Google search engine
Google search engine

Nghiên cứu Phase Iiib: So sánh hiệu quả và độ an toàn của rivaroxaban và fondaparinux trong dự phòng các biến cố huyết khối ở bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông

Huyết khối tĩnh mạch nông có thể dẫn tới huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. Nếu không được điều trị, khoảng 10% bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông sẽ phải đối mặt với hai biến chứng nguy hiểm trên.7,8

 

BS.CKII NGUYỄN THANH HIỀN

 

Hiện tại, các hướng dẫn điều trị khuyến cáo sử dụng fondaparinux hoăc heparin trọng lượng phân tử thấp trong vòng 45 ngày cho bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông.9,10

Fondaparinux là một thuốc ức chế yếu tố Xa gián tiếp, là điều trị chuẩn cho huyết khối tĩnh mạch nông. Tuy nhiên, Fondaparinux có giá thành khá cao, bệnh nhân phải chích thuốc mỗi ngày nên vấn đề chi phí-hiệu quả của fondaparinux trên huyết khối tĩnh mạch nông cần phải được xem xét.

Nghiên cứu SURPRISE được thiết kế nhằm so sánh hiệu quả và độ an toàn của rivaroxaban và fondaparinux trên bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông. Đây là một nghiên cứu tiến cứu đầu tiên đánh giá những bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch nông với nguy cơ cao bị biến chứng thuyên tắc do huyết khối dựa trên việc phân tầng nguy cơ.

SURPRISE cũng là nghiên cứu đầu tiên so sánh thuốc kháng đông đường uống trực tiếp – rivaroxaban với fondaparinux.

Đây là một nghiên cứu phase IIIb, thiết kế so sánh không kém hơn, ngẫu nhiên, nhãn mở, mù khi đánh giá kết cục, được tiến hành trên 27 trung tâm nghiên cứu tại Đức.

Đối tượng của nghiên cứu là: bệnh nhân trên 18 tuổi, được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch nông có triệu chứng tại thời điểm nghiên cứu và có ít nhất một yếu tố nguy cơ kèm theo (như trên 65 tuổi, giới nam, tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu, ung thư, bệnh tự miễn, huyết khối không liên quan đến giãn tĩnh mạch) và được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm: rivaroxaban 10 mg 1 lần/ngày hoặc fondaparinux 2.5 mg tiêm dưới da 1 lần/ngày trong vòng 45 ngày. Bệnh nhân được tuyển vào nghiên cứu phải có triệu chứng huyết khối (đoạn huyết khối tĩnh mạch nông trên bề mặt dài ít nhất 5 cm) và có thêm ít nhất 1 yếu tố nguy cơ (đã đề cập ở trên).

Tiêu chuẩn loại trừ là bệnh nhân có triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, hoặc huyết khối ở vị trí cách vùng nối đùi-hiển khoảng 3 cm, hoặc đang dùng kháng đông liều đầy đủ hoặc suy gan hay suy thận nặng. 

Kết cục tiên phát chính là: tiêu chí gộp các biến cố huyết khối tĩnh mạch sâu có triệu chứng hoặc thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch nông tiến triển hoặc tái phát và tử vong do mọi nguyên nhân trong vòng 45 ngày khởi đầu điều trị. Bệnh nhân trong cả 2 nhóm được theo dõi đến ngày thứ 90.

Tiêu chí đánh giá an toàn chính là: xuất huyết nặng.

Nghiên cứu này được tiến hành trong khoảng thời gian gần 4 năm, từ 25/4/2012 đến 18/2/2016. Tổng số bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 472 bệnh nhân với 435 bệnh nhân được đưa vào phân tích (211 bệnh nhân ở nhóm rivaroxaban và 224 bệnh nhân ở nhóm fondaparinux). Kết quả ghi nhận được như sau:

* Tỷ lệ bệnh nhân có kết cục tiên phát chính ở hai nhóm sử dụng rivaroxaban và fondaparinux tại ngày thứ 45 lần lượt là 3% và 2% (HR = 1,9; 95% khoảng tin cậy từ 0,6-6,4; p = 0,0025 cho tiêu chí đánh giá không kém hơn).

