(Bee) – 3B và B3, nghe qua tưởng giống nhau nhưng thực ra lại là 2 thuốc khác biệt. Việc không hiểu biết, mua thuốc theo kinh nghiệm “truyền khẩu” rất dễ rơi vào nhầm lẫn, sử dụng thuốc sai mục đích.
Cần hiểu rõ, vitamin 3B là thuốc phối hợp giữa 3 loại vitamin B1, B6 và B12. Thuốc đóng thành vỉ dạng viên nén hoặc viên nang. Trong đó, vitamin B1 tham gia chuyển hóa chất bột (gluxit) và quá trình dẫn truyền thần kinh.
Thuốc dùng cho bệnh nhân tê phù (Beri – Beri) viêm nhiều dây thần kinh, đau khớp ở phụ nữ có thai, bệnh nhân rối loạn tiêu hóa.
Ảnh minh họa |
Liều phòng bệnh: 10mg/ngày. Liều chữa bệnh: người lớn 40 – 60mg/ngày. Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa các chất, các axit amin, chuyển hóa lipit, ảnh hưởng đến tạo hồng cầu.
Thiếu vitamin B6, người bệnh bị ngứa, viêm da, viêm lưỡi, rối loạn thần kinh trung ương và ngoại vi, viêm gan cấp, thiếu máu nhược sắc, xơ cứng động mạch. Thuốc có dạng viên để uống, có dạng thuốc tiêm (bắp thịt hay dưới da).
Vitamin B12 dùng cho những bệnh nhân bị thiếu máu ác tính (Biermer), thiếu máu khi bị cắt dạ dày, thiếu máu do giun móc, viêm đau dây thần kinh. Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu hồng cầu và một số rối loạn về thần kinh.
Thuốc không dùng cho các bệnh nhân có tiền sử dị ứng với vitamin B12, có u ác tính (vitamin B12 làm tăng trưởng các mô có tốc độ sinh trưởng cao, có nguy cơ làm khối u tiến triển nhanh), cơ địa dị ứng (hen, eczeme).
Nếu thấy xuất hiện các phản ứng phụ (ngứa mề đay, nước tiểu màu hồng, đỏ da) cần hỏi lại thầy thuốc trước khi dùng tiếp. Thuốc có nhiều hàm lượng khác nhau, khi dùng lưu ý phải uống cho đủ liều.
Không nên lầm lẫn vitamin 3B với vitamin B3 (axit nicotinic). Vitamin B3 là thuốc dùng trong bệnh Pellagre, chứng thiếu hụt vitamin PP (viêm lợi, viêm miệng, ban đỏ, một số bệnh ngoài da).
Có người lại còn nghe nhầm vitamin B3 với vitamin D3 là thuốc phòng và chữa bệnh còi xương tạng dễ co giật do suy tuyến cận giáp, gẫy xương chậm lành, loãng xương.
Tuy là thuốc không kê đơn nhưng chúng ta phải rất thận trọng: Mua thuốc đúng tên, đúng hàm lượng. Nên ghi tên thuốc ra giấy để tránh nhầm lẫn tên thuốc gần giống nhau nhưng tác dụng rất khác nhau.
Dược sĩ Lã Xuân Hoàn