Google search engine
Google search engine

Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của triệt phá đường dẫn truyền phụ qua ống thông trong điều trị nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White tại Viện tim thành phố Hồ Chí Minh

ThS.BS.CKII Nguyễn Trung Quốc, ThS.BSCKII Lê Phát Tài

ThS.BS Phạm Quang Huy, BS.CKI Lý Thành Long

BS.CKI Nguyễn Tuấn Vũ, BS.CKI Võ Ánh Thái Thuận, BS. Phạm Minh Công

 

TÓM TẮT

Đặt vấn đề: Triệt phá qua ống thông đã phát triển nhanh chóng qua nhiều năm và đến nay đã được chứng minh là liệu pháp đầu tay trong điều trị ở hầu hết bệnh nhân rối loạn nhịp tim có triệu chứng. Tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh, việc triệt phá qua ống thông đã được thực hiện trên nhiều phổ bệnh rối loạn nhịp tim khác nhau, trong đó triệt phá đường dẫn truyền phụ trong điều trị nhịp nhanh trên thất vào lại nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White được thực hiện một cách thường quy, tuy nhiên dữ liệu đánh giá tổng thể về tính an toàn và hiệu quả của thủ thuật vẫn còn hạn chế.

Mục tiêu: Xác định tính an toàn và hiệu quả của triệt phá đường phụ qua ống thông trong điều trị nhịp nhanh vào lạ nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White.

Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu các trường hợp rối loạn nhịp tim được triệt phá đường phụ qua ống thông bằng năng lượng tần số radio từ tháng 5/2022 đến 09/2024 tại Viện Tim TP.Hồ Chí Minh.

Kết quả:. Tổng số có 126 bệnh nhân liên tiếp với độ tuổi trung bình 39,29 ± 15,51 tuổi, nam chiếm 53,2% nữ chiếm 46,8%. Trong đó chẩn đoán nhịp nhanh vào lại nhĩ thất chiếm 31%(n=39), chẩn đoán hội chứng WPW chiếm 69%(n=87). Đường dẫn truyền phụ nằm ở tim bên trái chiếm 71,4%(n=90), nằm ở tim bên phải chiếm 28,6%(n=36). Thời gian thủ thuật trung bình là 103,88 ± 36,53 phút.

Tỷ lệ thành công chung của thủ thuật triệt phá rối loạn nhịp qua ống thông bằng năng lượng tần số radio là 99,2% (n=125). Tỷ lệ tái phát trong thời gian 3 tháng sau triệt phá là 2,4% (n=3). Biến chứng thường gặp là tụ máu vùng bẹn là 4,76% (n=8), đau ngực sau thủ thuật 3,96% (n=5), rung nhĩ hay blốc nhĩ thất thoáng qua 3,96% (n=5 BN), không xảy ra trường hợp blốc nhĩ thất cần đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn (0%) và tử vong (0%).

Kết luận: Triệt phá đường dẫn truyền phụ qua ống thông với tần số radio trong điều trị nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White có tỷ lệ thành công cao, biến chứng và tỷ lệ tái phát thấp. Những phát hiện này hỗ trợ chiến lược triệt phá qua ống thông như liệu pháp đầu tay ở những bệnh nhân rối loạn nhịp này.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) là một rối loạn nhịp tim bẩm sinh, đặc trưng bởi sự hiện diện của một đường dẫn truyền phụ, giữa các tâm nhĩ và tâm thất. Đường dẫn truyền này cho phép tín hiệu điện tim có thể truyền qua một cách bất thường, dẫn đến các cơn nhịp nhanh, có thể gây ra triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Điều trị WPW có thể bao gồm sử dụng thuốc chống loạn nhịp để kiểm soát triệu chứng nhưng hiệu quả hạn chế, ngoài ra con có phương pháp triệt phá điện sinh lý tim qua đường ống thông để loại bỏ hoàn toàn đường dẫn truyền phụ. Phương pháp này thường mang lại kết quả tích cực, với tỷ lệ thành công cao và ít tái phát.  Xuất phát từ vấn đề này, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của triệt phá đường dẫn truyền phụ qua đường ống thông trong điều trị nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh”. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định tính an toàn và hiệu quả của triệt phá đường dẫn truyền phụ trong qua ống thông bằng năng lượng có tần số radio tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 Đối tương nghiên cứu

2.1.1 Dân số nghiên cứu:

Bệnh nhân có cơn nhịp nhanh trên thất vào lại nhĩ thất và hội chứng W.P.W có chỉ định khảo sát và triệt phá qua ống thông.

2.1.2 Tiêu chuẩn chọn bệnh: Tất cả BN rối loạn nhịp thuộc dân số nghiên cứu đồng ý tham gia nghiên cứu và có đầy đủ các tiêu chí sau:

  • Có đầy đủ dữ liệu các biến số khảo sát về lâm sàng và cận lâm sàng như điện tâm đồ (ĐTĐ) chuẩn 12 chuyển đạo, ĐTĐ trong cơn, holter ĐTĐ

2.1.3 Tiêu chuẩn loại trừ: BN bị loại khỏi nghiên cứu nếu có bất kỳ yếu tố sau

  • Đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim cấp.
  • Suy tim sung huyết mất bù cấp tính không phải do rối loạn nhịp tim,
  • Rối loạn đông máu, huyết khối tĩnh mạch chi dưới cấp tính, không thể tiếp cận đường vào tĩnh mạch.
  • Nhiễm trùng huyết (nghi ngờ hoặc đang diễn tiến)
  • Bệnh án không đầy đủ dữ liệu về lâm sàng hoặc không đủ các thông số

2.1.4 Thời gian và địa điểm: Nghiên cứu được thu thập số liệu từ tháng 04/2022 đến tháng 09/2024 tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

2.2.1 Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu (Prospective Cohort Study) có phân tích biến số tái phát theo thời gian.

2.2.2 Cỡ mẫu

Chọn mẫu theo phương pháp liên tiếp các bệnh nhân thỏa tiêu chí, trong nghiên cứu chúng tôi lấy trọn 126 BN.

2.2.3 Xử lý và phân tích số liệu

Sử dụng phần mềm IBM SPSS 25.0 để xử lý và phân tích số liệu.

Phân tích các biến số kết cục lâm sàng theo thời gian gồm cả biến chứng và tái phát trong quá trình theo dõi.

3. KẾT QUẢ NGHÊN CỨU

3.1 Đặc điểm chung của dân số nghiên cứu

Tổng số có 126 bệnh nhân liên tiếp với độ tuổi trung bình 39,29 ± 15,51 tuổi, độ tuổi bé nhất là 13 tuổi, lớn nhất là bệnh nhân 89 tuổi, nam chiếm 53,2% nữ chiếm 46,8%.

Trong đó chẩn đoán nhịp nhanh vào lại nhĩ thất chiếm 31%(n=39), chẩn đoán hội chứng WPW chiếm 69%(n=87).

Đường dẫn truyền phụ nằm ở tim bên trái chiếm 71,4%(n=90), nằm ở tim bên phải chiếm 28,6%(n=36).

Thời gian thủ thuật trung bình là 103,88 ± 36,53 phút.

3.2 Tỷ lệ thành công của thủ thuật triệt phá qua ống thông

Tỷ lệ thành công chung của thủ thuật triệt phá rối loạn nhịp qua ống thông bằng năng lượng tần số radio là 99,2% (n=125). Tỷ lệ thành công trên từng loại vị trí đường phụ được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1: Tỷ lệ thành công của thủ thuật triệt phá qua ống thông

Biến số N Tỷ lệ %
Đường dẫn truyền phụ bên trái 90 100
Đường dẫn truyền phụ bên phải 35 97,2

3.3 Tỷ lệ biến chứng, tái phát và các yếu tố liên quan

Bảng 2: Tỷ lệ biến chứng của thủ thuật triệt phá qua ống thông

Biến chứng N Tỷ lệ %
   Tụ máu vùng bẹn 6 4,76
   Đau ngực sau thủ thuật 5 3,96
   Rung nhĩ hay blốc nhĩ thất thoáng qua 5 3,96
   Blốc nhĩ thất cần đặt máy tạo nhịp 0 0
   Chèn ép tim 0 0
  Tử vong 0 0

Tỷ lệ tái phát trong thời gian 3 tháng sau triệt phá là 2,4% (n=3)

4. BÀN LUẬN

Trong dân số nghiên cứu của chúng tôi, chẩn đoán nhịp nhanh vào lại nhĩ thất chiếm 31%(n=39), chẩn đoán hội chứng WPW chiếm 69%(n=87). Đường dẫn truyền phụ nằm ở tim bên trái chiếm 71,4%(n=90), nằm ở tim bên phải chiếm 28,6%(n=36). Độ tuổi trung bình 39,29 ± 15,51 tuổi, độ tuổi bé nhất là 13 tuổi, lớn nhất là bệnh nhân 89 tuổi, nam chiếm 53,2% nữ chiếm 46,8%.

Tỷ lệ thành công chung của thủ thuật triệt phá đường dẫn truyền phụ trong điều trị nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng WPW qua ống thông bằng năng lượng tần số radio tại trung tâm của chúng tôi là 99,2% (n=125). Tác giả Ibrahim Ali Sherdia và cộng sự thực hiện phân tích trên 11 nghiên cứu đoàn hệ với tổng số 5537 bệnh nhân hội chứng WPW. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công của triệt phá qua ống thông là 94,1% (KTC 95%: 92,3-95,9; p < 0,001)7. So với nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ thành công này thấp hơn (94,1% so với 99,2%).