* Tỷ lệ bệnh nhân có kết cục tiên phát chính ở hai nhóm sử dụng rivaroxaban và fondaparinux tại ngày thứ 90 lần lượt là 7,1% và 6,7%.

* Không có biến cố xuất huyết nặng nào ở cả 2 nhóm điều trị. Biến cố xuất huyết trên lâm sàng nhưng không phải là biến cố nặng vào ngày 45 là 2,5% ở nhóm rivaroxaban và 0,4% ở nhóm fondaparinux.

* Vào ngày thứ 90, nhóm sử dụng fondaparinux có tăng nhẹ biến cố xuất huyết trên lâm sàng nhưng không phải là biến cố nặng.

* Có một bệnh nhân tử vong ở nhóm sử dụng rivaroxaban tại ngày thứ 50. Bệnh nhân tử vong do sốc tim sau bóc tách động mạch chủ type A, không liên quan đến thuốc điều trị.

Kết luận:

Trong điều trị huyết khối tĩnh mạch nông, rivaroxaban không kém hơn fondaparinux về mặt hiệu quả đồng thời không làm tăng nguy cơ xuất huyết nặng.

Do đó, rivaroxaban có thể cung cấp một lựa chọn điều trị rẻ hơn, không cần sử dụng đường tiêm so với fondaparinux trên bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông có triệu chứng.

Hiện tại, tại Việt Nam, rivaroxaban chưa được chỉ định trên bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch nông, nội dung trình bày trên chỉ nhằm mục đích cập nhật thông tin y khoa; Nhà sản xuất không khuyến khích và không chịu trách nhiệm cho việc sử dụng thuốc khi chưa được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Goldhaber, SZ. Preventing pulmonary embolism and deep vein thrombosis: a call to action’ for vascular medicine specialists. J Thromb Haemost. 2007; 5: 1607–1609.
2. Søgaard, KK, Schmidt, M, Pedersen, L, Horváth-Puhó, E, and Sørensen, HT. 30-year mortality after venous thromboembolism: a population-based cohort study. Circulation. 2014; 130: 829–836.
3. Prandoni, P, Lensing, AW, Cogo, A et al. The long-term clinical course of acute deep venous thrombosis. Ann Intern Med. 1996; 125: 1–7.
4. Castellucci, LA, Cameron, C, Le Gal, G et al. Efficacy and safety outcomes of oral anticoagulants and antiplatelet drugs in the secondary prevention of venous thromboembolism: systematic review and network meta-analysis. BMJ. 2013; 347: f5133.
5. Torben B Larsen, Flemming Skjøth, Jette N Kjældgaard, Gregory Y H Lip, Peter B Nielsen, Mette Søgaard. Lancet Haematol. 2017 May;4(5):e237-e244. doi: 10.1016/S2352-3026(17)30054-6. Epub 2017 Apr 11.
6. Jan Beyer-Westendorf et al. Lancet Haematology. Volume 4, Issue 3, March 2017, Pages e105–e113.
7. Decousus, H, Quere, I, Presles, E et al. Superficial venous thrombosis and venous thromboembolism: a large, prospective epidemiologic study. Ann Intern Med. 2010; 152: 218–224.
8. Prandoni, P, Tormene, D, and Pesavento, R. High vs. low doses of low-molecular-weight heparin for the treatment of superficial vein thrombosis of the legs: a double-blind, randomized trial. J Thromb Haemost. 2005; 3: 1152–1157.
9. Kearon, C, Akl, EA, Comerota, AJ et al. Antithrombotic therapy for venous thromboembolism disease: Antithrombotic Therapy and Prevention of Thrombosis, 9th edn: American College of Chest Physicians Evidence-Based Clinical Practice Guidelines. Chest. 2012; 141: e419S–e494S.
10. Kearon, C, Akl, EA, Ornelas, J et al. Antithrombotic therapy for VTE disease: chest guideline and expert panel report. Chest. 2016; 149: 315–352.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO