Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Giám định y tế – BHXH – cho biết, cuộc khảo sát mới đây của Tổ chức Y tế thế giới với 7 nhóm thuốc thông dụng (trong đó có kháng sinh) đã chỉ ra rằng, giá thuốc tại Việt Nam đang cao gấp từ 5 – 40 lần so với bình diện chung thế giới.
Theo ông Sơn, sự bất cập này một phần là do Việt Nam chưa có cơ chế quản lý giá thuốc, chưa quy định rõ vai trò của BHXH – bên phải thanh toán tiền – trong việc quản lý và đấu thầu thuốc BHYT. Việc đấu thầu vẫn là do các địa phương, bệnh viện thực hiện. Thực tế, có đến 80-90% các địa phương phê duyệt khung giá thuốc ở mức cao nhất.
Liên quan đến giá thuốc trong bệnh viện, tháng 4/2010, kết quả khảo sát của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng cho thấy, tồn tại nhiều nhà thuốc trong bệnh viện bán cao hơn giá bên ngoài. Cụ thể, khảo sát tại 6 nhà thuốc bệnh viện và 8 nhà thuốc xung quanh bệnh viện tại Hà Nội và TP.HCM thì: 2,22% mặt hàng có giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện cao hơn bên ngoài bệnh viện với tỷ lệ trung bình 6,54%.
Hình thức lạm dụng quỹ BH thông qua giá thuốc như là một “hộp đen”. |
Sau một năm Luật BHYT có hiệu lực (1/7/2009), toàn quốc đã cấp được 53 triệu thẻ BHYT, đạt 62% dân số, số người khám BHYT ngày càng tăng, trong 3 tháng đầu năm 2010, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2009.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như: việc lạm dụng các xét nghiệm, dịch vụ kỹ, mức hỗ trợ 30% với HS-SV chưa đủ để kích thích nhóm đối tượng này tham gia BHYT, số người khám BHYT tăng mà cơ sở thì chưa đáp ứng được, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, cho đến thời điểm này, vấn đề thanh toán bảo hiểm cho người bị tai nạn giao thông vẫn còn nhiều bất cập, đang được đưa ra bàn thảo và chỉnh sửa lại. Dự kiến, tháng 7/2010, Bộ Y tế sẽ trình dự thảo bổ sung và làm rõ quy định này.
Hải Yến