Tỷ lệ mắc các biến chứng và tử vong của triệt phá rối loạn nhịp qua ống thông khác nhau tùy theo loại thủ thuật và rất có thể là kinh nghiệm của từng trung tâm. Khi triệt phá rối loạn nhịp qua ống thông đang dần được thiết lập như liệu pháp hàng đầu, việc đánh giá thêm về tỷ lệ biến chứng sau thủ thuật rất quan trọng đối với chất lượng điều trị. Tỷ lệ biến chứng của thủ thuật triệt phá qua ống thông trong nghiên cứu của chúng tôi gồm tụ máu vùng bẹn 4,76% (n=6), đau ngực sau thủ thuật 3,96% (n=5), rung nhĩ hay blốc nhĩ thất thoáng qua 3,96% (n=5), và không có trường hợp nào xãy ra blốc nhĩ thất cần đặt máy tạo nhịp hay tử vong.

Tái phát vẫn còn là mối lo ngại sau khi triệt phá các rối loạn nhịp, đặc biệt triệt phá đường phụ trong nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng WPW. Theo kết quả phân tích của Ibrahim Ali Sherdia và cộng sự, tỷ lệ tái phát là 6,2% (KTC 95%:4,5-7,8; p < 0,001) và tỷ lệ biến chứng chung của thủ thuật là 1% (KTC 95%:0,4-1,5;p < 0,001)7. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tái phát chung trong thời gian theo dõi 3 tháng sau triệt phá là 2,4% (n=3), tỷ lệ này thấp hơn trong nghiên cứu của tác giả Dionne A và cộng sự (12%). Cũng theo tác giả này, những yếu tố liên quan đến tái phát là tuổi trẻ, bệnh tim bẩm sinh, nhiều đường phụ, vị trí đường phụ (bên phải và sau vách cao hơn so với bên trái), triệt phá với mức <50 W, thời gian triệt phá <90 giây 3.

KẾT LUẬN

Triệt phá qua ống thông đường dẫn truyền phụ bằng năng lượng có tần số radio trong điều trị nhịp nhanh vào lại nhĩ thất và hội chứng Wolff-Parkinson-White hiện là một phương pháp điều trị được thiết lập cho nhiều bệnh nhân rối loạn nhịp này và nó ngày càng được coi là liệu pháp đầu tay vì có tỷ lệ thành công cao, tỷ lệ tái phát và biến chứng thấp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lin Y, Wu HK, Wang TH, Chen TH, Lin YS. Trend and risk factors of recurrence and complications after arrhythmias radiofrequency catheter ablation: a nation-wide observational study in Taiwan. BMJ Open. 2019;9(5):e023487. Published 2019 May 30. doi:10.1136/bmjopen-2018-023487
  2. Doldi F, Geßler N, Anwar O, et al. In-hospital mortality and major complications related to radiofrequency catheter ablations of over 10 000 supraventricular arrhythmias from 2005 to 2020: individualized case analysis of multicentric administrative data. Europace. 2023;25(1):130-136. doi:10.1093/europace/euac146
  3. Dionne A, Gauvreau K, O’Leary E, et al. Risk Factors for Early Recurrence Following Ablation for Accessory Pathways: The Role of Consolidation Lesions. Circ Arrhythm Electrophysiol. 2020;13(11):e008848. doi:10.1161/CIRCEP.120.008848
  4. Lüscher TF. Supraventricular and ventricular tachycardias: risk factors, drugs, and ablation. Eur Heart J. 2017;38(17):1271-1274. doi:10.1093/eurheartj/ehx179
  5. Althoff TF, Mont L. Catheter ablation of supraventricular tachycardias-a success story. Europace. 2023;25(1):4-5. doi:10.1093/europace/euac180
  6. Chang SL, Tai CT, Lin YJ, et al. Electrophysiological characteristics and catheter ablation in patients with paroxysmal supraventricular tachycardia and paroxysmal atrial fibrillation. J Cardiovasc Electrophysiol. 2008;19(4):367-373. doi:10.1111/j.1540-8167.2007.01065.x
  7. Ibrahim Ali Sherdia AF, Abdelaal SA, Hasan MT, et al. The success rate of radiofrequency catheter ablation in Wolff-Parkinson-White-Syndrome patients: A systematic review and meta-analysis. Indian Heart J. 2023;75(2):98-107. doi:10.1016/j.ihj.2023.02.001
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO