Google search engine

Chỉ số Tei sửa đổi (Tei’) một chỉ số đánh giá chức năng thất phải ở bệnh tứ chứng Fallot

Tóm tắt: Mục tiêu: Nghiên cứu sự thay đổi chỉ số Tei thất phải ở bệnh nhân T4F và mối tương quan giữa chỉ số Tei thất phải với các thông số siêu âm khác ở bệnh nhân T4F.

ThS.BS. Lê Thúy Ngọc
Bệnh viện Tim Hà Nội;
PGS.TS. Phạm Nguyên Sơn
Viện Tim mạch Trung ương Quân đội 108

Abstract: Objective: To study changes in right ventricular Tei modified index (Tei’) of T4F patients and the correlation between right ventricular Tei’ index with some other ultrasound parameters in T4F patients. Methods: cross-sectional study, comparison between T4F group and control group, conducted from 11/2009-7/2010 at Hanoi Heart Hospital. Results: 85 patients with T4F, the proportion of male/female =1.23/1. Comparison of ultrasound characteristics of 2 groups showed that patients with T4F have aortic ascending diameter greater than non cardiac patients (22.35 ± 6.56 mm vs 19.55 ± 4.66 mm; p<0,05), the left ventricular diameters (systolic and diastolic) in T4F group were smaller but there was no difference in left ventricular EF (68.43 ± 5.49 and 66.24% ± 8.1%). The diameters of the infundibulum, ring valves, truncus and branches of  pulmonary artery in T4F group were smaller compared to the non cardiac group. The free wall of the right ventricle was thicker  in T4F group and  there was an increase in thickness with age. Tei index measured by classical methods in T4F patients encountered error technical aspects. Tei index measured by tissue Doppler method (Tei’) in T4F patients was greater compared to the control group. But we did not found a correlation between Tei’ index with ultrasound parameters in evaluation of grade of  T4F patients. Conclusion: The right ventricular Tei’ in patients with T4F increases as compared to children without heart disease and did not correlate with other ultrasound index.

Keyword: T4F: tetralogy of Fallot. Tei: Tei index.

Tóm tắt: Mục tiêu: Nghiên cứu sự thay đổi chỉ số Tei thất phải ở bệnh nhân T4F và mối tương quan giữa chỉ số Tei thất phải với các thông số siêu âm khác ở bệnh nhân T4F. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang, mô tả và so sánh giữa nhóm T4F với nhóm không có bệnh lý tim mạch  tiến hành từ tháng 11/2009 đến tháng 7/2010 tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Kết quả: Có 85 bệnh nhân T4F, tỉ lệ nam/nữ = 1.23/1. So sánh đặc điểm siêu âm của nhóm T4F với nhóm chứng cho thấy: đk ĐMC lên lớn hơn có ý nghĩa ở nhóm bệnh (22,35 ± 6,56 mm so với 19,55 ± 4.66 mm), đk thất trái (tâm thu và tâm trương) nhỏ hơn ở nhóm bệnh nhưng không có sự khác biệt về chức năng tâm thu thất trái (68,43 ± 5,49% so với 66,24 ± 8,10%). Đường kính phần phễu,vòng van, thân và các nhánh ĐMP ở nhóm bệnh nhỏ hơn so với nhóm chứng ở các nhóm tuổi. Thất phải dầy nhiều và chưa bị giãn thứ phát với bề dày thành tự do thất phải ở nhóm bệnh lớn hơn so với nhóm chứng và có sự gia tăng độ dầy theo nhóm tuổi. Chỉ số Tei đo bằng phương pháp kinh điển ở bệnh nhân T4F gặp sai số về mặt kĩ thuật. Chỉ số Tei đo bằng phương pháp Doppler mô (Tei’) ở bệnh nhân T4F lớn hơn so với nhóm chứng. Tuy nhiên chưa tìm thấy mối tương quan giữa chỉ số Tei’ với các thông số siêu âm đánh giá tổn thương ở  bệnh nhân T4F. Kết luận: Chỉ số Tei thất phải đo bằng phương pháp Doppler mô cơ tim ở bệnh nhân T4F tăng so với trẻ không có bệnh tim mạch.

Từ viết tắt: T4F: Tứ chứng Fallot. Tei: chỉ số Tei. ĐMC: Động mạch chủ. ĐMP: Động mạch phổi. CÔĐM: còn ống động mạch. , ĐRTP: Đường ra thất phải, ĐMV: Động mạch vành, TLN: Thông liên nhĩ, TMP: tĩnh mạch phổi,  TLT: Thông liên thất, T: Trái, P: Phải.

Đặt vấn đề: Tứ chứng Fallot là một bệnh  tim bẩm sinh chiếm tỉ lệ từ 3-5 trẻ trong 10.000 trẻ sinh ra, với tần suất nghiêng nhẹ ở các trẻ nam, bệnh chiếm tỉ lệ khoảng 10% tổng số các bệnh tim bẩm sinh. Với bốn tổn thương cơ bản gồm thông liên thất, hẹp đường ra thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất và lệch phải, cùng với dầy thất phải phản ứng, tứ chứng Fallot gây nên hai tình trạng biến đổi sinh lý bệnh chính là tình trạng máu trộn và tăng áp lực thất phải. Do thất phải có đặc điểm giải phẫu và sinh lý phức tạp, và bị ảnh hưởng qua lại của hệ hô hấp và tương tác với thất trái nên việc đánh giá chức năng thất phải gặp nhiều khó khăn. Năm 1995, C.Tei và cộng sự lần đầu tiên đưa ra chỉ số đánh giá chức năng tâm thu và tâm trương của thất trái và thất phải. Chỉ số này dựa trên thời gian co đồng thể tích, thời gian giãn đồng thể tích và thời gian tống máu. Sau đó rất nhiều nghiên cứu dựa trên chỉ số Tei để đánh giá chức năng tâm thất trái trên các bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim thoái hóa bột…cũng như đánh giá chức năng tâm thất phải ở các bệnh thông liên nhĩ. Do vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Nghiên cứu sự thay đổi của chỉ số Tei thất phải ở bệnh nhân T4F bằng 2 phương pháp Doppler kinh điển và Doppler mô và tìm hiểu mối tương quan giữa chỉ số Tei thất phải với một số thông số siêu âm  ở bệnh nhân T4F.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh: Bệnh nhân đươc chẩn đoán xác định dựa trên kết quả siêu âm tim hoặc thông tim (nếu cần thiết) với các tiêu chuẩn: TLT rộng và lệch hàng, Hẹp ĐRTP (Hẹp phễu thất phải, hẹp vòng van, hẹp van hoặc thân, hẹp nhánh ĐMP. Có thể không hợp lưu ĐMP), ĐMC cưỡi ngựa trên VLT và Phì đại thất phải. Có thể phối hợp các tổn thương: TLN, CÔĐM, THBH chủ phổi, bất thường đổ về TMP, bất thường xuất phát và đường đi của ĐMV.

Tiêu chuẩn loại trừ: T4F có kèm theo các dị tật tim phức tạp khác ngoài các dị tật kết hợp đã nêu ở trên như ống nhĩ thất chung, thiểu sản thất phải, không lỗ van ba lá, hẹp eo ĐMC, T4F đang có bệnh lý nội khoa kèm như suy thận, T4F phẫu thuật lại do hẹp ĐRTP hay TLT tồn lưu. T4F thể không có lỗ van ĐMP.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, so sánh về thông số siêu âm tim và siêu âm Doppler thông thường giữa nhóm T4F và nhóm không bệnh lý tim mạch, so sánh các thành phần cấu thành chỉ số Tei và chỉ số Tei giữa 2 nhóm.

Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 17.0. Các kết quả được trình bày dưới dạng bảng và biểu đồ. Các biến định lượng kiểu số liên tục đươc biểu diễn dưới dạng trị trung bình ± độ lệch chuẩn, các biến định tính  được biểu diễn dưới dạng tần suất hoặc %, mức ý nghĩa thống kê được tính ở mức 95%.

Kết quả :

Bảng 1: Các chỉ số nhân trắc ở 2 nhóm:

Nhóm

Chỉ số

Nhóm chứng(n=60)

Nhóm T4F (n=85)

P

Tuổi (năm)

10.79 ± 9.41

9.2 ± 10.9

> 0,05

Tỉ lệ Nam/ Nữ

34/26

47/38

> 0,05

Cân nặng (kg)

26,90 ± 17,30

21,56 ± 15,02

0,05

Bảng 2:  So sánh thông số siêu âm giữa nhóm T4F và nhóm chứng:

Thông số (mm)

Nhóm chứng( n= 60)

Nhóm bệnh (n=85)

P

ĐMC

19,55 ± 4,66

22,35 ± 6,56

<0,05

Dd

36,97 ± 7,21

27,19 ± 10,22

< 0,05

Ds

23,06 ± 4,94

17,67 ± 6,79

< 0,05

EF (%)

68,43 ± 5,49

66,24 ± 8,10

>0,05

Đk thất phải TM

12,59 ± 2,61

12,84 ± 3,30

> 0,05

Đk phần phễu

16,31 ± 3,25

5,97 ± 3,76

< 0,05

Đk vòng van ĐMP

16,28 ± 2,90

10,38 ± 4,57

< 0,05

Đk Thân ĐMP

19,98 ± 4,41

14,75 ± 6,09

<0,05

Đk ĐMP phải

11,61 ± 2,51

9,86 ± 3,86

< 0,05

Đk ĐMP trái

11,18 ± 2,54

8,92 ± 3,38

< 0,05

Đk vòng van Ba lá

22,40 ± 4,61

22,62 ± 6,12

> 0,05

Bề dày thành tự do Thất Phải

4,12 ± 0,82

7,43 ± 1,99

< 0.05

Bảng 3: Chỉ số Tei thất phải ở các nhóm đối tượng nghiên cứu

Thông số

Nhóm chứng

(n=60)

Nhóm T4F

(n=85)

p

Thời gian tống máu (ms)

260,15 ± 35.30

301 ± 49

< 0.05

Thời gian toàn tâm thu thất phải (ms)

331,21 ± 39,28

353 ± 57

< 0.05

Chỉ số Tei thất phải

0,27 ± 0,08

0.18 ± 0.14

< 0.001

Bảng 4: Chỉ số Tei mô thất phải ở các nhóm đối tượng nghiên cứu

Thông số

Nhóm chứng

(n= 60)

Nhóm T4F

(n=85)

P

Thời gian tống máu (ms)

250,64 ± 23,37

234.22 ± 30

0.01

Thời gian toàn tâm thu thất P (ms)

337,88 ± 32,85

365.38 ± 61.27

0.004

Chỉ số Tei mô thất phải

0,35 ± 0.08

0.56 ± 0.19

< 0,001

Bảng 5: Phân tầng chỉ số Tei’ theo các nhóm tuổi

Tuổi

Nhóm chứng (n=60)

Nhóm T4F(n=85)

P

0-2 tuổi

0,29 ± 0,10* (10)

0,51 ± 0,18* (27)

< 0,05

2-10 tuổi

0,34 ± 0,09*(24)

0,49 ± 0,15* (30)

< 0,05

>10 tuổi

0,35 ± 0,07*(26)

0. 69 ± 0,18 (28)

< 0,05

Bảng 6: Chỉ số Tei mô thất phải phân theo giới

Giới

Nhóm chứng (n=60)

Nhóm T4F (n=85)

P

Nam

0,36 ± 0,08* (34)

0,54 ± 0,19* (47)

< 0,01

Nữ

0,33 ± 0,08* (26)

0,58 ± 0,20* (38)

< 0,01

*: Không khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so sánh với các giá trị cùng cột

Bảng 7: Chỉ số Tei mô thất phải ở nhóm T4F phân theo mức độ bệnh

Nhóm bệnh

Tei mô thất phải

Thời gian tống máu thất phải (ms)

Thời gian toàn tâm thu (ms)

Nhẹ (n=50)

0.54 ± 0.21

234 ± 32,21

359,63 ± 57,83

Nặng (n=35)

0.59 ± 0.17

233,33 ± 29.13

373,22 ± 68,14

P

> 0.05

Bảng 8: Mối tương quan giữa chỉ số Tei’ với một số thông số siêu âm ở nhóm T4F:

Y

X

Thông số

r

P

Chỉ số Tei’

 

Tuổi

0,4

<0,005

Tần số tim

-0,203

>0,05

Bề dày thành tự do thất phải

0,155

>0,05

Chênh áp trung bình ĐRTP

0,153

>0,05

Chênh áp tối đa ĐRTP

0,127

>0,05

ĐK lỗ Thông liên thất

0,02

>0,06

Bàn luận:

Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ tuổi, giới giữa nhóm chứng và nhóm tứ chứng Fallot trong nghiên cứu. Cân nặng trung bình của nhóm bệnh nhân T4F thấp hơn so với nhóm chứng, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê. Về tỷ lệ mắc bệnh

của nam/nữ là 1,23/1, tỷ lệ này cũng phù hợp với các tác giả khác cũng như theo y văn và nhận thấy bệnh T4F xuất hiện có phần nghiêng về nam giới [1,3].

Chúng tôi nhận thấy nhóm T4F có tăng ĐK ĐMC lên so với nhóm chứng. Giãn gốc ĐMC là một bệnh cảnh lâm sàng không những đã được biết rõ ở các bệnh nhân T4F không được sửa chữa mà thậm chí vẫn tồn tại ở các bệnh nhân này sau khi đã được phẫu thuật triệt để. Nghiên cứu của một số tác giả nhận thấy giãn gốc ĐMC có phối hợp yếu tố nam giới, phụ thuộc vào khoảng thời gian từ lúc phẫu thuật tạm thời đến khi phẫu thuật triệt để, liên quan đến tình trạng không lỗ van ĐMP và quai ĐMC quay phải [7,8].

Nhóm T4F có ĐK thất T ở cả hai thì cuối tâm thu và cuối tâm trương nhỏ hơn so với nhóm chứng. Ở nhóm bệnh, do giảm lưu lượng máu lên phổi do vậy giảm lưu lượng tuần hoàn trở về thất T, mặt khác cung lượng tim cấp máu hệ thống được cung cấp từ cả thất T và thất P do ĐMC cưỡi ngựa, do vậy thất T kém phát triển.

Các bệnh nhân T4F đều có  trị số tuyệt đối phần phễu thất P, vòng van, thân, nhánh phải và nhánh trái ĐMP nhỏ hơn so với nhóm chứng cùng lứa tuổi và cân nặng. Trong đó hầu như các bệnh nhân đều có ĐMP trái nhỏ hơn ĐMP phải  tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê, có lẽ do sự lệch ra phía trước của bó đại động mạch làm gập thân ĐMP ở nhánh trái do vậy giảm lưu lượng máu đến phổi trái hơn so với phổi phải làm nhánh ĐMP trái nhỏ hơn so với nhánh ĐMP phải. Tuy nhiên sự khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi chưa có ý nghĩa thống kê với p = 0.06. Nghiên cứu của Renate Kaulitz cũng không thấy có sự khác biệt về ĐK ĐMP phải và trái giữa hai nhóm có và không có triệu chứng nhưng nhóm có triệu chứng có vòng van và phần phễu nhỏ hơn so với nhóm không triệu chứng [10]. Như vậy trong khi kích thước các nhánh ĐMP có vai trò quyết định khả năng phẫu thuật triệt để cho bệnh thì kích thước phần phễu hay mức độ hẹp của phần phễu gây ảnh hưởng tình trạng của lâm sàng. Trong nghiên cứu hình thể phần phễu ở bệnh T4F của Tal Geva và cộng sự thực hiện trên 21 bệnh nhân nhận thấy khi so sánh với nhóm chứng thì nhóm bệnh T4F có đường kính phần phễu quy chuẩn theo BSA nhỏ hơn, có tăng bề dầy vách chóp phần phễu, tăng dầy thành tự do phần phễu, có thể tích phần phễu nhỏ hơn phần phễu của nhóm chứng và góc giữa vách phễu và vách liên thất cũng lớn hơn ở nhóm bệnh so với nhóm chứng. Và nhóm bệnh cần phẫu thuật sớm có thể tích phần phễu  lớn hơn hẳn nhóm bệnh có thể trì hoãn.

Thất phải ở các bệnh nhân T4F thay đổi thứ phát do hẹp ĐRTP bằng tăng độ dày thành tim, điều này là đặc trưng của bệnh, nhưng chưa có trường hợp nào bị giãn ra. Kích thước thất phải đo trên TM và mặt cắt 4 buồng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm bệnh và nhóm chứng. Kích thước vòng van ba lá giữa nhóm chứng và nhóm bệnh cũng không có sự khác biệt có ý nghĩa, cũng là một bằng chứng cho thấy thất P chưa bị giãn thứ phát.

Một phương pháp khác đánh giá chức năng thất P độc lập với hình thể thất P đó là chỉ số Tei. Chỉ số Tei được tính toán dựa trên tổng của hai tỉ lệ thời gian co đồng thể tích và thời gian giãn đồng thể tích với thời gian tống máu. Rối loạn chức năng thất P thường có phối hợp rối loạn cả chức năng tâm thu và tâm trương. Rối loạn chức năng tâm thu thường kèm theo sự rút ngắn thời gian tống máu và kéo dài thời gian co đồng thể tích. Rối loạn chức năng tâm trương thất P biểu hiện bằng sự chậm giảm bất thường dốc áp lực thất P, biểu hiện  gây kéo dài thời gian giãn đồng thể tích thất P. Và như vậy chỉ số Tei là tổng của hai tỉ lệ thời gian co đồng thể tích và giãn đồng thể tích thất phải với thời gian tống máu, có thể phản ánh được chức năng toàn bộ thất. Chỉ số Tei có thể đo bằng hai phương pháp  kinh điển dựa trên Doppler xung, gọi là chỉ số Tei kinh điển (Tei) hoặc bằng phương pháp sửa đổi dựa trên Doppler mô và gọi là chỉ số Tei sửa đổi (Tei’). Đo chỉ số Tei thất phải theo phương pháp kinh điển gặp nhiều khó khăn, do đòi hỏi thực hiện trên hai mặt cắt: mặt cắt cạnh ức trục ngắn và  mặt cắt bốn buồng, do vậy hai thông số cấu thành nên chỉ số Tei kinh điển không được thực hiện đồng thời. Năm 1994 Sutherland đưa phương pháp siêu âm Doppler mô cơ tim (TDI- Tissue Doppler imaging) vào áp dụng lâm sàng. Đây là ứng dụng siêu âm đánh giá vận tốc vùng của tổ chức cơ tim. Đã có rất nhiều nghiên cứu về TDI nhưng chủ yếu tập trung vào vận tốc và đánh giá chức năng co bóp của từng vùng cơ tim. Tuy nhiên nhờ có thể đo được đồng thời vận tốc co và giãn của mô cơ tim, TDI có thể áp dụng để đánh giá thời gian tâm thu và tâm trương của tâm thất,  nên đo chỉ số Tei’ có thuận lợi và dễ áp dụng thực hành hơn so với chỉ số Tei [12]. Nghiên cứu của Keni Harada trên trẻ không có bệnh tim mạch đánh giá chỉ số Tei thất P bằng cả hai phương pháp và nhận thấy chỉ số Tei thất P kinh điển và sửa đổi có mối tương quan chặt chẽ với r = 0,81 và p<0,0001 [5].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, do các bệnh nhân T4F có hẹp ĐRTP và hầu hết đều có hẹp phần phễu dưới van ĐMP, là nơi đặt cửa sổ Doppler xung để đo chênh áp. Tuy nhiên do mức độ hẹp ĐRTP đều ở mức độ khít với vận tốc dòng phụt > 4m/s vượt qua mức vận tốc của Doppler xung tần số cao (HPRF), do vậy phải sử dụng Doppler liên tục để đo thời gian tống máu thất phải. Kết quả tính toán chỉ số Tei bằng phương pháp kinh điển, chúng tôi nhận thấy có sự kéo dài về cả thời gian tống máu và thời gian toàn tâm thu thất P ở nhóm bệnh so với nhóm chứng, và  như vậy chỉ số Tei thất P ở bệnh nhân T4F nhỏ hơn so với ở người bình thường. Khi so sánh ở từng nhóm tuổi giữa nhóm bệnh và nhóm chứng, chúng tôi cũng thấy kết quả như vậy. Tuy nhiên khi tính toán chỉ số Tei bằng phương pháp Doppler mô chúng tôi lại thấy kết quả hoàn toàn khác. Tiến hành đo chỉ số Tei bằng phương pháp Doppler mô với cửa sổ Doppler đặt ở vị trí thành bên vòng van ba lá, chúng tôi nhận thấy ở nhóm T4F có sự rút ngắn thời gian tống máu, kéo dài thời gian toàn tâm thu thất P và kết quả kéo dài chỉ số Tei mô thất P. Sự thay đổi này có thể giải thích như sau, khi hẹp ĐRTP, cơ tim thất phải đáp ứng bằng cách dầy lên để gia tăng thành phần co bóp để vượt qua sức cản và tăng lực bóp, bên cạnh đó thất P dầy làm hạn chế đổ đầy thất phải dẫn đến suy chức năng tâm trương, làm kéo dài thời gian giãn đồng thể tích(↑ thành phần của a’), kéo dài thời gian toàn tâm thu thất P đồng thời do cơ thất phải dầy lên và tình trạng thiếu oxy mãn tính làm suy chức năng cơ tim nên làm rút ngắn thời gian tống máu thất P (↓b’) và kéo dài thời gian toàn tâm thu thất P (↑ thành phần của a’). Kết cục dẫn đến kéo dài chỉ số Tei sửa đổi thất P.

