Google search engine

Chụp X-quang vượt liều sẽ gây suy tủy, ung thư

(Bee) – Khi đi vào cơ thể, bức xạ ion sẽ gây ra các hiệu ứng sinh học, nếu bị nhiễm xạ, nhẹ thì bị mệt mỏi, buồn ngủ, bỏng rát da, rụng tóc, đục thủy tinh thể… nặng hơn thì bị phá hủy cấu trúc tế bào.

Sau khi đăng tải thông tin hàng loạt các bệnh viện chiếu xạ vượt liều cho bệnh nhân, Bee đã nhận được khá nhiều ý kiến của độc giả tỏ ra lo sợ cũng như những bức xúc về sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận y bác sĩ.

Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với PGS.TS Trần Đình Hà, Phó GĐ Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để tìm hiểu rõ việc chiếu xạ vượt liều có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người bệnh.

PGS.TS Trần Đình Hà cho biết, hiện nay bức xạ ion hóa được ứng dụng để chẩn đoán, điều trị bệnh và nghiên cứu y sinh học khá phổ biến.

Cụ thể, người ta dùng các thiết bị phát bức xạ ion hóa để chẩn đoán như máy chụp X-quang, máy chụp cắt lớp vi tính, máy cộng hưởng từ… nhằm thăm dò chức năng của các tổ chức cơ quan trong cơ thể như các tuyến nội tiết, thận – tiết niệu, gan – mật, tuần hoàn…

Bức xạ ion hóa được dùng để xạ hình chức năng bao gồm xạ hình bằng máy scaner, các máy gamma camera, xạ hình SPECT, chụp PET, PET/CT…

Trong điều trị, người ta còn dùng các thiết bị phát ra các bức xạ ion hóa như máy xạ trị phát ra tia X, tia gamma …; còn sử dụng các đồng vị phóng  xạ dưới dạng thuốc vào đưa trong cơ thể dưới dạng uống, tiêm truyền, cấy hạt phóng xạ vào khối u.

Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: TL

Khi đi vào cơ thể, bức xạ ion sẽ gây ra các hiệu ứng sinh học, nếu bị nhiễm xạ, tùy theo liều chiếu mà có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau, đó có thể là các biểu hiện cấp tính hoặc những biểu hiện muộn về sau.

Nhẹ thì gây mệt mỏi, buồn ngủ, bỏng rát ở da, rụng tóc, với mắt gây đục thể thủy tinh, giảm thị lực, với hệ thần kinh choáng váng, chóng mặt, về tiêu hóa: buồn nôn, nôn, viêm các niêm mạc đường tiêu hóa…

PGS.TS Trần Đình Hà
PGS.TS Trần Đình Hà

Nếu bị chiếu xạ liều cao sẽ gây ra hiện tượng phá hủy cấu trúc tế bào, dẫn đến rối loạn chức năng tế bào, tổ chức trong cơ thể. Chẳng hạn, nếu bị chiếu xạ liều cao vào tủy xương sẽ gây ra suy tủy.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Hà: “Thực ra, ở các bệnh viện thì vấn đề an toàn bức xạ luôn luôn được kiểm soát. Bên cạnh đó, tất cả những liều chẩn đoán điều trị đều được tính toán liều lượng ở mức cho phép, không đến mức quá nguy hiểm nên các bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng”.

Điều quan trọng nhất trong vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ ion hóa khi sử dụng phải đạt được 3 yêu cầu: An toàn cho người bệnh, an toàn cho cán bộ – nhân viên y tế và an toàn cho môi trường.

“Cơ sở hạ tầng phải bảo đảm theo đúng quy định của Cục kiểm soát an toàn bức xạ hạt nhân của Bộ KHCN,phòng phải được xây, được làm bằng các vật liệu che chắn bức xạ ion hóa, để bảo đảm các bức xạ ion hóa không lọt ra ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường và người xung quanh. Các thiết bị bức xạ phải bảo đảm chất lượng, phải được kiểm chuẩn liều lượng bức xạ”.

Hải Huyền

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
XEM THÊM

DANH MỤC

THÔNG BÁO