Ngày 10/5/2015 Văn phòng đại diện Astrazeneca tại Việt Nam phối hợp với Hội Tim mạch học TP HCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hành trình bảo vệ toàn diện cho bệnh nhân tim mạch-chuyển hóa”.
TS. Hồ Huỳnh Quang Trí
Hội thảo gồm 2 phần. Phần thứ nhất là phiên toàn thể có chủ đề là “Điều trị bệnh lý tim mạch chuyển hóa: Những thành tựu nổi bật năm 2014”. Sau phiên toàn thể có 3 phiên chuyên đề diễn ra song song tại 3 hội trường riêng gồm phiên “Hành trình bảo vệ bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp: Hiện tại và định hướng tương lai”, phiên “Phòng ngừa biến cố tim mạch: Đúng mục tiêu cho từng bệnh nhân” và phiên “Bệnh nhân đái tháo đường týp 2 trước nguy cơ tim mạch: Kiểm soát đường huyết và còn gì khác?”.
PHIÊN TOÀN THỂ
Phiên toàn thể diễn ra dưới sự chủ tọa của GS TS Đặng Vạn Phước (Chủ tịch Hội Tim mạch học TP HCM), PGS TS Phạm Nguyễn Vinh (Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tim Tâm Đức) và PGS TS Nguyễn Thy Khuê (Chủ tịch Hội Nội tiết-Đái tháo đường TP HCM). Báo cáo viên là GS TS Peter Sinnaeve (Đại học Leuven, Bỉ). GS TS Peter Sinnaeve đề cập đến 4 vấn đề nổi bật của năm 2014. Vấn đề thứ nhất là điều trị tăng huyết áp kháng trị. Tăng huyết áp kháng trị là khi huyết áp vẫn cao hơn mục tiêu (> 140/90 mm Hg) dù đã dùng ít nhất 3 nhóm thuốc hạ huyết áp khác nhau với liều tối ưu. Khoảng 10-15% dân số tăng huyết áp nói chung bị tăng huyết áp kháng trị (0,5% có huyết áp không được kiểm soát với phối hợp ít nhất 5 thuốc). Các nguyên nhân chính gồm không tuân trị, hiệu ứng áo choàng trắng và tăng huyết áp thứ phát. Theo khuyến cáo ESH/ESC 2013, khi có tăng huyết áp kháng trị nên xem xét phối hợp thêm một thuốc kháng thụ thể mineralocorticoid, amiloride hoặc doxazosin (Class IIa, mức chứng cứ B) và có thể xem xét hủy thần kinh giao cảm thận (ở các trung tâm chuyên khoa) nếu thất bại với phối hợp nhiều thuốc (Class IIb, mức chứng cứ C). Vấn đề nổi bật thứ hai là điều trị rối loạn lipid máu. Kết quả nghiên cứu IMPROVE-IT trên bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp cho thấy hạ LDL-C xuống mức rất thấp (khoảng 53 mg/dl) với phối hợp simvastatin-ezetimibe giảm tử vong tim mạch, tái nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim (NMCT) và đột quị. Trong nghiên cứu IBIS-4, điều trị bằng rosuvastatin 40 mg/ngày gây thoái triển mảng xơ vữa trong động mạch vành của bệnh nhân NMCT cấp với ST chênh lên. Lợi ích của việc hạ LDL-C xuống mức rất thấp được ủng hộ bởi một nghiên cứu quan sát công bố gần đây cho thấy biến dị gen mã hóa PCSK9 có liên quan với giảm mạnh LDL-C và song song đó là giảm rõ rệt nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Vấn đề nổi bật thứ ba là điều trị đái tháo đường týp 2. Hướng dẫn 2015 của ADA và EASD nhấn mạnh một số điểm sau đây: (1) Điểm cắt BMI để tầm soát đái tháo đường ở người châu Á là 23 kg/m2 thay vì 25 kg/m2; (2) Khuyến cáo vận động thể lực nhiều hơn; (3) Huyết áp tâm trương mục tiêu là dưới 90 mm Hg (thay vì dưới 80 mm Hg như trước đây); (4) Đường huyết trước ăn mục tiêu là 80-130 mg/dl (thay vì 70-130 mg/dl như trước đây); (5) Dùng statin cho bệnh nhân trên 40 tuổi (liều từ trung bình đến cao) và cả cho bệnh nhân dưới 40 tuổi có nguy cơ tim mạch cao (bao gồm LDL-C > 100 mg/dl) hoặc có bệnh tim mạch. Về tính an toàn tim mạch của thuốc ức chế DPP-4, nghiên cứu SAVOR-TIMI 53 chứng tỏ saxagliptin chỉ tăng nguy cơ nhập viện