Như vậy vấn đề đặt ra là sai số kĩ thuật có thể xuất hiện trong việc đo chỉ số Tei thất P bằng phương pháp kinh điển trên đối tượng T4F. Do ở bệnh nhân T4F có sự tồn tại của lỗ TLT lớn dưới ĐMC và hẹp khít ĐRTP, một phần lưu lượng máu vận chuyển từ thất phải lên ĐMP sẽ được chuyển qua lỗ TLT lên ĐMC. Bên cạnh đó van ĐMC mở trước và đóng sau, khi so sánh đồng thì với van ĐMP. Mức độ hẹp càng nhiều, kích thước lỗ TLT càng lớn thì lưu lượng luồng thông Phải – Trái càng tăng, đồng thời thời gian tâm thu thất P cũng kéo dài nhưng không phân tách được thời gian tống máu lên ĐMP và ĐMC cũng như thời gian tống máu của thất P và thất T khi sử dụng Doppler liên tục. Và như vậy thời gian tống máu ĐRTP đo trên Doppler liên tục có một phần đóng góp của thất T và một phần của luồng thông phải trái. Sự giảm chỉ số Tei thất phải ở nhóm T4F so với nhóm chứng mặc dù có ý nghĩa thống kê với p < 0.05 nhưng có thể là giả tạo. Trong nghiên cứu của Eidem BW, và cộng sự khi so sánh giữa nhóm bệnh nhân hẹp ĐRTP đơn thuần và đối tượng bình thường tác giả không thấy sự khác biệt về chỉ số Tei thất phải tuy nhiên tác giả cũng chưa tiến hành áp dụng đo chỉ số Tei’ [4]. Bên cạnh đó tác giả cũng mới chỉ sử dụng chỉ số Tei thất phải kinh điển ở đối tượng hẹp ĐRTP nhưng do không có luồng thông trong tim, do vậy kết quả cũng mới chỉ giúp để tham khảo.

Ở  nhóm chứng, chúng tôi không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa về chỉ số Tei’ thất P ở các nhóm tuổi, và giữa 2 giới như vậy ở các đối tượng không có bệnh tim thì chỉ số Tei’ không bị thay đổi bởi tuổi và giới. Điều này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước [2,5]. Ngược lại ở nhóm T4F, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt chỉ số Tei’ thất phải từ nhóm tuổi 6-12 tuổi và tăng nhiều ở nhóm >12 tuổi. Như vậy có thể khi bệnh kéo dài, thời gian thất P phải quá tải áp lực thì tình trạng suy thất P tăng lên và làm gia tăng chỉ số Tei thất phải sửa đổi. Nghiên cứu sự tương quan của chỉ số này với tuổi ở nhóm bệnh và nhận thấy có sự tương quan vừa giữa tuổi và  thời gian tống máu, sự tương quan nhiều với thời gian toàn tâm thu thất P, và chỉ tương quan ở mức độ nhẹ với chỉ số Tei mô thất P. Khi tình trạng tăng áp lực thất P diễn ra càng lâu thì có lẽ chức năng thất P sẽ rối loạn, rối loạn chức năng tâm thu gây rút ngắn thời gian tống máu và kéo dài thời gian co đồng thẻ tích, rối loạn chức năng tâm trương làm kéo dài thời gian giãn đồng thể tích. Như vậy có thể nói rằng thất P ở nhóm bệnh T4F dầy lên thứ phát do hẹp ĐRTP và bị suy giảm cả chức năng tâm thu và tâm trương biểu hiện bằng gia tăng chỉ số Tei’ thất phải.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của tần số tim đến chỉ số Tei mô thất P ở cả 2 nhóm thì chúng tôi nhận thấy khi tần số tim tăng lên thì thời gian tống máu và thời gian toàn tâm thu thất P giảm xuống ở cả 2 nhóm nhưng ở nhóm bệnh nhiều hơn, nhưng chỉ số Tei mô thất P không thay đổi ở cả 2 nhóm. Như vậy chỉ số Tei mô thất P không bị ảnh hưởng bởi tần số tim. Điều này có thể giải thích do chỉ số Tei được tính toán trên tỉ lệ của các khoảng thời gian  nên không bị ảnh hưởng bởi tần số tim. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu trên thế giới. Chỉ số Tei thất P cũng được đánh giá độc lập với tiền tải trong nghiên cứu của Moller J và cộng sự trên 50 người khỏe mạnh và 25 bệnh nhân nhồi máu cơ tim, tác giả đo chỉ số Tei ở các đối tượng này trước và sau khi làm nghiệm pháp Valsalva (làm giảm tiền tải) và nâng cao thụ động chân (tăng tiền tải) thì không thấy thay đổi chỉ số Tei thất P [9]. T4F là bệnh lý có tăng áp lực buồng tim phải do hẹp ĐRTP mà không có tăng tiền tải. Trong nghiên cứu này chúng tôi cũng không tìm thấy sự tương quan giữa chênh áp Thất P- ĐMP tối đa (r = 0,127, p > 0,05) và trung bình (r = 0,153; p > 0,05) khi so với chỉ số Tei’ thất phải. Kết quả này cũng phù hợp vớ nghiên cứu của M Ishii là chỉ số Tei’ thất phải độc lập với áp lực tâm thu buồng thất phải [9]. Từ đó chúng ta có thể thấy được ưu điểm nổi trội của chỉ số Tei có thể đánh giá được chức năng thất P độc lập với tần số tim, tiền tải, và hậu tải. Như vậy ở các mức độ dầy thất P gây biến dạng hình thể thất T dựa trên các chỉ số đánh giá tuyệt đối và tương đối với thất T thì chỉ số Tei mô thất P chưa phản ánh được tình trạng biến đổi của các thành phần này. Có thể chỉ số Tei’thất P phản ánh toàn thể chức năng thất P và chịu ảnh hưởng tổng hợp của các biến đổi trên thay vì tác động riêng lẻ của từng yếu tố. Điều này cũng có thể thấy  khi chỉ số Tei mô thất P ở nhóm T4F bị ảnh hưởng bởi tuổi, tức là tình trạng chức năng thất P bị rối loạn sau một thời gian dài. Tuy nhiên điều này mới chỉ là giả định và nghiên cứu của chúng tôi còn giới hạn về thời gian nghiên cứu.

Kết luận: Như vậy, với ưu điểm là một thăm dò không xâm nhập, độc lập với tần số tim, tiền tải, hậu tải.., chỉ số Tei thất phải ở bệnh nhân T4F tăng so với trẻ không có bệnh tim mạch. Chỉ số này phản ánh được tình trạng rối loạn chức năng tâm thu và tâm trương thất phải ở bệnh nhân T4F đồng thời có tương quan vừa với tuổi của bệnh hay thời gian chịu đựng quá tải áp lực và thiếu oxy mãn tính của thất P ở bệnh nhân T4F.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Sinh Hiền, Đặng Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Mão (2007). Đánh giá kết quả phương pháp có và không mở thất phải trong phẫu thuật triệt để tứ chứng Fallot tại bệnh viện Tim Hà nội. Tạp chí Y học Việt Nam 352, 105-111

2. Nguyễn Tuấn Hải (2005). Đánh giá biến đổi chức năng thất phải bằng chỉ số Tei ở bệnh nhân thông liên nhĩ. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú, Hà nội

3. B. Friedli. Tetralogie de Fallot. Encyclopedie Medico-Chirugicale 4-071-A-30.

4. Eiden BW, O’ Leary PW, Tei C, Seward JB (2000). Usefulness of the myocardial performance index for assessing right ventricular function in congenital heart disease. Am J Cardiol; 86: 654-658

5. Harada K, Tamura M, Toyono M, and Yasuoka K(2002). Comparison of the right ventricular Tei index by tissue Doppler imaging to that obtained by pulsed Doppler in children without heart disease. Am J Cardiol 90 566-569

6. J.G. Coghlan and J.Davar (2008). How should we assess right ventricular function in 2008. European Heart Journal supplement. Volume 9, supplH Pp H22-H28

7. Ju L.Tana, Michael, A. Gatzoulisb and Siew Y. Ho (2006). Aortic root disease in tetralogy of Fallot. Current opinion in Cardiology 21:569-572

8. Koichiro Niwa (2004). Aortic root dilatation in tetralogy of Fallot long term after repair- histology of the aorta in tetralogy of Fallot: evidence of intrinsic aortopathy. International Journal of Cardiology 103 117-119

9. Moller J, Poulsen S, Egstrup K (1999). Effect of preload alternations on a new Doppler echocardiographic index of combined systolic and diastolic performance. J Am Echocarrdiography 135:1065-1072

10. Renate Kaulitz, Gerhard Zidemer, Gerd Hausdorf et al. (2001). Primari repair of tetralogy of Fallot in infancy- the effect on growth of the pulmonary arteries and the risk for late reinterventions. Cardiol Young 11:291-398

11. Tal Geva, Nancy A. Ayres, Feyza A. Pac,  Ricardo Pignatelli (1995). Quantitative morphometric analysis of progressive infundibular obstruction in tetralogy of Fallot. Circualation 92:886-892

12. Tei C, Dujardin KS, Hodge DO (1996). Doppler echocardiographic index for assessmen of global right ventricular function. J Am Soc Echocardiographie; 9:838-847

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO