Nguyễn Duy H. 13 tuổi (Đông Hưng, Thái Bình) là vận động viên bóng đá khỏe mạnh. 15h chiều vẫn còn nắng nóng, em đang khởi động chuẩn bị đá bóng thì ngất xỉu. Dù được hô hấp và đưa đi cấp cứu kịp thời em vẫn hôn mê sau 10 tiếng mới tỉnh.
Em được chuyển đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng suy thận, suy tim, lơ mơ… PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa giải thích, đó là biến chứng của tình trạng ngừng tuần hoàn trong một thời gian dài.
Nhiều người lớn, trẻ nhỏ nhập viện với các biểu hiện choáng, say nắng, sốt, ngất xỉu vì nắng nóng. |
Trước đó, tại Thanh Chương, Nghệ An cũng xác nhận bà Phạm Thị Q, 65 tuổi đã chết trên đồng lúa giữa trời nắng nóng 39 độ C. Gia đình cho biết, bà đi cắt cỏ từ 9h sáng đến 17h chiều không thấy về. Khi đi tìm người ta mới phát hiện bà đã chết dưới bờ ruộng do say nắng.
BS Nguyễn Trí Dũng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, say nắng là hiện tượng sốc nắng do phơi mình quá lâu dưới ánh sáng mặt trời hoặc ở nhiệt độ cao. Thời điểm thường gặp say nắng là vào buổi giữa trưa.
Say nắng có thể kèm tổn thương thần kinh trung ương do tác động trực tiếp của tia cực tím từ mặt trời vào đầu, gáy… nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong rất nhanh. Nguyên nhân là do nhiệt độ bên ngoài quá cao, trên 40 độ C, trong khi nhiệt độ cơ thể là 37 độ C.
Cách đơn giản giúp hạ nhiệt
Để ổn định, cơ thể phải thải nhiệt ra bên ngoài, nhưng nhiệt độ bên ngoài cao hơn, đặc biệt khi thải nhiệt cần gió và độ ẩm thấp, trong khi đó, độ ẩm luôn cao khiến nhiệt độ không thoát ra được gây mất nước, ảnh hưởng đến chức năng cơ thể: tim, phổi, rối loạn điện giải… dẫn đến say nắng, cảm nắng.
Tình trạng này hay gặp ở những người hoạt động kéo dài trong môi trường có nhiệt độ cao, đi quá lâu ngoài đường, thời gian phơi nắng dài quá mức chịu đựng của cơ thể. Đặc biệt, ở một số trường hợp do đặc thù sức khoẻ kém hoặc đang suy yếu miễn dịch sẽ dễ bị say nắng.
Khi bị say nắng, ngay lập tức cần làm hạ thân nhiệt người bệnh. Chườm mát toàn thân bằng khăn thấm nước mát; Lau nhẹ nhàng vùng nách, cổ, bẹn, chân tay… Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước từ từ, từng ít một (có thể cho người bệnh uống Oresol (pha với 1,5 – 2 lít nước) hoặc thay bằng nước đun sôi pha với ít muối và đường, sau đó cho uống nước trái cây, nước khoáng…) để tránh nôn.
Theo dõi thân nhiệt đến khi hạ xuống còn 37 hay 38 độ C là coi như qua nguy hiểm. Trường hợp xử trí ban đầu không có kết quả và có biểu hiện nặng hơn (không uống nước được, nôn liên tục, sốt tăng liên tục, bất tỉnh…) cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Quốc gia, nóng làm giãn mạch, tụt huyết áp. Người sức khỏe bình thường lẫn người có bệnh mạn tính như huyết áp, tim mạch đều dễ tụt huyết áp trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Vì vậy, nên giữ cơ thể bằng cách mặc đồ thoáng mát, tránh ra trời nắng nếu không nhất thiết phải ra ngoài. Người già, trẻ nhỏ càng cần phải chú ý đảm bảo đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Giải nhiệt cho cơ thể bằng các loại nước cam, chanh muối, mơ muối, nước lọc, nước canh rau… Cần đảm bảo đủ nước cho cơ thể để bù vào lượng mồ hôi thoát ra ngoài. |
Thúy Nga – Hoài Hương