, Lee ET, Wang W, et al. High central pulse pressure is independently associated with adverse cardiovascular outcome: the Strong Heart study. J Am Coll Cardiol 2009; 54:1730-1734.
18. Safar ME, Blacher J, Pannier B, Guerin AP, Marchais SJ, Guyonvarc’h PM, et al. Central pulse pressure and mortality in end-stage renal disease. Hypertension 2002; 39:735-738.
19. Willum-Hansen T, Staessen JA, Torp-Pedersen C, Rasmussen S, Thijs L, Ibsen H, et al. Prognostic value of aortic pulse wave velocity as index of arterial stiffness in the general population. Circulation 2006; 113:664-670.
20. Chaturvedi N. Ethnic differences in cardiovascular disease. Heart 2003; 89:681-686.
21. Hsu PF, Chuang SY, Cheng HM, Tsai ST, Chou P, Chen CH. Clinical significance of the metabolic syndrome in the absence of established hypertension and diabetes: a community-based study. Diabetes Res Clin Pract 2008; 79:461-467.
22. Peitzman SJ, Berger SR. Postprandial blood pressure decrease in well elderly persons. Arch Intern Med 1989; 149:286-288.
23. Avolio AP, Van Bortel LM, Boutouyrie P, Cockcroft JR, McEniery CM, Protogerou AD, et al. Role of pulse pressure amplification in arterial hypertension. Experts’ opinion and review of the data. Hypertension 2009; 54:375-383.