vì suy tim ở những bệnh nhân có NT-proBNP khởi điểm cao. Vấn đề nổi bật thứ tư là điều trị hội chứng mạch vành cấp. Hai nghiên cứu TRITON và PLATO cho thấy cả prasugrel lẫn ticagrelor đều có hiệu quả ngừa các biến cố thiếu máu cục bộ cấp cao hơn clopidogrel. Hướng dẫn 2014 của ESC về điều trị hội chứng mạch vành cấp (cả nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên lẫn hội chứng mạch vành cấp không ST chênh lên) đều khuyến cáo ưu tiên dùng ticagrelor hoặc prasugrel và chỉ dùng clopidogrel khi không có ticagrelor/prasugrel hoặc bệnh nhân có chống chỉ định với 2 thuốc này (Class I). Về thời điểm bắt đầu thuốc ức chế P2Y12, cả hai nghiên cứu ACCOAST (với prasugrel) và ATLANTIC (với ticagrelor) đều cho thấy bắt đầu thuốc sớm trước khi can thiệp mạch vành qua da hoặc trước khi nhập viện (trên xe cấp cứu) không giảm các biến cố tim mạch nặng (tuy nhiên trong ATLANTIC bắt đầu ticagrelor trước khi nhập viện có làm giảm tần suất huyết khối stent).
PHIÊN CHUYÊN ĐỀ VỀ HỘI CHỨNG MẠCH VÀNH CẤP
Phiên chuyên đề về hội chứng mạch vành cấp diễn ra dưới sự chủ tọa của PGS TS Phạm Nguyễn Vinh và PGS TS Võ Thành Nhân (Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP HCM). Các báo cáo viên gồm GS TS Peter Sinnaeve, TS Nguyễn Ngọc Quang (Trưởng đơn vị chăm sóc mạch vành, Viện Tim mạch VN) và BS Đinh Đức Huy (Trưởng khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Tim Tâm Đức).
GS Peter Sinnaeve báo cáo bài “Kỷ nguyên y học chứng cứ và thực hành lâm sàng trong điều trị hội chứng mạch vành cấp: Những khoảng trống và giải pháp”. Ngay cả với điều trị tốt nhất, nguy cơ tử vong của bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp vẫn cao. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân trong thực tế luôn cao hơn nhóm bệnh nhân tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Bệnh nhân bị NMCT tái phát có tỉ lệ sống còn thấp hơn bệnh nhân bị NMCT lần đầu. Dữ liệu đời thực (real world data) từ nghiên cứu APOLLO cho thấy khoảng 1/5 bệnh nhân sẽ bị thêm biến cố NMCT, đột quị hay tử vong do nguyên nhân tim mạch trong vòng 1 năm sau biến cố NMCT lần đầu. Trong số những bệnh nhân còn sống sau một năm, khoảng 20% sẽ lại bị NMCT, đột quị hay tử vong do nguyên nhân tim mạch trong vòng 3 năm tiếp theo. Vần đề là các nhà lâm sàng cần nhận ra nhóm nguy cơ cao trong số các bệnh nhân này để có chiến lược điều trị phù hợp. Các bệnh nhân còn sống 1 năm sau NMCT có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ (trên 65 tuổi, đái tháo đường, bệnh thận mạn, NMCT nhiều lần)- như dân số nghiên cứu của thử nghiệm lâm sàng PEGASUS TIMI 54- có thể là một gợi ý của nhóm nguy cơ cao. Hội chứng mạch vành cấp có thể có sự đóng góp của hai thành phần quan trọng là mảng xơ vữa nắp mỏng dễ vỡ và vai trò của tiểu cầu. Clopidogrel có thể được coi là điều trị kháng kết tập tiểu cầu tiêu chuẩn. Tuy nhiên đáp ứng điều trị với clopidogrel thường thay đổi với nhiều cơ chế khác nhau. Test thử chức năng đáp ứng tiểu cầu (Platelet reactivity testing) để qua đó điều chỉnh liều clopidogrel chưa chứng minh được lợi ích trong lâm sàng. Tử vong hay NMCT có thể xảy ra sau khi ngưng clopidogrel, nguyên nhân có thể do huyết tắc trong stent (stent thrombosis), nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Thuốc chống đông uống thế hệ mới- rivaroxaban trong nghiên cứu ATLAS-2 hay vorapaxar trong nghiên cứu TRACER- có thể là một giải pháp. Prasugrel & ticagrelor là các thuốc kháng kết tập tiểu cầu mạnh hơn và đáp ứng điều trị ít thay đổi hơn so với clopidogrel. Trong nghiên cứu PLATO, ticagrelor giúp giảm tử vong do mọi nguyên nhân ở tất cả các phân nhóm (chỉ điều trị nôi khoa, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, can thiệp thì đầu … và cả nhóm đái tháo đường). Một câu hỏi khác đặt ra là chúng ta nên sử dụng nhóm thuốc ức chế thụ thể P2Y12 mới này sớm đến mức nào? Nghiên cứu ATLANTIC (so sánh viêc cho sớm ticagrelor trên xe cứu thương với cho uống trong phòng cấp cứu) không cho thấy sự khác biệt ở tiêu chí chính, nhưng có thể làm giảm nguy cơ huyết tắc trong stent trong 24 giờ đầu và 10 ngày sau nhập viện. Điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép sau hội chứng mạch vành cấp nên kéo dài trong bao lâu? TRITON, PLATO có thời gian nghiên cứu điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép trong 12-15 tháng. Phân tích từ nghiên cứu CHARISMA cho thấy kéo dài điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép đến 30 tháng không đem lại lợi ích cho tất cả bệnh nhân, nhưng có lợi (giảm tiêu chí gộp tử vong tim mạch, NMCT, đột quị) trên nhóm bệnh nhân đã bị biến cố trước đó. Kéo dài điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép trên bệnh nhân đã đặt stent đến 30 tháng (nghiên cứu DAPT) làm giảm NMCT nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết. Khuyến cáo năm 2014 về tái tưới máu mạch vành của Hội tim mạch Châu Âu đề nghị điều trị kháng kết tập tiểu cẩu kép ít nhất 12 tháng cho bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp. Prasugrel hoặc ticagrelor nên là lựa chọn ưu tiên hơn là clopidogrel cho nhóm bệnh nhân này.
BS Đinh Đức Huy trình bày ca lâm sàng. Bệnh nhân nam 64 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, nhập viện vì đau ngực trái dữ dội. ECG ghi nhận NMCT cấp vùng hoành. Chụp mạch vành cho thấy tổn thương thủ phạm ở động mạch vành phải và tổn thương hẹp khít động mạch liên thất trước. Can thiệp mạch vành qua da tiên phát được thực hiện cho tổn thương ở mạch vành phải (2 stent phủ thuốc). Trước khi xuất viện, bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch liên thất trước (2 stent phủ thuốc). Bệnh nhân được điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép (clopidogrel và aspirin) trong 12 tháng sau NMCT. Ngưng clopidogrel sau 12 tháng, aspirin được duy trì. Tháng thứ 14 sau NMCT bệnh nhân phát hiện u tuyến yên. Phẫu thuật cắt bỏ khối u được thực hiện với duy trì aspirin uống trước, trong và sau phẫu thuật. Không có biến cố xuất huyết xảy ra. Bệnh nhân hiện tại ổn định, duy trì điều trị kháng kết tập tiểu cầu với aspirin liều thấp mỗi ngày. Bằng chứng lâm sàng cho việc điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép (clopidogrel và aspirin) trong hội chứng mạch vành cấp: điều trị thêm vào clopidogrel (so với placebo) trền nền điều trị chuẩn vói aspirin (trong các nghiên cứu CURE, CLARITY TIMI 28, COMMIT, PCI CURE, PCI CLARITY…) giúp làm giảm tỉ lệ biến cố tim mạch nặng-tử vong tim mạch, NMCT hay đột quị- mà không làm gia tăng nguy cơ xuất huyết nặng. Prasugrel và ticagrelor là hai thuốc kháng thụ thể P2Y12 mới, có tác dụng kháng kết tập tiểu cầu nhanh hơn, mạnh hơn clopidogrel. Prasugrel (với nghiên cứu TRITON TIMI 38) và Ticagrelor (với nghiên cứu PLATO) đã chứng minh được việc đem lại lợi ích trên lâm sàng cho bệnh nhân bị hôi chứng mạch vành cấp so với điều trị bằng clopidogrel. Prasugrel làm giảm 19% tiêu chí gộp- tử vong, NMCT, đột quị- so với clopidogrel. Tuy nhiên không nên sử dụng prasugrel ở bênh nhân trên 75 tuổi, nhẹ cân dưới 60 kg hoặc có tiền căn đột quị vì làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng ở nhóm bệnh nhân này. Ticagrelor giúp giảm 16% tiêu chí gộp- tử vong, NMCT, đột quị- so với clopidogrel. Tác dụng vượt trội của ticagrelor có thể thấy được ở tất cả các phân nhóm (không phụ thuộc vào chiến lược điều trị can thiệp hay nội khoa đơn thuần, có lợi trên cả bệnh nhân đái tháo đường, bệnh thận mạn). Ticagrelor không làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng hay xuất huyết đe dọa tính mạng. Phân tích dưới nhóm kết quả một số nghiên cứu công bố gần đây (ITALIC, TIMI 38 CSR) cho thấy viêc rút ngắn thời gian điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép có thể vẫn hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân hôi chứng mạch vành cấp. Các khuyến cáo thưc hành lâm sàng hiện tại (ESC, ACC/AHA) đề nghị điều trị kháng kết tập tiểu cẩu kép ít nhất 12 tháng cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp.
TS Nguyễn Ngọc Quang trình bày bài “Kéo dài thời gian kháng tiểu cầu kép: Từ cơ sở lý luận đến thực tế lâm sàng”. Biến cố tim mạch nặng- tử vong, NMCT, đôt quị- gia tăng theo thời gian theo dõi bệnh nhân sau hội chứng mạch vành cấp (dữ liệu lâm sàng từ nhiều nghiên cứu- APOLLO, REACH, OASIS, SCAAR). Nguy cơ huyết khối tắc stent phụ thuộc nhiều yếu tố: loại stent, thế hệ stent (stent phủ thuốc thế hệ cũ có thể bị biến cố này nhiều hơn stent phủ thuốc thế hệ mới hay stent kim loại trần). Nguyên nhân huyết khối muộn hoặc rất muộn trong stent phức tạp, có thể liên quan đến hiện tượng mắt stent không được nội mạc hoá, loét mảng xơ vữa hay nứt mảng xơ tân sinh trong stent. Cho đến trước khi kết quả nghiên cứu DAPT được công bố vào cuối năm 2014, các nghiên cứu phân tích gộp (meta-analysis) không cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về biến cố tim mạch nặng của điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép ngắn hạn (3-6 tháng) so với điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép dài hơn (≥ 12 tháng). DAPT là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đầu tiên cho thấy lợi ích của việc kéo dài thời gian điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép. Điều trị kéo dài kháng kết tập tiểu cầu kép đến 30 tháng làm giảm một cách có ý nghĩa tỷ lệ bị huyết tắc trong stent và các biến cố tim mạch, biến cố mạch não nặng. Nguy cơ xuất huyết gia tăng, tuy nhiên ít khi nặng nề và gây tử vong. Thời gian điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép nên được cá thể hoá, dựa trên việc đánh giá nguy cơ huyết khối trong stent và nguy cơ xuất huyết của từng bệnh nhân cụ thể. Có thể kéo dài thời gian điều trị kháng kết tập tiểu cầu kép hơn 12 tháng sau hội chứng mạch vành cấp, đăc biệt trên nhóm bênh nhân có đặt stent, tùy từng trường hợp cụ thể và không quên vai trò của statin trong việc điều trị ổn định mảng xơ vữa.
PHIÊN CHUYÊN ĐỀ VỀ PHÒNG NGỪA BIẾN CỐ TIM MẠCH
Phiên chuyên đề về phòng ngừa biến cố tim mạch diễn ra dưới sự chủ tọa của GS TS Đặng Vạn Phước và PGS TS Trương Quang Bình (Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM). Các báo cáo viên gồm TS Đỗ Quang Huân (Giám đốc Viện Tim TP HCM) và TS Hồ Huỳnh Quang Trí (Trưởng khoa Hồi sức, Viện Tim TP HCM).
TS Hồ Huỳnh Quang Trí báo cáo bài “Chẹn bêta và statin: Những mảng ghép nền tảng của kiểm soát yếu tố nguy cơ”. Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy từng tình trạng như tăng huyết áp, tăng cholesterol và hút thuốc đều làm tăng nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng (chết do bệnh mạch vành, đột quị). Khi các tình trạng này đồng hiện diện, nguy cơ bị các biến cố tim mạch nặng tăng lên rất nhiều lần. Phân tích hồi cứu số liệu của các thử nghiệm lâm sàng về điều trị tăng huyết áp và điều trị tăng cholesterol cho thấy chỉ can thiệp lên một yếu tố (tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol) còn để lại một nguy cơ tim mạch tồn lưu rất lớn. Vì lý do đó, để tối ưu hóa việc phòng ngừa biến cố tim mạch cần có chiến lược can thiệp đa yếu tố. Các thuốc nhóm statin và nhóm chẹn bêta có vai trò quan trọng trong chiến lược can thiệp đa yếu tố. Nghiên cứu JUPITER chứng tỏ ở người có nguy cơ nền thấp và LDL-C tương đối thấp (< 130 mg/dl) điều trị bằng rosuvastatin 20 mg/ngày cũng giảm rất có ý nghĩa các biến cố tim mạch nặng và tử vong do mọi nguyên nhân. Phân tích gộp số liệu của 27 thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên do nhóm tác giả CTT (Cholesterol Treatment Trialists) thực hiện khẳng định lợi ích của việc hạ cholesterol bằng statin ngay cả ở những người có nguy cơ nền thấp. Phân tích hồi cứu số liệu JUPITER và tổng hợp số liệu của các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả gây thoái triển mảng xơ vữa trong động mạch vành của statin bằng IVUS cho thấy vẫn có thể đạt được lợi ích khi hạ LDL-C xuống rất thấp (khoảng 50 mg/dl). Về vai trò của thuốc chẹn bêta trong điều trị tăng huyết áp, một số hướng dẫn gần đây (NICE 2006, ASH/ISH 2013, JNC 8) đã loại nhóm thuốc này ra khỏi các thuốc được lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên những người biên soạn hướng dẫn đã dựa vào kết quả của các nghiên cứu so sánh atenolol với các nhóm thuốc khác. Atenolol có hiệu quả hạ huyết áp không mạnh, thời gian bán loại thải tương đối ngắn và tính chọn lọc b1vừa phải nên không phải là một thuốc chẹn bêta lý tưởng. Nhiều thuốc chẹn bêta khác, trong đó có metoprolol succinate, có hiệu quả ngừa biến cố tim mạch đã được chứng minh trên lâm sàng (nghiên cứu MAPHY). Phân tích gộp số liệu của 4 nghiên cứu đánh giá tiến triển của mảng xơ vữa trong động mạch vành bằng IVUS cho thấy thuốc chẹn bêta (chủ yếu là metoprolol succinate) có ảnh hưởng thuận lợi trên kích thước mảng xơ vữa, nhất là khi phối hợp với statin. Thuốc chẹn bêta vẫn còn chỗ đứng như là một nhóm thuốc có thể dùng hàng đầu để điều trị tăng huyết áp theo các hướng dẫn ESH/ESC 2013, CHEP 2014 và khuyến cáo 2014 của Phân hội Tăng huyết áp thuộc Hội Tim mạch học VN.
TS Đỗ Quang Huân báo cáo đề tài “Tối ưu hóa hiệu quả của statin và chẹn bêta trên bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp”. Thuốc chẹn bêta chiếm vị trí quan trọng trong phòng ngừa thứ phát các biến cố tim mạch sau NMCT. Các thử nghiệm lâm sàng BHAT (với propranolol), Gotenborg Metoprolol Trial (với metoprolol) và CHAPS (với carvedilol) cho thấy thuốc chẹn bêta giảm tử vong tim mạch, đột tử và NMCT tái phát. Phân tích nhóm có tiền sử NMCT trong các nghiên cứu CAPRICORN và MERIT-HF cho thấy thuốc chẹn bêta giảm có ý nghĩa tử vong do mọi nguyên nhân và nhập viện vì suy tim tăng nặng. Theo các dữ liệu hiện có, thuốc chẹn bêta mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân nguy cơ cao sau NMCT: suy tim, lớn tuổi, đái tháo đường, COPD. Statin cũng là một nhóm thuốc thiết yếu đối với bệnh nhân có tiền sử NMCT. Nghiên cứu AVATAR cho thấy rosuvastatin 20 mg/ngày dùng sớm sau hội chứng mạch vành cấp giảm rõ rệt tương tác giữa tiểu cầu và bạch cầu, đồng thời giảm sự phóng thích men tim (CK-MB và troponin I). Nghiên cứu của các tác giả Hàn Quốc cho thấy liều nạp 40 mg rosuvastatin trước can thiệp mạch vành qua da cho bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp giảm có ý nghĩa tổn thương cơ tim và các biến cố tim mạch nặng. Trong nghiên cứu IBIS-4, rosuvastatin liều cao (40 mg) gây thoái triển mảng xơ vữa trong động mạch vành. Cơ chế tác dụng có lợi của statin trong hội chứng mạch vành cấp được cho là do các thuốc này giảm phản ứng viêm, giảm chết tế bào theo chương trình, kháng kết tập tiểu cầu, kháng đông máu và dãn mao mạch vành.
PHIÊN CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 VÀ NGUY CƠ TIM MẠCH
Phiên chuyên đề về đái tháo đường và nguy cơ tim mạch diễn ra dưới sự chủ tọa của PGS TS Nguyễn Thy Khuê. Các báo cáo viên gồm GS TS Ofri Mosenzon (Trung tâm Y khoa Hadassah, Israel) và TS Trần Quang Khánh (Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết, Đại học Y Dược TP HCM).
TS Trần Quang Khánh trình bày bài “Ức chế men chuyển: Giá trị bền vững trong điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường”. Thuốc ức chế men chuyển (ƯCMC) được phát hiện ra từ thập niên 70 và bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi trên lâm sàng từ thập niên 80- 90 của thế kỷ trước. Khởi đầu với chất chiết xuất từ nọc rắn độc Bothrops Jararaca tại Nam Mỹ, captopril, thuốc ức chế men chuyển đầu tiên, được chỉ định như một thuốc hạ áp. Không lâu sau đó, hàng loạt thử nghiệm lâm sàng không chỉ chứng minh khả năng hạ áp của nhóm thuốc ƯCMC là không thua kém các nhóm thuốc hạ áp qui ước mà còn chứng minh được khả năng bảo vệ tim mạch của nhóm thuốc này. Các nghiên cứu HOPE, EUROPA, và IMAGINE trên các đối tượng có nguy cơ tim mạch từ thấp đến cao đã chứng minh ƯCMC có thể làm giảm đáng kể nguy cơ tương đối NMCT, đột quị và tử vong do nguyên nhân tim mạch so với nhóm không dùng ƯCMC. Đặc biệt ở phân nhóm bệnh nhân đái tháo đường týp 2, việc sử dụng thuốc ƯCMC giúp làm giảm đến 34% nguy cơ tim mạch. Hiệu quả kế thừa ổn định của ƯCMC cũng được ghi nhận qua nghiên cứu HOPE-TOO. Lisinopril, một trong chín thuốc ƯCMC được FDA Hoa kỳ chuẩn thuận cũng đã cho thấy hiệu quả làm giảm nguy cơ tử vong trên bệnh nhân NMCT cấp qua nghiên cứu GISSI-3.
Việc ra đời nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin II (ƯCTT AII) đã mang đến một lựa chọn mới cho những bệnh nhân không dung nạp vì tác dụng phụ gây ho của ƯCMC. Tương tự như ƯCMC, ƯCTT AII cũng có hiệu quả hạ áp và giúp làm giảm các biến cố bất lợi về tim mạch như đã được chứng minh trong các nghiên cứu LIFE, Val-Heft và CHARM-Added. Do có cùng chung cơ chế ức chế hệ thống Renin-Angiotensin-Aldosterone, cả hai nhóm thuốc ƯCTT AII và ƯCMC đều được chỉ định trong điều trị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, và suy tim. Tuy vậy, hiệu quả của từng nhóm thuốc riêng trong việc làm giảm tử suất chung là không tương đồng. Nghiên cứu phân tích gộp của van Vark (2012) đã cho thấy chỉ riêng ƯCMC có thể làm giảm 10% nguy cơ tương đối tử vong do mọi nguyên nhân; trong khi ƯCTT AII cho một kết quả trung tính trong việc làm giảm nguy cơ này.
Không những có hiệu quả đối với bệnh lý tim mạch, khả năng bảo vệ thận là một thuộc tính hàng đầu của cả ƯCMC lẫn ƯCTT AII. Sau khi nghiên cứu về khả năng làm giảm đạm niệu độc lập với hiệu quả hạ áp của captopril trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1 được công bố lần đầu năm 1992, các nghiên cứu EUCLID sử dụng lisinopril trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1 và BRILLIANT trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cũng tái khẳng định hiệu quả này. Gần đây nhất, nghiên cứu ADVANCE và ADVANCE-ON cũng chứng minh hiệu quả lâu dài của ƯCMC trong việc bảo vệ thận trên bệnh nhân đái tháo đường. Đối với nhóm thuốc ƯCTT AII, hai nghiên cứu RENAAL và IDNT đã cho thấy losartan và irbesartan cũng có tác dụng làm giảm đạm niệu và nguy cơ tim mạch ngay cả trên các bệnh nhân đã có tình trạng suy thận. Đối với bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, lisinopril là thuốc ƯCMC được chứng minh là có khả năng làm thoái triển biến chứng này trên bệnh nhân đái tháo đường týp 1. Một nghiên cứu phân tích gộp 21 thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu nhiên, mù đôi và có so sánh với giả dược đã chứng minh chỉ có ƯCMC có khả năng làm thoái triển biến chứng võng mạc do đái tháo đường so với các nhóm thuốc hạ áp khác, kể cả ƯCTT AII. Bốn mươi năm kể từ khi dạng bào chế đầu tiên đường uống được đưa vào sử dụng, cùng với metformin, sulfonylurea và insulin, ƯCMC vẫn giữ vai trò nền tảng trong việc điều trị bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh các giá trị đã được chứng minh trong việc bảo vệ thận và tim mạch, hiệu quả trên bệnh lý võng mạc là một trong những giá trị mới của nhóm thuốc cổ điển này. Khoảng thời gian bốn mươi năm cũng đủ để khẳng định giá trị bền vững của thuốc ƯCMC trong thực hành lâm sàng.
GS TS Ofri Mosenzon trình bày bài “Tiếp cận điều trị hiệu quả theo con đường sinh bệnh học của đái tháo đường týp 2”. Đái tháo đường týp 2 là một bệnh lý chuyển hóa có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp trong đó có vai trò của việc giảm tiết các hormone incretin. Ức chế men DPP-4 là một nhóm thuốc được phát triển dựa trên cơ chế bổ khuyết cho hiệu ứng incretin suy giảm trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Ức chế men DPP-4 có tác dụng kép, vừa kích thích tế bào beta tụy tiết insulin phụ thuộc nồng độ đường huyết, vừa ức chế tế bào alpha tụy tiết glucagon. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng chậm làm trống dạ dày và làm giảm cảm giác thèm ăn; từ đó giúp cho việc ổn định đường huyết tốt hơn. Thuốc ức chế men DPP-4 cũng khắc phục nhược điểm của sulfonylurea; đó là giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết và trung tính trên cân nặng của bệnh nhân. Saxagliptin (Onglyza) là một trong bốn thuốc ức chế men chuyển được phép lưu hành trên thị trường. Cũng như các gliptin khác, saxagliptin đã chứng minh được hiệu quả điều trị khi dùng đơn trị hoặc kết hợp với metformin. Thuốc cũng được chứng minh có tỉ lệ hạ đường huyết rất thấp khi so sánh với glimepiride trong phối hợp với metformin. Các tác dụng ngoại ý trên tụy cũng đã được chứng minh là không tăng so với giả dược. Saxagliptin cũng đã chứng minh có tính an toàn cao trên nhóm bệnh nhân suy thận và ở người lớn tuổi. Nghiên cứu SAVOR-TIMI 53 đã chứng minh saxagliptine không làm tăng nguy cơ tim mạch (bao gồm NMCT, đột quị và tử vong tim mạch) so với giả dược. Điều trị bằng saxagliptine cũng giúp cải thiện chỉ số albumin/creatinin niệu (ACR) so với giả dược và hiệu quả này độc lập với việc kiểm soát đường huyết. Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện vì suy tim trong nhánh dùng saxagliptin cao hơn trong nhánh dùng giả dược cũng được ghi nhận trên những bệnh nhân có nồng độ NT-proBNP cao (ở tứ phân vị cao nhất). Tuy nhiên đây chỉ là tiêu chí thành phần trong tiêu chí nghiên cứu phụ với tiêu chí chẩn đoán không chặt chẽ trong thiết kế nghiên cứu.