Google search engine
Google search engine

Chuyên gia Đức – Việt cùng bàn luận sâu về điều trị suy tim

Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt 2024 với chủ đề “Những tiến bộ trong tim mạch học” diễn ra ngày 7/12/2024 là diễn đàn để các bác sĩ trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm về nhiều vấn đề liên quan đến tim mạch, cũng như học hỏi các vấn đề mới.

Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt 2024 với chủ đề “Những tiến bộ trong tim mạch học” diễn ra trong 2 phiên, với 12 bài báo cáo.

Trong hơn 20 năm qua, Liên chi hội Tim mạch TPHCM đã tổ chức Hội nghị Khoa học Tim mạch Đức – Việt nhằm tạo cơ hội gặp gỡ cho các y bác sĩ Việt Nam và y bác sĩ Đức của Hội Tim mạch Đức – Việt. Hội thảo năm nay thu hút hơn 150 y bác sĩ trong và ngoài nước tham dự trên cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chủ tọa đoàn và các báo cáo viên

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam – Phó Chủ tịch LCH Tim mạch TPHCM nhấn mạnh về tầm quan trọng của điều trị suy tim khi đây là bệnh lý nặng. Tỷ lệ tử vong của suy tim cao hơn rất nhiều so với ung thư vú, chỉ đứng sau ung thư phổi: “Mục tiêu điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện, cải thiện triệu chứng cơ năng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, suy tim phân suất tống máu bảo tồn được chẩn đoán khi có triệu chứng lâm sàng của suy tim; bằng chứng bất thường cấu trúc và hoặc chức năng tim đi kèm với rối loạn chức năng tâm trương thất trái/áp lực đổ đầy thất trái tăng, kể cả tăng peptide lợi niệu. Báo cáo đã cập nhật vai trò của chỉ điểm sinh học trong chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi điều trị suy tim mạn.

BS. Nguyễn Đình Quang hướng dẫn triệt đốt rung nhĩ trên bệnh nhân suy tim.

GS.BS Hans Vohringer giới thiệu các thuốc mới trong suy tim.

Phần trình bày của PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh đề cập đến vai trò của thuốc ức chế SGLT2i suy tim phân suất tống máu giảm, phân suất tống máu bảo tồn và suy tim cấp.

BS.CK2 Lê Hoài Nam – Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định – Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TPHCM khẳng định, suy tim với tỷ lệ nhập viện và tử vong cao, dẫn đến gánh nặng lớn đối với ngành y tế và bệnh nhân. SGLT2i cho thấy tác dụng có lợi trên bệnh nhân suy tim xuyên suốt dải phân suất tống máu, giảm tỷ lệ tử vong/tái nhập viện, làm chậm suy giảm chức năng thận và cải thiện triệu chứng lâm sàng, giúp đạt cả 3 mục tiêu chính trong điều trị suy tim.

GS.BS Jan-Malte Sinning trình bày chủ đề “Tái lưu thông mạch trong suy tim”.

Phần báo cáo của GS.BS Michael Fischereder đã cập nhật nhiều kiến thức liên quan đến “Hội chứng tim thận và suy tim”.

Bài báo cáo với chủ đề “Khuyến cáo về luyện tập bệnh nhân suy tim” của BS Gabriele Krahe-Fritsh được đánh giá là hữu ích và thiết thực.

ThS.BS. Đào Anh Quốc trình bày kết quả xử trí một thai nhi có bệnh không lỗ van động mạch phổi/thông liên thất biến chứng suy tim tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

ThS.BS.CK2 Huỳnh Thanh Kiều chia sẻ về hiệu quả của viên phối hợp trong kiểm soát LDL-C; vai trò của viên phối hợp liều cố định trong kiểm soát chặt LDL-Cholesterol.

PGS.TS.BS Hoàng Văn Sỹ trình bày kết quả từ những nghiên cứu trong điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE).

TS.BS Wolfgang Fehske trình bày về “Phổ rộng chẩn đoán của siêu âm tim gắng sức: Rối loạn vận động vùng, suy tim tâm trương, bệnh van tim”.

Các đại biểu tham dự đã sôi nổi đặt câu hỏi, thảo luận với các chuyên gia, báo cáo viên để rút kinh nghiệm về các điều trị mới, đồng thời có những chăm sóc mới đối với bệnh nhân suy tim.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO